29/11/2024

Đặt tên đường bằng số vì thiếu tên?

Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cho biết nếu được dùng số để đặt tên đường sẽ đỡ khó khăn cho nhà quản lý. Tuy nhiên, Nghị định 91 về việc đặt tên đường phố chưa cho phép lấy số để đặt tên đường.

 

Đặt tên đường bằng số vì thiếu tên?

Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cho biết nếu được dùng số để đặt tên đường sẽ đỡ khó khăn cho nhà quản lý. Tuy nhiên, Nghị định 91 về việc đặt tên đường phố chưa cho phép lấy số để đặt tên đường.



Biển tên đường, với chú thích về lịch sử tên gọi ở Hà Nội 	 /// Ảnh: Ngọc Thắng

Biển tên đường, với chú thích về lịch sử tên gọi ở Hà NộiẢNH: NGỌC THẮNG

Văn phòng UBND TP.Hà Nội vừa ra thông báo về đề xuất đặt tên và điều chỉnh độ dài một số tuyến phố, công trình công cộng trên địa bàn TP năm 2017. Theo đó, Sở VH-TT được giao việc thống kê số lượng thực tế đường phố chưa có tên cần đặt để đề xuất đặt tên cho phù hợp với cấp độ, quy mô tuyến đường. Đặc biệt, thông báo cũng yêu cầu sở này “nghiên cứu đặt tên theo số để phù hợp cho việc áp dụng công nghệ số hóa trong quản lý, ứng dụng sau này”. UBND TP.Hà Nội giao Sở kiểm kê, đánh giá tình hình đặt tên đường phố và công trình công cộng từ năm 2002 đến nay, từ đó thiết lập ngân hàng tên đường phố theo các dạng, có sự phân loại theo thứ tự ưu tiên.
Chưa cạn tên đường nhưng gặp lúng túng
GS-TS Nguyễn Minh Hoà (Khoa Đô thị học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho biết hiện nay trên thế giới nhiều TP dùng số để đặt tên đường. Tuy nhiên, nhiều người vẫn có quan niệm rằng đường phố phải mang tên mới tốt. Nhưng quan niệm này sẽ dẫn đến chuyện họ phải đối mặt với việc quỹ tên đường có hạn. Thêm vào đó, có những tên đường không hẳn là hay. Chẳng hạn ở TP.HCM có những tên đường như Ấp Chiến Lược, Tên Lửa, Kênh Nước Đen… “Trong thời đại kỹ thuật số đặt tên số dễ tìm lắm. Cái tên quan trọng nhất để làm gì? Đó là để giao dịch, để dễ nhận biết. Nên quỹ tên cạn thì ta dùng số, miễn là đáp ứng mục đích dễ tìm – dễ nhận biết – dễ giao dịch”, ông Hoà nói.
GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính lại không ưng ý việc dùng số để đặt tên cho đường phố Hà Nội. “Tên đường phải có lịch sử, có con người, có ký ức. Nếu lấy số đặt tên đường thì thành một đô thị vô tính à”, ông Kính nói.
Là thành viên Hội đồng đặt tên đường phố nhiều năm, ông Kính cho rằng Hà Nội chưa thiếu tên đến mức không còn tên để đặt cho đường phố mới. “Chẳng hạn có thể dùng tên các địa danh cũ. Làng mất rồi thì lấy tên cái làng đó đặt lại cho đường phố mới. Liễu Giai được đặt tên như vậy đấy, tốt quá còn gì. Cái tên còn đó thì ký ức Hà Nội xưa vẫn còn. Rồi kèm với tên thì đặt luôn biển giải thích nó là gì”, ông Kính nói.
Theo ông Trương Minh Tiến, hiện tại quỹ tên đường Hà Nội cũng có hơn 500 tên danh nhân, khoảng hơn 2.400 tên lấy từ tên di tích đã xếp hạng. Trong khi đó, nhu cầu đặt tên đường phố mới từ nay tới năm 2030 dự kiến cần khoảng 500 tên đường mới. “Như vậy, nếu chỉ hô một câu cũng có thể có 500 tên cho 500 con đường này”, ông Tiến cho hay.
Tuy nhiên, cái khó nằm ở chỗ quỹ tên đường tuy nhiều vậy song thực ra khả năng sử dụng chưa cao. Chẳng hạn, có những địa danh lấy từ các địa bàn chưa đô thị hóa thì chỉ đặt được cho vùng đó. Chưa kể, khi một làng cổ được đô thị hóa đòi hỏi nhiều tên một lúc. Mà mỗi lần đặt tên lại còn phải xin ý kiến đồng tình của người dân khu vực, nếu họ không đồng ý cũng không được đặt. Nếu cái tên đó liên quan đến một bộ ngành nào còn phải thêm thủ tục xin ý kiến chính bộ ngành đó bằng văn bản. Rồi đoạn đường ngắn dài, vị trí quan trọng khác nhau cũng phải có những cái tên tương ứng khác nhau. Vì thế, quỹ tên thì có nhưng chưa chắc đã được dùng làm tên đường suôn sẻ. “Đúng là chúng tôi cũng lúng túng trong chuyện đặt tên thật”, ông Tiến nói.
Bổ sung quỹ tên trong khi chờ sửa luật
Ông Tiến cũng cho rằng việc đánh số sẽ giúp xóa những khó khăn trên, chưa kể việc quản lý cũng dễ hơn. Tuy nhiên, Nghị định 91 của Chính phủ về quy định đặt tên đường phố chưa cho phép dùng số để đặt tên đường. Vì vậy, hiện tại tuy cứ nghiên cứu nhưng là nghiên cứu để chờ luật thay đổi rồi áp dụng. “Năm trước chúng tôi có làm quy chế cho đánh số một số đường trong khu đô thị rồi, nhưng mới chỉ trong phạm vi đó. Còn ngoài khu đô thị muốn đánh số phải kiến nghị điều chỉnh trong Nghị định 91 của Chính phủ”, ông Tiến nói thêm.
GS-TS Nguyễn Minh Hòa gợi ý có thể dùng tên sông, địa danh nổi tiếng hay tên các đường phố cũ mà nay không dùng nữa. “Những tên đường như Gia Định, Bến Nghé, Duy Tân, Ba Son có thể cũng được đặt, hay các địa danh như Sơn Đoòng”, ông Hòa chia sẻ.
Ông Trương Minh Tiến cho biết có thể sẽ cân nhắc việc dùng lại tên cũ như ông Hòa đưa ra. Tuy nhiên, cái khó là các con đường liên quan đến các sự kiện cách mạng lại cần gắn với chính sự kiện đó. “Bây giờ ở Hà Nội còn chưa có đường Cách Mạng Tháng Tám. Đặt tên sự kiện thì phải đưa vào nơi diễn ra sự kiện đó. Chẳng hạn, tên Cách Mạng Tháng Tám thì các cụ ở Ban Liên lạc thành Hoàng Diệu đề nghị đổi cho phố Tràng Tiền hoặc Bà Triệu. Thế thì không được”, ông Tiến nói, đồng thời cho biết đã đưa tên di tích vào đặt tên đường. “Ở quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm vừa rồi đặt tên đường di tích nhiều. Ví dụ, tên phố Miếu Đầm chẳng hạn, là sau khách sạn Marriott, ở đấy có đền thờ Đức thánh Đầm rất nổi tiếng”, ông Tiến nói.
Ông Tiến nói thêm việc nghiên cứu đánh số sẽ chỉ áp dụng với các đường phố mới cả trong lẫn ngoài khu đô thị cần được gắn tên chứ không phải đổi tên đường cũ thành số. Ông cũng cho biết việc dùng số sẽ làm giảm ký tự trong tên phố và khiến dung lượng dữ liệu giảm, giúp thuận tiện hơn cho quản lý sau này. Còn những tên đường bằng chữ khi số hoá sẽ tốn nhiều dung lượng hơn.
Tại TP.HCM, cụm đường mang tên các loài hoa ở khu vực xung quanh đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận) gồm: Hoa Mai, Hoa Đào, Hoa Lan, Hoa Sứ, Hoa Cúc, Hoa Sữa, Hoa Huệ, Hoa Hồng, Hoa Cau. Ở Q.Bình Thạnh nhiều tuyến đường nội bộ có tên gọi: D1, D2, D5…
Trong đề án “Công tác đặt đổi tên đường, công trình công cộng tại TP.HCM – Khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020”, Hội đồng đặt đổi tên đường TP từng có đề xuất: Ở khu đô thị mới, khu dân cư mới nên đặt tên đường theo trục đông – tây và nam – bắc, lấy điểm trung tâm làm trục chính, theo đó hướng đường đông – tây sẽ mang tên số 1, 2, 3… và hướng nam – bắc mang tên theo thứ tự A, B, C… Nếu là tên nhân vật lịch sử, địa danh thì cũng theo A, B, C… nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.
Công Sơn


 

Trinh Nguyễn