08/01/2025

Đường không có vỉa hè, làm sao đi bộ?

Theo số liệu của UBND TP.HCM, toàn TP có 2.598 đường không có vỉa hè. Trong đó một số tuyến đường ở trung tâm TP như Huỳnh Khương Ninh (Q.1), Trần Quang Diệu, Trần Văn Đang (Q.3)… nhà cửa, hàng quán xây sát ra lòng đường.

 

Đường không có vỉa hè, làm sao đi bộ?

 Theo số liệu của UBND TP.HCM, toàn TP có 2.598 đường không có vỉa hè. Trong đó một số tuyến đường ở trung tâm TP như Huỳnh Khương Ninh (Q.1), Trần Quang Diệu, Trần Văn Đang (Q.3)… nhà cửa, hàng quán xây sát ra lòng đường.

 

 

 

Đường không có vỉa hè, làm sao đi bộ?
Đường Trần Văn Đang (Q.3) và đường Dương Quảng Hàm (Q.Gò Vấp, TP.HCM) không có vỉa hè, người đi bộ phải đi xuống lòng đường  - Ảnh: Q.ĐỊNH

Có lần tôi bị cảnh sát giao thông nhắc nhở không được đi bộ xuống lòng đường gây kẹt xe, tai nạn. Nhưng không đi xuống lòng đường thì chúng tôi biết đi ở đâu?”

Chị Trần Thị Tí, người đi bộ qua đường Ung Văn Khiêm (P.25, Q.Bình Thạnh) – đường không có vỉa hè

Đường Huỳnh Mẫn Đạt (Q.5) không có vỉa hè, cửa ra vào nhà dân dính liền với mép đường. Người đi bộ qua đây phải đi xuống lòng đường xen lẫn vào dòng xe cộ qua lại. Nhiều người già, trẻ em phải bám vào tường nhà bên đường để đi trong sợ hãi…

Mở cửa nhà 
là chạm vào ôtô

Dọc đường Trần Văn Đang nhỏ hẹp, người dân chỉ cần mở cửa, thò tay ra ngoài là có thể chạm vào mấy chiếc ôtô đang di chuyển ngay trước mặt.

Trên địa bàn Q.Tân Bình có gần 200 tuyến đường UBND TP phân cấp cho quận quản lý. Trong đó có nhiều tuyến đường lộ giới hiện hữu chỉ 5-8m, không có vỉa hè. Tính riêng P.2 (Q.Tân Bình) có đến tám tuyến đường không có vỉa hè như: Nguyễn Thanh Tuyền, Phạm Cự Lượng, Thích Minh Nguyệt, đường nội bộ khu E23, Sông Đà, Trà Khúc, Sông Nhuệ, Sông Thao…

Còn đường Dương Quảng Hàm (Q.Gò Vấp) rộng chừng 5m và hoàn toàn không có phần vỉa hè, người dân buôn bán đủ loại mặt hàng dọc hai bên đường. Từ nhà số 254 trở đi, người buôn bán ở một chợ tự phát tràn luôn xuống lòng đường.

Ngoài những tuyến đường không có vỉa hè, nhiều tuyến đường chính trên địa bàn TP.HCM có vỉa hè trồi sụt, đoạn có đoạn không, chiều rộng mỗi đoạn vỉa hè khác nhau. Cụ thể, đường Nguyễn Trọng Tuyển chạy qua năm phường thuộc hai quận Phú Nhuận và Tân Bình nhưng chỉ có đoạn từ điểm giao Phan Đình Phùng đến điểm giao Trần Huy Liệu (Q.Phú Nhuận) vỉa hè được mở rộng mỗi bên hơn 1,2m, những đoạn còn lại vỉa hè đoạn có đoạn không.

Tương tự, đường Hoàng Văn Thụ đoạn từ ngã tư Bảy Hiền (Q.Tân Bình) chạy dọc đến ngã tư Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận) độ rộng vỉa hè không thống nhất. Có đoạn vỉa hè rộng 1,5m, nhưng nhiều đoạn vỉa hè chỉ rộng chưa đầy 1m và một số đoạn không có vỉa hè, khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường.

Chờ dự án mở đường

Ông Đặng Minh Nguyên, chủ tịch UBND P.25 (Q.Bình Thạnh), cho biết hiện trên địa bàn phường còn nhiều tuyến đường không có vỉa hè hoặc vỉa hè chật hẹp, chưa đạt chuẩn. Riêng tuyến đường Ung Văn Khiêm thuộc dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 vừa được UBND TP phê duyệt. Dự kiến khi hoàn thành dự án trên, đường này sẽ được quy hoạch vỉa hè khang trang.

Đại diện Phòng quản lý đô thị Q.Tân Bình cho biết những con đường không có vỉa hè đa số là những đường có lộ giới nhỏ hơn 12m. Nguyên nhân là do nhiều đường chưa giải tỏa nhà dân, mở rộng theo đúng lộ giới quy hoạch. Với lộ giới hiện hữu, quận ưu tiên làm lòng đường để phục vụ việc xe lưu thông, tránh kẹt xe. Dưới những tuyến đường này vẫn có lắp đặt hệ thống hố ga, đường ống thoát nước…

“Thực tế nhiều đường dự phóng hiện nay nguồn lực mở rộng theo lộ giới quy hoạch rất khó khăn, vì vậy diện tích lộ giới đường hiện hữu vẫn ưu tiên để làm lòng đường cho giao thông. Đến khi lộ giới mở rộng mới tính đến thiết kế vỉa hè cho người đi bộ” – vị này nói.

Trong khi đó, một lãnh đạo Q.3 cho biết việc quy hoạch lại vỉa hè ở Q.3 đợi quy hoạch, chủ trương của UBND TP. Còn ông Lê Hoàng Hà – chủ tịch UBND Q.Gò Vấp – cho rằng trong tổng diện tích đất của Q.Gò Vấp hiện nay có đến hơn 30% là đất thuộc quản lý của các đơn vị quốc phòng. Từ khi quận tiếp nhận quản lý, hiện trạng nhà cửa, vỉa hè đã như vậy.

“Mỗi hộ dân đều có đầy đủ giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng như xác nhận diện tích đất nên quận rất khó giải quyết” – vị này nói. Riêng đường Dương Quảng Hàm, ông Hà cho biết UBND TP đã giao việc tổ chức, quy hoạch lại tuyến đường này cho Khu quản lý giao thông đô thị số 3 nghiên cứu, lập dự án.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn – phó giám đốc Sở Quy hoạch – kiến trúc TP, trong quy hoạch lộ giới đường giao thông bao gồm cả vỉa hè, hạ tầng kỹ thuật lắp đặt phía dưới. Hiện một số tuyến đường chưa có vỉa hè là do kinh phí chưa có mở rộng đường theo lộ giới quy hoạch.

“Trong giai đoạn chưa có kinh phí mở rộng đường, làm lề đường phải sử dụng giải pháp kỹ thuật để thu thoát nước mặt, nước mưa, không để nước tự động chảy gây ngập nhà dân. Ở một số nước phát triển trên thế giới, nếu đường không có vỉa hè, họ lắp đặt hệ thống thoát nước, hạ tầng kỹ thuật ngầm dưới lòng các đường hẻm nhỏ” – ông Toàn nói. Cũng theo ông Toàn, có thể sử dụng các đường hẻm theo cách ban ngày làm giao thông, ban đêm bố trí thành đường đi bộ cho người dân.

Gánh nặng tiền đền bù giải toả

Việc mở rộng vỉa hè cho người đi bộ và lòng đường cho xe cộ lưu thông ở nội ô là gánh nặng về tiền đền bù giải toả. Đơn cử, dự án xây dựng cầu Hang Trong (đang thi công, Q.Gò Vấp, Q.Bình Thạnh) giá đền bù mỗi mét vuông đất của nhà dân trên đường Phan Văn Trị là hơn 62 triệu đồng.

Ở dự án cải tạo đường Cộng Hoà, từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long (sắp thi công, Q.Tân Bình) dài 134m mà kinh phí đền bù giải toả nhà dân để mở rộng đường và vỉa hè lên đến 113 tỉ đồng, gấp 22 lần so với kinh phí xây lắp 4,7 tỉ đồng.

Theo một lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, TP hạn chế giải tỏa đền bù trong khu vực nội ô do kinh phí đền bù giải toả quá lớn so với kinh phí đầu tư xây dựng. Thời gian qua, đa số công trình xây dựng giao thông đều tập trung ngoài khu vực nội ô.

Tuy nhiên, đối với các công trình giao thông trọng điểm và cấp bách cần ưu tiên giải quyết ách tắc giao thông thì vẫn tiến hành xây dựng và phải chấp nhận kinh phí đền bù giải toả rất lớn.

Ông Ngô Hải Đường – trưởng phòng quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT TP – cho biết theo phân cấp, các địa phương quản lý vỉa hè.

Do đó, với những nhà nằm sát lòng đường thì các địa phương cần xem xét pháp lý sử dụng đất của các hộ dân và cần giải toả, cưỡng chế đối với đất thuộc Nhà nước quản lý. Nếu các địa phương thực hiện đền bù giải toả để mở rộng vỉa hè cho người đi bộ, Sở GTVT TP có thể đề xuất sử dụng quỹ bảo trì đường bộ để làm vỉa hè.

NGỌC ẨN – TIẾN LONG – 
THU DUNG