09/01/2025

Nhóm ngành KHXH&NV có cần bài báo quốc tế?

“Khoa học xã hội và nhân văn có sứ mệnh, nhiệm vụ chính trị riêng, không thể bắt buộc có công bố quốc tế ngay mà chỉ nên khuyến khích” – PGS.TS Phạm Văn Khoái, khoa văn học Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội), nhận xét như vậy.

  ĐỔI MỚI TIÊU CHUẨN CHỨC DANH GIÁO SƯ:

Nhóm ngành KHXH&NV có cần bài báo quốc tế?

“Khoa học xã hội và nhân văn có sứ mệnh, nhiệm vụ chính trị riêng, không thể bắt buộc có công bố quốc tế ngay mà chỉ nên khuyến khích” – PGS.TS Phạm Văn Khoái, khoa văn học Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội), nhận xét như vậy.

 

 

 

Nhóm ngành KHXH&NV có cần bài báo quốc tế?
Bảng thống kê bài báo khoa học trong hệ thống ISI và Scopus của hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành năm 2016

Cũng theo PGS.TS Phạm Văn Khoái, việc xác định tiêu chuẩn bài báo quốc tế nhất định phải xem xét tính đặc thù của từng nhóm ngành.

Làm ngay hay cần lộ trình?

Với quy định mang tính đột phá của dự thảo – là từ năm 2019, ứng viên GS nhóm ngành khoa học tự nhiên – công nghệ phải có ít nhất 2 bài báo, ứng viên nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn có ít nhất 1 bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus – nhiều nhà khoa học cho là quá nhẹ nhàng.

Có nhà toán học còn cho rằng “với tiêu chuẩn thấp thế này thì không có lợi cho khoa học VN dưới góc nhìn quốc tế”, bởi chỉ với điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ ở nhiều nước đã yêu cầu nghiên cứu sinh phải công bố 2 bài báo trên tạp chí ISI, Scopus…

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng yêu cầu quá cao về bài báo quốc tế chưa thực sự phù hợp với điều kiện VN hiện nay, dù ai cũng biết đó là thước đo chính xác về năng lực khoa học của ứng viên.

PGS.TS Phạm Văn Khoái cho rằng việc xác định tiêu chuẩn bài báo quốc tế nhất định phải xem xét tính đặc thù của từng nhóm ngành: “Thước đo khoa học tự nhiên là chuẩn chung quốc tế, nên đặt ra công bố quốc tế là hợp lý. Còn khoa học xã hội và nhân văn đi vào nghiên cứu, giải quyết các vấn đề chính trị – xã hội của đất nước, không thể diễn đạt bằng các công thức hay thí nghiệm để chứng minh như toán học hay vật lý… Nhất là với các ngành văn học, triết học… còn liên quan và phụ thuộc vào quan điểm chính trị đất nước, nên không thể lấy phương Tây làm chuẩn mực được”.

Theo ông Khoái, trước mắt có thể tính điểm cao cho công bố quốc tế, ví dụ một bài báo quốc tế bằng 2-3 bài báo trong nước, chứ không thể tuyệt đối hóa giá trị bài báo quốc tế mà quá xem nhẹ vai trò của công bố trong nước.

Về lâu dài, phải đặt lộ trình 5-10 năm nữa mới có thể lấy bài báo quốc tế làm tiêu chuẩn bắt buộc để công nhận GS, PGS với nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Thực tế, tiêu chuẩn bài báo quốc tế là chỉ số mà nhiều ứng viên rất ngại vì cho rằng khó đạt được, nhất là với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Theo một số hội đồng chức danh GS, chính vì dự báo thay đổi tiêu chuẩn này mà số lượng ứng viên “chạy nước rút” đăng ký cho đợt xét công nhận chức danh GS, PGS năm 2016 tăng mạnh so với các năm trước, nhằm tránh “vấp” những tiêu chuẩn cao hơn khi quyết định mới chính thức có hiệu lực.

Năm 2016 là năm đầu tiên Hội đồng chức danh GS nhà nước có thống kê số lượng các công bố quốc tế ISI, Scopus của 28 hội đồng chức danh GS ngành, liên ngành. Kết quả: chỉ có khoảng 40% tân GS, PGS có công bố quốc tế trên các tạp chí ISI. Đặc biệt, dù 703 tân GS, PGS có đến hơn 24.000 bài báo khoa học thì trong đó số bài báo ISI, Scopus chiếm chưa đến 10%.

Tuy nhiên, có đến gần một nửa bài báo ISI, Scopus theo thống kê nói trên là thuộc về hội đồng ngành vật lý và hóa học – công nghệ thực phẩm, hơn 50% bài báo quốc tế còn lại được chia cho 26 hội đồng ngành. Cá biệt có 6 hội đồng ngành hoàn toàn vắng bóng bài báo quốc tế dù số lượng tân GS, tân PGS được công nhận năm 2016 của các ngành này lên đến 120 người!

Vì sao chưa cải tiến hội đồng ngành?

Theo nhiều nhà khoa học, cùng với việc nâng tiêu chuẩn GS, PGS thì nhất thiết phải đổi mới hội đồng ngành.

PGS Phạm Đức Chính – phó chủ tịch hội đồng khoa học Viện Cơ học VN – khẳng định bản dự thảo có một khiếm khuyết cơ bản là trong khi đòi hỏi các ứng viên phải có công bố quốc tế ISI và Scopus, thì lại không đòi hỏi như vậy đối với các thành viên Hội đồng chức danh GS – vốn đóng vai trò thẩm định và nắm khâu quyết định với thành công của cải cách.

Website của Hội đồng chức danh GS nhà nước cần mở để các GS, PGS, TS các ngành đạt tiêu chuẩn công bố quốc tế của chức danh PGS từ các cơ sở nghiên cứu và đào tạo đăng ký lý lịch khoa học vào các ngành cụ thể theo mẫu quy định, và được cập nhật hằng năm.

Dựa vào đây, Bộ GD-ĐT và Hội đồng chức danh GS nhà nước tiến hành thăm dò online lấy ý kiến các nhà khoa học đạt chuẩn quốc tế các ngành để chọn ra các hội đồng chức danh GS ngành có năng lực và xứng đáng nhất từ các GS, PGS.

“Không chỉ tính phiếu tín nhiệm, mà cả phiếu phản đối nữa, giúp loại bỏ những nhân vật tiêu cực cộm cán trong các ngành” – ông Chính đề xuất.

GS Ngô Việt Trung cũng cho rằng hội đồng ngành và liên ngành là yếu tố quyết định đối với việc bầu chọn ứng viên chức danh, nên phải là những người có uy tín cao trong cộng đồng các nhà khoa học cùng ngành/liên ngành. Đây là điều kiện tiên quyết để có thể chọn được những người có trình độ và công tâm tham gia hội đồng.

Đừng “thần thánh hoá” chức danh GS, PGS

Đó là nhận định của GS Nguyễn Tiến Khiêm – nguyên viện trưởng Viện Cơ học VN. Theo GS Khiêm, không nên “thần thánh hóa” các chức danh PGS, GS – điều mà ở các nước tiên tiến người ta cho đó là việc bình thường của các trường.

“Càng tranh luận nhiều chúng ta lại càng kích thích tính háo danh của một số nhà khoa học VN. Sự phát triển khoa học VN không phụ thuộc vào số lượng GS, PGS, cũng chẳng phụ thuộc nhiều vào số lượng các công bố quốc tế mà chúng ta cứ mải mê chạy theo.

Quan trọng hơn là làm thế nào để khoa học VN đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển đất nước, và tạo điều kiện cho các nhà khoa học nghiêm túc cả về tinh thần lẫn vật chất để họ yên tâm làm việc, không cần phải chạy theo các chức danh hão huyền.

Chức danh GS là dành cho các thầy giáo chứ không phải cho các nhà khoa học. Không nên hạ thấp tiêu chuẩn giảng dạy và nâng quá cao tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học.

Hội đồng chức danh GS nhà nước cố gắng duy trì một tiêu chuẩn tối thiểu chung cho cả nước là cần thiết và phù hợp với điều kiện VN, để chúng ta dần dần hội nhập” – GS Khiêm nhấn mạnh.

NGỌC HÀ