Tượng chưa trưng bày đã gãy đổ ngổn ngang
Nhìn những bức tượng chưa kịp trưng bày đã gãy đổ, hoạ sĩ Uyên Huy – chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM – không khỏi đau lòng nên phải lên tiếng “kêu cứu” cho những tác phẩm điêu khắc của Trại điêu khắc quốc tế TP.HCM 2015.
Tượng chưa trưng bày đã gãy đổ ngổn ngang
Nhìn những bức tượng chưa kịp trưng bày đã gãy đổ, hoạ sĩ Uyên Huy – chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM – không khỏi đau lòng nên phải lên tiếng “kêu cứu” cho những tác phẩm điêu khắc của Trại điêu khắc quốc tế TP.HCM 2015.
Tác phẩm Niềm vui của điêu khắc gia Trần Mai Hữu Quý bị gãy đổ (ảnh chụp trưa 30-3 tại công viên lịch sử – văn hóa – dân tộc, Q.9, TP.HCM) – Ảnh: Q.T. |
Trại điêu khắc quốc tế TP.HCM 2015 từng được ủng hộ về mặt tài chính lẫn chính sách. 11 điêu khắc gia quốc tế, 40 điêu khắc gia trong nước tham gia trại đã để lại những tác phẩm phong phú về phong cách và biểu cảm về mặt nghệ thuật.
“TP bỏ ra tiền tỉ, mời điêu khắc gia nhiều nước tới sáng tác rồi… để lăn lóc đó. Tôi thấy đó là sự lãng phí về tiền của của TP, và cả công sức sáng tạo của anh em điêu khắc gia |
Điêu khắc gia Bùi Hải Sơn |
Tượng thì đổ, tượng thì “long đong”
Sau 15 tháng kể từ khi kết thúc trại sáng tác, những bức tượng vẫn nằm ở công viên lịch sử – văn hóa – dân tộc (Q.9, TP.HCM) mà chưa được trưng bày tại các điểm công cộng trong TP như dự tính.
Đáng buồn là ngoài những bức tượng làm bằng chất liệu đá, kim loại… còn chắc chắn thì những bức tượng bằng nhựa polymer (chờ được đúc đồng) đã bắt đầu bong nứt hoặc hoàn toàn gãy đổ.
Tất nhiên, những nghệ sĩ không khỏi tổn thương khi tác phẩm của mình bị hư hại. Điêu khắc gia Trần Mai Hữu Quý cám cảnh cho biết: “Tôi làm tượng bằng nhựa polymer vì lúc đó ban tổ chức hứa sẽ đúc đồng, nhưng tới nay vẫn chưa được đúc.
Tượng polymer mà để phơi ngoài nắng gió như thế thì làm sao chịu nổi. Nhưng nó bây giờ thuộc sở hữu của TP rồi, tôi có muốn bảo dưỡng cũng biết làm sao? Buồn lắm chứ… nó là tác phẩm – đứa con tinh thần của mình mà!”.
Với những bức tượng đá, phần bệ cũng bị đổ bể, hư hại. Điều mà các điêu khắc gia lo lắng hơn nữa là những tác phẩm của tác giả nước ngoài làm mô hình bằng đất (chờ được đúc đồng) nếu hư hại thì xem như mất luôn, không thể mời tác giả đến làm lại.
Có ba bức tượng như vậy được gửi ở xưởng của điêu khắc gia Lê Lang Biên ở quận 12. Lê Lang Biên kể: “Lúc đó người của ban tổ chức có đến nhờ xưởng tôi chuyển ba bức tượng đất của tác giả Romania, Nga, Ukraine ra chất liệu polymer chờ đúc đồng.
Những bức tượng này được đưa ra trưng bày ở đường hoa tết 2016 nhưng sau đó tượng của tác giả Romania bị gãy một phần. Họ đưa về đây nhờ tôi sửa chữa, rồi… để ở đây luôn đến nay.
Sắp tới tôi phải nói họ đến để cẩu đi hoặc xử lý thế nào đó, chứ nếu cứ để thế này mà xảy ra hư hại gì thì tôi cũng không thể chịu trách nhiệm!”.
Tác phẩm của một tác giả Romania chưa được đúc đồng và vẫn “tầm gửi” ở xưởng điêu khắc Lê Lang Biên – Ảnh: L.B. |
Có nhu cầu về tượng, nhưng…
Trước sự “long đong” của tượng điêu khắc Trại điêu khắc quốc tế TP.HCM 2015, họa sĩ Uyên Huy cho biết: “Ngoài hai bức tượng được đưa ra trưng bày ở Đường sách Nguyễn Văn Bình, những tượng để ở công viên lịch sử – văn hóa – dân tộc đang bị xuống cấp, hư hỏng.
Tượng của các tác giả quốc tế được hứa đúc đồng nhưng đến nay vẫn chưa được đúc đồng mà chỉ chuyển qua polymer, đem ra trưng bày ở đường hoa tết bị hư hỏng.
Nếu những bức tượng này không được xử lý mà để hư hỏng hoàn toàn thì không còn khả năng “cứu” nữa.
Rất nhiều cuộc họp, Hội Mỹ thuật đã lên tiếng điều này với UBND TP, Sở VH-TT, nhưng tất cả chỉ là sự… im lặng!”.
Điêu khắc gia Bùi Hải Sơn – thành viên ban tổ chức Trại điêu khắc quốc tế TP.HCM 2015, người từng tham gia nhiều trại điêu khắc – nhận xét: “Tôi cho rằng nguyên nhân là ở chỗ những người thực hiện không cảm thấy có trách nhiệm liên đới.
Thực tế là ban tổ chức trại làm ra tượng, xong thì phủi tay coi như không còn trách nhiệm nữa. Còn người tiếp quản, tìm chỗ đặt tượng thì thờ ơ, xem đó không phải là chuyện của mình…!”.
Bùi Hải Sơn tỏ ra luyến tiếc: “Bên Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật từng nhờ tôi làm cố vấn để xin tượng của trại về đặt trong khuôn viên của họ. Tôi cũng đã cố vấn rồi, nhưng rồi sao đó không xin được.
Còn như tác phẩm Niềm vui của Trần Mai Hữu Quý, một đơn vị nhà thiếu nhi TP cũng nhờ tôi cố vấn và xin giúp cho họ. Thậm chí họ đồng ý là nếu được, họ sẵn sàng bỏ tiền đúc đồng. Rõ ràng nhu cầu về tượng là có”.
Theo điêu khắc gia Sơn, trại còn “nợ” các điêu khắc gia quốc tế vì một lời đã hứa: “Ban tổ chức TP đã hứa in catalogue tác phẩm của trại, nhưng đến bây giờ vẫn chưa in.
Điều này với các điêu khắc gia quốc tế rất quan trọng, bởi vì nó chứng minh được sự hiện diện tác phẩm, sự lao động của họ ở các quốc gia trên thế giới.
Hơn nữa là lời hứa đúc đồng cho các tác phẩm thực hiện bằng đất, polymer đến nay vẫn chưa thực hiện. Nếu ban tổ chức trại không làm điều này thì rõ ràng là TP đã thất hứa với họ!”.
Không biết đặt tượng ở đâu? Nhiều người từng hi vọng Trại điêu khắc quốc tế TP.HCM 2015 sẽ tránh được vết xe đổ của Trại điêu khắc TP.HCM 2005 và thực trạng chung của các trại điêu khắc khác trong nước. Đó là khi xong trại, các tượng điêu khắc được đầu tư tiền tỉ không… biết đặt đâu! Những bức tượng thô kệch của Trại điêu khắc TP.HCM 2005 đặt ở công viên Tao Đàn vẫn còn là một bài học sống động. Tuy nhiên, dù có những tượng đẹp hơn, Trại điêu khắc quốc tế TP.HCM 2015 giờ đây đang đối mặt với thực trạng xuống cấp, hư hỏng. |