10/01/2025

Làm sạch cơ thể thiếu cơ sở khoa học

Nhiều chị em tuyệt nhiên nghe theo các hướng dẫn về các loại hỗn hợp thức uống được làm từ trái cây, củ quả, các loại lá… và chỉ dùng như thế trong nhiều ngày liên tục.

 

Làm sạch cơ thể thiếu cơ sở khoa học

Nhiều chị em tuyệt nhiên nghe theo các hướng dẫn về các loại hỗn hợp thức uống được làm từ trái cây, củ quả, các loại lá… và chỉ dùng như thế trong nhiều ngày liên tục.

 

 

 

Làm sạch cơ thể thiếu cơ sở khoa học
Liệu trình để có cơ thể khoẻ mạnh, ngoài ăn sạch, uống sạch, hãy bắt đầu từ việc tập thể dục – Ảnh: D.Phan

“Siêng năng vận động thể dục thể thao, tập hít thở theo phương pháp dưỡng sinh, uống 2-3 lít nước/ngày, ăn uống hợp vệ sinh, đầy đủ thành phần dinh dưỡng, đặc biệt là rau xanh và trái cây… là những cách giải độc tự nhiên cho cơ thể

BS Lưu Phương

Gần đây, nhiều người cả nam lẫn nữ như “phát sốt” với phong trào “làm sạch cơ thể”. Có những liệu trình hướng dẫn rằng để thanh lọc cơ thể nên nhịn đói cả tuần, uống nước chanh mật ong thôi là đủ hoặc chỉ uống một hai loại nước trái cây.

Thế nào là ăn sạch, uống sạch?

Các bác sĩ chuyên khoa cho rằng làm sạch cơ thể phải đi đôi với việc ăn sạch, uống sạch chứ không phải bắt cơ thể nhịn đói triền miên, chỉ uống nước hỗn hợp trong thời gian ngắn rồi sau đó lại… ăn “thả cửa”.

Tiến sĩ – bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh, phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết chưa có tài liệu hay nghiên cứu khoa học nào chứng minh việc nhịn ăn và uống các hỗn hợp nước trái cây, củ quả, rau lá… sẽ thanh lọc được cơ thể, loại độc tố ra bên ngoài.

Vì thế, không có cơ sở để chỉ ra rằng nên nhịn bao lâu, uống cái gì, liều lượng uống ra sao… Đa số các chỉ dẫn lan truyền đều do cá nhân chia sẻ, thiếu cơ sở khoa học.

Theo thạc sĩ – bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, trưởng đơn vị tiêu hóa can thiệp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), việc áp dụng những phương pháp chưa được chứng minh, chỉ thông qua kinh nghiệm, truyền miệng cá nhân thì kết quả thu được hoàn toàn ngẫu nhiên.

Nếu pha trộn quá nhiều loại thành phần trong nước sẽ dẫn đến nguy cơ không kiểm soát được tương tác giữa các thành phần này như thế nào.

Trong trường hợp chỉ uống những loại hỗn hợp nước để thanh lọc cơ thể mà không ăn uống sẽ dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng, hoàn toàn không có lợi cho 
sức khoẻ.

Chưa kể những thành phần không phù hợp trong hỗn hợp nước có thể làm rối loạn tiêu hoá (tiêu chảy kéo dài), viêm loét dạ dày, viêm loét ruột…

Hãy làm sạch bắt đầu từ thực đơn

Theo TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, một chế độ ăn sạch để giúp cơ thể khỏe mạnh cần dựa vào những kiến thức khoa học đã được chứng minh, đó là ăn cân đối, đa dạng, vừa đủ dưỡng chất, không nên “bên trọng bên khinh” đối với chất hoặc thực phẩm nào.

Nếu có thể sử dụng thực phẩm hữu cơ là tốt nhất, nếu không thì nên chọn những thực phẩm được nuôi trồng bằng phương pháp an toàn, bảo đảm sạch.

Các chuyên gia y tế cho rằng khi đã ăn sạch, uống sạch rồi thì không còn cần… làm sạch cơ thể nữa.

Theo DS Lê Kim Phụng, để có một chế độ ăn uống sạch đúng nghĩa, hãy nghe lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng trên thế giới. Trong đó, quan trọng nhất chính là “cuộc cách mạng” trong thực đơn hằng ngày của chính bản thân và gia đình mỗi người.

Thực đơn căn bản để ăn sạch, uống sạch

Làm sạch cơ thể thiếu cơ sở khoa học
Trái cây, rau củ là thứ không thể thiếu trong thực đơn hằng tuần – Ảnh: Hữu Khoa

1 – Hạn chế ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn vì nhiều thực phẩm chế biến có chứa nhiều muối natri, đường và mỡ dư thừa.

2 – Gia tăng lượng rau củ trong bữa ăn hằng ngày vì chúng chứa đầy đủ các vitamin, chất xơ có lợi…

3 – Chế độ ăn sạch cũng đòi hỏi phải giảm chất béo bão hoà. Theo khuyến cáo của Hội Tim mạch Hoa Kỳ, không cần cắt bỏ hoàn toàn các chất béo bão hoà có trong bơ, phô mai và thịt, nhưng cần gia tăng các chất béo có lợi cho sức khoẻ như dầu ô liu, dầu phộng, dầu hướng dương, các loại hạt và cá béo.

4 – Phải giảm lượng cồn và tránh các đồ uống hỗn hợp.

5 – Giảm bớt đường bằng cách hạn chế ăn uống đồ ngọt như soda, nước ngọt, bánh kẹo và các loại bánh nướng. Cũng nên để ý đến các chất đường được thêm vào các thực phẩm lành mạnh như sữa chua (chọn loại không có đường), nước xốt cà chua và ngũ cốc. Nên tìm thức ăn không có đường hoặc có thật ít đường.

6 – Một điểm khác nên lưu ý trong việc ăn uống sạch là giảm ăn thịt. Ăn uống sạch không có nghĩa là bỏ thịt hoàn toàn nhưng ăn ít thịt hơn có thể giúp loại bỏ lượng chất béo bão hòa.

Một khẩu phần thịt chỉ nên khoảng 80g. Có thể thay bằng các loại protein khác như đậu, đậu nành hay đậu phụ vào các bữa ăn tối để nhẹ cơ thể và nên chế biến dạng xúp với một ít thịt băm nhỏ.

7 – Cần kiểm soát lượng muối, ăn nhiều trái cây và ưu tiên chọn ngũ cốc nguyên hạt. Giảm các loại như bánh quy, bánh ngọt, cơm trắng, bánh mì trắng và mì ống trắng, nên thay thế với gạo nâu, gạo đỏ, bánh mì đen hoặc mì ống rau củ.

DS LÊ KIM PHỤNG

TRÀ MY