09/01/2025

Hà Nội sẽ có thêm nhiều phố ẩm thực

Hà Nội đang nghiên cứu tổ chức một phố ẩm thực mới tại khu phố cổ phố cũ, kết nối với không gian đi bộ hồ Gươm. Thậm chí, thủ đô còn có thể có nhiều khu phố ẩm thực.

 

Hà Nội sẽ có thêm nhiều phố ẩm thực

Hà Nội đang nghiên cứu tổ chức một phố ẩm thực mới tại khu phố cổ phố cũ, kết nối với không gian đi bộ hồ Gươm. Thậm chí, thủ đô còn có thể có nhiều khu phố ẩm thực.


 


Phố Tạ Hiện - 'ngã tư quốc tế' - được nhiều người đề xuất làm phố ẩm thực mới của Hà Nội /// Ảnh: Ngọc Thắng

 

Phố Tạ Hiện – ‘ngã tư quốc tế’ – được nhiều người đề xuất làm phố ẩm thực mới của Hà NộiẢNH: NGỌC THẮNG

 

Bà Đặng Hương Giang, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cho biết Sở đang có kế hoạch xây dựng tuyến phố ẩm thực mới trong năm nay. Theo dự kiến, tuyến phố này sẽ được đặt trong tổng thể khu phố cổ phố cũ Hà Nội. Như vậy, nó cũng sẽ gắn liền với tuyến phố đi bộ vẫn được tổ chức cuối tuần như hiện nay. Bà Giang cũng cho biết, phát triển du lịch ẩm thực là một trong 5 loại sản phẩm trọng tâm của ngành du lịch thủ đô, gắn với một sản phẩm quan trọng khác của Hà Nội là du lịch khu phố cổ phố cũ.
Phố ẩm thực Tống Duy Tân bị chê
Trên thực tế, từ năm 2002, Hà Nội đã có phố ẩm thực là hai phố vuông góc với nhau Tống Duy Tân – Cấm Chỉ. Tuy nhiên, các chuyên gia ẩm thực không đánh giá cao chất lượng dịch vụ tại khu phố này. “Chất lượng đồ ăn ở đó rất chán. Kể cả ngày xưa nó cũng chỉ là khu bán gà tần cho khách ăn đêm thôi. Món cơm đảo gà rang hiện là xuất sắc nhất nhưng không đủ làm nên phố ẩm thực. Bánh cuốn Kỳ Đồng lâu đời cũng nghỉ từ lâu rồi”, chuyên gia ẩm thực Nguyễn Quang Việt chia sẻ.
Theo ông Việt, so với các phố ẩm thực ở Hội An hay trong khu vực thì sẽ thấy rõ điểm yếu của Tống Duy Tân. Con phố này không hề được quy hoạch để có món ăn đa dạng và phục vụ chuyên nghiệp như đáng lẽ phải có. “Ở Singapore hay Thái Lan, phố ẩm thực rất đa dạng món ăn, thậm chí mỗi nhà một đặc sản vùng miền. Nhưng ở đây thì hàng nào cũng na ná giống nhau. Chưa kể còn chèo kéo khách và việc vận hành cũng chưa ổn”, ông Việt nói.
 
 
Theo chuyên gia ẩm thực Nguyễn Quang Việt: “Rửa bát cũng là câu chuyện cần bàn. Ở nước ngoài, khi gia nhập khu phố ẩm thực thì người bán cũng phải thuê dịch vụ rửa bát, do vậy cần đầu tư một hệ thống rửa bát cho cả khu phố này. Người bán hàng thu bát đĩa vào xe, thùng, dịch vụ đưa đi rửa sạch rồi trả lại. Nó gần như là một quy trình khép kín”. Đặc biệt, khi khu phố ẩm thực còn có thể có cả xe đẩy bán đồ ăn thì dịch vụ rửa bát càng cần thiết.
 

Bản thân ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cũng chưa hài lòng với chất lượng khu phố này. Chính vì thế, trong kế hoạch đẩy nhanh chất lượng du lịch ẩm thực của thành phố, ông cho biết sẽ phải có thêm khu phố ẩm thực mới, bên cạnh xốc lại chất lượng của khu Tống Duy Tân.

Chuẩn hoá phố ẩm thực
Theo kế hoạch phát triển chuỗi cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn Hà Nội năm 2017 – 2018, Sở Du lịch sẽ khảo sát khu vực phố cổ, hồ Hoàn Kiếm, khu phố cũ, khu vực gần Hoàng thành Thăng Long và Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Sau đó, việc tiến hành lựa chọn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tiêu biểu cũng sẽ được thực hiện. Dự kiến sẽ có các nhà hàng được lựa chọn cho việc hình thành khu ẩm thực dựa trên khảo sát chất lượng đó. Khu ẩm thực sẽ có cả nhà hàng phục vụ món ăn tự chọn, món chay và các món đặc trưng của Hà Nội như phở, bún chả, nem cuốn, bún thang, chả cá…
Dù kế hoạch còn chưa khô mực, nó đã nhận được đóng góp của nhiều chuyên gia để cụ thể hóa. Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN, cho biết những người làm du lịch luôn kỳ vọng Hà Nội sẽ có những tuyến phố ẩm thực khác ngoài tuyến phố đã có là Tống Duy Tân. Tuyến phố này sẽ là khu phố được tổ chức cửa hàng chặt chẽ với món ăn mang tinh thần vị ngon và giá rẻ.
Về vị trí, các ý kiến thiên về đề nghị đặt ở khu vực phố cổ, ưu tiên những nơi có thể kết nối với “đương kim phố ẩm thực” Tống Duy Tân – Cấm Chỉ. Ông Nguyễn Quang Việt cho rằng tuyến phố ẩm thực mới rất nên được đặt ở Tạ Hiện. Đây cũng là “ngã tư quốc tế”, nơi khách nước ngoài rất thích đến ngồi uống bia và xem văn nghệ vào cuối tuần. Ông Đoàn Kỳ Thanh, sáng lập viên của khu công nghiệp sáng tạo Hanoi Creative City, đề nghị: “Lấy phố Hàng Hành làm phố ẩm thực vừa tiện kết nối phố đi bộ, vừa làm giảm áp lực cho hồ Gươm. Ở đó, lượng người qua lại cũng không nhiều”.
Nhưng hình thành một phố ẩm thực không chỉ là câu chuyện chọn địa điểm mà còn cả phương thức. Theo ông Đoàn Kỳ Thanh, với các hàng ngon xưa bán vỉa hè giờ không có chỗ bán như trước nữa thì nên quy hoạch làm chợ cho họ. Như thế các tinh hoa ẩm thực sẽ không bị mai một.
Còn theo chuyên gia ẩm thực Nguyễn Quang Việt, tổ chức phố ẩm thực cần chú ý đến việc bàn ghế quầy kệ sao cho đồng bộ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chẳng hạn, khi Tạ Hiện được chỉnh trang đồng bộ mặt tiền, khu phố đẹp hơn hẳn. Vì thế, khu phố ẩm thực mới dù đặt ở đâu cũng tính đến quy chuẩn nghiêm ngắn bên cạnh khuyến khích đa dạng.
“Chỗ ngồi cũng cần quy hoạch để khách có thể ngồi bất cứ chỗ nào. Ở nước ngoài, bàn ghế phố ẩm thực thường là giống nhau. Tôi ngồi một chỗ và có thể gọi đồ của bất cứ chỗ nào trên phố đó. Sau đó, khi tính tiền cũng chỉ tính một chỗ thôi. Trung Quốc, Singapore, Thái Lan là thế. Thậm chí ở Singapore phố còn dài rộng đến mức người phục vụ đi patin. Nếu mình muốn tổ chức thì mình cũng phải làm được như thế”, ông Việt nói.