10/01/2025

Làng “ma ám” đã bình minh trở lại

Một ngôi làng của người Cơ Tu ở huyện Đông Giang tỉnh Quảng Nam chỉ trong thời gian ngắn bỗng có nhiều người lăn ra chết. Dân làng sợ quá, cho rằng bị ma ám bèn đập bỏ nhà cửa, kéo nhau ra đồng dựng lều sống.

 

Làng “ma ám” đã bình minh trở lại

Một ngôi làng của người Cơ Tu ở huyện Đông Giang tỉnh Quảng Nam chỉ trong thời gian ngắn bỗng có nhiều người lăn ra chết. Dân làng sợ quá, cho rằng bị ma ám bèn đập bỏ nhà cửa, kéo nhau ra đồng dựng lều sống.

 

 

 

Làng “ma ám” đã bình minh trở lại
Già ALăng Tăng, người bước qua lời nguyền để ở lại “làng ma” Bút Tưa, đang bày cho lũ trẻ làm cái nhà gươl mới cho làng – Ảnh: VIỆT HÙNG

Nhưng có 4 gia đình không tin con ma có thể làm hại làng. Họ vẫn bám trụ.

Suốt 3 năm qua, ngôi nhà họ lúc nào cũng hồng bếp lửa, trong nồi đầy cơm, ngoài sân nhiều gà, cuộc sống no đủ.

Hôm chúng tôi đến, xóm 4 nhà đang đan mái để cất ngôi nhà gươl trước sân nhà anh ALăng Tới. Trai trẻ trong làng người vót lạt, người chẻ tre, ai cũng vui lắm vì sắp có căn nhà chung, có nơi đốt lửa, uống rượu cần, kể chuyện cho con cháu nghe…

Chỉ vì mê rượu, 
tin thầy bói

Làng Bút Tưa của người Cơ Tu ở xã Sông Kôn (huyện Đông Giang) nằm vắt ngang qua một con đồi quanh năm lộng gió. Đứng ở đầu làng thấy suối Côn như một dải lụa uốn quanh, róc rách thanh bình.

Năm đó, làng Bút Tưa mổ con trâu lớn nhất để mọi người cùng ăn tết. Rượu thịt suốt mấy ngày trời. Đùng một cái vào mùng 4 tết, anh ALăng Nghĩa, người trong làng, đến nhà em trai chơi rồi treo cổ chết.

Nghĩa là bệnh nhân tâm thần, được bác sĩ cho về nhà ăn tết sau bốn mùa rẫy nằm điều trị tại bệnh viện dưới tỉnh. Cái chết bất ngờ của ALăng Nghĩa làm lũ làng nhớ lại: nhà của Nghĩa cũng có hai người vừa chết cách đó ít lâu không rõ nguyên nhân.

Dân làng sợ lắm. Thế là tìm đến thầy cúng. Thầy phán rằng “con ma” đã xâm nhập làng nên mới liên tiếp có những cái chết xấu. Nỗi sợ không còn âm ỉ nữa. Ngôi làng suốt ngày chìm trong không khí sợ hãi. Đêm xuống, không ai dám ra ngoài.

Rồi ngày qua ngày, mọi người tản mác xuống đồi hoặc tản về nhà người thân ở nơi khác, đến độ chính quyền phải cử người chốt chặn ở đầu đường mỗi tối phòng kẻ gian trộm cắp đồ ở những ngôi nhà vắng chủ.

Rồi lũ làng họp nhau. Nhiều người nói làng đã bị ma ám, phải dời làng. Một buổi sáng, 17 gia đình rùng rùng đập bỏ 17 căn nhà trong sự sợ hãi tột cùng để ra đi. Những căn nhà xây to đẹp, kiên cố với cột kèo bằng gỗ tốt tan hoang.

Già ALăng Nghéo, năm nay tuổi đã 80 mùa rẫy, nhớ lại cảnh đó mà xót xa. Alăng Nghĩa và hai người bị giàng bắt chết chính là con của ông. “Mình đoán con mình nó mê rượu, lại bệnh nên mới xảy ra thảm cảnh nhưng bà con đi hết, nói bị ma ám thì mình phải đập nhà đi theo”.

Những người bước qua lời nguyền

Nhưng cũng có những người dám bước qua hủ tục đó, không tin con ma, không tin thầy cúng, không đập nhà cửa, quyết ở lại làng.

Già ALăng Tăng năm nay đã 95 tuổi, cứng cáp như cây lim trên rừng và minh mẫn như mặt trời buổi sáng. Đêm trước ngày làng Bút Tưa đập nhà chuyển đi, già Tăng đã cùng cán bộ xã đứng ra họp dân.

Già nói lũ làng đừng đi, già sẽ đứng ra làm lễ cúng giàng, con ma không làm hại được ai cả. Rồi chính quyền cũng có mặt, hứa sẽ cử dân quân cùng công an vào ở với dân một tháng. Nói hết nước, vậy mà mọi người vẫn nhất quyết không nghe.

Già Tăng buồn lắm, buồn vì sự bất lực của mình thì ít, mà buồn vì lũ làng u mê nghe theo lời thầy cúng xúi bậy thì nhiều.

“Tao buồn lắm vì khuyên đủ điều nhưng nó không nghe, vẫn quyết rời làng ra đi. Tao nói: đập nhà xây nhà thì biết bao giờ mới lo được con xe, dựng được cái nhà gươl cho làng, nuôi con kiếm chữ? Nói vậy mà cũng chẳng ai nghe, nên tao quyết ở lại để chứng minh con ma không làm gì được tao” 
- già Tăng kể.

Già Tăng tin rằng “con ma không làm gì được tao” là vì “ngày xưa tao gánh gùi cùng bộ đội Trường Sơn, bom rải thảm nhiều người chết, nhưng tao không chết thì sợ gì”.

Già lý giải: “Tao lên rừng bẫy con thú hay chặt cái cây cũng vừa ăn, đủ nuôi sống bản thân chứ đâu lấy phí của giàng, đâu giết chóc bừa bãi đâu mà sợ báo ứng”.

Nhờ già vận động, có 3 hộ dân chịu ở lại, không đập nhà bỏ đi là già Alăng Văng, anh ALăng Ớt và anh ALăng Tới.

Nhà ALăng Tới vừa mua được chiếc xe máy mới. ALăng Tới nói nhờ già Tăng mà mình không đập nhà bỏ đi, hơn hai năm qua ổn nên dư tiền, được cái xe và có tiền cho con lập gia đình.

Người Cơ Tu rất coi trọng đời sống cộng đồng cũng như không gian chung. Nhưng 4 gia đình ở lại đã dũng cảm không chịu theo số đông sai trái, chứng minh cho mọi người thấy thành quả lao động của mình ngay trên mảnh đất ông bà từng sinh sống.

Cũng như các gia đình còn lại, bây giờ ALăng Tới mong muốn có cái nhà gươl mới, to đẹp để trai gái gặp nhau, để người già kể chuyện, để con nít học theo người lớn làm điều hay điều phải.

“Chỉ mong ở yên ổn với núi rừng, mỗi năm lên đồi gieo 5 ang thóc (mỗi ang khoảng 8kg), giàng cho thu về 100 ang là đủ nuôi con rồi” – Alăng Tới nói.

Không lặp lại sai lầm cũ

Làng “ma ám” đã bình minh trở lại
Sợ “con ma” nên sau Tết Nguyên đán 2014, dân làng Bút Tưa đập bỏ 17 căn nhà to đẹp như thế này để ra đồng dựng lều ở – Ảnh: T.TRUNG

Ông Bríu Sơn, chủ tịch UBND xã Sông Kôn, cho biết việc dân dời làng năm đó diễn biến quá nhanh, không những gây thiệt hại lớn về tài sản của bà con mà còn gây ra tiếng không tốt cho cộng đồng.

“May mắn là chính quyền đoàn thể và bà con đã biết tương trợ lẫn nhau sớm ổn định đời sống, ai cũng có nhà ở. Cái quan trọng bây chừ là phải làm sao để người dân vững tin, không bao giờ lặp lại sai lầm đập nhà vì tin lời thầy bói nữa” – ông Sơn nói.

17 hộ dân làng Bút Tưa ra đi ngày đó dựng lều giữa đồng, ăn bờ ở bụi. Dân các làng xung quanh thấy tội nên cũng giúp miếng nương miếng rẫy có chỗ làm ăn, rồi giúp làm nhà.

“Sau khi nhận ra sai lầm, bây giờ mình đã biết chắt chiu từng vạt đồi để bám đất trồng keo, trồng chuối sinh sống. Dân làng đã biết chung tay làm đường, đưa nước sinh hoạt về tận nhà. Cái khổ cũng qua rồi, bây giờ không giàu nhưng ai cũng tự chủ về kinh tế” – Alăng Phần, trưởng thôn của 17 hộ dân này, nói.

Alăng Phần cũng cho biết bây giờ dân làng hết tin thầy cúng với con ma rồi. Thay vào chuyện sợ con ma, bây giờ bên chén rượu là những câu chuyện “trồng cây gì, nuôi con gì” để thoát nghèo và để lớp trẻ có điều kiện học hành.

TRƯỜNG TRUNG – VIỆT HÙNG