10/01/2025

Đào tạo tiến sĩ: siết ‘đầu vào’, nâng ‘đầu ra’

Đây là tinh thần của quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mà Bộ GD-ĐT mới ban hành và chính thức công bố ngày 10-4.

 

Đào tạo tiến sĩ: siết ‘đầu vào’, nâng ‘đầu ra’

Đây là tinh thần của quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mà Bộ GD-ĐT mới ban hành và chính thức công bố ngày 10-4.

 

 

 

Đào tạo tiến sĩ: siết 'đầu vào', nâng 'đầu ra'
Ngay từ khi Bộ GD-ĐT uỷ quyền cho các cơ sở đào tạo được cấp bằng tiến sĩ, Viện Toán học đã đặt ra quy chế: nội dung luận án phải được đăng trong ít nhất 2 bài báo trên các tạp chí toán học quốc tế được Hội Toán học Mỹ điểm danh hoặc có ít nhất 1 bài đăng trên tạp chí ISI và 1 bài trên tạp chí quốc gia. Trong ảnh: GS.TSKH Nguyễn Đông Yên (Viện Toán học) trao đổi học thuật với các nghiên cứu sinh – Ảnh: Nguyễn Khánh

Không dùng chứng chỉ ngoại ngữ trong nước cấp

Theo Bộ GD-ĐT, điều kiện dự tuyển trình độ đào tạo tiến sĩ có nhiều điểm mới, nâng cao hơn trước đây.

Trong khi quy định hiện hành chỉ yêu cầu ứng viên dự tuyển có chứng chỉ trình độ ngoại ngữ tương đương cấp độ B1 hoặc bậc 3/6 trở lên theo khung tham khảo châu Âu chung về ngoại ngữ, thì theo quy chế mới, điều kiện về trình độ ngoại ngữ của ứng viên được nâng cao hơn hẳn.

Cụ thể, các ứng viên phải có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 45 trở lên hoặc chứng chỉ IELTS (Academic Test) từ 5.0 trở lên hoặc chứng chỉ TOEIC từ 500 điểm trở lên do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp trong thời hạn 2 năm kể từ ngày cấp đến ngày đăng ký dự tuyển.

Quy định mới cũng không sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ theo chuẩn châu Âu mà một số trường ĐH trong nước được tổ chức thi và cấp chứng chỉ như trước đây, mà chỉ sử dụng các chứng chỉ quốc tế tương đương.

Quy định hiện hành cho phép những người tốt nghiệp ĐH loại khá cũng có thể dự tuyển, nhưng với quy định mới, muốn học tiến sĩ, các ứng viên phải có bằng thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học loại giỏi. Một điểm mới khác trong yêu cầu về “đầu vào” là quy định bổ sung yêu cầu phải có bài báo trước khi dự tuyển.

Theo đó, ứng viên phải là tác giả 1 bài báo hoặc báo cáo liên quan đến lĩnh vực dự định nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành có phản biện.

Tuy nhiên, quy chế cũng có những điểm cởi mở hơn trước. Cụ thể, quy định hiện hành chỉ giới hạn trường ĐH chỉ được tuyển sinh 1-2 lần trong năm thì quy chế mới cho phép các cơ sở đào tạo tuyển sinh không giới hạn số lần trong năm.

Muốn bảo vệ luận án, phải có bài báo quốc tế

Đây là quy định mang tính đột phá của quy chế mới so với những quy định về đào tạo tiến sĩ từ trước đến nay.

Hiện tại, để được bảo vệ luận án tiến sĩ, nội dung luận án chỉ cần được công bố trong 2 bài báo trên tạp chí khoa học chuyên ngành có phản biện độc lập, được Hội đồng chức danh GS nhà nước tính điểm, có trong danh mục các tạp chí khoa học mà cơ sở đào tạo quy định cho mỗi chuyên ngành đào tạo.

Tuy nhiên, với quy định mới, tiêu chuẩn bài báo khoa học không tính đối với các tạp chí khoa học trong nước mà chỉ xét trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín.

Cụ thể, nghiên cứu sinh (NCS) phải công bố nội dung và kết quả nghiên cứu luận án trong tối thiểu 2 bài báo, trong đó có ít nhất 1 bài đăng trong tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí của cơ sở dữ liệu ISI Thomson Reuters hoặc của cơ sở dữ liệu Scopus – Elsevier hoặc 2 báo cáo đăng trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện (hoặc 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện khác).

Cùng với nâng chuẩn NCS, Bộ GD-ĐT cũng nâng các điều kiện đối với người hướng dẫn: người hướng dẫn cũng phải là tác giả chính tối thiểu 1 bài báo hoặc công trình khoa học đăng trên tạp chí thuộc danh mục các tạp chí ISI – Scopus hoặc là tác giả chính của tối thiểu 2 báo cáo đăng trên kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện, hoặc 2 bài báo hoặc công trình khoa học đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện…

Quy chế mới cũng quy định rõ “cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột của NCS không tham gia hội đồng đánh giá luận án cấp trường, viện”.

Hai giai đoạn thực hiện

Theo Bộ GD-ĐT, quy chế sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 18-5-2017. Tuy nhiên, phải từ khoá tuyển sinh ngày 1-1-2019 trở đi, toàn bộ quy định của thông tư ban hành quy chế tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ mới chính thức có hiệu lực một cách đồng bộ.

Đối với khoá tuyển sinh từ 18-5-2017 đến 31-12-2018 sẽ chấp nhận tiêu chuẩn thấp hơn về bài báo quốc tế đối với cả người hướng dẫn và NCS.

Cụ thể, người hướng dẫn đề tài thuộc nhóm ngành 1 (nhóm ngành KHXH-NV, kinh doanh, quản lý, nghệ thuật…) chỉ cần là tác giả chính của tối thiểu 1 bài báo bằng tiếng nước ngoài đăng trên các tạp chí thuộc danh mục các tạp chí khoa học chuyên ngành của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước…; còn người hướng dẫn đề tài nhóm ngành 2 (khoa học tự nhiên, sự sống, y tế…) chỉ cần là tác giả chính tối thiểu 1 báo cáo hoặc công trình khoa học đăng trong kỷ yếu hội thảo quốc tế hoặc tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện…

Tương tự, NCS thuộc nhóm ngành 1 chỉ cần phải công bố nội dung và kết quả nghiên cứu của luận án trong tối thiểu 2 bài báo, trong đó có 1 bài báo bằng tiếng nước ngoài trên các tạp chí thuộc danh mục các tạp chí khoa học chuyên ngành của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước hoặc trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín của nước ngoài.

NCS thuộc nhóm ngành 2 chỉ phải công bố nội dung và kết quả nghiên cứu của luận án trong tối thiểu 2 bài báo hoặc báo cáo, trong đó có 1 báo cáo đăng trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 1 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện.

NGỌC HÀ