29/11/2024

Khai thác vỉa hè, hành lang sông ra sao?

Việc lập lại trật tự vỉa hè, trả lại không gian cho người đi bộ vốn rất cần hiện nay. Tuy nhiên nhiều chuyên gia, người dân cho rằng không gian vỉa hè, hành lang sông không chỉ dành riêng để đi bộ, mà còn gánh cả “văn hoá vỉa hè”.

 

Khai thác vỉa hè, hành lang sông ra sao?

 

Việc lập lại trật tự vỉa hè, trả lại không gian cho người đi bộ vốn rất cần hiện nay. Tuy nhiên nhiều chuyên gia, người dân cho rằng không gian vỉa hè, hành lang sông không chỉ dành riêng để đi bộ, mà còn gánh cả “văn hoá vỉa hè”.

 

 

 

Khai thác vỉa hè, hành lang sông ra sao?
Hành lang ven bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè được trồng cây, tiểu cảnh và bố trí ghế, máy tập thể dục. Trong ảnh: tập thể dục buổi sáng bên bờ kênh Nhiêu Lộc, đường Trường Sa, P.3, Q.Tân Bình, TP.HCM – Ảnh: N.C.THÀNH

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến gợi ý của các chuyên gia cũng như người dân, nhà quản lý để thấy rõ hơn “khuôn mặt” của “văn hóa vỉa hè” ở đô thị nên như thế nào.

Ông Nguyễn Hữu Thuận (P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM):

Không gian văn hóa

Lề đường nói chung và vỉa hè nói riêng là không gian văn hóa gắn chặt với đời sống người dân tại đó. Do đó đời sống đô thị cũng gắn với vỉa hè, lề đường. Vỉa hè trong khu phố, những con đường nhỏ gắn kết hàng xóm với nhau.

 

Vỉa hè đường lớn bày ra việc kinh doanh buôn bán cho những ngôi nhà mặt tiền. Vỉa hè bên sông, rạch là không gian sống thoáng đãng, là nơi người dân có thể tập thể dục, đi bộ, gặp gỡ, giao tiếp giữa người với người.

Một thành phố không thể chỉ dùng vỉa hè cho việc đi lại. Nếu cứ cứng nhắc như thế thì thành phố không có sức sống với muôn màu muôn vẻ nữa.

Tôi nghĩ hãy quy hoạch vỉa hè đúng với tình hình thực tế, theo một trật tự nhất định, được quản lý chặt, rõ ràng, ngăn nắp, sạch sẽ, thông thoáng để vỉa hè sống đúng với chức năng của nó, chứ không thể chỉ chăm chăm dọn sạch, dành riêng cho việc đi bộ.

Ông Quang Phú (người dân P.12, Q.Tân Bình):

Bờ sông là nơi 
sinh hoạt cộng đồng

Chúng ta thấy ở các đô thị trên thế giới, dọc hai bên các dòng sông là không gian lý tưởng để làm công viên, quảng trường, các công trình công cộng, địa điểm sinh hoạt cộng đồng… vừa có nơi để người dân sinh hoạt, vừa là không gian hợp lý cho các hoạt động cộng đồng.

Tại một số đô thị ở VN, tôi thấy đã quy hoạch hai bờ sông làm công viên, địa điểm giải trí như thế. Như ở Đà Nẵng là nơi để người dân đi bộ, sinh hoạt, tập thể dục… Ở đó có đặt các bồn hoa và các tượng đá rất đẹp. Người dân đến đó để sinh hoạt, hóng mát rất tốt.

Trong khi đó ở TP.HCM, tôi chỉ mới thấy dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã có làm các vườn hoa và là nơi tập thể dục, đi dạo, đây là cách làm tốt. Còn không gian hai bên sông Sài Gòn và các con sông khác hầu như chưa được tận dụng làm gì cả, rất lãng phí.

Ông Trần Hoàng Quân (chủ tịch UBND Q.4):

Quy hoạch vỉa hè 
cần tầm nhìn

Có những nơi vỉa hè phục vụ người đi bộ đúng chức năng của nó, tuy nhiên có những nơi vỉa hè còn phục vụ việc kinh doanh vỉa hè. Về mặt lâu dài, cũng cần vận động người dân chuyển đổi nghề nghiệp hoặc vào bán ở các khu tập trung để trả lại công năng sử dụng nguyên trạng của nó.

Tuy nhiên, việc quy hoạch vỉa hè cần có lộ trình. Không thể giao cho một cá nhân hay một đơn vị hành chính nào, mà phải có tầm nhìn của nhà quản lý đô thị. Có nghĩa phải quy hoạch cụ thể khu nào cho phép kinh doanh vỉa hè để phục vụ du lịch.

Qui hoạch này phải do cấp TP thực hiện, trên cơ sở đó các quận, huyện triển khai, sẽ bố trí cho người buôn bán các mặt hàng phù hợp với du lịch.

Còn hiện nay tại Q.4, các doanh nghiệp đang nghiên cứu sử dụng vỉa hè như thế nào hợp lý, cho kinh doanh một phần hay không cho kinh doanh, phát triển mô hình vỉa hè như thế nào… để đề xuất UBND quận huyện, trình UBND TP chấp thuận thực hiện.

TS Phạm Thái Sơn (giảng viên chính kiêm điều phối viên Chương trình thạc sĩ phát triển đô thị bền vững – Đại học Việt Đức):

Chuẩn bị cho 
phát triển giao thông công cộng

Muốn phát triển giao thông công cộng sẽ phải có ít nhất hai tuyến đi bộ: tuyến đi từ nhà ra điểm xuất phát và từ điểm cuối về nhà. Hai tuyến đi bộ này bắt buộc phải có và đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút người dân sử dụng các phương tiện công cộng để đi lại.

Tức là vỉa hè về tương lai, trong chiến lược chung sẽ đóng vai trò rất lớn để đảm bảo sự thành công, phát triển bền vững trong chiến lược phát triển đô thị và giao thông công cộng.

Hai năm nữa TP.HCM sẽ có tuyến metro đầu tiên, nếu không khuyến khích được người dân đi bộ đến tuyến metro đó coi như thất bại. Do vậy, cần có lộ trình giải tỏa không gian vỉa hè những tuyến đường dẫn đến các nhà ga metro, bến xe buýt trong tương lai để tạo thói quen đi bộ, đón đầu sự phát triển giao thông công cộng.

Ông Nguyễn Đình Hưng (phó giám đốc Sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM):

Tùy điều kiện cụ thể

Theo quy hoạch, vỉa hè là phần đệm giữa đường giao thông và công trình hai bên. Phía dưới vỉa hè là nơi đặt các hệ thống kỹ thuật ngầm của đô thị như cáp điện, viễn thông, hệ thống chiếu sáng, cấp thoát nước… Và trên mặt đất chỉ dành cho người đi bộ.

Về mặt quy hoạch, cơ quan làm đồ án quy hoạch kiến trúc không thể quy hoạch sạp báo hay một cửa hàng trên vỉa hè. Ngay cả trạm chờ xe buýt trên vỉa hè cũng do ngành giao thông đề xuất và được UBND TP đồng ý đặt trạm ở từng vị trí cụ thể, chứ không hề có trong đồ án quy hoạch.

Còn việc sử dụng vỉa hè vào mục đích gì thì tuỳ từng trường hợp, điều kiện cụ thể của mỗi vỉa hè và đó là chính sách của Nhà nước.

UBND cấp có thẩm quyền có thể quyết định cho khu vực nào đó được sử dụng vỉa hè làm chợ đêm, làm sân khấu biểu diễn văn nghệ, ca nhạc, làm không gian văn hoá hay điểm kinh doanh vào cuối tuần…

Những việc này đều do chính sách của Nhà nước và chính sách này phù hợp với tình hình của các địa phương, vào những thời điểm thích hợp, cụ thể chứ không phụ thuộc vào quy hoạch.

TS Nguyễn Thị Hậu (nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):

Khai thác vỉa hè, hành lang sông ra sao?
Bà Nguyễn Thị Hậu

Không để lãng phí vỉa hè

Vỉa hè bất cứ đâu không chỉ có chức năng cho người đi bộ. Về mặt kỹ thuật, vỉa hè còn có chức năng tạo an toàn cho những ngôi nhà ở mặt đường với lòng đường.

Trong không gian xã hội đô thị, vỉa hè là không gian giao tiếp giữa con người đô thị, đó có thể là cuộc trò chuyện của những người đi bộ với nhau, chủ cửa hàng với khách…

Nếu nói vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ là chưa đầy đủ, không bao giờ thực hiện được. Và nếu tiếp cận từ một góc không toàn diện như vậy dẫn đến việc xử lý không đúng, không giải quyết đến nơi đến chốn vấn đề xã hội.

Việc dọn dẹp vỉa hè trật tự là cần thiết, phải làm, nhưng không phải theo cách xóa bỏ toàn bộ những cái tồn tại trên vỉa hè để phục vụ việc đi bộ. Trên thế giới không có ai để lãng phí vỉa hè, bởi đó là đời sống đô thị.

TS Nguyễn Trọng Hoà (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):

Khai thác vỉa hè, hành lang sông ra sao?
Ông Nguyễn Trọng Hoà – Ảnh: C.T.V.

Nhiều nước sử dụng vỉa hè ngoài mục đích đi bộ

Nhiều nước trên thế giới đều sử dụng vỉa hè vào mục đích ngoài giao thông. Mục đích chính của vỉa hè là dành cho giao thông nhưng tuỳ theo chức năng, tuỳ theo khu vực mà có thể sử dụng thêm vào mục đích khác.

Sử dụng không gian vỉa hè như thế nào, chừa đường cho người đi bộ bao nhiêu mét, cho kinh doanh, hoạt động trên vỉa hè hay cấm tùy thuộc vào mật độ người dân lưu thông trên vỉa hè. Đây là quyền của UBND TP trong công tác quản lý đô thị. 

Ví dụ như đối với những đường cho phép xe đi tốc độ nhanh thì vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ, thậm chí có hàng rào xích ngăn giữa vỉa hè và đường để người đi bộ không ngã hoặc đi lấn xuống lòng đường gây tai nạn.

Những khu vực cho buôn bán phải có quy định sử dụng như thế nào, mấy phần dành cho đi bộ, mấy phần dành cho buôn bán. 

Lâu nay, những quyền trong quản lý đô thị về sử dụng vỉa hè bị bỏ ngỏ. Nay UBND TP muốn lập lại trật tự thì trước hết cần phải “lấy lại” hoàn toàn vỉa hè, bứt nó ra khỏi các thế lực bảo kê. Nên buộc các nhà hàng, cửa hàng phải bố trí chỗ giữ xe máy nơi khác, không cho để xe trên vỉa hè nữa.

Khi vỉa hè trống hoàn toàn mới phân tích xem cần làm gì với từng vỉa hè, từng khu vực. Về việc cho buôn bán, Nhà nước phải quản lý và có cơ chế kiểm soát minh bạch việc này. 

Ở các nước trên thế giới có vỉa hè rộng 7m thì có thể dùng 3-4m phía trong làm quán cà phê, chỗ buôn bán… với những hàng rào màu trắng nhẹ nhàng ngăn cách với phần đường đi bộ bên ngoài, nhìn rất thích mắt.

Vỉa hè nhỏ hơn 3m không cho buôn bán, 5m thì có thể cho buôn bán ở khu vực 2m bên trong. 

Ở Nhật hoặc Thái Lan, người buôn bán được sử dụng vỉa hè theo giờ. Cứ khoảng 11h30 trưa thì có một xe tải nhẹ chở thức ăn đến vỉa hè bán đồ ăn trưa cho nhân viên văn phòng làm việc ở những tòa nhà cao tầng trong khu vực.

Chủ “quán” ở Thái Lan có thể bày bàn ghế ra vỉa hè cho người mua ăn tại chỗ, hoặc chỉ bán hộp suất ăn công nghiệp cho người mua cầm đi như ở Nhật. Hết thời gian cho sử dụng vỉa hè buổi trưa, chủ quán dọn hàng và trả lại vỉa hè trống ban đầu.

Chủ quán trả tiền thuê vỉa hè hằng tháng cho nhà nước. 

D.N.HÀ – T.LONG thực hiện