29/11/2024

Thuyết phục để mọi người nhận ra cái đúng

Với cuộc trao đổi cùng Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM Phạm Hồng Sơn, diễn đàn “Ứng xử văn minh qua góc nhìn giới trẻ” xin tạm khép lại.

 

Thuyết phục để mọi người nhận ra cái đúng

 Với cuộc trao đổi cùng Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM Phạm Hồng Sơn, diễn đàn “Ứng xử văn minh qua góc nhìn giới trẻ” xin tạm khép lại.

 

 

 

Thuyết phục để mọi người nhận ra cái đúng
Các bạn trẻ tham gia bó vỉa, trồng thêm cây xanh tại các gốc cây ven đường tạo mỹ quan đô thị – Ảnh: Q.L.

Mỗi cán bộ Đoàn cần nhạy cảm với vấn đề xung quanh, mỗi ngày thức dậy phải liên tục nghĩ xem tổ chức của mình sẽ làm được gì để cùng xây dựng văn minh đô thị tốt hơn và phải rất trăn trở, tâm huyết với địa phương, đơn vị

Anh PHẠM HỒNG SƠN

Anh Sơn chia sẻ:

– Việc xây dựng văn minh đô thị không còn là việc riêng của một đơn vị hay quận, huyện nào mà là sự kết hợp, chung tay, chung sức. Sự kết hợp này đảm bảo tận dụng được thế mạnh của từng địa phương, đơn vị cùng hướng đến mục tiêu xây dựng TP ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

* Anh đánh giá thế nào về kết quả tham gia xây dựng văn minh đô thị của tuổi trẻ TP thời gian qua dưới vai trò tập hợp của Đoàn?

– Ngoài các nội dung như nói ở trên thì các việc được chọn làm phải gắn với đời sống dân sinh nhiều hơn, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân như: điện, nước, công trình giao thông… Khi làm cầu giao thông, Thành đoàn đứng ra kết nối để nhiều đơn vị góp chuyên môn theo thế mạnh của đơn vị mình cùng tham gia vào làm.

Đây là sự tương tác vốn có của tổ chức Đoàn, tránh tư duy và cách nghĩ Đoàn chỉ giỏi làm phong trào mà không có sản 
phẩm, công trình cụ thể.

Phải nói rằng các sở, ngành của TP đã dành cho Đoàn sự ủng hộ quyết liệt, cụ thể trong nhiều phần việc, đã chủ động đặt vấn đề kết nối cùng hành động mà sự phối hợp này giúp mọi việc tốt và mạnh hơn cũng là giải quyết nhiều vấn đề, bức xúc từ thực tế cuộc sống đặt ra.

Dĩ nhiên vẫn còn cơ sở chậm chuyển động, tính phát hiện vấn đề, trăn trở với địa bàn chưa cao nên cần phải chủ động, tích cực hơn nữa.

* Thực tế vẫn còn không ít biểu hiện chưa đẹp khi soi vào tiêu chí văn minh đô thị mà hình ảnh giới trẻ trong những điều chưa đẹp ấy không phải là ít. Liệu rằng có thay đổi được không?

– Tôi thấy có thói quen của người dân thành thị là đôi khi cứ thấy tiện thì làm mà ít quan tâm việc này có ảnh hưởng đến người khác thế nào. Chẳng hạn xe hơi tấp đại bên đường mua gì đó rồi gây ách tắc giao thông, hay để vài ba cái ghế trước nhà hóng mát cũng cản trở chuyện đi lại của người khác.

Cứ làm theo thói quen nhưng lại ảnh hưởng đến cộng đồng, mà tình trạng này khá phổ biến ở TP chúng ta hiện nay. Vì tiện đường người ta sẵn sàng đi ngược chiều một đoạn ngắn thay vì phải đánh một vòng.

Nhiều hành vi chưa phù hợp lặp đi lặp lại nhiều lần thành thói quen xấu, ảnh hưởng đến đô thị. Mà thực chất đó là chuyện ý thức của mỗi người đã tồn tại lâu rồi.

Nhưng tôi tin sẽ phải chuyển động tích cực hơn cùng với lớp công dân mới, kèm những quy định chế tài, xử phạt quyết liệt hơn các thói quen, hành vi chưa chuẩn trên đường phố.

Không thể tự nhiên có ngay mà cần kết hợp tuyên truyền lẫn tương tác từ chính trong gia đình, trường học, bắt đầu dạy từ những hành động nhỏ mà tác động đến hình thành nhân cách đứa trẻ hơn là dạy những điều quá to tát.

Thuyết phục để mọi người nhận ra cái đúng
Anh Phạm Hồng Sơn – Ảnh: Q.L.

* Chúng ta mong muốn giới trẻ làm hạt nhân nhưng dường như họ hơi đơn độc mà chưa thấy rõ sự cộng hưởng của người dân khi thực hiện nội dung này?

– Lẽ đương nhiên người dân phải thấy rằng xây dựng văn minh đô thị chính là đang làm cái chung, trong đó có họ mới là bình thường nhưng cách nghĩ phổ biến hiện nay lại mặc nhiên xem đó là việc của thanh niên. Điều này là hơi bất thường bởi thực tế hậu quả, ảnh hưởng thế nào chính người dân sống tại chỗ sẽ cảm nhận rõ nhất.

Các bạn trẻ tham gia vận động, thuyết phục đủ hết nhưng phải chăng có tâm lý ai làm cũng được, không có mình đã có người khác làm rồi! Không thể ép, cũng không có chế tài gì ở đây mà điều cần là nâng cao nhận thức cho người dân, cần sự phối hợp của các ban ngành.

Tôi khẳng định dù thế nào đi nữa hành động của tuổi trẻ vẫn phải quyết liệt, vẫn làm đúng tinh thần, hoàn thành các công việc đã đặt ra. Chúng ta kỳ vọng sự hưởng ứng mạnh mẽ hơn chứ không phải vì ít nhận được sự cộng hưởng của bà con rồi nản lòng, 
không làm nữa.

Chuyện thời sự hiện tại là lập lại trật tự vỉa hè, vai trò của Đoàn chính là tích cực vận động nhân dân hưởng ứng chủ trương này của TP. Cốt lõi vẫn phải là vận động người dân, còn chế tài, cưỡng chế, đập bỏ chỉ là biện pháp cuối cùng.

Thuyết phục để người dân thấy đây là việc đúng rồi chính họ sẽ tự giác điều chỉnh hơn là phải chịu chế tài, cam kết thay đổi hiện trạng sai phạm của mình, không lấn chiếm vỉa hè, không làm sai.

* Với các kết quả đạt được và từ thực tiễn, tổ chức Đoàn có đề xuất gì với lãnh đạo TP thực hiện các nội dung liên quan đến xây dựng văn minh đô thị?

– Đề xuất cái mới thì chưa bởi để làm hết những điều đã và đang làm cũng rất nhiều rồi. Vấn đề là quyết tâm làm, nói phải làm liền chứ không để đó rồi trôi qua hết. Góc độ tổ chức Đoàn, chúng tôi quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện, không đánh trống bỏ dùi, đầu voi đuôi chuột, cái nào khó sẽ gỡ từ từ chứ không làm rầm rộ phong trào rồi sau đó im ắng.

QUỐC LINH thực hiện