01/11/2024

Hàng loạt cán bộ nghỉ việc làm công nhân, bảo vệ

Một phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã nghỉ việc về làm vườn. Một công an viên nghỉ đi làm bảo vệ. Có cán bộ trình độ đại học nghỉ đi làm công nhân… Những chuyện lạ có thật này lên đến hàng trăm và chưa dừng lại…

 

Hàng loạt cán bộ nghỉ việc làm công nhân, bảo vệ

Một phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã nghỉ việc về làm vườn. Một công an viên nghỉ đi làm bảo vệ. Có cán bộ trình độ đại học nghỉ đi làm công nhân… Những chuyện lạ có thật này lên đến hàng trăm và chưa dừng lại… 

 

 

 

Hàng loạt cán bộ nghỉ việc làm công nhân, bảo vệ
Công an viên Nguyễn Ngọc Hải nghỉ việc, xin đi làm bảo vệ – Ảnh: Lê Dân

 Thu nhập thấp, hoàn cảnh gia đình khó khăn… là lý do nhiều cán bộ không chuyên trách cấp xã, phường tại nhiều địa phương ở ĐBSCL nghỉ việc. Người về làm vườn, người làm công nhân, bảo vệ.

Trong các địa phương có cán bộ không chuyên trách nghỉ việc thì tỉnh Hậu Giang từ năm 2016 đến nay đã có hàng trăm trường hợp và con số này vẫn chưa dừng lại.

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ xã về làm vườn

Ông Cao Hoàng Giang, phó trưởng Ban tổ chức Thị ủy Ngã Bảy, cho biết vừa có báo cáo gửi Tỉnh uỷ Hậu Giang việc nhiều cán bộ không chuyên trách ở địa phương nghỉ việc. Đến thời điểm này, thị xã Ngã Bảy có 35 cán bộ không chuyên trách xã, phường nghỉ việc, trong đó có 19 đảng viên.  

 
 

 

Đơn cử, tháng 1-2017 ông Nguyễn Văn Lịnh xin nghỉ việc sau hai năm làm phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã Tân Thành.

Ông Lịnh cho biết thu nhập hằng tháng sau khi trừ bảo hiểm, công đoàn phí… chỉ còn vỏn vẹn 1.034.000 đồng, không đủ tiền đổ xăng đi lại. Ông Lịnh về cải tạo vườn cam để cải thiện cuộc sống. Xã Tân Thành có 8 cán bộ không chuyên trách nghỉ việc.

Ngay trong lúc làm việc với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Điện, phó bí thư đảng uỷ xã, cho biết: “Sáng nay mới có một công an viên xã xin nghỉ việc. Việc này rất khó cho địa phương”.

Trong khi đó, dù tham gia lực lượng Công an phường Lái Hiếu (thị xã Ngã Bảy) gần 13 năm nhưng công an viên Nguyễn Ngọc Hải cũng ngậm ngùi xin nghỉ việc để làm bảo vệ cho một công ty tại khu công nghiệp ở huyện Châu Thành.

“Công tác tại công an phường, mỗi tháng nhận trợ cấp được 780.000 đồng, trừ các khoản còn 700.000 đồng. Làm sao sống nổi khi còn lo cho vợ con?” – anh Hải than.

Nhiều cán bộ không chuyên trách có trình độ đại học công tác tại xã phường nhưng có mức thu nhập thua lao động chân tay. Anh Võ Văn Ngào, tốt nghiệp đại học chuyên ngành giáo dục chính trị, từng giữ chức vụ phó ban tuyên giáo xã và có hơn 4 năm công tác ở Đồng Tháp.

Thời điểm làm cán bộ không chuyên trách, để có thể xoay xở cuộc sống, buổi tối lúc thì anh làm bảo vệ khi thì phục vụ quán nhậu, tổng thu nhập từ nhiều công việc cũng không quá 3 triệu đồng/tháng.

“Buổi tối đang làm thêm, có khi gặp cấp trên họ nhìn mình với ánh mắt ái ngại” – anh Ngào kể. Cuối năm 2016, anh Ngào quyết định xin nghỉ, chuyển hẳn sang làm công nhân. Hiện tại lương công nhân của anh là 4 triệu đồng, chế độ tăng lương hằng năm, cộng với công việc làm thêm buổi tối anh Ngào đã có thể trả được nợ vay sinh viên.

Hàng loạt cán bộ nghỉ việc làm công nhân, bảo vệ
Ông Nguyễn Văn Lịnh, phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã Tân Thành, xin nghỉ việc về làm vườn – Ảnh: Lê Dân

Làm nhiều 
hưởng chẳng bao nhiêu

Trả lời Tuổi Trẻ, nhiều cán bộ không chuyên trách cho rằng rất tiếc khi phải nghỉ việc nhưng không còn cách nào khác. Làm phó bí thư Đoàn phường Lái Hiếu gần 8 năm, nhưng Nguyễn Chí Tâm vẫn quyết định nghỉ việc từ tháng 7-2016. “Thu nhập quá thấp, phải đi làm công việc khác để trang trải cuộc sống” – Tâm ngậm ngùi.

Chị Phan Thị Kiều Nho – cán bộ không chuyên trách ở tỉnh Đồng Tháp, làm phó chủ tịch hội phụ nữ xã hơn 1 năm cũng đã xin nghỉ việc. Theo chị Nho, áp lực công việc khá cao, ngoài hội họp, giao ban, đi cơ sở, còn rất nhiều công việc không tên khác như thu lãi, vận động, tuyên truyền, thực hiện các phong trào ở trên giao…

“Với 1,5 triệu đồng/tháng thì khó xoay xở cuộc sống lắm. Nói thiệt, nhận lương xong quay tới quay lui không tới 10 ngày là hết sạch. Nếu không có tiền ông xã cho hằng tháng, không biết hai mẹ con phải chi xài thế nào cho đủ” – chị Nho kể.

Ông Lê Hoàng Nhân, nguyên phó chủ tịch UBND xã Đông Hưng B (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang), nhận định cấp xã việc nhiều nhưng tiền lương của cán bộ cấp xã lại thuộc hàng “đội sổ”.

Tính bình quân mỗi xã hiện có khoảng 20 cán bộ thì chỉ 5-6 người trong số đó hưởng lương theo ngạch công chức, tức là có hệ số và được tăng lương theo niên hạn. Còn lại, hầu hết người làm việc ở cấp xã là không chuyên trách, mỗi tháng chỉ được hưởng phụ cấp tương đương với mức lương tối thiểu.

Ông Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cho biết trong hầu hết các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đều kiến nghị vấn đề thu nhập của cán bộ không chuyên trách trước thực trạng đối tượng này bỏ việc ngày càng nhiều.

Làm sao hạn chế nghỉ việc?

Ông Hồ Thanh Sang, chủ tịch UBND xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), chia sẻ: lãnh đạo xã đang rất đau đầu trước việc nhiều công an viên của xã xin nghỉ việc. Chỉ trong vòng một tháng có hai công an viên xin nghỉ và một số người khác cũng đang có ý định bỏ việc.

“Một mặt lãnh đạo xã động viên anh em đang còn bám trụ, một mặt ra thông báo tuyển dụng công an viên với tiêu chuẩn cũng không quá cao, nếu đối tượng nào phù hợp sẽ được cử đi học trung cấp công an nhưng tình hình lại không mấy khả quan” – ông Sang than thở.

Còn ông Nguyễn Thanh Hải, phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp, cho biết tình trạng CBKCT bỏ việc xảy ra rải rác ở các xã, chủ yếu ở lực lượng công an viên, nguyên nhân là do chế độ phụ cấp cho đối tượng này còn khá thấp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lịnh đề xuất để cán bộ không chuyên trách yên tâm công tác cần có phụ cấp theo bằng cấp như các tỉnh lân cận. Ông Lịnh dẫn chứng các xã giáp ranh thuộc huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng), CBKCT có bằng đại học được phụ cấp ở hệ số 2,34, còn trung cấp là 1,86.

Ông Nguyễn Thiện Nhơn, bí thư Thị ủy Ngã Bảy, cho biết đã nhiều lần kiến nghị tỉnh tăng mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách vì thẩm quyền thuộc HĐND tỉnh, tuy nhiên vẫn chưa được. Song song việc vận động cán bộ không chuyên trách tiếp tục làm việc, trong năm 2017 thị xã Ngã Bảy sẽ tập trung cho đối tượng là đảng viên, cụ thể sẽ xây dựng 9 căn nhà tình đồng chí. Ngoài ra cũng sẽ hỗ trợ bò giống cho đảng viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn để họ an tâm công tác.

Thí điểm kiêm nhiệm hai chức danh

Ông Phạm Thanh Vũ – trưởng phòng xây dựng chính quyền và công tác thanh niên, Sở Nội vụ tỉnh Bến Tre – xác nhận thời gian gần đây tình trạng nghỉ việc xảy ra nhiều tại huyện Châu Thành. “Hầu như tháng nào cũng có 1-2 người xin nghỉ. Trong đó hầu hết là các chức danh bán chuyên trách. Trẻ thì xin nghỉ để đi làm công nhân, người lớn tuổi thì xin nghỉ để về nhà chăm cháu” – ông Vũ nói.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng này, theo ông Vũ, vẫn là lương. Tại Bến Tre, mức lương đối với những người đảm nhận chức danh bán chuyên trách không có bằng cấp là 1.657.000 đồng/tháng.

Trước mắt, để giải quyết khó khăn cho các chức danh bán chuyên trách, ông Vũ cho biết từ ngày 1-1-2017, tỉnh Bến Tre cho thí điểm kiêm nhiệm hai chức danh bán chuyên trách ở hai khối khác nhau để tăng thêm nguồn thu cho người đảm nhiệm công việc. Tuy nhiên, đây mới là mô hình thí điểm nên vẫn chưa thể đánh giá tính hiệu quả.

MẬU TRƯỜNG

LÊ DÂN – NGỌC TÀI 
- KHOA NAM