29/11/2024

Khi hội đồng sư phạm bình thản lặng im

Câu chuyện dân chủ trong trường học khó lắm thay, khi mà điều này không xuất phát từ người đứng đầu

 

Khi hội đồng sư phạm bình thản lặng im

 Câu chuyện dân chủ trong trường học khó lắm thay, khi mà điều này không xuất phát từ người đứng đầu và khi hiệu trưởng là “vua một cõi”.

 

 

 

Khi hội đồng sư phạm bình thản lặng im
Tranh: NOP

Trường đứng trên địa bàn nông thôn, một vùng khá xa thị trấn. Con em nhân dân đến học tại trường từ xã nhà hoặc các xã lân cận, có khi quãng đường đi – về phải hơn 20km. Phụ huynh các em hoặc làm nông tại gia, hoặc làm thuê, công nhân xí nghiệp.

Số nhà gọi là khá giả trong địa phương cũng nhiều, song không thể chiếm thế ưu trội ở một xã thuần nông.

Khuôn viên trường rất rộng. Từ khi được xây mới, trường cũng liên tục được làm mới diện mạo để hướng đến ngôi vị… nhất tỉnh – cái nhất đã được chứng nhận bằng một giấy khen có tên là Xanh – sạch – đẹp nhất, đã được trao cách đây 2 năm.

Rồi cũng từ đó, nhà trường luôn tìm cách giữ vững danh hiệu ấy. Trong năm học, học sinh sẽ được “vận động” để góp tiền vào xây dựng cái gọi là công trình nhà trường.

Gần 2 nhiệm kỳ của thầy hiệu trưởng mới, đã vài lứa học sinh rời trường, các em đều phải “có trách nhiệm” khi được… vận động, mỗi một công trình đều vượt con số chục triệu đồng.

Để rồi cũng chính các em mỗi sáng phải vất vả vào chăm sóc cho chính cái sản phẩm mà mình xin tiền gia đình để góp vào: khi là thảm cỏ như trong sân golf, khi là một hồ cá kiểng được trang trí non bộ rất công phu, khi lại là thảm hoa rực rỡ khoe sắc…

Vào lúc bắt đầu một ngày mới, các em học sinh chưa nạp được tí năng lượng nào cho cơ thể để bắt đầu ngày học của mình thì đã phải nhanh chân cho kịp giờ chăm “công trình” được phân công theo quy định (nếu chăm sóc hoa kiểng trễ nải, lập tức bị khống chế thi đua lớp).

Không chỉ có vậy, riêng học sinh cuối cấp, các em lớp 12, mỗi dịp cuối năm học đều phải có quà tặng cho nhà trường. Thường thì lãnh đạo trường đã làm “công tác tư tưởng” trước cho các giáo viên chủ nhiệm về việc nhà trường đang mong muốn trang trí thêm gì cho khuôn viên…

Có lẽ đó cũng là một cách làm vui lòng cấp trên, nên chẳng có giáo viên chủ nhiệm nào lên tiếng giúp cho học sinh, rằng việc tặng quà kỷ niệm lại cho nhà trường không phải là trách nhiệm của các em và gia đình, rằng trong suốt 3 năm học tập tại trường chính các em đã 3 lần có “công trình nhà trường” để lại kèm với bao nhiêu mồ hôi (thậm chí cả nước mắt) cho việc chăm sóc những công trình ấy.

Đặc biệt, có giáo viên còn “vận động” học sinh quyên góp với một số tiền cao gấp vài lần con số nhà trường đề xuất, coi đó như một “niềm hãnh diện” vì đã vượt “chỉ tiêu” đặt ra!

Mới đây, trên báo Tuổi Trẻ, có người đã đề xuất giáo viên cần dạy cho học sinh tư duy phản biện. Điều này liệu có ý nghĩa hay không khi mà chính người đi dạy cái việc phát huy, khơi gợi trong các em tư duy ấy còn chưa… dám phản biện?

Bởi thế, quan niệm giáo dục cũng chính là quá trình tự giáo dục phải được thấm nhuần trước cái đã.

Trong ngôi trường ấy, cũng không phải không có ý kiến đặt ra: Tại sao nhà trường không phải là người tặng quà cho các em lớp 12 khi rời trường, mà phải là các em? Tại sao nhà trường không tranh thủ các nguồn lực xã hội khác để tạo dựng cơ sở vật chất, mà luôn phải “gợi ý” phụ huynh (thông qua học sinh)?

Tại sao phải là những công trình có giá trị tô điểm, làm đẹp bề ngoài, mà không phải là một mô hình thư viện xanh, vốn có ý nghĩa kích thích, nhân rộng văn hóa đọc đang dần bị lãng quên?…

Im lặng cho nó lành!

Với những sáng kiến kiểu “công trình nhà trường”, quà tặng nhà trường, người ta lấy ý kiến tập thể bằng những cái giơ tay. Cả một hội đồng sư phạm cúi đầu trầm tư hoặc bình thản lặng im. Để rồi sau phiên họp “dân chủ” ấy, nhiều người rỉ tai nhau rằng “im lặng cho nó lành”, rằng thấy thương học trò lắm, nhưng “thế thời thời thế nên phải thế”, đành chịu.

Cũng không phải không có giáo viên tỏ ra bất bình khi chính mình cũng phải khổ sở vì cái sự làm đẹp cho trường: để chăm sóc cho hoa kiểng tốt tươi, thầy với trò phải đi xin phân bò ở nhà dân vào bón cho trường, không kịp theo quy định là phải chịu chế tài theo lệnh thầy hiệu trưởng!

Thậm chí, có giáo viên đã đội mưa cùng với học sinh đi xin phân cho kịp “tiến độ bón phân”, rồi uất ức đến phát khóc khi mà công việc nhà mình chưa chắc mình đã ra tay nhiệt tình đến vậy.

Thoạt nghe có vẻ nói quá, nhưng tất cả những điều trên đều có thật và đang diễn ra ở một trường vùng nông thôn, nhiều năm nay rồi.

Câu chuyện dân chủ trong trường học khó lắm thay, khi mà không xuất phát từ người đứng đầu. Câu chuyện hiệu trưởng là “vua một cõi”, nhất là ở vùng nông thôn, không phải là chuyện hiếm.

Và hiện giờ, ở ngôi trường ấy, khối 12 lại đang lục tục chuyện tặng quà theo ý nhà trường, nghe đâu lần này hơn 200 em học sinh khối 12 đã góp được ngoài chục triệu đồng cho chuyện tặng quà năm cuối cấp. Và cũng nghe đâu, chính thầy hiệu trưởng là người đích thân đi chọn quà về…

ĐỖ (TÂY NINH)