12/01/2025

Khắc phục ‘loạn’ chuẩn cốt nền

Sau bài viết “Dân khổ vì cốt nền”, nhiều ý kiến bàn luận đến việc làm sao để khắc phục tình trạng nhà biến thành hầm hoặc thành “nhà sàn” khi nâng, hạ đường.

 

Khắc phục ‘loạn’ chuẩn cốt nền 

 Sau bài viết “Dân khổ vì cốt nền”, nhiều ý kiến bàn luận đến việc làm sao để khắc phục tình trạng nhà biến thành hầm hoặc thành “nhà sàn” khi nâng, hạ đường.

 

 

 

Khắc phục 'loạn' chuẩn cốt nền 
Nhà cao hơn vỉa hè đường Phạm Văn Đồng (P.1, Q.Gò Vấp) gần 1m nên người dân lắp thêm những tấm sắt để dẫn xe máy lên nhà làm mất vẻ mỹ quan đô thị và gây nguy hiểm cho khách bộ hành – Ảnh: TỰ TRUNG

* KTS Nguyễn Ngọc Dũng (Hội Kiến trúc sư TP.HCM):

Phối hợp 
tìm cốt chuẩn

Vấn đề cốt nền đã được khuyến cáo cách đây gần 20 năm, khi TP mới bắt đầu xây dựng những khu mới, nhưng lúc đó ít ai quan tâm.

Cốt nền liên quan đến rất nhiều ngành như môi trường, giao thông, thuỷ lợi, đất đai, kiến trúc – xây dựng…, nhưng chúng ta không có tổng hợp thống nhất về quy hoạch cốt nền cho hệ thống thoát nước, chống triều cường… chung của các ngành đó.

Mặt khác, hiện nay khống chế cốt nền của TP.HCM là 2,2m nhưng đây chỉ là cốt nền chuẩn tránh triều cường, còn từ 2,2m đó tăng lên như thế nào để thoát hệ thống thoát nước cống, thoát nước mặt… lại không xác định được.

Cho nên hệ thống giao thông của TP hiện nay cũng chỉ xác định theo cốt nền từng vùng chứ không phải cốt chung toàn TP.

Chưa kể, cốt nền TP khi sử dụng mốc này, khi mốc khác nên giải quyết thống nhất thành mốc chuẩn rất khó.

Do vậy, cần có một cơ quan chủ trì tổng hợp tất cả số liệu, hiện trạng mốc cốt nền để đề ra mốc mới dựa trên cơ sở quy hoạch thuỷ lợi, quy hoạch thoát nước mặt…, khi đó mới hình thành được cốt chuẩn của TP.

Hiện nay, hầu hết khu vực trên địa bàn TP, nhà dân đã xây kín nên vấn đề xác định cốt nền chuẩn là bài toán khó, TP cần phải tham khảo, lấy ý kiến của nhiều nhà chuyên môn mới hi vọng tháo gỡ được.

* TS Nguyễn Ngọc Hiếu (giảng viên Trường ĐH Việt – Đức):

Sử dụng hệ thống cống ngăn triều

Vài chục năm gần đây, đô thị TP.HCM phát triển tự phát sang những khu vực rất trũng, quy hoạch và quản lý nhà nước không theo kịp nên chuyện cốt nền cũng không được chú trọng.

Khi nhà và đường đã lấp đầy những vùng trũng thì mới phát sinh chuyện chống ngập nên “điệp khúc” nâng đường, nâng nhà giữa Nhà nước và người dân chứ xoay vần.

Theo lý thuyết, nếu Nhà nước cấp cho người dân cốt xây dựng (trong giấy phép xây dựng) chiếu theo cao độ chuẩn quốc gia, người dân làm đúng giấy phép thì nhà sẽ không bao giờ bị ngập, sau này đường có được nâng cao mấy cũng không lo nền nhà thấp hơn mặt đường, thành chỗ chứa nước.

Tuy nhiên, chiếu theo thực tế thì hoàn toàn… trật lất bởi cốt nền theo độ cao chuẩn quốc gia có khi nhà cao hơn so với mặt đường hiện hữu 1-2m.

Không chỉ người dân khi xây dựng mới thấy mà chính những cơ quan quản lý nhà nước đã thấy và lường trước chuyện này.

Ngược lại, như chuyện đường Kinh Dương Vương ở Q.Bình Tân thời gian qua là một ví dụ khác.

Đơn vị thiết kế tính toán sẽ phải nâng lên theo đúng chuẩn để bảo đảm đường không bị ngập trong một thời gian dự báo và tần suất triều cường nhất định.

Nhưng để làm “chuẩn” như vậy thì gần như mọi thứ trong khu vực bị đảo lộn, mặt đường cao hơn nền nhà dân, cao hơn hẻm cả mét và giải pháp dung hoà cuối cùng Nhà nước phải chọn là hạ độ cao của con đường.

Đó là một vòng luẩn quẩn mà những khu đô thị tự phát trong vùng trũng thấp của TP.HCM phải chịu. Khắc phục việc này rất tốn kém cả tiền của Nhà nước và thiệt hại cho người dân mà hiệu quả lại không cao.

Theo tôi, trước mắt, cả Nhà nước và người dân trong những khu trũng thấp phải chấp nhận tình trạng trên, Nhà nước và người dân cần thời gian dài để nâng cấp từng bước chứ không thể theo kiểu xoá bàn làm lại từ đất trống như những khu đô thị mới.

Hiện tại, TP.HCM đang xây dựng hệ thống cống ngăn triều để kiểm soát mực nước triều tại một số hệ thống sông, kênh rạch trên địa bàn TP (kênh Đôi, kênh Tẻ, Tàu Hủ, Hàng Bàng…).

Sau khi công trình này hoàn thành thì mực nước triều ở một số khu vực sẽ được kiểm soát, hạn chế được việc phải nâng đường, nâng nhà… trong lưu vực ảnh hưởng của những kênh, rạch trên.

Đó là một dự án đem lại giải pháp căn cơ mà chính quyền TP cần đẩy nhanh tiến độ, giám sát việc thực hiện đúng để đem lại hiệu quả có lợi cho người dân, giải quyết được cái vòng luẩn quẩn ở trên.

Đối với những khu vực phát triển đô thị mới, các đồ án quy hoạch gần như hoàn chỉnh với độ cao cốt nền đầy đủ thì Nhà nước cần kiểm soát để chủ đầu tư và người dân xây dựng, san lấp đúng cao độ cốt nền chuẩn quốc gia.

Chủ đầu tư dự án nào, khu đô thị nào không tuân thủ thì kiên quyết không nghiệm thu hạ tầng, không cho xây dựng mới công trình, không giao dự án mới để không xảy ra tình trạng cốt nền lộn xộn như những khu dân cư cũ.

Ông Nguyễn Hồng Tiến (cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng):

Phải dựa vào bản đồ thiết kế, quy hoạch để tính toán cao độ nền

Cao độ nền nhà nằm trong đất xây dựng. Thông thường, trong giấy phép xây dựng phải cấp cao độ nền xây dựng để từng cá nhân tuân thủ.

Trong quy hoạch chi tiết 1/500 có quy định về cao độ nền xuất phát từ bản đồ san nền thoát nước…

Hiện nay vẫn không có quy định chung về độ cao bao nhiêu giữa nền nhà dân và lòng đường vì phải dựa vào bản đồ thiết kế, quy hoạch để tính toán cao độ nền cho từng khu vực cụ thể.

Chênh cao bao nhiêu phụ thuộc vào điều kiện địa hình, điều kiện các mối quan hệ giữa khu đất đó với khu vực xung quanh để xác định cao độ nền. Và tuỳ thuộc vào quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung xây dựng đô thị.

Để khống chế cao độ nền ở mức hợp lý, đồng bộ thì quy hoạch chi tiết phải tuân thủ. Trong quy chuẩn 01-2008 của Bộ Xây dựng về quy hoạch xây dựng cũng đã nói đến vấn đề này.

Để đồng bộ trên một khu phố thì còn phải dựa vào nhiều mối quan hệ khác. Ví dụ như nhà xây dựng trước hay sau khi có đường, có phép hay không có phép.

Đường được xây dựng mới hay cải tạo, từ đó định hình đúng, sai để có những giải pháp phù hợp.

Quang Thế ghi

D.N.HÀ – TIẾN LONG ghi