Tranh luận rùa vàng: Hà Nội không cần thêm biểu tượng
Thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện nhiều ý tưởng đề xuất xây dựng các công trình mang tính biểu tượng đặt trong không gian di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm) tại Hà Nội.
Tranh luận rùa vàng: Hà Nội không cần thêm biểu tượng
Thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện nhiều ý tưởng đề xuất xây dựng các công trình mang tính biểu tượng đặt trong không gian di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm) tại Hà Nội.
Khuê Văn Các được Quốc hội công nhận là biểu tượng của Hà Nội trong Luật thủ đô – Ảnh: Trung tâm hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám |
Câu chuyện Bộ VH-TT&DL đề xuất dựng mô hình Kong tại hồ Gươm mới lắng xuống chưa lâu thì mới đây, ông Tạ Hồng Quân – một công dân Hà Nội – đã đề xuất đúc tượng rùa vàng tại đây.
Những ý tưởng này đều thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội với những ý kiến khác nhau. Hà Nội có thực sự đang cần xây dựng công trình mang tính biểu tượng cho văn hiến thủ đô và thu hút khách du lịch?
Hồ Gươm thành nơi thí nghiệm của các ý tưởng tuỳ tiện?
Theo đề án chi tiết “đúc biểu tượng rùa vàng hồ Gươm” mà ông Quân trình lên UBND TP Hà Nội, tượng rùa vàng hồ Gươm sẽ được thực hiện bằng chất liệu đồng nguyên chất và vàng, dài 2,5m, cao 3,5m và có trọng lượng khoảng 6-10 tấn.
Kinh phí thực hiện sẽ huy động bằng hình thức xã hội hoá. Ông Tạ Hồng Quân khẳng định tượng rùa vàng sẽ không làm phá vỡ bố cục không gian cảnh quan hồ Hoàn Kiếm mà còn “tô điểm thêm vẻ đẹp của hồ Gươm”.
Khác với mong đợi của ông Quân, nhiều nhà nghiên cứu văn hoá đã lên tiếng khuyến cáo cần rất thận trọng khi đặt bất kỳ công trình nào vào không gian đặc biệt này.
GS Phan Huy Lê – chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử VN – bày tỏ quan điểm bất kỳ ý tưởng xây dựng thêm công trình nào ở hồ Gươm cũng phải được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng vì đây là không gian văn hoá, lịch sử rất nhạy cảm và có phạm vi hẹp.
“Tất cả những đề xuất xây dựng thêm công trình biểu tượng tại hồ Gươm ít nhiều đều xuất phát từ tấm lòng với thủ đô. Nhưng có nhiều đề xuất tuỳ tiện và vội vàng. Như vừa rồi Bộ VH-TT&DL đề xuất dựng mô hình khỉ Kong tại đây là điều thực sự xấu hổ.
Rất may Hà Nội đã từ chối đề xuất này. Nhưng những đề xuất sai lầm nghiêm trọng như vậy cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Hồ Gươm đã đi vào trong tâm thức của người dân với nhiều dấu ấn linh thiêng và là không gian cực kỳ đẹp. Vì thế cũng không nên tập trung quá nhiều ý tưởng dồn dập vào đây” GS Lê khuyến cáo.
Còn GS Lưu Trần Tiêu – chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia – nêu quan điểm: “Hồ Gươm không phải là nơi để triển lãm trưng bày cái gì cũng được.
Nếu như vậy sẽ làm giảm giá trị của di tích này”. Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng – chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư VN – cho rằng hồ Gươm vừa là không gian văn hoá lịch sử vừa là một di sản sống, có ý nghĩa với cả nước.
Quanh hồ Gươm đã có nhiều công trình kiến trúc có giá trị văn hoá lịch sử như đền Ngọc Sơn, tháp Bút, cầu Thê Húc, đền Bà Kiệu…
“Việc đặt bất kỳ công trình mới nào vào không gian này cũng không cần thiết nữa vì nơi đây đã có quá nhiều thứ rồi. Không nên biến hồ Gươm thành nơi thí nghiệm của các ý tưởng tuỳ tiện” – ông cho biết.
Biểu tượng phải chứa đựng chiều sâu văn hoà
Đáp lại ý kiến ông Tạ Hồng Quân rằng Hà Nội đang thiếu biểu tượng nhận diện, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng khẳng định rùa không phải là biểu tượng của Hà Nội.
“Hà Nội đã chọn được biểu tượng rồi, đó là Khuê Văn Các – tiêu biểu cho sự hiếu học, nét văn hoá của thủ đô. Tháp rùa cũng không phải là biểu tượng của Hà Nội. Trong đền Ngọc Sơn cũng đã có tiêu bản rùa rồi, nên việc đúc tượng là không cần thiết” – ông Tùng nói.
Hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn nhận định: “Tôi chắc nhiều người cũng sẽ chung suy nghĩ với tôi là Hà Nội không thiếu biểu tượng. Xung quanh hồ Gươm đã có nhiều công trình mang tính lịch sử để du khách có thể nhớ đến rồi.
Nên nếu cố xây thêm những công trình mang tính biểu tượng khác thì sẽ làm hỏng những biểu tượng đã có từ lâu. Các công trình xã hội hoá cũng nên cân nhắc chứ không thể cứ xã hội hoá thì dễ dãi”.
PGS Đinh Hồng Hải (ĐHQG Hà Nội) lại quan niệm biểu tượng của một thành phố phải chứa đựng trong đó chiều sâu và giá trị đích thực của văn hoá, chứ không phải chỉ là những công trình vô hồn.
Khi những chiều sâu văn hoá đó cấu thành những biểu tượng thì nó mới thực sự có giá trị và ý nghĩa. “Tôi ủng hộ ý kiến mà nhà phê bình Nguyễn Quân đã từng nói, chúng ta nên tạm dừng xây dựng tượng đài trong khoảng 20 năm để suy nghĩ lại và xem xét việc xây dựng đó đã thực sự cần thiết hay chưa” ông Hải nói.
Hà Nội đã có biểu tượng là Khuê Văn Các Ông Trương Minh Tiến – phó giám đốc Sở Văn hoá – thể thao Hà Nội – cho biết đơn vị này rất trân trọng những ý tưởng đóng góp của mọi cá nhân, tổ chức góp phần làm cho thủ đô xanh, sạch, đẹp hơn. Nhưng ông khẳng định Hà Nội đã có biểu tượng là Khuê Văn Các. Biểu tượng này còn được Quốc hội đưa vào Luật thủ đô. Vì thế không thể nói Hà Nội đang thiếu biểu tượng nhận diện. Còn chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN Trần Ngọc Chính có quan điểm khác: “Dù Hà Nội đã có nhiều biểu tượng đặc trưng nhưng chưa bao giờ được xem là đủ hay thừa. Nói về ý tưởng đúc tượng rùa, tôi cho rằng đó là một nhìn nhận khá nghiêm túc và có cơ sở. Bởi lẽ “cụ” rùa đã gắn chặt với hình ảnh hồ Hoàn Kiếm, tháp Rùa – một biểu tượng trung tâm của thủ đô, một điểm nhấn sát ngay khu vực phố cổ, phố cũ. Chưa kể, “cụ” rùa gắn với câu chuyện nhuốm màu truyền thuyết liêu trai, qua đó vừa thể hiện một truyền thống yêu nước bất khuất, không khoan nhượng trước giặc ngoại xâm để bảo vệ chủ quyền, bờ cõi quốc gia của cả dân tộc, lại vừa thể hiện niềm khao khát và yêu chuộng hòa bình của dân tộc ta. Rùa hồ Hoàn Kiếm cũng đã gắn bó với ký ức của biết bao nhiêu đời người hàng trăm năm qua, đi vào tiềm thức nhiều thế hệ. Do đó, khi “cụ” rùa không còn thì việc có một bức tượng để lưu giữ lại hình ảnh của “cụ” cũng là việc nên làm. Tuy nhiên, từ ý tưởng đến khi hiện thực hoá cần phải có những thảo luận, cuộc làm việc nghiêm túc, chuyên sâu của các chuyên gia, giới, ngành và cơ quan quản lý. Bởi đúc tượng cao bao nhiêu, kích thước thế nào, hình dáng ra sao, đặt ở vị trí nào… cần phải đảm bảo được tính thẩm mỹ, hài hoà về kiến trúc, cảnh quan đô thị và an toàn lưu thông…”. |
Đa số bạn đọc không đồng tình Sau gần một ngày đăng tải thông tin“Đề xuất đúc tượng rùa vàng 10 tấn tại hồ Hoàn Kiếm”trên Tuổi Trẻ Online, Tuổi Trẻ đã nhận được gần 500 ý kiến bạn đọc bình luận xung quanh ý tưởng này, hầu hết không ủng hộ. Nhiều bạn đọc không cho rằng rùa là biểu tượng của thủ đô và phản đối vì mẫu phác thảo (tạm thời) đưa ra trong đề án không đẹp. Có bạn đọc lo ngại công trình chỉ hút lấy sự xô bồ làm phá vỡ không gian hồ. Nhiều bạn đọc cũng đề xuất làm cho môi trường nước của hồ trong sạch, không để sinh vật sống trong hồ chết mới là điều thiết thực, nên làm. |