29/11/2024

Hiệu trưởng Đại học Harvard: Nghiên cứu Việt Nam để hiểu rõ Mỹ

Hiệu trưởng Đại học Harvard Drew Gilpin Faust chia sẻ về tác động của chiến tranh Việt Nam đối với thế hệ của bà và bày tỏ mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam.

 

Hiệu trưởng Đại học Harvard: Nghiên cứu Việt Nam để hiểu rõ Mỹ

 

Hiệu trưởng Đại học Harvard Drew Gilpin Faust chia sẻ về tác động của chiến tranh Việt Nam đối với thế hệ của bà và bày tỏ mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam.



Hiệu trưởng Drew Gilpin Faust phát biểu tại ĐH KHXH-NV TP.HCM ngày 23.3 /// Ngọc Dương

 

Hiệu trưởng Drew Gilpin Faust phát biểu tại ĐH KHXH-NV TP.HCM ngày 23.3NGỌC DƯƠNG

Sáng 23.3, Giáo sư Drew Gilpin Faust, hiệu trưởng thứ 28 của Đại học (ĐH) Harvard lừng danh thế giới, đã có bài thuyết trình tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH KHXH-NV) – ĐH Quốc gia TP.HCM. Là một sử gia và trưởng thành trong thời chiến tranh Việt Nam, bà Faust đưa ra so sánh về sự tác động của nội chiến Mỹ (1861 – 1865) và chiến tranh Việt Nam.
“Hậu quả của cuộc chiến không dừng lại ở cơ thể mà còn nằm trong tâm hồn của con người được sinh ra rất lâu sau đó”, bà Faust nhấn mạnh và đặc biệt chia sẻ về tác động của chiến tranh Việt Nam đối với bản thân cũng như những người cùng thế hệ.
Lịch sử giúp đấu tranh cho hoà bình
 
 
Hiệu trưởng Đại học Harvard: Nghiên cứu Việt Nam để hiểu rõ Mỹ - ảnh 1
Chúng tôi rất vui nếu có thêm sinh viên đến từ Việt Nam và hy vọng sẽ có thêm nhiều sinh viên Việt Nam nộp đơn xét tuyển vào ĐH Harvard

Hiệu trưởng Đại học Harvard: Nghiên cứu Việt Nam để hiểu rõ Mỹ - ảnh 2
 
Giáo sư Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng Đại học Harvard
 

Mở đầu bài thuyết trình, Giáo sư Faust, 70 tuổi, khẳng định: “Việc có mặt tại đây, ở đất nước các bạn, đối với tôi mang rất nhiều ý nghĩa. Nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng của hai quốc gia đã quyện vào nhau và ảnh hưởng tới tất cả chúng ta. Chiến tranh chống Mỹ cứu nước theo cách gọi của các bạn và chiến tranh Việt Nam theo cách gọi của chúng tôi đã mãi mãi định hình một thế hệ, những người trưởng thành trong giai đoạn 1960 – 1970”.

“Giống nhiều người Mỹ khác đến đây, tôi hằng mong đến một ngày nào đó, Việt Nam trong tâm trí tôi không phải là tên gọi của một cuộc xung đột bất ngờ ập đến mà là một quốc gia và xã hội với tất cả sự phức tạp, vẻ đẹp, lịch sử, sự sống động, triển vọng của mình. Và không hiểu sao, dường như đối với tôi, tìm hiểu đất nước của các bạn là điều cần thiết để hiểu chính đất nước của tôi”, người đứng đầu ĐH Harvard chia sẻ.
Giáo sư Faust cho biết thêm cứ vào tháng 5 hằng năm, cựu sinh viên Harvard tề tựu về lại trường để kỷ niệm ngày tốt nghiệp. Tuy nhiên, sự kiện năm nay sẽ đặc biệt hơn vì những thành viên của khoá 1967 dự kiến dành một phần thời gian để thảo luận về tác động của chiến tranh Việt Nam đối với họ.
“Tôi không phải là thành viên của khóa cựu sinh viên Harvard sẽ hội ngộ dịp này nhưng tôi cùng trang lứa với họ và cũng như họ, tôi đã bị định hình bởi chiến tranh Việt Nam theo những cách mà đến tận bây giờ tôi vẫn chưa hoàn toàn thấu hiểu. Nhưng một ảnh hưởng mà tôi có thể xác định rõ ràng liên quan đến công việc của tôi với tư cách một sử gia”, theo Giáo sư Faust.
Bà nhấn mạnh: “Lịch sử giúp chúng ta soi rọi những mù quáng và tàn bạo đã làm nên chiến tranh, từ đó giúp chúng ta hình dung và đấu tranh cho hoà bình”. Trong cuộc họp báo sau buổi thuyết trình, Hiệu trưởng Harvard cho hay sở dĩ bà chọn thăm ĐH KHXH-NV vì bà là một sử gia và đây là một trong những trường hàng đầu Việt Nam trong ngành sử học.
Triển vọng hợp tác
Tại họp báo, Hiệu trưởng Faust cho biết hiện có tổng cộng 16 du học sinh Việt Nam tại những trường thành viên của ĐH Harvard. “Chúng tôi rất vui nếu có thêm sinh viên đến từ Việt Nam và hy vọng sẽ có thêm nhiều sinh viên Việt Nam nộp đơn xét tuyển vào ĐH Harvard”, bà bày tỏ và nhấn mạnh rằng sinh viên nước ngoài ở Harvard sẽ được xét hỗ trợ tài chính và cấp học bổng bình đẳng với sinh viên Mỹ.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Giáo sư Faust cũng đã thảo luận với lãnh đạo ĐH KHXH-NV nói riêng và ĐH Quốc gia TP.HCM nói chung. “Chúng tôi trao đổi về khả năng hợp tác trong tương lai. Chúng tôi rất mong rằng sau này, giữa ĐH Harvard và ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ có nhiều hoạt động chung”, bà cho biết. Theo nữ hiệu trưởng, nhiều học giả tại ĐH Harvard đang hợp tác nghiên cứu với phía Việt Nam và trường này cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu nhiều về khu vực ĐBSCL.
Trong khi đó, Hiệu trưởng ĐH KHXH-NV, tiến sĩ Võ Văn Sen, cho biết tuy chưa có kế hoạch hợp tác cụ thể nhưng phía nhà trường đề xuất 2 hướng phối hợp nghiên cứu về phát triển bền vững ĐBSCL và công cuộc đổi mới của Việt Nam trong thời toàn cầu hóa. Ông nhận định cuộc giao lưu trao đổi với Hiệu trưởng ĐH Harvard là tín hiệu mở đầu cho thời kỳ thăng hoa trong quan hệ giữa ngôi trường hàng đầu thế giới với ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH KHXH-NV.
Thành công nhờ “cãi lời mẹ”

Trong cuộc họp báo, Giáo sư Drew Gilpin Faust chia sẻ mình xuất thân từ một gia đình rất truyền thống, có thể nói là bảo thủ, về chính trị lẫn thái độ đối với vai trò của người phụ nữ trong xã hội. “Có một lần mẹ tôi nói: Con ơi, con phải biết đây là thế giới của đàn ông. Cần biết và nhớ điều đó để đời con thoải mái hơn. Và tôi đã dành cả cuộc đời để chứng tỏ bà nói sai”, bà kể. Và chính sự “cãi lời mẹ” của nữ giáo sư đã góp phần tạo nên những bước ngoặt lớn trong lịch sử ĐH Harvard.
Khi được bổ nhiệm năm 2007, bà là nữ hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường hàng đầu thế giới và cũng là hiệu trưởng đầu tiên từ năm 1672 không tốt nghiệp từ trường, theo tờ TheWashington Post. Bà hiện là một trong những sử gia hàng đầu của Mỹ và thế giới, là thành viên của Hội Sử gia Mỹ, Viện Hàn lâm nghệ thuật và khoa học Mỹ cũng như Hội Triết học Mỹ. Năm 2014, tạp chí Forbes đánh giá Giáo sư Faust xếp thứ 33 trong danh sách những phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

 

Văn Khoa