09/01/2025

Đổi mới tiêu chuẩn chức danh giáo sư: đến lúc phải thay đổi

Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) ngay khi vừa công bố đã thu hút sự quan tâm của dư luận và nhận được nhiều ý kiến đóng góp.

 

Đổi mới tiêu chuẩn chức danh giáo sư: đến lúc phải thay đổi

 Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) ngay khi vừa công bố đã thu hút sự quan tâm của dư luận và nhận được nhiều ý kiến đóng góp.

 

 

 

Đổi mới tiêu chuẩn chức danh giáo sư: đến lúc phải thay đổi
Số liệu giáo sư và phó giáo sư đã được công nhận ở nước ta từ năm 2011 – 2016 và Tổng số GS, PGS đã được công nhận ở nước ta từ năm 1980 – 2015 (Nguồn: Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước) – Đồ hoạ: N.KH

Một loạt điểm mới của dự thảo được đánh giá là nâng tiêu chuẩn GS, PGS cao hơn hẳn so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, theo nhiều nhà khoa học, những đổi mới đưa vào dự thảo vẫn chỉ ở dạng “nửa vời”, chưa đáp ứng được yêu cầu và mong đợi cho tiến trình hội nhập quốc tế…

“Cách xét GS lạc hậu kéo dài…”

Nhìn lại bộ tiêu chuẩn cho chức danh GS được áp dụng nhiều năm qua, nhiều nhà khoa học không ngần ngại tuyên bố đó là bộ tiêu chuẩn quá lạc hậu so với thế giới.

GS.TSKH Ngô Việt Trung – nguyên viện trưởng Viện Toán học – cho rằng có một loạt tiêu chuẩn để xét công nhận GS, PGS ở VN quá lạc hậu so với quốc tế.

“Ví dụ quy định viết sách phục vụ đào tạo, thành tích hướng dẫn nghiên cứu sinh có bằng tiến sĩ… đều là những tiêu chuẩn mà quốc tế không dùng để xét phong GS. Có bạn bè quốc tế coi tiêu chuẩn này của VN là ấu trĩ, đó là những tiêu chuẩn dễ gây hại cho khoa học” – ông Trung nhận định.

Có chuyên gia còn cho rằng các nước tiên tiến thường ưu tiên bổ nhiệm GS, PGS cho các nhà khoa học trẻ tài năng đang sung sức, nhưng VN thì làm ngược lại: dựng lên những rào cản và đòi hỏi về thâm niên để làm chậm bước tiến của các nhà khoa học trẻ.

“Việc cải cách tiêu chuẩn các chức danh ở thời điểm này là quá muộn. VN bước vào hội nhập quốc tế đã 30 năm, nhưng cách xét và chuẩn mực GS của Bộ GD-ĐT vẫn rất lạc hậu, kìm hãm tiến bộ của khoa học nước nhà

PGS.TSKH Phạm Đức Chính

Chưa tiếp cận được các tiêu chuẩn quốc tế, nhất là quy định về công bố quốc tế, trong khi vẫn vận dụng nhiều quy định mang tính hình thức, máy móc nên theo nhiều chuyên gia, không ít GS, PGS không cập nhật được các thành tựu quốc tế để đóng góp xứng đáng với vị thế của mình.

Cũng chính vì thế mà các GS, PGS này không hướng dẫn được các tiến sĩ tiếp cận các vấn đề khoa học thời sự, nhưng lại chủ trì các đề tài khoa học không công bố và áp dụng được, làm lãng phí tiền của Nhà nước.

Hối thúc đổi mới từ thực tiễn

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên việc cải cách tiêu chuẩn, quy trình công nhận, bổ nhiệm chức danh GS được tiến hành. GS Phạm Minh Hạc – nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT – thừa nhận giai đoạn trước năm 1998, việc phong GS từng rơi vào tình trạng “rất xấu”, “nhiều tiêu chuẩn quá dễ dãi”.

Thậm chí, có người đăng ký xét công nhận chức danh GS ở một ngành khoa học cơ bản, nhưng lại được tính điểm khoa học từ một bài thường thức chính trị đăng báo, chứ hoàn toàn không phải bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học.

Vì vậy, khoảng năm 1998, Bộ Chính trị đã trực tiếp có ý kiến, đề nghị Chính phủ phải tạm dừng hoạt động của Hội đồng chức danh GS nhà nước. Không tuyển chọn, bình bầu GS, PGS, để thành lập hội đồng mới với quy chế hoạt động và những tiêu chuẩn công nhận GS, PGS chặt chẽ hơn trước.

Còn năm 2017, việc điều chỉnh các tiêu chuẩn, quy trình về công nhận, bổ nhiệm chức danh GS, PGS theo dự thảo của Chính phủ công bố thực ra cũng khởi nguồn từ chính những hối thúc của thực tiễn trong bối cảnh hội nhập sâu sắc toàn cầu.

Trước đó, tháng 9-2015, ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) công bố sẽ tự bổ nhiệm chức danh GS, PGS cho những cán bộ giảng viên trong và ngoài trường có nhu cầu. Trường ĐH Tôn Đức Thắng lý giải quyết định này đã được tham khảo kinh nghiệm từ các nước tiên tiến.

Sau quyết định được coi là “vượt rào” khá táo bạo này, Bộ GD-ĐT, Hội đồng chức danh GS nhà nước cùng các cơ quan liên quan đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng văn bản quy định về tiêu chuẩn, quy trình công nhận chức danh GS, PGS phù hợp với tình hình mới.

Vắng công bố quốc tế, khó ra “biển lớn”

Điểm mới quan trọng của bản dự thảo so với quy định hiện hành là tiêu chuẩn của người được công nhận chức danh GS phải có bài báo quốc tế, với yêu cầu khác nhau giữa các nhóm ngành khoa học tự nhiên – công nghệ và khoa học xã hội – nhân văn.

Theo dự thảo, để đạt chức danh GS, đến năm 2019, ứng viên nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ là tác giả chính và đã công bố ít nhất 2 bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus hoặc ít nhất 1 bài báo thuộc hệ thống ISI, Scopus và 1 quyển/chương sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản uy tín trên thế giới…

Tương tự, ứng viên GS nhóm ngành khoa học xã hội – nhân văn cũng phải là tác giả chính và đã công bố ít nhất 1 bài báo trên tạp chí ISI, Scopus.

PGS.TS Nguyễn Đức Hinh – hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội – cho rằng muốn các chức danh khoa học thực chất hơn, cũng như tạo lực đẩy cho chất lượng khoa học VN thì không có cách nào khác là làm theo các chuẩn mực quốc tế.

Còn PGS Phạm Đức Chính, phó chủ tịch hội đồng khoa học Viện Cơ học VN, cho biết việc sử dụng tiêu chuẩn bài báo quốc tế đã được Bộ Khoa học và công nghệ áp dụng hàng chục năm qua trong tuyển chọn đề tài nghiên cứu cơ bản.

Từ đợt xét đầu tiên, 80% các chủ trì đề tài nghiên cứu cơ bản cũ trong ngành cơ học gồm phần nhiều là các GS chức sắc đã không đạt tiêu chuẩn đầu vào về công bố quốc tế, trong khi hơn 50% chủ trì được duyệt là các TS trẻ và trung tuổi lần đầu tiên có cơ hội chủ trì đề tài mà theo cơ chế cũ họ không với tới được.

Kết quả, đã có những chủ trì phải rút lui đề tài, có những chủ trì không hoàn thành nhiệm vụ phải hoàn lại một phần kinh phí (điều chưa từng xảy ra trước đây) và nhiều chủ trì phải xin gia hạn. Tuy nhiên, phần đông các đề tài được lựa chọn khắt khe đã hoàn thành nhiệm vụ. Số các đề tài mới và số công bố quốc tế tăng nhanh hằng năm, cuốn hút được nhiều TS trẻ, trong đó có số đông người mới được đào tạo ở nước ngoài – cả những người phân vân giữa ở lại nước ngoài hay về nước – tham gia tích cực.

“Có những chức sắc cấp cao thuộc chính các hội đồng chức danh GS ngành hiện nay đã xin chủ trì đề tài và bị từ chối, không chỉ một lần chỉ vì đề tài không đạt tiêu chuẩn tối thiểu về công bố quốc tế” – PGS Chính nêu thực tế.

Tạp chí ISI, Scopus được lựa chọn thế nào?

Giải thích về phân loại tạp chí ISI, GS Trần Văn Nhung cho biết Viện Thông tin khoa học (Institute for Scientific Information, ISI, Hoa Kỳ) đã xét chọn chất lượng của các tạp chí trên thế giới một cách khắt khe và kỹ lưỡng để đưa vào cơ sở dữ liệu.

Liên Hiệp Quốc, các chính phủ và các tổ chức quốc tế thường sử dụng thống kê của ISI trong quản lý và hoạch định các chính sách khoa học, kỹ thuật.

Các thống kê và đánh giá về khoa học, công nghệ và kỹ thuật nếu không theo ISI thì bị lệch so với thống kê quốc tế. ISI gồm tổng cộng khoảng 10.000 tạp chí khoa học có chất lượng cao trên thế giới. Chất lượng của các tạp chí ISI chủ yếu được đánh giá dựa trên quy trình kiểm duyệt để đăng bài và các thống kê về chỉ số được trích dẫn của các bài báo đăng trên tạp chí đó thông qua chỉ số ảnh hưởng (Impact Factor – IF).

Trong khi đó, Scopus là hệ thống dữ liệu của Elsevier, một công ty xuất bản học thuật có trụ sở tại Hà Lan, xây dựng. Để được liệt kê vào danh sách Scopus, các tạp chí cũng được lựa chọn nghiêm ngặt. Cách đánh giá chất lượng các tạp chí của Scopus cũng dựa vào chỉ số ảnh hưởng IF.

Thực tế, trong số 356 tạp chí khoa học của cả nước được Hội đồng chức danh GS nhà nước xem xét, tính điểm tính đến cuối năm 2016, mới chỉ có 1 tạp chí ISI và 2 Scopus của Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN và Hội Toán học VN. Chưa có trường ĐH nào của VN có tạp chí khoa học riêng của mình được kể đến trong ISI hoặc Scopus.

Theo nhận định của Hội đồng chức danh GS nhà nước, nhìn chung chất lượng khoa học của các tạp chí VN còn thấp so với khu vực và thế giới.

NGỌC HÀ