10/01/2025

Hiệu trưởng là linh hồn của ngôi trường

Vị trí của hiệu trưởng đối với một ngôi trường rất quan trọng, bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học mà còn ảnh hưởng tới đời sống vật chất và tinh thần của hàng chục, hàng trăm giáo viên, nhân viên của trường.

 

Hiệu trưởng là linh hồn của ngôi trường

 Vị trí của hiệu trưởng đối với một ngôi trường rất quan trọng, bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học mà còn ảnh hưởng tới đời sống vật chất và tinh thần của hàng chục, hàng trăm giáo viên, nhân viên của trường.

 

 

 

Hiệu trưởng là linh hồn của ngôi trường

Linh hồn của một ngôi trường do người hiệu trưởng quyết định tới 50%. Bởi vậy có được hiệu trưởng tốt là hồng phúc lớn cho một 
ngôi trường.

Thay đổi cách điều hành quản lý của hiệu trưởng là một trong những khâu then chốt để đổi mới giáo dục.

Khi hiệu trưởng là “ông/bà chủ”

Có lần tôi đến một trường ở TP.HCM xin gặp hiệu trưởng để liên hệ cho việc chung của tập thể. Bảo vệ nói tôi ngồi chờ để vào xin ý kiến.

Ít phút sau nhân viên bảo vệ ra báo: “Cô hiệu trưởng đi vắng rồi!”. Đang chuẩn bị ra về thì tình cờ gặp một người bạn cũ.

Hai bên tay bắt mặt mừng ngồi xuống ghế đá chuyện trò. Chúng tôi đang hàn huyên rôm rả thì bạn tôi bị một nhân viên phòng hành chính ra nắm tay kéo đi với thái độ hết sức giận dữ.

Tôi định lên tiếng, nhưng bạn tôi ra dấu hiệu im lặng. Sau đó tôi mới biết đó là lệnh của hiệu trưởng, không được tiếp khách khi hiệu trưởng đã trả lời “đi vắng”.

Tôi hơi bất ngờ, sau đó tìm hiểu thêm một số giáo viên khác thì được biết hầu như cả trường đó ai cũng sợ hiệu trưởng. Người này dữ dằn đến mức được gọi là “bà La Sát”.

Mỗi khi hiệu trưởng đã quyết việc gì thì cứ im lặng mà làm, cấm tất cả ý kiến tranh cãi hoặc phản biện. Ai đó lỡ dại thì sẽ bị định kiến suốt thời gian làm việc ở đây.

Thực tế hiện nay có rất nhiều hiệu trưởng là “ông/bà chủ” trong trường, giáo viên không dám có ý kiến gì vì “nói thì vẫn thế”.

Bởi thế khi hội họp hay đại hội công nhân viên chức, hiệu trưởng độc chiếm diễn đàn từ đầu đến cuối.

Mọi người chỉ nghe và nghe, sau đó ra về. Nếu trường có hiệu trưởng điều hành kiểu “ông/bà chủ”, đã thế còn kém năng lực kéo theo một số người xu nịnh bu theo bợ đỡ thì thật là đại hoạ.

Mọi người sẽ sống trong sự lo âu nơm nớp. Tay chân của hiệu trưởng có mặt khắp nơi. Lỡ miệng nói ra điều gì coi như chết chắc.

Tin bay tới tai hiệu trưởng còn nhanh hơn cả gió, còn được “biên tập” thêm, và thế là họ sẽ bị hiệu trưởng gọi vào “cạo” không thương tiếc.

Cá biệt, một số hiệu trưởng còn tự xếp mình vào một đẳng cấp khác, xem giáo viên như người để sai vặt, bắt làm những việc không đúng với chức năng, nhiệm vụ của giáo viên: chạy mua đồ ăn sáng, đi chợ, đi lấy giấy tờ, pha nước…

Hiệu trưởng là linh hồn của ngôi trường

Chuẩn nào cho hiệu trưởng?

Rất cần ở hiệu trưởng “tâm, tầm, tài” để biến tất cả những ý tưởng đổi mới thành hiện thực. Về lâu dài, nếu chúng ta có cơ chế tuyển chọn hiệu trưởng hợp lý, hi vọng sẽ có nhiều hiệu trưởng giỏi.

Và một hiệu trưởng chỉ nên làm ở một trường tối đa 2 nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 4 năm.

Nên thực hiện việc luân chuyển hiệu trưởng theo định kỳ ở tất cả các cấp I, II, III, kể cả mầm non, coi đây là điều đương nhiên trong khâu điều hành cán bộ quản lý.

Có như vậy mới hạn chế sức ì của thói quen, khơi dậy sự làm mới, sự sáng tạo cho cả giáo viên và ban giám hiệu. Môi trường mới, hiệu trưởng mới bắt buộc cả hai đều phải đổi mới. Hãy mở rộng cơ chế bổ nhiệm, tuyển chọn đội ngũ quản lý.

Để những ai có tâm huyết, năng lực đều có điều kiện ứng cử, bầu cử. Không nên chỉ theo tiêu chí: hễ là đảng viên là phải được quy hoạch từ trước.

Và cũng nên xem việc hết nhiệm kỳ quản lý, trở về giảng dạy cũng là chuyện rất bình thường.

Rất mong hiệu trưởng là người biết lắng nghe sự góp ý của mọi người, trước khi đưa ra một quyết định nào đó.

Không ai có đủ khả năng nhìn nhận tất cả vấn đề. Người quản lý thông minh là biết lắng nghe ý kiến của tập thể, từ đó lựa chọn giải pháp tối ưu.

Muốn cho giáo viên “tâm phục khẩu phục”, hiệu trưởng chắc chắn phải là người giỏi về chuyên môn – không giỏi ít nhất cũng phải khá.

Bởi tình trạng khi dự giờ giáo viên, hiệu trưởng nhận xét lung tung, không đánh giá đúng năng lực người dạy làm mất đi nhuệ khí, sáng tạo của giáo viên.

Rất cần ở hiệu trưởng sự hoà đồng, chân tình cởi mở và quan tâm tới mọi người, để tạo nên hòa khí trong môi trường giáo dục.

Có hòa khí mới tạo ra sinh khí, để phát triển thành hào khí, đưa nhà trường phát triển. Để khi mỗi giáo viên nghĩ về trường của mình cảm thấy ấm áp, được động 
viên khích lệ.

Đòi hỏi ở hiệu trưởng sự hi sinh, biết chấp nhận thiệt thòi về mình. Sẽ tốt hơn khi các danh hiệu thi đua: bằng khen thủ tướng, chiến sĩ thi đua, nhà giáo ưu tú nên dành trước cho giáo viên, đừng nên ưu tiên trước cho mình và ban giám hiệu.

Bởi uy tín của hiệu trưởng đối với mọi người lớn hơn tất cả các danh hiệu. Làm quản lý thu phục được nhân tâm, để mọi người đồng lòng đồng sức đóng góp xây dựng nhà trường đó là sự thành công và là vinh dự, phần thưởng lớn nhất đối với hiệu trưởng.

Cần lắm hiệu trưởng có tầm trong việc trang bị và xây dựng cơ sở vật chất nhà trường, cũng như đào tạo đội ngũ kế cận.

Đừng để tình trạng ai làm thời nào biết thời ấy. Có nơi ban giám hiệu đều là những người lớn tuổi và cùng về hưu một lúc gần nhau, nên thiếu vắng đội ngũ kế cận. Trong cơ cấu đội ngũ hãy ưu tiên lớp trẻ năng động sáng tạo để có sức bật.

Hiệu trưởng mới thế nào?

Có lần tôi đến một trường cấp III. Khi biết có hiệu trưởng mới về, tôi hỏi nhỏ một thầy giáo: “Hiệu trưởng mới thế nào?”.

Thầy giáo ấy trả lời: “Hiệu trưởng mới cái gì cũng tuyệt, riêng một điều không được”. Nói đến đây thầy dừng lại làm tôi tò mò hồi hộp. “Điều gì vậy?” – tôi hỏi.

“Đó là chỉ còn 3 năm nữa là thầy về hưu mất rồi” – thầy buồn buồn nói. Tôi đã lặng người một hồi lâu trước câu trả lời ấy.

Rất may trong thực tế chúng ta đã có được những hiệu trưởng chuẩn mực như vậy. Và hi vọng rằng những hiệu trưởng như thế ngày một nhiều hơn, và trở thành sự hiển nhiên, tất yếu trong nền giáo dục của chúng ta.

THIÊN HOÀNG