10/01/2025

Chào bán những công nghệ “kỳ lạ”

Những ý tưởng, sản phẩm công nghệ “kỳ lạ” đã được giới thiệu tại hội thảo quốc tế “Cơ hội tiếp cận cho toàn dân trong kỷ nguyên số và công nghệ”, diễn ra ngày 20-3 tại TP Tel Aviv, Israel.

 

Chào bán những công nghệ “kỳ lạ”

Những ý tưởng, sản phẩm công nghệ “kỳ lạ” đã được giới thiệu tại hội thảo quốc tế “Cơ hội tiếp cận cho toàn dân trong kỷ nguyên số và công nghệ”, diễn ra ngày 20-3 tại TP Tel Aviv, Israel.

 

 

 

Chào bán những công nghệ “kỳ lạ”
Trao đổi thông tin ở “chợ” công nghệ diễn ra bên lề hội thảo Access Israel 2017 – Ảnh: N.Huy

Dùng thang máy khi nhà cao tầng cháy; ngồi ở cơ quan có thể đóng, mở cửa nhà; người khiếm thị “đọc” sách và đi lại như người thường; người câm “nói chuyện” điện thoại…

Chủ nhân của những ý tưởng, sản phẩm công nghệ độc đáo nói trên đều là những doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up).

Họ đến “chợ” công nghệ để “chào sân” sản phẩm của mình. Tạm gọi “chợ” vì đây chỉ là hoạt động bên lề, “ăn theo” hoạt động chính là hội thảo.

Tuy nhiên, phụ lại có phần lấn át chính khi luôn nhộn nhịp, sôi động với các cuộc trao đổi, phản biện, tìm kiếm khách hàng, đối tác, cơ hội kinh doanh. Thậm chí khi hội thảo kết thúc từ 17h thì “chợ” vẫn còn “họp”, tới tận hơn 19h mới chịu giải tán.

Có cháy, cứ vào 
thang máy

Khi hỏa hoạn xảy ra ở các toà nhà cao tầng, gần như từ trong tiềm thức của mọi người, nơi đầu tiên phải tránh là thang máy bởi điện sẽ bị cắt, thang máy không thể hoạt động. Người bị kẹt lại trên tầng cao chỉ có thể phó thác sinh mệnh bằng cách chôn chân chờ cứu, hoặc nhảy đại xuống đất.

Trong khi đó, lực lượng cứu hộ cùng lắm chỉ có thể hoạt động được tới tầng 12-14, ít có xe thang vươn tới những tầng cao hơn.

Hậu quả đau lòng từ vô số vụ cháy nhà cao tầng làm nhiều người thương vong, thậm chí thấy người khác đang chết mà không thể cứu khiến các nhà sáng chế trẻ của Salamandra Zone, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Jerusalem (Israel), đau đáu.

Tìm hiểu cơ chế hoạt động của thang máy, họ nhận ra việc mặc định lâu nay cứ cháy thì thang máy ngưng hoạt động không phải do bị cúp điện vì bất kỳ thang máy nào cũng có bình lưu điện hoặc ăcquy, đảm bảo cho chúng hoạt động bình thường khi không có điện.

Mấu chốt của vấn đề là thang máy trong đám cháy sẽ trở thành chỗ “nướng người” vì khói độc và nhiệt độ cao, nên người ta mới cho chúng ngưng hoạt động.

Sau nhiều ngày trăn trở, mày mò, các kỹ sư, nhà nghiên cứu của Salamandra Zone đã đi tới một giải pháp bất ngờ: biến thang máy thành “phòng an toàn” trong hỏa hoạn!

Theo đó, khi xảy ra cháy, thay vì phải chôn chân chờ cứu hoặc nháo nhào giẫm đạp lên nhau chạy thoát thân bằng thang bộ, mọi người vẫn có thể bình tĩnh sử dụng thang máy như trong điều kiện bình thường.

Thang máy sẽ được gắn hệ thống có thể lọc khí độc, “đuổi” khí nóng, giữ nhiệt độ bên trong không nóng lên, duy trì áp suất để ngăn khói tràn vào buồng thang trong quá trình thang máy xuống đất và mở cửa để nạn nhân thoát ra.

Hệ thống an toàn này có thể lắp đặt dễ dàng vào các thang máy hiện hành ở các tòa nhà mà không cần phải trang bị thang máy mới. Hiện Salamandra Zone đã được cấp bằng sáng chế cho phát minh này, đồng thời đang đưa sản phẩm của mình sang kiểm nghiệm và chờ cấp giấy phép ở Mỹ.

“Chúng tôi không đưa sản phẩm của mình kiểm nghiệm ở Israel và xin cấp giấy phép trong nước. Chúng tôi muốn làm điều đó tại Mỹ, vì đó sẽ là tấm vé tốt nhất để sản phẩm này ra được với thế giới rộng lớn” – ông Marat Maayan, CEO của Salamandra Zone, tự tin nói.

“Nghe bước chân mình”

Một sự trùng hợp khá thú vị tại “chợ” công nghệ lần này là sự có mặt của hàng loạt sản phẩm, ý tưởng hỗ trợ người khuyết tật hoà nhập và có cuộc sống như những người bình thường. “Nghe bước chân mình” (Step Hear) là một trong số đó.

Sản phẩm do Công ty Step Hear, một start-up của Israel, phát triển với mục tiêu tạo môi trường sống độc lập và h nhập cho người khiếm thị.

Sản phẩm gồm hai thiết bị, trong đó thiết bị phát được gắn ở những nơi công cộng như trường học, bệnh viện, siêu thị, vòng xoay, ATM… còn thiết bị thu nhỏ gọn để người dùng cầm tay, có chức năng phát ra tiếng nói hoặc rung.

Đặc biệt, người dùng có thể sử dụng chính điện thoại thông minh thay thế thiết bị cầm tay với ứng dụng miễn phí trên App Store hoặc Google Play.

Khi người khiếm thị đi vào khu vực có tín hiệu Step Hear, thiết bị cầm tay hoặc điện thoại di động sẽ rung lên, kèm theo tiếng nói hướng dẫn họ tìm được hướng đi chính xác, an toàn, hoặc thực hiện các thao tác rút tiền trên ATM mà không cần trợ giúp của người bên cạnh.

Điện thoại di động cũng trở thành thiết bị chỉ đường trong giải pháp của Công ty Right Hear. Giải pháp này có cùng cơ chế hoạt động như Step Hear, song cho phép chiếc điện thoại di động “quyền biến” hơn với sự trợ giúp của bộ phát sóng có vùng phủ rộng lớn.

Cụ thể, khi bước vào khu vực có gắn thiết bị phát sóng Right Hear, người dùng chỉ cần giơ điện thoại di động ra hướng mình muốn đi, điện thoại (đã cài đặt ứng dụng miễn phí) sẽ tự động phát ra chỉ dẫn hướng đó dẫn tới đâu, có cái gì trước mặt…

Khó có thể kể hết các sản phẩm, giải pháp được giới thiệu trong khuôn khổ hội thảo Access Israel 2017 nhưng với những gì diễn ra tại phiên chợ công nghệ quốc tế này, có thể dễ dàng nhận thấy công nghệ cao đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, làm cuộc sống trở nên dễ dàng, thuận tiện và dễ tiếp cận, hoà nhập hơn, đặc biệt đối với người khuyết tật.

Các tác giả của các sản phẩm, ý tưởng thông minh kể trên đã lọt vào “mắt xanh” của những gã khổng lồ trong làng công nghệ như Facebook, Microsoft, IBM… đang hiện diện tại hội thảo để săn tìm, đầu tư vào các start-up tại một quốc gia chỉ có 8 triệu dân, nhưng lại sản sinh nhiều công ty khởi nghiệp hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

Công nghệ phục vụ con người và người khuyết tật

Hội thảo quốc tế “Cơ hội tiếp cận cho toàn dân trong kỷ nguyên số và công nghệ” do Access Israel 2017 (tạm dịch là “Tiếp cận Israel”) tổ chức, với sự tham dự của gần 700 đại biểu là các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, kỹ sư, doanh nhân… đến từ nhiều nước trên thế giới để giới thiệu, chia sẻ những công nghệ, phát minh mới nhất phục vụ con người nói chung và người khuyết tật nói riêng.

Đây là lần thứ 5 hội thảo thường niên về công nghệ và năng lực tiếp cận của người dân diễn ra.

Đơn vị có sáng kiến tổ chức chuỗi hội thảo này là Access Israel, tổ chức phi lợi nhuận đầu tiên ở Israel thành lập năm 1999, với sứ mệnh tăng cường năng lực tiếp cận cũng như cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật thông qua việc nâng cao khả năng tiếp cận của họ đối với các dịch vụ công cộng, thương mại, môi trường, giao thông và nhiều lĩnh vực khác.

2018: thang máy an toàn trong cháy 
được thương mại hoá

Tại phiên thảo luận với chủ đề “Tình trạng khẩn cấp và năng lực tiếp cận với cứu hộ, cứu nạn” diễn ra trong khuôn khổ Access Israel 2017, giải pháp thang máy hoạt động trong hoả hoạn của Salamandra Zone đã thu hút sự chú ý cũng như phản biện của các nhà khoa học và cử tọa.

Đa số đều thống nhất với nhận định: đây là giải pháp tuyệt vời trong bối cảnh thế giới còn nhiều mối đe dọa như hoả hoạn, thiên tai, khủng bố. Song cũng có không ít lo ngại, phản biện về tính an toàn, khả năng chịu đựng của “phòng an toàn”…

Ông Marat Maayan, CEO của Salamandra Zone, thừa nhận công ty ông đã tính trước những vấn đề đó và khẳng định sẽ vượt qua những yêu cầu khắt khe nhất về độ an toàn… Theo ông Marat, các cơ quan chức năng của Mỹ đã lên lịch kiểm nghiệm giải pháp này.

Sẽ có các cuộc kiểm tra khắt khe, thử nghiệm trong điều kiện y như đám cháy thật vào tháng 10-2017 và dự kiến sản phẩm được thương mại hóa vào năm sau.

NHẬT HUY (từ Tel Aviv, Israel)