10/01/2025

Nâng ngực có thể dẫn đến ung thư

Chính quyền Mỹ chính thức xác nhận túi nâng ngực có nguy cơ gây ra một dạng ung thư hiếm gặp.

 

Nâng ngực có thể dẫn đến ung thư

Chính quyền Mỹ chính thức xác nhận túi nâng ngực có nguy cơ gây ra một dạng ung thư hiếm gặp.



Túi nâng ngực của PIP, công ty bị đóng cửa vì nguy cơ rò rỉ dẫn đến ung thư /// AFP

 

Túi nâng ngực của PIP, công ty bị đóng cửa vì nguy cơ rò rỉ dẫn đến ung thưAFP

Ngày 22.3, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) khẳng định mối liên hệ giữa một dạng ung thư hệ bạch huyết cực hiếm gọi là ALCL với túi nâng ngực. Đây được xem là lời xác nhận chính thức sau khi cơ quan này lần đầu tiên đưa ra khuyến cáo hồi năm 2010.
Thời điểm đó, nhiều nước chấn động vì vụ túi ngực silicone của Hãng PIP (Pháp) bị phát hiện kém chất lượng, không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, dẫn đến dễ thấm nứt, gây rò rỉ chất độn và dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng, bao gồm cả ung thư. Đến nay, công ty này đã bị đóng cửa, nhà sáng lập Jean-Claude Mas bị tòa án Pháp kết án 4 năm tù giam vào tháng 12.2013.
Trong quá trình rà soát tình hình sử dụng túi PIP tại Mỹ, FDA ghi nhận 60 trường hợp bệnh nhân nữ được ghép túi nâng ngực của nhiều hãng khác nhau trên thế giới bị ung thư dạng ALCL. Khi đó, cơ quan này đánh giá vẫn còn sớm để “kết tội” gây ung thư cho các loại túi nâng ngực và cần phải có nhiều nghiên cứu chi tiết hơn.
Đến nay, tờ The New York Times dẫn báo cáo mới nhất của FDA cho biết có tổng cộng 359 phụ nữ bị ung thư ALCL cho rằng bệnh tình của mình liên hệ với nâng ngực và 9 người đã tử vong. Tuy nhiên, số liệu thực tế có thể cao hơn nhiều vì các chuyên gia Mỹ nhận định rằng “còn nhiều giới hạn trong việc thu thập thông tin từ thế giới cũng như thiếu dữ liệu liên quan đến doanh số toàn bộ về túi độn ngực”.
Ung thư ALCL xuất hiện khi các tế bào bạch huyết sinh sôi một cách mất kiểm soát, tích tụ xung quanh cổ, nách hoặc vùng háng. Theo CNN, FDA ghi nhận trong các ca bệnh nói trên thì tế bào ung thư xuất hiện gần vị trí túi độn và không phải là ung thư vú.
“Tính đến thời điểm này, toàn bộ thông tin thu được cho thấy những phụ nữ nâng ngực đối mặt với nguy cơ mắc phải ALCL rất thấp nhưng đáng kể và có chiều hướng gia tăng so với người không cấy ghép”, thông cáo của cơ quan Mỹ viết. Ngoài ra, FDA cho rằng cả túi ngực dùng silicone lẫn nước muối sinh lý (saline) đều có thể liên hệ với ALCL, nhưng túi có bề mặt nhám có nguy cơ lớn hơn so túi trơn láng.
Túi nâng ngực có bề mặt thô ráp là loại phổ biến nhất tại Mỹ, chiếm đến 99% số ca phẫu thuật. Nâng ngực cũng là biện pháp làm đẹp hàng đầu hiện nay của phụ nữ thế giới và chỉ tính riêng tại Mỹ đã có 290.467 ca trong năm 2016. Mặt khác, ALCL tuy hiếm gặp nhưng bệnh tiến triển chậm nên có thể dễ chữa trị hơn các dạng ung thư khác nếu phát hiện sớm. Theo FDA, trong nhiều trường hợp, chỉ cần lấy túi độn ngực ra và cắt bỏ các mô xung quanh là đủ. Tuy nhiên, một số phụ nữ có thể phải cần đến hoá trị và xạ trị. Nếu phát hiện trễ, tỷ lệ tử vong rất cao.
Vì thế, cơ quan này khuyến cáo những người muốn nâng ngực cần nghiên cứu kỹ lưỡng quy trình và thảo luận với bác sĩ về nguy cơ cũng như cân nhắc giữa túi có bề mặt thô ráp và nhẵn nhụi. Những người đã cấy ghép cần theo dõi tình trạng của bản thân, bao gồm quét MRI theo đề xuất của bác sĩ, để sớm phát hiện bất cứ thay đổi nào. Các triệu chứng đáng báo động gồm tích tụ dịch ở vùng ngực, sưng phồng, xơ cứng, xuất hiện vết đỏ hoặc có u xung quanh túi độn.
Hiện Pháp cũng đã tuyên bố “có quan hệ được thiết lập rõ ràng” giữa túi nâng ngực và nguy cơ ung thư, trong khi Cục Quản lý sản phẩm y khoa và chăm sóc sức khoẻ Anh cho hay vẫn tiếp tục phân tích thông tin trước khi đưa ra biện pháp.

 

Thụy Miên