01/11/2024

Dạy trẻ tự bảo vệ để không bị xâm hại

Cứ đi sẽ đến, dù thành phố hay nông thôn, hơn một năm nay nhóm Sách và Trẻ thơ do giảng viên Nguyễn Thị Thu Huyền, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sáng lập đã tình nguyện mang kiến thức về kỹ năng tự bảo vệ đến các trường mầm non, tiểu học, mái ấm, nhà mở ở TP.HCM, Tây Ninh, Đồng Nai, Kon Tum, Lâm Đồng.

 

Dạy trẻ tự bảo vệ để không bị xâm hại

Cứ đi sẽ đến, dù thành phố hay nông thôn, hơn một năm nay nhóm Sách và Trẻ thơ do giảng viên Nguyễn Thị Thu Huyền, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sáng lập đã tình nguyện mang kiến thức về kỹ năng tự bảo vệ đến các trường mầm non, tiểu học, mái ấm, nhà mở ở TP.HCM, Tây Ninh, Đồng Nai, Kon Tum, Lâm Đồng.




Một lớp dạy kỹ năng cho học sinh  /// Ảnh: Bảo Châu

Một lớp dạy kỹ năng cho học sinhẢNH: BẢO CHÂU

Với gần 40 thành viên là giáo viên, giảng viên trường ĐH, trường phổ thông của TP.HCM và Đồng Nai cùng tinh thần thiện nguyện đã phân chia nhóm lứa tuổi học sinh sao cho phù hợp để cung cấp kiến thức kỹ năng. 
Theo đó, trẻ được lưu ý các khu vực riêng tư trên cơ thể và đối tượng được phép tiếp xúc, phân biệt đụng chạm an toàn và không an toàn, cách thức phản ứng khi có đụng chạm không an toàn, cách ứng xử nếu bị xâm hại, các lưu ý khi tiếp xúc với người lạ…
Ngoài ra, cô Thu Huyền cho hay các thành viên của nhóm còn hướng dẫn trẻ biết cách thoát thân khi bị người xấu có ý đồ sàm sỡ, đụng chạm vào bộ phận kín hoặc khi họ ôm hôn, sờ soạng…
Sau thời gian sinh hoạt với học sinh, nhóm còn truyền kinh nghiệm sang giáo viên và phụ huynh những nội dung tổng quan về tình hình xâm hại tình dục trẻ em tại VN và trên thế giới, các nguy cơ bị xâm hại tại gia đình, trường học và xã hội, hậu quả khi trẻ bị xâm hại, cách thức phòng tránh cho trẻ, phương pháp giáo dục giới tính cho trẻ…
Trong đó, nhóm tập trung nhiều về cách thức giáo dục cho trẻ vì nhiều giáo viên hiện còn lúng túng khi giảng dạy kiến thức này.
Cô Thu Huyền cũng như các thành viên của nhóm Sách và Trẻ thơ đều cho rằng không thể chần chừ thêm, phải thực hiện một chiến dịch phổ cập kiến thức để mọi người cùng bảo vệ trẻ và tự trẻ bảo vệ bản thân càng nhiều càng tốt. Có rất nhiều thứ quan trọng cần dạy cho trẻ, tuy nhiên, sinh mạng và tinh thần của trẻ là điều chúng ta cần bảo vệ hơn hết.
Trong quá trình thực hiện, nhóm phải đối diện với khó khăn, đặc biệt là đối với trẻ ở vùng nông thôn. Giảng viên Đào Phan Đình Tài, Trường ĐH Đồng Nai, thành viên của nhóm đưa ra ví dụ: “Đến các vùng quê, chúng tôi dặn trẻ cần phải thay đồ, tắm rửa ở nơi kín đáo nhưng ở nông thôn thì thói quen người dân lại tắm rửa ở khu vực không che chắn, với trẻ em lại càng thoải mái hơn”.
Tương tự, có những khó khăn xảy ra khi kỹ năng mâu thuẫn với thói quen của người lớn. Chẳng hạn: “Dạy trẻ không được đụng chạm, nhìn ngó cơ quan sinh dục của người khác nhưng người lớn lại rất hay trêu ghẹo, đụng chạm vào khu vực nhạy cảm của trẻ”, thành viên khác dẫn chứng.
Thành viên Nguyễn Thuý Vân cho rằng với những khó khăn xuất phát từ thói quen và suy nghĩ, nếu không nhiệt tình, tâm huyết thì khó lòng nhóm có thể đem kiến thức kỹ năng đến với trẻ. Có những đợt, nhóm phải “nằm vùng” ở xã vài ngày để dạy trẻ, hướng dẫn người thân trong gia đình hiểu, biết, nắm vững từ đó bảo vệ con em mình.
Để trẻ hiểu và áp dụng những kỹ năng được truyền đạt, giảng viên Thu Huyền thông tin, các thành viên dù đều là giáo viên, giảng viên, được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm, nhưng nếu chưa từng dạy trẻ mầm non hoặc học sinh tiểu học thì nhóm cũng xếp lịch trợ giảng (học thêm kiến thức dạy trẻ). Sau khi làm quen với các phương pháp tiếp cận với lứa tuổi nhỏ ổn định, thành viên mới chính thức hướng dẫn cho trẻ.


 

Bích Thanh