11/01/2025

Trầm cảm – “dịch” mới của thời đại

Trung bình mỗi ngày Việt Nam có khoảng 100 người tự tử do trầm cảm, trong đó có một tỉ lệ đáng kể không may tử vong – nghiên cứu mới nhất (năm 2016) tại Viện Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai.

 

Trầm cảm – “dịch” mới của thời đại

 Trung bình mỗi ngày Việt Nam có khoảng 100 người tự tử do trầm cảm, trong đó có một tỉ lệ đáng kể không may tử vong – nghiên cứu mới nhất (năm 2016) tại Viện Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai.

 

 

 

Trầm cảm - "dịch" mới của thời đại
Người bệnh trầm cảm điều trị tại Viện Sức khoẻ tâm thần – Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo nghiên cứu này ở nhóm người 45 tuổi trở lên bị trầm cảm, có trên 36% có ý tưởng hoặc hành vi tự sát, đa số tự sát do người bệnh cảm thấy mình vô dụng, tội lỗi, không xứng đáng sống… Trầm cảm đang gia tăng và gây nhiều hệ luỵ với cuộc sống của người bệnh, nhưng ngay ở Mỹ cũng chỉ có 20% người bệnh được điều trị đúng chuyên khoa.

Căn bệnh thời đại

Người bệnh nữ 21 tuổi đang là sinh viên đại học năm cuối đến khám ở Viện Sức khỏe tâm thần vốn là người vui vẻ, khoẻ mạnh, tính cách hoà đồng. Nhưng sau khi chia tay người yêu cùng với áp lực ở trường học chị này không thể ngủ hơn 3-4 giờ mỗi tối, chị chán ăn, gầy sút 4kg trong 6 tuần, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, không muốn đi học. Người bệnh còn hay ngồi khóc và cảm thấy cuộc sống của mình không còn ý nghĩa.

Người bệnh nhiều lần nói với mẹ là không muốn sống vì không muốn đau khổ như hiện tại.

 
 

 

Chị đã được gia đình đưa đến khám và điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần với chẩn đoán trầm cảm nặng, có ý tưởng tự sát.

Theo bác sĩ Dương Minh Tâm, trưởng phòng điều trị các bệnh liên quan đến stress (Viện Sức khỏe tâm thần), số lượng người bệnh trầm cảm đang ngày càng gia tăng. 15 năm trước mỗi ngày viện chỉ tiếp nhận 1-2 người bệnh trầm cảm, nhưng hiện nay mỗi ngày viện tiếp nhận lên đến 200 người bệnh trầm cảm khám ngoại trú, 10% trong số này thuộc nhóm nặng, phải điều trị nội trú.

Nhiều vấn đề ảnh hưởng tâm lý

Theo bác sĩ Tâm, hai nhóm người bệnh bị trầm cảm nhiều là nhóm vị thành niên, khi tính cách còn đang hình thành, đôi khi các bạn trẻ căng thẳng quá mức trước mỗi biến cố trong cuộc sống. Nhóm tuổi thứ 2 là người mới về hưu 55-65 tuổi.

Điều lo ngại là phần lớn người bệnh không được phát hiện sớm, dẫn tới bị chậm trễ trong định bệnh và điều trị đúng chuyên khoa, một tỉ lệ đáng kể người bệnh bỏ điều trị hoặc không tuân thủ phác đồ trong khi quá trình điều trị kéo dài.

Một trong những lý do khiến trầm cảm gia tăng là do xã hội hiện đại ngày càng xuất hiện nhiều vấn đề ảnh hưởng tới tâm lý con người. Trầm cảm xuất hiện nhiều ở nhóm người ly thân, ly dị, thất nghiệp, không được thừa nhận hoặc đánh giá đúng về bản thân, sau khi xảy ra biến cố gia đình, bị lạm dụng thể chất, lạm dụng tình dục, xung đột trong các mối quan hệ… Đặc biệt, phụ nữ có nguy cơ mắc trầm cảm gấp 2 nam giới.

Nên cởi mở, chia sẻ

Theo TS Nguyễn Doãn Phương – viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, những dấu hiệu dễ nhận biết của bệnh trầm cảm gồm cảm giác buồn chán, trống rỗng, khó tập trung, hay quên, luôn mệt mỏi, không muốn làm việc gì, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, hay cáu gắt, giận dữ, giảm thích thú trong các hoạt động sở thích hằng ngày, sụt cân quá nhiều, nghĩ về cái chết hoặc có ý tưởng tự sát.

Tuy nhiên theo bác sĩ Tâm, ít nhất cần có 2/3 biểu hiện điển hình trong số này và kéo dài trong ít nhất 2 tuần thì được coi là có biểu hiện trầm cảm.

Bác sĩ Phương cho rằng quan trọng nhất là ý thức chuẩn bị, không nên lúc nào cũng nghĩ chỉ thành công, thắng lợi, mà chuẩn bị cả tình huống thua thiệt, như khi ta bước vào cánh cửa mà biết trong đó có gì, không còn lo lắng và bất ngờ. Thứ nữa trong cuộc sống nên cởi mở, không nên sống khép kín.

“Nếu quá khép kín mỗi người sẽ giữ định kiến trong đầu, lâu dài sẽ căng thẳng và có thể đó là căn nguyên của trầm cảm. Nên chia sẻ để nhận sự chia sẻ của mọi người”- bác sĩ Phương nói.

Điều trị từ “cửa đóng” sang “cửa mở”

Theo bác sĩ Tâm, làm giảm sự kỳ thị của cộng đồng đối với vấn đề sức khoẻ tâm thần cũng sẽ hỗ trợ rất tốt nếu xét tới hiệu quả điều trị cho người bệnh. Nhiều người bệnh cho bác sĩ biết họ rất e ngại nếu vào Viện Sức khoẻ tâm thần thì người khác sẽ bàn tán họ bị tâm thần, họ sợ xấu hổ.

Hiện các bác sĩ đã có nhiều thay đổi để người mắc các biểu hiện sức khoẻ tâm thần có thể sống và điều trị bệnh như các bệnh bình thường khác, trong đó có thay đổi thiết kế từ cửa đóng sang cửa mở, bệnh nhân có thể đi lại giữa các phòng, các khoa, có thể chơi thể thao trong các giờ không phải điều trị bệnh, người nhà có thể vào chăm sóc…

Bác sĩ Tâm cũng cho rằng muốn làm giảm tác động của những cơn stress, có hai liệu pháp quan trọng thường được áp dụng là liệu pháp chia sẻ, mọi người hãy nói ra câu chuyện của mình, và thứ 2 là liệu pháp vận động, như tập thể thao (yoga, bơi lội, chơi bóng…), trong đó các bác sĩ khuyến cáo tốt nhất với người đang bị stress là môn bơi lội.

Vì sao dễ bị trầm cảm ở giai đoạn mới nghỉ hưu?

Theo bác sĩ Phương, lý do quan trọng nhất là thay đổi thói quen. Nhiều người trong chúng ta đã quen mỗi sáng dậy sớm rồi vội vã chuẩn bị để đi làm, chiều vội vã chuẩn bị bữa tối. Nhưng về hưu thì “thừa” thời gian, rồi cách ứng xử, nhìn nhận của những người xung quanh có thể cũng thay đổi, không như khi còn làm việc khiến người nghỉ hưu tủi thân. Vì thế nhiều người sốc và dẫn đến stress hoặc trầm cảm.

Theo một nghiên cứu ở Mỹ được công bố, 2/3 số người trầm cảm ở Mỹ không nhận ra mình có bệnh và không được điều trị, chỉ khoảng 20% người được điều trị đúng chuyên khoa và đúng phác đồ. Có 48% người trầm cảm có ý tưởng tự sát và 1/2 trong số này không nhận được sự hỗ trợ điều trị trước đó. Tại VN, riêng tại Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), có tới 1/3 số người bệnh đến khám năm 2016 là bị trầm cảm.

LAN ANH