Nói không với WiFi
Thế giới đang xuất hiện một trào lưu các quán cà phê “đoạn tuyệt” với WiFi/Internet để khuyến khích khách hàng trò chuyện với nhau, thay vì mạnh ai nấy ôm điện thoại và laptop.
Nói không với WiFi
Thế giới đang xuất hiện một trào lưu các quán cà phê “đoạn tuyệt” với WiFi/Internet để khuyến khích khách hàng trò chuyện với nhau, thay vì mạnh ai nấy ôm điện thoại và laptop.
Một tranh minh hoạ trong quán Kibbitznest yêu cầu khách hàng trò chuyện với nhau – Ảnh: Kibbitznestblog |
“Thiếu đi những nơi này, con người cứ mãi cô độc trong đám đông. Hệ quả xã hội duy nhất có thể đoán được của phát triển công nghệ là con người sẽ ngày càng xa cách nhau |
Ray Oldenburg (nhà xã hội học người Mỹ) |
Kibbitznest thoạt nhìn chỉ là một quán cà phê bình thường ở khu vực Lincoln Park, thành phố Chicago (Mỹ).
Nó được trang trí bởi những dãy bàn ghế phong cách, một quầy bày bán những tấm thiệp, lá cờ Mỹ treo trên trần…
Điểm khác biệt duy nhất là người ta sẽ không thấy ai ngồi trong Kibbitznest cắm cúi vào điện thoại, máy tính bảng hay laptop.
Xu hướng mới
Kibbitznest là thành viên mới trong chuỗi quán cà phê tẩy chay Internet đang xuất hiện ở nhiều thành phố trên khắp thế giới.
Ngày nay, cảnh tượng những nhóm bạn ngồi tâm sự với nhau trong quán cà phê ngày càng hiếm.
Thay vào đó, họ dành phần lớn thời gian ngồi lặng lẽ lướt web, chơi game trên điện thoại hoặc làm việc trên laptop.
Quán cà phê trở thành nơi hấp dẫn những người làm công việc tự do, giờ giấc thoải mái và không muốn ngồi ở nhà.
Một bộ phận cửa hàng đáp ứng khá tốt xu hướng sống này với hệ thống Internet mạnh, tuy nhiên cũng có những người chỉ muốn quán cà phê là nơi dành cho cộng đồng hơn là khu văn phòng.
Với ý tưởng đó, cô chủ Annie Kostiner cùng chồng mở tiệm cà phê Kibbitznest để báo động về sự mất cân bằng giữa việc sử dụng “đồ chơi công nghệ” và các cuộc chuyện trò “mặt đối mặt”.
Kostiner nói nhiều khách hàng cảm thấy được “giải thoát” khi bước vào một không gian giúp họ dứt khỏi những cái màn hình. “Tôi thiệt mừng khi cô mở ra chỗ này” – cô Kostiner kể lại sự chia sẻ của khách.
Theo BBC, các quán cà phê không WiFi giống Kibbitznest đã và đang mọc lên ở nhiều thành phố khắp nước Mỹ, rồi ở London (Anh), Vancouver (Canada) và những nơi khác.
Có thể xem đây là cách nhân loại phản ứng trước thực tế chúng ta ngày càng dành nhiều thời gian “sống ảo” hơn giao tiếp ngoài thực tế.
Theo một báo cáo của Hãng phân tích thị trường Nielsen, người trưởng thành ở Mỹ mỗi ngày dành hơn 10 giờ để theo dõi Internet.
“Giờ thấy phát bệnh vì cứ phải nhìn vào màn hình” – anh Joshua Mullenax, một khách hàng của cà phê Kibbitznest, giãi bày.
Nơi chốn thứ ba
Năm 1989, nhà xã hội học người Mỹ Ray Oldenburg nghĩ ra cụm từ “nơi chốn thứ ba” trong quyển sách The great good place (tạm dịch: Nơi trên cả tuyệt vời).
Trong tác phẩm này, Oldenburg khám phá ý nghĩa, vai trò của quán cà phê (không phải quán rượu, quán bia…) trong đời sống hằng ngày.
Ông kết luận quán cà phê là một nơi gặp gỡ, giao tiếp tốt cho sức khỏe tinh thần của mỗi cá nhân nói riêng và xã hội nói chung.
Cô Jodi Whalen và chồng Phil Merrick đã chứng kiến điều ông Oldenburg nhắc đến trong quán cà phê August First của họ ở thành phố Burlington, bang Vermont (Mỹ).
Khách hàng đi vào quán cứ tuần tự mở laptop ra rồi ngồi dán mắt vào màn hình hàng giờ đồng hồ. “Khi mở August First, chúng tôi không hình dung ra cảnh mọi người bước vào để rồi chìm trong im lặng” – cô Whalen tâm sự.
Vì vậy đến năm 2012, Whalen và Merrick dẹp luôn bộ WiFi trong quán cà phê, đến năm 2014 thì họ đặt ra quy định không cho khách xài laptop!
Thay đổi này ban đầu vấp phải phản ứng từ một số khách hàng nhưng khi đã quen, họ không còn lấy đó làm phiền và thậm chí còn ủng hộ mô hình này.
Thêm vào đó, doanh thu của quán tăng thêm 20% so với chỉ 6% của năm trước đó – một khích lệ không nhỏ dành cho Whalen và Merrick.
Những nơi gặp gỡ thân mật như quán cà phê – theo nhà xã hội học Oldenburg – là rất quan trọng đối với “một nền văn minh lành mạnh”, cảm giác cộng đồng sẽ bị đánh mất nếu không có chúng.
Oldenburg mô tả con người là một sinh vật mang tính xã hội, do đó nhân loại không thể thiếu sự tương tác lẫn nhau.
Và những quán cà phê không WiFi như Kibbitznest hay August First mang lại cơ hội đó.
Ngày càng nhiều người làm việc tự do Bên cạnh mục đích của các quán cà phê không WiFi, không thể phủ nhận thực tế là nhiều người muốn làm việc, thay vì ngồi trò chuyện, trong quán cà phê. Theo thống kê của Global Workplace Analytics, số người Mỹ làm việc ở nhà hoặc quán cà phê đã tăng 103% kể từ năm 2005, tức khoảng 3,7 triệu nhân viên dành ít nhất một nửa thời gian làm việc từ xa. Con số này vẫn chưa tính đến nhóm người có công việc độc lập, 22% số này làm việc từ nhà. Xu hướng này đang mở rộng trên toàn cầu. Theo thăm dò của Ipsos/Reuters, 1/5 dân số lao động trên thế giới làm việc từ nhà. Hiện tượng này phổ biến ở khu vực Mỹ Latin, châu Á, Trung Đông, trong khi ở các nước như Hungary, Đức, Thuỵ Điển, Pháp, Ý, Canada lại không thịnh hành bằng. |