29/11/2024

Đầu tư nhan sắc cho sách: Đúng – Đẹp – Độc

Có một dụ ngôn theo kiểu “đừng đánh giá quyển sách chỉ qua cái bìa”, nhưng trong thực tế người mua sách phải tiếp cận trước hết với cái bìa sách. Độc giả, hoạ sĩ thiết kế và giới xuất bản nói gì về bìa sách hiện nay?

 

Đầu tư nhan sắc cho sách: Đúng – Đẹp – Độc

Có một dụ ngôn theo kiểu “đừng đánh giá quyển sách chỉ qua cái bìa”, nhưng trong thực tế người mua sách phải tiếp cận trước hết với cái bìa sách. Độc giả, hoạ sĩ thiết kế và giới xuất bản nói gì về bìa sách hiện nay?

 

 

 

Đầu tư nhan sắc cho sách: Đúng - Đẹp - Độc

Nhân dịp ba tiểu thuyết của Erich Maria Remarque là Ba người bạn, Bóng tối thiên đường và Khải hoàn môn được in lại, một người làm sách viết trên trang cá nhân: “55 năm kể từ những ngày đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, Erich Maria Remarque đã chính thức quay lại trong bộ trang phục mới do Đông A may đo”.

Xem việc thiết kế bìa như nghệ thuật phục trang cho một quyển sách cũng là một cách ví von, ít nhiều khái quát vai trò của cái bìa trong việc trình hiện một bản sách đến với công chúng…

“May áo” cho sách

Giới phát hành nhìn nhận vai trò của bìa sách chính là một công cụ bán hàng quan trọng, là yếu tố tham gia sớm nhất vào việc quyết định một cuốn sách có bán chạy không, có tồn tại lâu dài không.

Do đó nếu chất lượng quá tệ thì bìa sách không tạo được hứng thú và tò mò nơi độc giả, độc giả không mua, quyển sách sẽ “chết”.

Ý thức vai trò đó của “bộ cánh” cũng như thoả mãn nhu cầu ngày càng cao của người đọc, các đơn vị làm sách đang ngày một có trách nhiệm hơn trong việc tìm kiếm hình thức và nội dung cho bìa sách.

Khi quyết định mua bản quyền và tái bản quyển Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam bộ từ khởi thuỷ đến 1945, DT Books đã kỳ công tìm bức ảnh chụp Một góc chợ Sài Gòn in trên tập san Le Monde Illustré vào năm 1864 để làm bìa 1 và tìm bức ảnh chụp bến Nhà Rồng năm 1866 của Émile Gsell để làm bìa 4.

Kỳ công như vậy vì “phải làm đẹp và có ấn tượng mới mong bán được sách” – người phụ trách DT Books thừa nhận.

Đầu tư nhan sắc cho sách: Đúng - Đẹp - Độc
Một trong 3 quyển sách của Erich Maria Remarque được tái bản với bìa mới

Ông Nhật Anh (Nhã Nam) nhớ lại lần làm bìa mới để tái bản quyển Bốn-mươi-năm “nói láo” của Vũ Bằng. Ý tưởng của nhà thiết kế Tạ Quốc Kỳ Nam là phải tìm lại các manchette báo cũ – những tờ mà Vũ Bằng từng viết – rồi lấy kiểu font cũ đó làm font cho nhan đề sách lần này…

Quá trình lục tìm tư liệu chỉ để phục vụ một cái bìa như vậy mất khá nhiều thời gian. Tuy nhiên, đây là bìa sách đáp ứng được yêu cầu “vừa mang tính hiện đại, vừa giữ được tinh thần của bản sách cũ” mà Nhã Nam đặt ra khi tái bản sách thuộc loạt Danh tác Việt Nam.

Từ góc độ người đọc, độc giả trẻ Nguyễn Lâm Minh Huy (TP.HCM) chia sẻ: “Rõ ràng bìa sách ngày càng được chăm chút hơn, đẹp hơn, bắt mắt hơn cũng như thể hiện được ý tưởng, nội dung. Tôi không chọn sách vì cái bìa, nhưng bìa sẽ đóng yếu tố quan trọng trong tình cảm dành cho một ấn bản.

Tôi thích bìa đẹp mà phải có concept (ý tưởng) rõ ràng. Về mặt thẩm mỹ, gần đây tôi ấn tượng nhất với bìa sách Những đứa con lúc nửa đêm”.

Đầu tư nhan sắc cho sách: Đúng - Đẹp - Độc
Quyển Bốn-mươi-năm “nói-láo” được kỳ công làm bìa mới nhân lần tái bản

Đúng, đẹp và độc

Phục trang cho sách phải đẹp và gây chú ý là một lẽ, nhưng điều quan trọng là bìa phải hợp và xứng với nội dung.

Hoạ sĩ Bích Khoa cho biết có một số cơ sở để xác định bìa sách phù hợp cho một quyển sách. Đó là: hợp với tuổi của bạn đọc quyển sách đó; hợp với thể loại sách đó (khoa học khác, tình cảm khác, cổ tích khác và nhật ký đời thực khác…); thứ ba là hợp với tác giả.

“Có những tác giả nổi bật về cái gì đó, chuyên về cái gì đó, mà khi thiết kế bìa mình phải nghĩ rằng: làm sao để nhìn cái bìa này thì người ta liên tưởng đến tác giả ấy, chứ không thể “lạc” sang tác giả khác. Cái này diễn đạt thì khó, nhưng trong nghề vẫn có thao tác đó” Bích Khoa chia sẻ.

Với kinh nghiệm tám năm làm bìa sách, Tạ Quốc Kỳ Nam – một trong những nhà thiết kế bìa nổi nhất hiện nay – đúc kết có ba tiêu chí cho một bìa sách đẹp: đúng, đẹp và độc.

Đúng là thể hiện đúng thể loại đề tài (hư cấu hay phi hư cấu, lãng mạn hay kinh dị…), không khí sách (tươi vui, hồi hộp, suy tư hay hừng hực sức sống…), đối tượng độc giả. Đẹp là xét về mặt mỹ thuật, do đó khá chủ quan và cảm tính, không có quy chuẩn nào mà là do tay nghề, gu thẩm mỹ và sáng tạo của người làm.

Còn Độc là nói về ý tưởng của bìa sách, khiến bìa này bật ra khác lạ so với bìa kia dù có thể cùng chung một dòng sách, môtip. Độc là cái khiến bìa sách khác biệt, nhưng là tiêu chí khó nhất, cần dụng công suy nghĩ nhiều nhất.

Bìa Đúng chưa chắc Đẹp, Đẹp chưa chắc hợp sách, nhưng Độc thì nhất định phải đạt được cả ba.

Đầu tư nhan sắc cho sách: Đúng - Đẹp - Độc
Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ với cách tạo ấn tượng cho bìa bằng typo – Ảnh: L.Điền

Nhiều thuận lợi cho sáng tạo

Kim Duẩn – họa sĩ thiết kế trẻ đã thiết kế khoảng 200 bìa sách – cho hay mỗi khi đặt hàng, NXB sẽ yêu cầu họa sĩ thể hiện rõ đặc trưng của thể loại sách trước (văn học, thiếu nhi, khoa học…), rồi mới yêu cầu đẹp xấu sau.

Là tên tuổi nổi tiếng gắn liền với việc trình bày sách từ những năm kinh tế mở cửa đến nay, họa sĩ Đỗ Duy Ngọc nhận xét: “Hoạ sĩ ngày trước cũng sáng tạo, nhưng vì hạn chế công cụ nên sự sáng tạo đó không nhiều.

Ngày nay, máy vi tính và Internet giúp các hoạ sĩ trình bày thể hiện được mọi ý tưởng sáng tạo của họ. Rất nhiều mẫu mã có sẵn trên Internet, họ chỉ cần lấy về.

Tuy nhiên, tôi thấy rằng thỉnh thoảng cũng có những trường hợp trình bày bìa một đằng, nội dung một nẻo… là do các người trẻ thiếu kiến thức nền tảng về văn học, về khoa học cơ bản. Có những người trình bày bìa 100.000, 200.000 đồng một cái cũng làm. Họ là những người thợ chứ không phải hoạ sĩ trình bày!”.

Q.THI ghi

LAM ĐIỀN