29/11/2024

Cẩn trọng khi triển khai đường một chiều

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa đề xuất tổ chức giao thông đường một chiều và phân làn đường theo giờ tại thành phố.

 

Cẩn trọng khi triển khai đường một chiều

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa đề xuất tổ chức giao thông đường một chiều và phân làn đường theo giờ tại thành phố.

 

 

 

 

Cẩn trọng khi triển khai đường một chiều
Sở GTVT đề xuất hai cặp đường một chiều tại khu vực quận 1 trung tâm TP.HCM – Đồ hoạ ẤN ĐẠT

Đây là một trong những nội dung đề xuất trong kế hoạch mà Sở GTVT TP vừa trình UBND TP nhằm giảm kẹt xe và tai nạn giao thông trong năm 2017.

4 cụm đường một chiều

Lãnh đạo Sở GTVT TP cho biết đã phân công cụ thể cho từng đơn vị nghiên cứu đề xuất đường một chiều. Cụ thể, giao Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (Khu 1) lập báo cáo tổ chức xe lưu thông một chiều đường Cộng Hoà Trường Chinh – Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình và Q.Phú Nhuận).

Theo đó, đường một chiều này sẽ hình thành vòng xoay lớn cho xe lưu thông một chiều theo hướng Trường Chinh – Hoàng Văn Thụ – Cộng Hòa. Khu 1 cũng nghiên cứu tổ chức giao thông một chiều đường Hai Bà Trưng – Phạm Ngọc Thạch và Trần Quốc Thảo – Lê Quý Đôn.

 

Tương tự, Sở GTVT TP giao Khu quản lý giao thông đô thị số 3 nghiên cứu đường Phan Văn Trị – Lê Quang Định, dự kiến đường Lê Quang Định lưu thông một chiều từ Phạm Văn Đồng đến Phan Văn Trị. Đường Phan Văn Trị lưu thông một chiều từ Lê Quang Định đến Phạm Văn Đồng. Sở GTVT TP cũng yêu cầu các khu này trong tháng 4 phải có báo cáo đề xuất cụ thể phương án tổ chức đường một chiều.

 

Theo ông Nguyễn Vĩnh Ninh – giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1, Khu 1 đang bắt tay vào nghiên cứu và có kế hoạch triển khai cụ thể trên từng tuyến đường để trình Sở GTVT TP xem xét. Ông Ninh nhận định trong tình hình giao thông TP như hiện nay, việc tổ chức lại giao thông, quy định đường một chiều là rất phù hợp.

Hiện nay, TP cũng đang có các dự án như: thành lập khu phố đi bộ, tổ chức làn đường riêng dành cho xe buýt nên cần phải tổ chức lại giao thông cho nhiều tuyến đường. Khi tổ chức giao thông một chiều, cả 3 dự án sẽ trở thành một tổ hợp hỗ trợ nhau giải quyết bài toán ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên, các tuyến đường dự kiến tổ chức đường một chiều đều là các tuyến đường lớn, lượng xe đi lại đông đúc. Do vậy, để xây dựng báo cáo đề xuất được nhanh chóng, chuẩn xác, Khu 1 sẽ thuê đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát, thăm dò ý kiến người dân.

Khu 1 sẽ cố gắng hoàn tất các bước ban đầu trong tháng 4 để trình Sở GTVT TP, xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP. “Sau khi đề án được duyệt, chúng tôi nhanh chóng phối hợp với các đơn vị khác triển khai, đồng thời thông báo rộng rãi đến người dân” – ông Ninh nói.

Lấy ý kiến chuyên gia, người dân

Theo phòng quản lý khai thác hạ tầng đường bộ, Sở GTVT TP.HCM, tiêu chí chọn đường một chiều là tuyến đường có mật độ xe lưu thông lớn và thường xuyên xảy ra ùn tắc. Đồng thời đó là những cặp đường song song như: Hai Bà Trưng – Phạm Ngọc Thạch, Lê Quý Đôn – Trần Quốc Thảo, Phan Văn Trị – Lê Quang Định.

Riêng đường Trường Chinh – Hoàng Văn Thụ – Cộng Hòa kẹt xe nặng nề nên phải tạo vòng xoay lớn và bên trong vòng xoay sẽ tổ chức lại giao thông ở các đường ngang để giúp lưu thông tốt hơn.

Phòng quản lý và khai thác hạ tầng đường bộ khẳng định xe lưu thông trên đường một chiều sẽ thoát nhanh hơn so với đường hai chiều. Điều này đã được chứng minh từ khi tổ chức đường một chiều ở nút giao thông ngã tư Bảy Hiền (Q.Tân Bình), đường Xô Viết Nghệ Tĩnh – Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh).

Theo tính toán về giao thông thì mật độ xe lưu thông trên đường một chiều có khả năng thông thoát nhiều hơn khoảng 60% so với mật độ xe lưu thông trên đường hai chiều.

Liệu Sở GTVT TP có lường trước những tình huống khó khăn khi làm đường một chiều? Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, ông Ngô Hải Đường – trưởng phòng quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ – cho biết việc thực hiện đường một chiều sẽ được làm rất cẩn thận.

Theo đó, Sở GTVT TP giao cho các khu quản lý giao thông đô thị thuê đơn vị tư vấn nghiên cứu, tính toán mật độ xe lưu thông trên từng tuyến đường, phương án tổ chức giao thông… Sau đó, Sở GTVT TP sẽ mời các chuyên gia, các nhà khoa học và người dân tham gia góp ý. Đến khi phương án tổ chức giao thông đường một chiều khả thi, Sở GTVT TP sẽ trình UBND TP xem xét, quyết định.

Một cán bộ Sở GTVT TP nhìn nhận thực tế việc tổ chức đường một chiều không đơn giản. Bởi vì đường một chiều ở nút giao thông ngã tư Bảy Hiền và đường Xô Viết Nghệ Tĩnh – Đinh Bộ Lĩnh đã thực hiện thành công cách đây 7-8 năm, nhưng đến nay vẫn có những ý kiến của người dân đề nghị đổi lại thành đường hai chiều. Những người đưa ra ý kiến này có nhà bên trái đường, kinh doanh buôn bán khó khăn do ít xe ghé vào.

Mở rộng làn đường theo giờ

Sở GTVT TP cũng đề xuất UBND TP về việc tổ chức giao thông thay đổi làn đường theo giờ trên đường Nguyễn Hữu Thọ (Q.7) và quốc lộ 13 (Q.Thủ Đức). Chẳng hạn trên tuyến đường có 3 làn xe thì giờ cao điểm buổi sáng sử dụng 2 làn xe cho hướng xe lưu thông từ ngoại thành vào trung tâm TP và buổi chiều sẽ thực hiện ngược lại.

Liên quan đến đề xuất nói trên, ông Võ Văn Điệp – giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 4 – cho biết đơn vị đã báo cáo Sở GTVT TP là không thực hiện được vì mặt đường Nguyễn Hữu Thọ không đủ 3 làn xe và lượng xe trên đường quá lớn. Còn lãnh đạo Khu quản lý giao thông đô thị số 2 cho biết việc áp dụng biện pháp mở rộng làn đường theo giờ trên quốc lộ 13 sẽ giải quyết được nạn ùn tắc trên đường này.

Theo phòng quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, biện pháp thay đổi làn đường theo giờ sẽ tận dụng hiện trạng hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu và có thể thực hiện ngay. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu thực hiện người dân sẽ lúng túng vì chưa quen. Vì vậy cần tổ chức người điều tiết giao thông thường xuyên nhằm đảm bảo xe lưu thông đúng đường.

NGỌC ẨN – THU DUNG