Xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề của toàn cầu
Lạm dụng tình dục trẻ em xảy ra khắp nơi. Đây là một vấn đề toàn cầu chứ không phải chỉ riêng ở Việt Nam – bà SHARON KANE (giám đốc quốc gia của Plan International Việt Nam) đã nói như vậy với Tuổi Trẻ.
Xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề của toàn cầu
Lạm dụng tình dục trẻ em xảy ra khắp nơi. Đây là một vấn đề toàn cầu chứ không phải chỉ riêng ở Việt Nam – bà SHARON KANE (giám đốc quốc gia của Plan International Việt Nam) đã nói như vậy với Tuổi Trẻ.
Cô Trang Nhung, giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, làm giảng viên tình nguyện dạy kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh tại một trường tiểu học ở TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG |
Một nghiên cứu chỉ ra 80% người lạm dụng trẻ em trên toàn cầu quen biết với nạn nhân. Do đó, khi bàn về bảo vệ trẻ em, chúng ta không chỉ bảo vệ chúng khỏi những kẻ lạ mà chính từ những người quen biết hay thậm chí những người thân trong gia đình. Vì vậy, bảo vệ trẻ em bắt đầu từ cách phòng ngừa là vấn đề cốt lõi |
Bà SHARON KANE |
Theo bà Sharon Kane, ví dụ như ở Úc quê hương bà, số trường hợp lạm dụng trẻ em tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua.
Sở dĩ số trường hợp xâm hại tình dục trẻ em gia tăng ở Úc hay ở Việt Nam trong những năm gần đây là do báo chí càng chú ý đưa tin nhiều thì càng phát hiện ra nhiều trường hợp.
Quan trọng là thực thi luật
Plan International Việt Nam là một tổ chức phi chính phủ đã bắt đầu làm việc tại Việt Nam từ năm 1993, chú trọng các giải pháp xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ em. Làm công việc bảo vệ trẻ em, tôi quan tâm tìm hiểu và không cho rằng các luật về bảo vệ trẻ em của Việt Nam có vấn đề. Việc xác định và chứng minh các hành vi lạm dụng tình dục trẻ em là một thách thức không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Úc và nhiều nơi khác trên thế giới.
Theo tôi, Việt Nam hiện có hệ thống luật pháp và khung pháp lý tương đối tốt và mạnh về bảo vệ trẻ em. Vấn đề của Việt Nam là làm sao thực thi cho tốt, nhất là về khoản phòng ngừa. Nhân đây, tôi xin chia sẻ kinh nghiệm của Úc trong việc bảo vệ trẻ em. Chúng tôi có khung pháp lý quốc gia về bảo vệ trẻ em Úc giai đoạn 2009-2020 với 6 điểm hành động đã được Chính phủ Úc thông qua, bao gồm:
1. Trẻ em được sống trong các gia đình, cộng đồng an toàn và luôn giúp đỡ chúng.
2. Trẻ em và gia đình tiếp cận sự hỗ trợ đầy đủ về các dịch vụ y tế, giáo dục, bảo vệ trẻ em để bảo đảm an toàn cho trẻ và ngăn chặn việc lạm dụng trẻ.
3. Xử lý các nhân tố rủi ro liên quan đến lạm dụng trẻ em và xử lý sự phớt lờ của các bên liên quan với lạm dụng trẻ em.
4. Những trẻ em bị lạm dụng hoặc bị phớt lờ nhận được sự hỗ trợ và chăm sóc mà chúng cần để bảo đảm an toàn và an sinh của chúng.
5. Trẻ em Úc bản địa được hỗ trợ và sinh sống an toàn trong gia đình và cộng đồng của chúng.
6. Ngăn chặn lạm dụng tình dục và khai thác tình dục trẻ em, đồng thời bảo đảm những nạn nhân cần được nhận sự hỗ trợ đầy đủ.
Ngoài các bộ luật bảo vệ trẻ em, Úc còn thành lập ban bảo vệ trẻ em. Chúng tôi có một mô hình phòng chống lạm dụng tình dục trẻ em hiệu quả mà Việt Nam chưa áp dụng là mandatory reporting (báo tin bắt buộc). Theo mô hình này, nếu các giáo viên ở trường học hay các bác sĩ ở bệnh viện phát hiện thấy trẻ em có dấu hiệu bị lạm dụng thì ngay lập tức buộc phải báo cáo các cơ quan chức năng như ban bảo vệ trẻ em để có hướng xử lý, điều tra.
Úc còn triển khai đường dây tiếp nhận các cuộc gọi từ trẻ em – mô hình mà chúng tôi giúp Việt Nam triển khai từ năm 2004. Bên cạnh đó, Úc còn thiết lập hệ thống những tội phạm xâm hại trẻ em quốc gia, cho phép cảnh sát lưu hồ sơ và chia sẻ công khai thông tin những tội phạm đối với trẻ em.
Ảnh: QUỲNH TRUNG |
Dạy trẻ em làm “ông/bà chủ của cơ thể”
Có một nghiên cứu cho thấy khi con cái chia sẻ với cha mẹ chúng một số vấn đề mà chúng gặp phải ở trường học hay bên ngoài thì phải đến 5 lần phụ huynh mới nhận ra các vấn đề của con em và đưa ra hành động thật sự nghiêm túc để hỗ trợ con cái của mình. Luôn luôn là thách thức khi phát hiện các trường hợp lạm dụng trẻ em, trong đó có lạm dụng tình dục.
Vì vậy, lời khuyên của tôi dành cho các bạn từ kinh nghiệm của Úc chính là chúng ta nên bắt đầu từ phòng ngừa. Bảo vệ trẻ em ngay từ lúc chúng còn nhỏ, nâng cao nhận thức cho chúng về các tội phạm đối với trẻ em. Tôi nghĩ nếu Việt Nam có thể thành lập một hệ thống bảo vệ trẻ em như ở Úc bằng cách bắt đầu từ phòng ngừa sẽ giúp giảm số vụ lạm dụng trẻ em.
Cần khuyến khích con trẻ thoải mái chia sẻ với cha mẹ. Khi con cái chia sẻ những vấn đề của chúng, các bậc phụ huynh không nên trừng phạt chúng mà thay vào đó là tìm cách lắng nghe, khuyến khích trẻ con tự tin với những quyền lợi của chúng, dạy chúng về quyền riêng tư và bảo vệ bản thân khỏi bị lạm dụng.
Tôi nghĩ, đã là phụ huynh thì bất cứ ai cũng mong muốn mang lại điều tốt nhất cho con cái trong khả năng của mình. Ở Việt Nam, việc nâng cao nhận thức cho phụ huynh về bảo vệ con trẻ không phải là vấn đề nguồn lực mà là về thay đổi cách nghĩ.
Tôi có hai con gồm một trai và một gái. Tôi nói với hai con mình rằng chúng phải là “ông/bà chủ của cơ thể mình”, tức là chúng phải tự chịu trách nhiệm cho bản thân. Các bậc phụ huynh cần nói chuyện với con cái từ khi chúng còn rất nhỏ (từ 4, 5 tuổi) về những gì chúng nên làm và không nên làm.
Tôi nghĩ tất cả bậc phụ huynh dù ở Việt Nam hay Úc đều có thể làm việc đơn giản này. Hãy cho con cái cơ hội để chia sẻ những vấn đề của chúng và việc đầu tiên của bạn là phải học cách lắng nghe, không nên phán xét chúng đúng hay sai.
Ở trường học, giáo viên dạy trẻ em ngay từ bé về các quyền lợi của chúng và biết cách bảo vệ thân thể. Úc đưa các chương trình giáo dục này vào giáo trình ở trường học.
Không nên chụp hình “tự sướng” với người lạ Khi tôi đưa con gái tuổi teen đi dự tiệc cùng mình. Con gái tôi trông xinh xắn và nhiều người lớn dự tiệc bảo: “Đến đây ngồi với cô/chú” hoặc “cho cô/chú ôm một cái nào”. Con tôi không biết những người này là ai. Cách tôi giáo dục con mình trong trường hợp này là nói với cháu: “Con không cần phải làm vậy bởi vì con không biết họ là ai”. Tôi cũng thường bảo con gái không nên chụp hình “tự sướng” với những người lạ và những người bạn mới quen bên ngoài vì không biết những tấm ảnh này sẽ đi đâu trong thế giới mạng. |