28/11/2024

Vỉa hè Sài Gòn có cuộc sống sống động khác Singapore

GS Annette Kim – Trường Chính sách công Price, Đại học Nam California (Mỹ), người đã có nhiều nghiên cứu, xuất bản sách về vỉa hè Sài Gòn – chia sẻ với Tuổi Trẻ về việc dọn dẹp vỉa hè, về sinh kế vỉa hè vốn là một phần của cuộc sống ở TP.HCM.

 

Vỉa hè Sài Gòn có cuộc sống sống động khác Singapore

 

GS Annette Kim – Trường Chính sách công Price, Đại học Nam California (Mỹ), người đã có nhiều nghiên cứu, xuất bản sách về vỉa hè Sài Gòn – chia sẻ với Tuổi Trẻ về việc dọn dẹp vỉa hè, về sinh kế vỉa hè vốn là một phần của cuộc sống ở TP.HCM.

 

 

 

Vỉa hè Sài Gòn có cuộc sống sống động khác Singapore
Du khách nước ngoài thích thú ngồi vỉa hè, uống cà phê, uống trà ngắm phố phường trung tâm Sài Gòn – Ảnh: T.T.D.

Tôi từng gặp nhiều người bán hàng rong cẩn thận chừa đường đi và quét dọn tất cả mọi thứ trả lại vỉa hè sạch đẹp trước khi cửa hàng/nhà dân chỗ họ bán mở cửa.

Tôi cũng nhìn thấy sự đồng cảm khi người dân cố gắng giúp đỡ người bán hàng, cho họ nước, điện, cất giữ hàng hoá của họ qua đêm, chỉ lấy một khoản phí nhỏ. Ở đây mọi người thấu hiểu và cảm thông cho người bán hàng rong

GS Annette Kim

Câu chuyện bắt đầu từ việc GS Kim chia sẻ quan điểm cá nhân về “hình mẫu Singapore”:

– Quả thật, nhiều người Việt Nam lấy Singapore làm hình mẫu, kể cả chuyện quy hoạch vỉa hè, nhưng với tôi, quản lý không gian công cộng ở Singapore quá chặt, khó có thể tìm thấy sự sống động của cuộc sống.

 

Tôi nghĩ chúng ta cần dành một chút không gian cho sự lộn xộn vốn là một phần của cuộc sống.

Vỉa hè không chỉ để đi 

 

* Bà nói Việt Nam rất khác so với Singapore?

– Có rất nhiều câu chuyện trên vỉa hè. Vỉa hè ở Việt Nam không chỉ là nơi để đi lại. Nơi đó tập hợp rất nhiều người ở nhiều tầng lớp và địa vị xã hội khác nhau, và văn hóa Sài Gòn thì vô cùng cởi mở và khiến người ta thích trò chuyện với nhau.

Vỉa hè cũng là nơi gợi mở nhiều cảm giác với tất cả màu sắc, hương thơm và mùi vị của các loại thức ăn đường phố. Đó cũng là nơi mà bạn sẽ nhìn thấy nhiều câu chuyện cuộc đời của những người cố gắng kiếm sống nơi phố thị.

Theo dữ liệu về du khách quốc tế mà chúng tôi thu thập được, những người đến từ các nước châu Á khác như Nhật Bản hay Hàn Quốc thường hoài cổ về những gì họ đã đánh mất vì phá đi nhiều thứ để phát triển, và họ đã cố gắng khôi phục lại một số điều này.

* Bà có hay đi dạo trên vỉa hè TP.HCM, lê la hàng quán vỉa hè với bạn bè không? Bà thích cảm giác đó chứ?

– Ồ có chứ, tôi thậm chí còn viết cả một cuốn sách về chuyện đó mà. Một trích đoạn của cuốn sách: “Để đi từ nhà ra phố, tôi phải đi dọc một con hẻm nhỏ xíu với nhiều ngôi nhà san sát nhau, sau đó rẽ phải và đi ra một khu vỉa hè rộng rãi, hơi cong cong trước khi ra đến đường Nguyễn Đình Chiểu.

Dọc đường, nhiều người hàng xóm không ngại nhìn tôi thân thiện và chúng tôi vui vẻ cười chào nhau. Vỉa hè ở TP.HCM truyền đạt một câu chuyện về tình cảnh con người, không giống như những gì mà tôi thấy ở các thành phố khác, nó mang một cái gì đó nhân văn”.

* Bà có bao giờ gặp rắc rối khi đi dạo trên vỉa hè chưa?

– Chỉ có một lần gần tết, có hai người đàn ông đi xe máy leo lên vỉa hè và giật ví của tôi, nhưng tôi giữ chặt nên họ không giật được. Tuy nhiên, tôi cũng bị té xuống đất. May mắn có một người quản lý nhà hàng tốt bụng gần đó đưa tôi vào trong bếp cho tôi rửa mặt và xức dầu cho tôi.

Vỉa hè Sài Gòn có cuộc sống sống động khác Singapore
GS Annette Kim
Annette Kim lấy bằng tiến sĩ về quy hoạch vùng và đô thị tại Đại học California ở Berkeley (Mỹ) năm 2002 với nghiên cứu “Tạo dựng thị trường: những cơ chế hỗ trợ thị trường phát triển đất đô thị TP.HCM”.

Các dự án của GS Annette Kim tại TP.HCM: Tuyến đi bộ du lịch trung tâm TP.HCM, giám khảo cuộc thi quy hoạch khu trung tâm hiện hữu TP.HCM (2007-2008), đánh giá hoạt động thị trường bất động sản và áp lực đất đai tại TP.HCM – Dự án của Ngân hàng Thế giới – 2000-2001, thành viên nhóm nghiên cứu quy hoạch Nam Sài Gòn (1996).

Bà đã xuất bản sách Thành phố vỉa hè: Lập bản đồ không gian công cộng TP.HCM (NXB Đại Học Chicago, 2014).

Bài toán sinh kế

* Bà nghĩ như thế nào về quyết tâm dọn dẹp vỉa hè của TP.HCM gần đây?

– Thật tốt khi chiến dịch dọn dẹp vỉa hè của TP lần này bao gồm luôn việc xử lý xe công đậu sai và văn phòng của các công sở, công ty lấn chiếm vỉa hè. Những hành động này chứng minh rằng không có ai đứng trên luật pháp được và là một điều rất tích cực.

Tôi nghĩ đó là một trong những lý do khiến chiến dịch này nhận được sự ủng hộ của nhiều người.

* Nhưng liệu “chiến dịch” này có ảnh hưởng đến sinh kế của những người sống nhờ vỉa hè?

– Ảnh hưởng là có. Những hoạt động trên vỉa hè đã là một phần tự nhiên của nền kinh tế Việt Nam. Tôi nghĩ rằng về mặt xã hội, ở Việt Nam, “nền kinh tế vỉa hè” đã được chấp nhận và có tính chính đáng của nó.

Với một số lượng lớn những người cần phải kiếm sống như vậy, TP cần giải được bài toán sinh kế về việc họ sẽ đi đâu và kiếm sống như thế nào.

* Quy hoạch vỉa hè đã được thảo luận từ lâu, nhưng vỉa hè vẫn còn lộn xộn và bị chiếm dụng, theo bà vì sao?

– Hàng rong trên vỉa hè vẫn còn tồn tại bởi vì đó là một nhu cầu về sinh kế. Cho đến khi người ta có thể tìm được cách kiếm sống khác, họ vẫn sẽ cố gắng tồn tại với nghề đó, cứ tồn tại phi chính thức bởi chẳng có cách nào làm cho nó trở thành chính thức cả.

Tôi thấy nhiều nơi lập ra danh sách những khu vực vỉa hè mà ở đó người ta có thể được cấp phép bán hàng rong, nhưng các khu vực được chọn lại không có ý nghĩa vì những chỗ đó khá tách biệt và không phải là nơi người ta có thể bán được hàng.

Tôi nghĩ chuyện này xuất phát từ việc Việt Nam vẫn xem Singapore là hình mẫu để phát triển.

* Có lý do từ sự thực thi quy định không?

– Sự lộn xộn trên vỉa hè còn nằm ở khâu thực thi quy định. Quản lý hàng rong và hàng quán trên vỉa hè là một “cuộc thương lượng” giữa phường, những người bán hàng rong và người dân trong khu vực. Một lý do khác là các phường không có đủ nhân lực.

Tôi đọc một số bài viết đổ lỗi cho sự thờ ơ của cơ quan chức năng, nhưng tôi thấy vậy là không công bằng. Với 11 triệu người hoặc hơn trong TP, cùng số lượng lớn hàng rong như vậy thì hàng rong và hàng quán trên vỉa hè là chuyện hầu như không thể giải quyết hoàn toàn.

Chia sẻ không gian vỉa hè

* Bà nói rằng sinh kế của vỉa hè là những gì làm cho TP.HCM sống động và hấp dẫn, tuy nhiên việc lấn chiếm, buôn bán trên vỉa hè sẽ mâu thuẫn với “chiến dịch” dọn dẹp vỉa hè… Giải quyết vấn đề này ra sao?

– Việc tìm ra cách để cho phép và quy định hàng rong là quan trọng, không phải chỉ vì chuyện sinh kế như tôi nói ở trên, mà còn vì văn hóa đời sống vỉa hè của TP.HCM là một trong những tài sản đáng chú ý nhất mà du khách nước ngoài thường đề cập và yêu thích khi nói về Việt Nam.

Việt Nam rất khác với những nơi như Singapore. Vì vậy, từ góc nhìn thuần túy về GDP, việc bảo tồn văn hóa đời sống vỉa hè của TP sẽ là việc làm khá thông minh.

Vấn đề ở đây là làm thế nào để chia sẻ không gian vỉa hè quý báu này. Việc này cũng nên được thực hiện theo những cách khác nhau tại những địa điểm khác nhau, bởi diện tích vỉa hè không phải ở đâu cũng giống nhau, có chỗ rộng rãi chia sẻ được, có chỗ lại không.

Cũng vậy, nhu cầu của mọi người cũng khác nhau tại nhiều thời điểm khác nhau trong ngày. Nhiều người vẫn mua đồ ăn sáng trên vỉa hè trước khi đến chỗ làm.

* Vậy theo bà, làm sao để hài hòa được lợi ích giữa người dân mưu sinh trên vỉa hè với quy hoạch không gian công cộng phục vụ cho sự phát triển của TP?

– Việc kiếm sống nhờ vỉa hè không phải là tình trạng bất biến, TP rồi sẽ đổi thay, nền kinh tế rồi sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn. Nhưng việc kiếm sống của mọi người không thể chờ 10 năm.

Do đó, chúng ta cần có những giải pháp trước mắt, chúng ta cần tạo ra thêm nhiều việc làm và chúng ta cũng cần đảm bảo mọi người có thể kiếm sống ngay lúc này.

Mâu thuẫn trong việc sử dụng vỉa hè không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới. Thực tế chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ: một lượng lớn những người lao động nghèo đang kiếm sống trên đường phố.

Tôi đã rất ấn tượng khi thấy một phường ở TP.HCM vẽ sơn trên vỉa hè để phân ra đâu là nơi đậu xe, đâu là nơi hàng rong có thể buôn bán và dành ra chỗ ở giữa cho người đi bộ. Đây là một trong những cách làm hay. TP có thể có nhiều cách linh động để quy hoạch lại được không gian vỉa hè. 

NGỌC ĐÔNG – TIẾN LONG thực hiện