29/11/2024

Làm hồ điều tiết ngầm chống ngập cho Sài Gòn

Công ty cổ phần VMC (VMC Group, VN) và Tập đoàn Sekisui (Nhật Bản) đang phối hợp cùng Trung tâm điều hành chống ngập TP.HCM đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng thí điểm hồ điều tiết ngầm tại Q.Thủ Đức, TP.HCM.

 

Làm hồ điều tiết ngầm chống ngập cho Sài Gòn

Công ty cổ phần VMC (VMC Group, VN) và Tập đoàn Sekisui (Nhật Bản) đang phối hợp cùng Trung tâm điều hành chống ngập TP.HCM đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng thí điểm hồ điều tiết ngầm tại Q.Thủ Đức, TP.HCM.




TP.HCM ngập nặng chỉ sau cơn mưa trái mùa ngày 1.4 vừa qua
 /// Ảnh: Độc Lập

 

TP.HCM ngập nặng chỉ sau cơn mưa trái mùa ngày 1.4 vừa quaẢNH: ĐỘC LẬP

Nếu hiệu quả, nhà đầu tư sẽ đề xuất mở rộng làm hàng loạt hồ điều tiết khác trên địa bàn TP.
Tái sử dụng nước hồ
Ngoài công năng chính là chống ngập do mưa thì hồ điều tiết ngầm còn có khả năng trữ nước để phục vụ tưới cây xanh, cảnh quan, cứu hoả, thậm chí có thể sử dụng nguồn nước này để phục vụ ăn, uống trong sinh hoạt hằng ngày. Diện tích hồ khoảng 40 m2, đào sâu hơn 10 m, trữ khoảng 95% nước mưa. Sau đó, được bơm lên qua hệ thống lọc để có thể tái sử dụng cho việc tưới công viên, cây xanh và phòng cháy chữa cháy, giảm chi phí cho nhà nước do không phải sử dụng nước máy; không gây ô nhiễm môi trường vì không bị vứt rác hay vật nuôi chết xuống hồ; thời gian thi công và tái lập mặt bằng nhanh; chi phí phù hợp.
 
 
Làm hồ điều tiết ngầm chống ngập cho Sài Gòn - ảnh 1
Chọn công nghệ nào cũng được, nhưng tôi xin lưu ý là chỉ nên xem đây như giải pháp mang tính hỗ trợ trong việc thoát nước mưa chứ không thể thay thế cho giải pháp chính

Làm hồ điều tiết ngầm chống ngập cho Sài Gòn - ảnh 2
 
PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu – ĐHQG TP.HCM
 

Ông Trần Văn Chín, Chủ tịch HĐQT VMC Group, cho biết công nghệ này được Nhật Bản áp dụng thành công đã nhiều năm. Ở Nhật, tất cả những công ty chiếm dụng không gian ngầm nhằm mục đích kinh doanh thương mại, giữ xe… phải trả phí để xây dựng và duy trì hoạt động các hồ điều tiết ngầm. Đó là vì nước mưa tại những khu vực này đều phải chảy sang chỗ khác.

Theo giải thích của ông Chín, chống ngập thường có 2 phương pháp là ngăn triều và chứa nước mưa. Đối với các hồ điều tiết chứa nước mưa, có thể tận dụng mặt bằng là các công viên, bãi đậu xe để làm hồ ngầm bên dưới. Các hồ này được thiết kế kết nối với hệ thống thu gom nước mưa.
“TP.HCM đang rất đau đầu trong việc cân đối ngân sách hàng chục ngàn tỉ đồng để chống ngập. Nếu làm theo giải pháp hồ điều tiết ngầm công nghệ Nhật Bản, nên xác định bao nhiêu hồ rồi thực hiện là giải quyết được vấn đề ngập nước do mưa tại TP. Đó là chưa kể những lợi ích khác mang lại từ việc tiết kiệm được chi phí rất lớn hằng năm cho sử dụng nước thủy cục để tưới cây, chữa cháy”, ông Chín nói và ví dụ ngay trước khu vực Dinh Thống Nhất (Q.1), có thể làm hồ điều tiết diện tích khoảng 2.000 m2. Hay tại đường Nguyễn Huệ (Q.1) cũng có thể làm hồ điều tiết ngầm, vừa giải quyết được tình trạng ngập cho khu vực các tuyến đường xung quanh đồng thời sử dụng nước mưa để tưới cây, chữa cháy. Thậm chí, hệ thống lọc có thể cho ra nước sử dụng để ăn uống. Doanh nghiệp này và Sekisui cũng đề xuất đầu tư xây dựng hồ điều tiết ngầm tại các công viên và sân bay Tân Sơn Nhất.
Ngày 29.3, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, sau khi nghe báo cáo đề án đã đồng ý cho các doanh nghiệp tự bỏ kinh phí xây thí điểm hồ điều tiết giải quyết ngập ở Q.Thủ Đức. Hồ được đánh giá dễ thi công tháo lắp, chịu tải thẳng đứng 25 tấn nên sau khi xây ngầm xong sẽ hoàn trả mặt bằng. Ông Tuyến, đồng thời là phó ban điều hành đề án đô thị thông minh, cho rằng đây là công trình mẫu, phải thi công đảm bảo tiến độ và không bị khó khăn do thời tiết mùa mưa. Thời gian thi công dự kiến 5 tuần, hoàn thành tháng 6.2017 và vận hành thử tháng 7.2017.
Kết hợp bãi đậu xe ngầm
Nhận định về giải pháp hồ điều tiết, PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu – ĐHQG TP.HCM, cho rằng đây là một trong những giải pháp nhằm chứa nước mưa, đã được ứng dụng tại nhiều nước. Trước đây, một doanh nghiệp đến từ Đức cũng đã đề xuất giải pháp tương tự nhằm hỗ trợ chống ngập cho TP.HCM. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên đã không được chọn. Nay, TP chọn công nghệ từ Nhật.
“Chọn công nghệ nào cũng được, nhưng tôi xin lưu ý là chỉ nên xem đây như giải pháp mang tính hỗ trợ trong việc thoát nước mưa chứ không thể thay thế cho giải pháp chính”, ông Hồ Long Phi cho biết.
Theo PGS-TS Hồ Long Phi, hệ thống thoát nước mới là giải pháp chính để chống ngập do mưa. Nếu TP.HCM trữ toàn bộ nước mưa thì chi phí cực kỳ lớn. Khi mưa vượt tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước thì có thể áp dụng thêm giải pháp làm hồ điều tiết. Hơn nữa, việc thí điểm làm hồ điều tiết ngầm, tốt nhất nên làm ở khu vực trung tâm TP khi hệ thống thoát nước hiện hữu bị quá tải. Chứ làm thí điểm tại Q.Thủ Đức là chưa phù hợp vì khu vực này chưa có hệ thống thoát nước mưa nên cần tiếp tục xây dựng. Sau đó, mới tiến đến làm hồ điều tiết ngầm. “Cần nói ngay từ đầu rằng đây là giải pháp hỗ trợ chứ không phải giải pháp chính để hết ngập, để người dân không quá kỳ vọng”, PGS-TS Hồ Long Phi lưu ý.
KTS Ngô Viết Nam Sơn thì chú trọng đến vị trí làm hồ điều tiết để tăng tính hiệu quả. Cụ thể, nên làm hồ điều tiết ngầm ở những khu vực đô thị hoá cao thì hiệu quả hơn. Còn ở những khu vực như Q.Thủ Đức nên làm hồ điều tiết nổi để giảm chi phí đầu tư. KTS Ngô Viết Nam Sơn gợi ý, hiện nay TP.HCM không khuyến khích làm bãi đậu xe ngầm ở các công viên. Luôn dịp này, nên gắn kết việc làm bãi đậu xe ngầm kết hợp làm hồ điều tiết ngầm sẽ hợp lý hơn. Đồng thời, về mặt kỹ thuật, hồ điều tiết ngầm có thể giúp lấy bớt lượng nước thẩm thấu tại các bãi đậu xe ngầm.
Bên cạnh đó, theo KTS Nam Sơn, những khu vực đang bị ngập rất nặng, như đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) nên gắn kết trách nhiệm của các chủ tòa nhà xung quanh trong việc làm các hồ điều tiết ngầm.
TP.HCM hiện có 35 điểm ngập
Chiều 7.4, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm chống ngập TP.HCM, cho biết toàn TP hiện có 35 điểm ngập. Trong đó, 17 điểm ngập hiện hữu. 18 điểm còn lại ngập nhẹ, chỉ ngập khi mưa trên 100 mm. 18 điểm này sẽ được thực hiện các dự án để xóa ngập.
Năm 2015, TP.HCM đã chọn được một số địa điểm để xây hệ thống tạm trữ nước mưa giúp giảm áp lực tiêu thoát nước lên hệ thống cống chung, tái sử dụng nước mưa là các bể chứa tại các khu dân cư, công sở, sử dụng làm vệ sinh, tưới cây… Ngoài ra, một số hồ cảnh quan khác có khả năng mở rộng, gia cố chuyển thành hồ điều tiết như: hồ trong công viên Linh Đông (Q.Thủ Đức) với diện tích hiện khoảng 8 ha, hồ 2 ha nằm trong khu 87 ha tại P.An Phú, Q.2, công viên P.An Lạc 1,4 ha tại Q.Bình Tân, ao Song Tân 7,4 ha tại Q.7, công viên Vĩnh Lộc 85 ha tại H.Bình Chánh, công viên P.An Phú Đông 1,7 ha và P.Thạnh Xuân 150 ha tại Q.12, khu vực công viên Gia Định thuộc Q.Gò Vấp…

Hai dự án cấp và thoát nước TP.Đà Lạt chậm tiến độ

Ngày 8.4, ông Hà Ngọc Quế, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Lâm Đồng (Công ty cấp thoát nước Lâm Đồng), cho biết 2 dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp và thoát nước TP.Đà Lạt đang bị chậm tiến độ. Theo kế hoạch, 2 dự án này phải hoàn thành cuối năm 2016, thế nhưng với tiểu dự án cấp nước đang vướng việc giải phóng mặt bằng nên chưa thể thi công công trình bể chứa Vạn Thành. Tiểu dự án thoát nước còn một số hạng mục chưa hoàn thành, trong đó chưa đấu nối xong ống thoát nước cho hàng ngàn hộ dân vào hệ thống thoát nước chung của TP. UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Công ty cấp thoát nước Lâm Đồng đẩy nhanh tiến độ và phải hoàn thành dự án trong năm 2017. Tổng vốn đầu tư của 2 dự án này trên 766 tỉ đồng, trong đó vốn vay từ Ngân hàng Thế giới khoảng 550 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng của VN.

Lâm Viên

 

Đình Mười