Bỏ rơi quyền lợi của giáo viên
Có thực tế đang tồn tại ở một số trường học là phong trào nào ban giám hiệu làm thường được chi tiền, còn những gì giáo viên làm thì ban giám hiệu lại nói “không quyết toán được kinh phí”!
Bỏ rơi quyền lợi của giáo viên
Có thực tế đang tồn tại ở một số trường học là phong trào nào ban giám hiệu làm thường được chi tiền, còn những gì giáo viên làm thì ban giám hiệu lại nói “không quyết toán được kinh phí”!
Sự thật trớ trêu đó cứ lặp đi lặp lại từ năm này sang năm khác, làm không ít giáo viên nản lòng. Những ý kiến, phản hồi từ phía giáo viên về vấn đề trên không hề được ban giám hiệu chấp thuận.
Lãnh đạo chi tiền cho chính mình
Các trường học là đơn vị sự nghiệp, phần lớn kinh phí do Nhà nước cấp và được quyết toán khá chặt chẽ. Hằng năm, nhà trường đều lập dự toán ngân sách và các hạng mục thu chi cụ thể.
Vì thế, khi đã nói đến quyền lợi thì nhất thiết phải bình đẳng, không thể bên trọng bên khinh, không thể nói cái này chi được, cái khác thì không.
Lãnh đạo chi tiền cho chính mình thì được, nhưng quyền lợi của giáo viên lại bị lơ đi; bất chấp các văn bản hướng dẫn của cấp trên đã có và vẫn có đơn vị chi cho giáo viên.
Trong các văn bản hướng dẫn về việc thu – chi tài chính của các đơn vị sự nghiệp, phần chi cho nghiệp vụ chuyên môn có rất nhiều khoản, thể hiện rõ ở các mục chi như: chi bồi dưỡng học sinh giỏi, hoạt động văn thể, hoạt động ngoại khóa… Vậy nhưng, nhiều đơn vị đã cố tình lờ đi các phần này.
Hiện nay ở các trường phổ thông có nhiều phong trào thi đua, trong đó các cuộc thi học sinh giỏi cuối cấp chiếm một thời gian rất dài của cả học sinh và giáo viên ôn thi.
Như ở cấp THCS phải trải qua vòng trường, huyện, tỉnh.
Với cấp THPT có vòng trường, vòng tỉnh và có thời gian ôn thi kéo dài nhiều tháng trời.
Nếu không vì trách nhiệm và lương tâm của người thầy trước học sinh, không thầy cô nào có đủ kiên nhẫn để ôn “không công” cho học sinh ròng rã suốt một quãng thời gian dài dằng dặc như vậy.
Tuy nhiên, ban giám hiệu lại không thấy đó là công việc khó khăn cũng như cống hiến của giáo viên để có thể chi một số tiền nhỏ tượng trưng cho các giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi.
Gần như nhiều ban giám hiệu bỏ mặc cho giáo viên tự bơi, tự lo bố trí thời gian ôn luyện, lo đầu tư tài liệu, sách tham khảo cho học sinh.
Nếu đậu thì vui và coi đó là thành tích chung của nhà trường, nhưng còn không đậu thì tiếng chì tiếng bấc, chê bai giáo viên.
Thậm chí có ban giám hiệu còn gây áp lực với giáo viên ôn thi ngay trước hội đồng sư phạm, so sánh thành tích với các đơn vị khác gây ra tâm lý nặng nề…
“Lực bất tòng tâm”
Ngoài phong trào thi học sinh giỏi, nhà trường còn có phong trào văn hóa văn nghệ, thi kể chuyện, hùng biện tiếng Anh, tiếng Việt…
Với các phong trào này, ban giám hiệu chỉ giao nhiệm vụ về cho tổ chuyên môn, tổ chuyên môn lại phải làm công tác tư tưởng động viên giáo viên trong tổ ôn thi, tập luyện.
Căng nhất là khi luyện tập văn nghệ để đi thi, không chỉ là thầy trò tập luyện với nhau, mà còn lo băng đĩa, áo quần cho học sinh.
Nhưng những khoản chi phí không hề nhỏ cho các phong trào, thi cử ấy lại là sự chung tay của giáo viên tập luyện và huy động từ các phụ huynh học sinh!
Với giáo viên thì vậy nhưng với ban giám hiệu lại khác. Nhiều phong trào mà các vị này tham gia đều có kinh phí.
Nào là chấm thi năng khiếu (vẽ tranh, thi văn nghệ, kể chuyện) cấp trường, thi Olympic cấp trường các môn văn hoá, thi giáo viên giỏi cấp trường, chấm sáng kiến kinh nghiệm, chấm đồ dùng học tập, hướng dẫn giáo viên tập sự…
Những điều đó giáo viên biết, đều chứng kiến nhưng “lực bất tòng tâm”, vì đấu tranh quyền lợi cho tập thể thì luôn bị quy kết là “cứ làm cái gì cũng đòi quyền lợi”…
Một đơn vị nhưng hai chế độ chi! Tại sao giáo viên ôn tập, hướng dẫn học sinh đi thi không đoạt giải thì bị “nhắc khéo”, hoặc “nói mát” trong hội họp; nhưng ban giám hiệu chấm sáng kiến kinh nghiệm, đồ dùng dạy học, chấm giáo viên giỏi cấp trường… rồi gửi đi thi cấp cao hơn, khi không đoạt giải thì lại không thấy nói đến trách nhiệm của mình? Những gì thực chất giáo viên làm thì không có quyền lợi. Trong khi những việc làm phần nhiều mang tính hình thức lại được các ban giám hiệu chi tiền cho… chính mình! Cùng một đơn vị nhưng lại có tới hai chế độ chi: chi cho giáo viên thì bằng không nhưng chi cho ban giám hiệu thì vô tư! |