10/01/2025

Gắn gương chiếu hậu đối phó, người chạy xe cứ quay đầu nhìn

Luật quy định trên xe phải có gương chiếu hậu để quan sát khi lái xe, nhưng nhiều người chạy xe máy lại không có thói quen sử dụng gương này, dẫn đến chuyện gắn gương đối phó và nhiều tai nạn xảy ra.

 

Gắn gương chiếu hậu đối phó, người chạy xe cứ quay đầu nhìn

 Luật quy định trên xe phải có gương chiếu hậu để quan sát khi lái xe, nhưng nhiều người chạy xe máy lại không có thói quen sử dụng gương này, dẫn đến chuyện gắn gương đối phó và nhiều tai nạn xảy ra.

 

 

 

Gắn gương chiếu hậu đối phó, người chạy xe cứ quay đầu nhìn
Lắp gương chiếu hậu là việc làm cần thiết của người đi xe máy tham gia giao thông – Ảnh: Châu Anh

Tôi bắt đầu có thói quen sử dụng gương chiếu hậu của xe từ khi mua chiếc xe máy đầu tiên cách đây 27 năm.

Nhờ quan sát gương chiếu hậu cùng với bật đèn tín hiệu sớm, tôi dễ dàng xử lý việc quẹo trái, quẹo phải sao cho an toàn mỗi khi chuẩn bị cho xe chuyển hướng và giúp người đi sau xử lý tốt trong việc nhường cho xe phía trước muốn quẹo.

Cũng nhờ thói quen này, tôi tránh được mấy lần tai nạn cho chính mình. Có lần 10h tối đi xe máy từ quận 10 về quận 1 trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), chiếc taxi chạy trước xe tôi trong phần đường dành cho xe hai bánh bỗng thắng gấp.

Phản xạ đầu tiên của tôi là định lách nhanh qua trái để tránh nhưng cũng đúng lúc nhìn qua gương chiếu hậu tôi thấy một xe tải vừa chạy đến gần ngay sau bên trái mình.

Thế là tôi vừa đạp thắng chân, vừa siết thắng tay đến mức xe trượt nghiêng và dừng sát đuôi xe taxi, tránh được tai nạn bị xe tải đụng nếu lách ra trái.

Một người bạn thân của tôi không gắn gương đúng chuẩn và không có thói quen nhìn gương chiếu hậu dù tôi luôn nhắc nhở.

Mỗi lần muốn quẹo bên trái thì bạn ấy chỉ bật đèn tín hiệu và dừng xe lại – có khi giữa đường – rồi quay đầu nhìn xe chạy phía sau để quyết định cho xe quẹo hay không và quẹo lúc nào. Còn khi quẹo bên phải thì bạn cứ bật đèn tín hiệu rồi quẹo cái rẹt.

Một lần chạy xe trên quốc lộ 13, bạn dừng lại chống chân trái để chuẩn bị quẹo trái qua nhà bên kia đường, một xe máy chạy ngay phía sau không tránh kịp đụng vào bạn làm chân bên trái của bạn bị cây gác chân đâm sâu vào, phải nằm nhà cả tháng trời.

Nhiều người bạn khác của tôi cũng không gắn gương đúng quy định và không nhìn gương khi lái xe nên dễ gặp tai nạn do va quẹt khi chuyển hướng quẹo trái hay phải.

Khi có việc và phải sử dụng xe các bạn này thì tôi thấy thật khó khăn do chủ xe gắn gương chỉ nhằm… đối phó với công an nên không quan sát được phía sau như mong muốn.

Có lần ở một bãi để xe của cơ quan, tôi đếm thử trong 78 xe máy để ở đây thì hết 3 xe không có gương chiếu hậu bên trái và 7 xe gắn gương chiếu hậu chỉ để… trang trí.

Gọi là trang trí vì đó là những gương chiếu hậu bé xíu, có cái không thể điều chỉnh cho vừa tầm nhìn của người lái xe, có cái còn không có vỏ bảo vệ gương – rất dễ bắn vào người xung quanh nếu xảy ra va chạm và bị vỡ.

Để xây dựng văn hóa giao thông, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, thiết nghĩ lực lượng chức năng nên tăng cường xử phạt đối với những người chạy xe không có gương chiếu hậu hoặc gương không đúng chuẩn.

Nhưng đó cũng là biện pháp phần ngọn. Phần gốc là chúng ta phải tập làm quen sử dụng gương chiếu hậu – điều bắt buộc của người lái xe ở các nước phát triển.

Xử phạt hơn 9.000 xe máy vi phạm

Đại úy Trần Thị Hồng Nhung (phó đội trưởng đội tuyên truyền, điều tra tai nạn và xử lý giao thông – Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM) cho biết Luật giao thông đường bộ quy định về điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới là phải có đủ gương chiếu hậu và các trang thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển.

Đối với môtô, xe máy và các loại xe tương tự thì gương chiếu hậu phải có diện tích của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 69cm2.

Trong trường hợp gương tròn, đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94mm và không được lớn hơn 150mm.

Gương chiếu hậu phải được lắp đặt chắc chắn, điều chỉnh dễ dàng tại vị trí lái và nhận rõ hình ảnh ở phía sau với khoảng cách tối thiểu 50m về phía bên phải và bên trái.

Nhóm xe máy 2, 3 bánh phải lắp ít nhất một gương chiếu hậu ở bên trái, còn nhóm môtô 2, 3 bánh phải lắp gương chiếu hậu ở cả hai bên.

Theo đại úy Nhung, trong năm 2016, lực lượng CSGT trên địa bàn TP đã lập biên bản xử phạt 9.148 trường hợp vi phạm về gương chiếu hậu, trong đó có 9.108 trường hợp vi phạm là môtô, xe máy các loại.

Rất nhiều trường hợp vi phạm do không lắp đặt, lắp đặt thiếu gương hoặc gương chiếu hậu không đạt tiêu chuẩn so với quy định pháp luật, làm giảm khả năng quan sát và tăng nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông.

Theo nghị định 46/2016/NĐ-CP, lỗi vi phạm này bị phạt tiền từ 300.000 – 400.000 đồng đối với người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự; phạt tiền từ 80.000 – 100.000 đồng đối với người điều khiển môtô, xe máy.

Gương “dỏm” tràn lan

Trong những ngày qua, chúng tôi ghi nhận rất nhiều trường hợp người chạy xe máy trên đường gắn gương chiếu hậu theo kiểu chỉ để… đối phó CSGT như gắn loại gương nhỏ gọn khó quan sát, gắn gương chiếu hậu nhưng để úp gương xuống mặt đất, thậm chí có trường hợp gắn gương nhưng chỉ có gọng chứ… không có gương! 

Tại một bãi giữ xe trên đường số 3 (P.Bình An, Q.2, TP.HCM) có gần một nửa xe máy gắn gương chiếu hậu để đối phó với công an vì gương không thể quan sát khi lái xe.

Nhiều tuyến đường tại TP.HCM như đường Hùng Vương (Q.10), Võ Văn Kiệt (Q.5, Q.Bình Tân), quanh bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây… có nhiều điểm bày bán gương chiếu hậu “dỏm”. 

Tại điểm bán gương chiếu hậu bên lề đường Võ Văn Kiệt, người bán ra giá với chúng tôi 30.000 đồng/gương chiếu hậu và khuyên nên mua gắn để đối phó CSGT, chứ mua hàng “xịn” giá đến 200.000 – 400.000 đồng/gương.

S.BÌNH

ĐỖ THỊ HUỲNH HOA