10/01/2025

Hoạ sĩ Việt nỗ lực đưa tranh ra thị trường

Bức tranh Cô gái thỏ của họa sĩ Nguyễn Phan Bách bán được 25.000 USD tại một phiên đấu giá ở Hà Nội ngày 19.3, cho thấy những điểm sáng của thị trường tranh đầy năng động.

 

Hoạ sĩ Việt nỗ lực đưa tranh ra thị trường

Bức tranh Cô gái thỏ của họa sĩ Nguyễn Phan Bách bán được 25.000 USD tại một phiên đấu giá ở Hà Nội ngày 19.3, cho thấy những điểm sáng của thị trường tranh đầy năng động.




Bức Cô gái thỏ bán được 25.000 USD
 /// Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bức Cô gái thỏ bán được 25.000 USDẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Họa sĩ Nguyễn Phan Bách (41 tuổi) sau phiên đấu giá thành công đã cho biết thực sự bất ngờ vì bán được với giá cao. Và người chịu chi 25.000 USD (hơn nửa tỉ đồng) để sở hữu bức Cô gái thỏ là thương gia Christopher.
Bức Cô gái thỏ chứa đựng rất nhiều ẩn ý sâu xa, với chất liệu sơn dầu, miêu tả một cô gái khỏa thân với mặt nạ thỏ đứng cạnh cái ti vi cũ trên để một cây đèn. Cây đèn trong quan niệm người phương Đông không chỉ là ánh sáng, mà còn là một biểu tượng thời gian, một sự giác ngộ tư duy và soi rọi đường đi. Có lẽ chính vì vậy, Cô gái thỏ đã được ông Christopher đánh giá là “bức tranh có chiều sâu, chứa đựng được sự giao thoa văn hóa Đông – Tây”.
Trước đó, những bức tranh khác cùng sê ri trên của Nguyễn Phan Bách đã được gửi chào bán tại hệ thống gallery Saatchi ở London (Anh). Một nhà sưu tầm tại London đã mua một trong số chúng với giá khoảng 7.900 USD.
Điểm lại những bức tranh của các hoạ sĩ Việt bán được giá cao trong thời gian qua, dễ nhận thấy phong cách rất hiện đại, mới lạ, phá cách, không hề mang hơi hướm hội họa Việt truyền thống. Đó là các bức: Tôi – diều gió do họa sĩ Lê Kinh Tài vẽ năm 2009, đã bán với giá 80.000 USD; Thiên nga đen của họa sĩ Bùi Thanh Tâm bán được 30.000 USD tại Mỹ, tranh của hoạ sĩ Lưu Tuyền đã bán được 6.000 – 7.000 USD/bức tại Hồng Kông…
Tự bán, tự tiếp thị tranh
Với kinh nghiệm bán tranh từ năm 2006, đã tham gia 5 – 6 triển lãm cá nhân và 30 – 40 triển lãm chung, Nguyễn Phan Bách cho biết việc tham gia các triển lãm sẽ giúp hoạ sĩ phô bày được tài năng và được nhiều gallery khác tìm đến, tranh bán cũng tốt hơn. Cụ thể, anh đã bán hết 50/60 bức ngay trong triển lãm cá nhân đầu tiên năm 2006.
Mặt khác, các hoạ sĩ cũng cần chủ động tìm kiếm những nơi “chọn mặt gửi vàng”, có uy tín cao trong và ngoài nước để gửi gắm những đứa con tinh thần. Nguyễn Phan Bách cho biết anh đã tự liên hệ với hệ thống gallery Saatchi (London), gửi tranh cho họ duyệt và khi có tranh được chọn mua, anh sẽ đóng tranh rồi gửi đi theo cách mà họ hướng dẫn.
“Các gallery nước ngoài làm ăn rất nghiêm túc. Nếu ngoại ngữ tốt, hãy chủ động liên hệ ra bên ngoài, tự giới thiệu về mình và gửi tranh, họ sẽ liên hệ lại nếu tranh bạn thực sự ấn tượng. Tôi đã bán được khoảng 10 bức trên mạng saatchiart.com. Trong đó có bức cao nhất lên tới 7.900 USD. Như vậy người mua khắp nơi trên thế giới sẽ thuận tiện lựa chọn các tác phẩm mà họ yêu thích”, họa sĩ Nguyễn Phan Bách nói. Hiện tại có gần 170 tác phẩm rất đa dạng của Nguyễn Phan Bách đang được đưa lên mạng này chào bán.
Nhiều họa sĩ khác cũng rất tích cực cập nhật các tác phẩm mới lên mạng xã hội cá nhân hoặc các nhóm nghệ thuật để giới thiệu. Từ đây họ tìm được những người đồng cảm và yêu thích tìm đến mua tác phẩm. Việc tăng cường tham gia các triển lãm tranh trong và ngoài nước, các cuộc đấu giá tranh từ thiện, thậm chí nỗ lực tình nguyện tham gia hiến tặng tranh cho các dự án mỹ thuật cũng là hình thức giúp những người yêu tranh được tiếp cận gần hơn với các họa sĩ.
Một số họa sĩ như Bùi Thanh Tâm, Lưu Tuyền… lại chịu khó tự mang tranh ra nước ngoài, tham gia các cuộc triển lãm nghệ thuật quốc tế ở khu vực để tìm kiếm khách hàng và mở rộng sức ảnh hưởng. Họa sĩ Bùi Thanh Tâm (38 tuổi) cho biết năm 2013, anh lần đầu bán được bức tranh giá 11.000 USD tại triển lãm nghệ thuật đương đại châu Á ở Hồng Kông. Từ đó, anh nỗ lực mang tranh đi triển lãm tại Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Hà Lan, Thuỵ Sĩ… Đến nay anh đã bán thành công trên 50 bức cho nhà sưu tập và người mua nước ngoài. Bức cao nhất Thiên nga đen từng bán sang Mỹ với giá 30.000 USD cũng chỉ thành công sau khi đi chu du khắp 8 hội chợ quốc tế ở các nước.
“Sau thành công bán được tranh ngay tại hội chợ ở Hồng Kông, tôi đã bán tranh ra nước ngoài dễ dàng hơn. Tới nay, tôi có tranh bán đều cho hai nhà sưu tập lớn tại Đức và Hồng Kông với giá trung bình từ 20.000 – 26.000 USD/bức với số lượng không dưới 10 bức/nhà sưu tập”, Bùi Thanh Tâm nói.
Các họa sĩ từng mang tranh ra nước ngoài cho biết một số nhà sưu tập quốc tế đã tỏ ra rất bất ngờ khi thấy có hẳn một gian hàng tranh VN hiện diện ở các triển lãm lớn của thế giới. Các gian hàng này đã đem lại cho họ cái nhìn mới về mỹ thuật VN, bởi trước đây họ hầu như chỉ biết đến mỹ thuật VN qua một vài bức tranh của các họa sĩ của Trường Mỹ thuật Đông Dương. “Muốn bán được tranh thì tác phẩm phải vươn lên sánh ngang với tác phẩm của các họa sĩ nước bạn và khu vực. Phải học cách làm việc chuyên nghiệp trong việc đặt định giá cho tác phẩm, không vẽ copy lại chính tác phẩm của mình. Năng động tiếp cận các gallery trong và ngoài nước bằng việc tổ chức các triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm, tham gia các hội chợ trong và ngoài nước”, hoạ sĩ Bùi Thanh Tâm đưa ý kiến.
Vẫn còn tính nhỏ lẻ
Hoạ sĩ Nguyễn Vân Đức nhận định: “Họa sĩ trẻ hiện thuận lợi bởi được tiếp xúc nhiều với thông tin trên mạng về các trào lưu mới, tham gia bán tranh trên mạng và từ đó một số đã bán được tranh. Tuy nhiên, thị trường tranh Việt mới chỉ được nhen nhóm thông qua một số sự kiện đấu giá từ thiện, hoặc qua các công ty đấu giá Lý Thị, Lạc Việt nên vẫn còn tính nhỏ lẻ, chưa có thị trường chính thức”.

 

Lucy Nguyễn