08/01/2025

Xây nhà trên đất nông nghiệp: Dân ngóng được hợp thức hoá

Nhiều nhà dân xây trên đất nông nghiệp tại TP.HCM đang nóng lòng chờ thủ tục hướng dẫn về việc hợp thức hoá, thế nhưng các quận huyện vẫn đang bối rối và chờ hướng dẫn từ cấp trên.

 

Xây nhà trên đất nông nghiệp: Dân ngóng được hợp thức hoá

Nhiều nhà dân xây trên đất nông nghiệp tại TP.HCM đang nóng lòng chờ thủ tục hướng dẫn về việc hợp thức hoá, thế nhưng các quận huyện vẫn đang bối rối và chờ hướng dẫn từ cấp trên.

 

 

 

Xây nhà trên đất nông nghiệp: Dân ngóng được hợp thức hóa
Nhiều người dân xây nhà trên đất nông nghiệp tại xã Phú Xuân, H.Nhà Bè, TP.HCM đang chờ được hợp thức hóa – Ảnh: Hữu Khoa

Nghị định 01 vừa có hiệu lực tháng 3-2017, mở ra hi vọng đối với những trường hợp người dân xây dựng nhà trên đất nông nghiệp lâu năm được hợp thức hóa. Tuy nhiên trên thực tế, việc xây nhà trên đất nông nghiệp, tình hình mua bán nhà diễn ra bấy lâu nay rất lộn xộn.

Ngoài ra việc mạnh ai nấy xây nhà, không theo quy hoạch khiến quận huyện “rối” khi thực hiện cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân nằm trong diện phù hợp với chính sách mới.

Không có giấy tờ 
vì nhà xây trên 
đất nông nghiệp

Khu nhà ở “tự phát” tại hẻm 148 đường Nguyễn Bình, ấp 2, xã Phú Xuân (H.Nhà Bè) gần như đã được lấp kín nhà dân. Tuy nhiên, mục đích sử dụng đất trong khu này vẫn còn lẫn lộn giữa đất nông nghiệp và đất nhà ở.

Khu đất này rộng khoảng 2ha, một số nhà xây mới đang bị đình chỉ thi công vì không có giấy phép xây dựng. Những ngôi nhà đã được người dân xây dựng do diện tích nhỏ, không đủ tiêu chuẩn tách thửa nên việc cấp giấy chứng nhận của các hộ dân ở đây cũng đang bị “ách” lại.

Anh V.K. – một người dân có nhà tại khu đất trên – cho biết căn nhà 21m2 anh đang ở trước đây do anh thuê để ở. Thời gian đi làm gom góp được ít tiền, anh V.K. có ý định mua nhà này với giá 350 triệu đồng. Khi mua, chủ đất có đưa giấy chứng nhận photocopy của cả khu đất, việc mua bán thực hiện bằng giấy tay.

Một thời gian sau, nhiều người khác cũng vào mua nhà ở tại khu đất rộng khoảng 2ha trên, lập thành khu dân cư đông đúc. Sau này một số nhà trong khu đã được chuyển mục đích sử dụng thành đất ở, còn nhà anh diện tích nhỏ nên chưa được cấp giấy.

“Không có tiền mới liều mua nhà trên đất nông nghiệp để ở, giờ Nhà nước có cho làm giấy thì làm, còn không ở vậy, chứ biết tìm đâu đất mua để ở” – anh K. nói.

Gần đó, bà L. cũng mua căn hộ diện tích khoảng 25m2, nhà được xây kiên cố, thiết kế khang trang nên giá đắt hơn.

Bà L. cho biết khu vực này vốn là đất trồng cây lâu năm, một số hộ dân xây nhà. Sau đó, một số nhà được chuyển mục đích sử dụng thành đất ở, nhiều nhà diện tích không đủ tách thửa nên không được chuyển mục đích.

Chỉ hai căn nhà xây khang trang bên cạnh, bà L. cho hay: “Mấy hôm nay chủ nhà rao bán 400-500 triệu, người đến coi nhiều nhưng không có giấy tờ nên chưa dám mua”.

Dân chờ phường, xã

Chủ tịch UBND xã Phú Xuân (H.Nhà Bè) Nguyễn Thành Nhung cho biết khu này đã có hạ tầng, muốn được cấp giấy chứng nhận thì phải tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, nếu muốn tách thửa thì tổng diện tích đất phải là 120m2.

Trước đây, khu vực này chưa có hạ tầng, quy hoạch không phải khu dân cư nhưng người dân “liều” làm nhà để ở. Bây giờ đã chỉnh quy hoạch thành khu dân cư hiện hữu, đã có hạ tầng nên nay một số trường hợp xây dựng đủ diện tích đã được cho phép tách thửa, chuyển mục đích sử dụng thành đất ở nông thôn.

Xã cũng đã có hồ sơ kiến nghị với huyện có giải pháp xử lý những trường hợp còn lại, phù hợp cho người dân. Có những trường hợp người dân xây sai thì tính toán cho được tồn tại, tính toán xây dựng như thế nào cho thích hợp…

“Còn bây giờ dứt khoát không được xây dựng nữa” – ông Nhung nói.

Tương tự, tại nhiều quận huyện ngoại thành như Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè… người dân xây dựng nhà trên đất nông nghiệp trước đây. Như khu vực dân cư tổ 16, ấp 1, xã Vĩnh Lộc A có nhiều nhà dân xây dựng, tồn tại nhiều năm nay nhưng chưa được hợp thức hoá.

Bà N.T.T., tổ 16, ấp 1, xã Vĩnh Lộc A, hiện ngụ trên khu đất thuộc dòng họ, gia đình của bà sống bao đời để lại. Khu đất có mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm, sau đó nhiều người dân từ các nơi đến mua lại đất của bà T., xây dựng nhà tạm để ở.

Đến năm 2010, nhà dột nát, bà sửa chữa thành nhà tôn. Nghe thông tin mua bán giấy tay trước năm 2008 được cấp giấy chứng nhận, bà thấp thỏm chờ.

Xung quanh nhà bà T., nhiều hộ dân nghe thông tin cũng chờ hướng dẫn của xã để biết nhà mình có được cấp giấy chứng nhận hay không. “Nhà thấp dột, mưa nắng cũng chịu ở tạm, chỉ trông sao được cấp giấy chứng nhận để vay mượn xây dựng căn nhà mới cho vững chãi mà ở” – bà T. chia sẻ.

Xây nhà trên đất nông nghiệp: Dân ngóng được hợp thức hóa
Nhiều hộ dân xây nhà trên đất nông nghiệp tại xã Vĩnh Lộc A, Bình Chánh (TP.HCM) “ngóng chờ” được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất – Ảnh: Q.Định

Phường, xã vẫn chờ hướng dẫn

Sau khi nghị định 01 có hiệu lực, UBND các quận huyện trên địa bàn TP.HCM đang rà soát lại số lượng, hiện trạng quy hoạch các khu vực có nhà dân xây trên đất nông nghiệp để có kiến nghị UBND TP.HCM giải quyết.

Ông Trần Quốc Quay – chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A – cho biết hiện xã đang cho rà soát lại số lượng người dân xây dựng trên đất nông nghiệp.

Tại ấp 1, cơ bản quy hoạch thành đất ở nông thôn theo chương trình nông thôn mới, còn ấp 4 những khu dân cư đang nâng lên quy hoạch dân cư nông thôn. Hiện xã đang khoanh lại các khu vực dân cư hiện hữu, kiến nghị chuyển một số khu vực đất nông nghiệp thành đất ở.

“Hiện xã đang chờ hướng dẫn cụ thể từ cấp trên để triển khai, xác định các hộ dân phù hợp để phối hợp với UBND huyện cấp giấy cho người dân” – ông Quay nói.

Tương tự, ông Trương Tiến Triển – phó chủ tịch UBND H.Cần Giờ – cho biết lâu nay thực tế không cho phép người dân xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, chỉ những hộ có sản xuất được tạo dựng một nơi để trông coi, nghỉ ngơi khi sản xuất.

Hiện huyện đang rà soát lại toàn bộ trường hợp xây dựng nhà dân trên đất nông nghiệp. Hiện nay khu vực quy hoạch đất ở, chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở phù hợp quy hoạch thì cho phép người dân ghi nợ tiền chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở.

Còn ông Nguyễn Gia Thái Bình – phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân – cho hay hiện quận vẫn giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất cho các hộ dân trên đất nông nghiệp phù hợp với quy hoạch.

Cấp phép cho nhà xen cài trong khu dân cư

Ông Nguyễn Thanh Toàn – phó giám đốc Sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM – nói rằng hiện nay nhà dân xây dựng trong những khu vực đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư đã được quy hoạch thành khu dân cư, người dân được chuyển mục đích sử dụng và cấp phép xây dựng bình thường.

Còn đối với đất nông nghiệp quy hoạch công trình công cộng, đất giáo dục, công viên cây xanh người dân không được xây dựng.

Riêng những khu vực đất thuần nông nghiệp, theo ông Toàn, cần phải giữ lại theo quy hoạch sử dụng đất của TP.HCM, không thể chuyển đổi thành đất đô thị, phải quản lý theo đồ án quy hoạch xã nông thôn mới do UBND các huyện phê duyệt.

“Đối với khu nông nghiệp quản lý không được, nếu người dân xây dựng lộn xộn, trái phép, chính quyền địa phương phải có biện pháp xử lý. Chứ cứ để xây dựng tràn lan trên đất nông nghiệp nhưng không có trường học, đường giao thông, công viên cây xanh như hiện nay không thể chấp nhận được” – ông Toàn nói.

Để giải quyết tình trạng xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp lộn xộn như thời gian vừa qua, ông Toàn cho biết thêm UBND TP.HCM đã chỉ đạo các quận huyện chủ động phối hợp với Sở Quy hoạch – kiến trúc rà soát lại tình hình thực hiện các quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất trong thời gian qua để đánh giá, tham mưu cho TP.HCM điều chỉnh hay không điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế hiện nay.

Nhà diện tích nhỏ khó được cấp giấy

Đối với các trường hợp người dân xây nhà trên đất nông nghiệp với diện tích nhỏ, không đủ tiêu chuẩn tách thửa, ông Toàn cho rằng trong quyết định 33 năm 2014 của UBND TP.HCM quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa nhằm tránh tình trạng để người dân tự phát xây nhà quá nhỏ, thành khu ổ chuột.

Do đó các quận huyện không thể để nhà dân xây dựng quá nhỏ, không đủ điều kiện có thể dẫn đến ảnh hưởng môi trường sống của người dân. “Vì vậy, theo tôi, không thể cấp giấy chứng nhận cho những ngôi nhà này” – ông Toàn nói.

37.000 trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy

Nghị định 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi nghị định hướng dẫn Luật đất đai 2013 vừa có hiệu lực từ tháng 3-2017 cho phép nhà mua bán bằng giấy tay thời điểm trước 1-1-2008 sẽ được cấp giấy chứng nhận.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên – môi trường TP.HCM, trên địa bàn TP.HCM hiện nay có 37.000 trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận (không đủ diện tích tách thửa, xây không đúng quy hoạch…), trong đó có nhà dân xây trên đất nông nghiệp.

Do vậy, các quận huyện hiện vẫn đang phải chờ hướng dẫn để giải quyết thủ tục cho người dân có nhà đất mua bán giấy tay.

TIẾN LONG ([email protected])