10/01/2025

Ứng xử văn minh: cần ‘dạy con từ thuở còn thơ’

Nếp sống, lối sống văn minh muốn bền vững và ngấm vào trong “ADN” văn hoá, trở thành gia sản của cả một dân tộc thì phải được bắt đầu từ giáo dục.

 Ử VĂN MINH QUA GÓC NHÌN GIỚI TRẺ

Ứng xử văn minh: cần ‘dạy con từ thuở còn thơ’

Nếp sống, lối sống văn minh muốn bền vững và ngấm vào trong “ADN” văn hoá, trở thành gia sản của cả một dân tộc thì phải được bắt đầu từ giáo dục.

 

 

 

Ứng xử văn minh: cần 'dạy con từ thuở còn thơ'
Các bạn sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM xếp hàng ngay ngắn chờ tới lượt vào thang máy chiều 20-3 – Ảnh: DUYÊN PHAN

Tôi đã qua thời trai trẻ, nhưng rất hào hứng theo dõi diễn đàn “Ứng xử văn minh qua góc nhìn giới trẻ”, bởi nhìn thấy mình và con cháu mình trong đó.

Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng, dù chậm nhưng cho thấy đang dần hình thành một tầng lớp thanh niên mới, trẻ, khoẻ, năng động, sáng tạo, sống có kỷ luật, tôn trọng bản thân và cộng đồng. Họ là sinh viên, công chức trẻ, doanh nhân trẻ…

Gia tài sở hữu khiêm tốn

Nhưng những gia tài mà chúng ta đang sở hữu quả thật còn rất khiêm tốn và còn rất xa so với yêu cầu của phát triển khi so với các quốc gia khác.

Đành rằng để hình thành nên thói quen ứng xử văn minh cần phải có thời gian dài, nhưng rõ ràng so với nhiều nước thì việc hình thành lối sống, nếp sống văn minh ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM cho thấy quá chậm và thiếu sự bền vững trên cả ba cấp độ xã hội, cộng đồng và cá nhân. Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản mất 30 năm để định vị vững chắc kiểu sống văn minh, trong khi chúng ta đã được hơn 40 năm rồi mà mọi chuyện vẫn còn bàn bạc, thử nghiệm.

Một đứa trẻ ở Nhật Bản không thấy thùng rác ở gần thì bỏ vào túi áo, một thanh niên tại Singapore chỉ qua đường tại nơi có kẻ vạch ưu tiên cho người đi bộ, các hành vi đó dường như đã ăn vào máu thịt, ngấm vào “ADN” văn hóa cá nhân, không chút lăn tăn.

Nhìn lại mình mới thấy hành vi ứng xử văn minh và văn hoá nơi công cộng của bạn trẻ xứ mình vẫn bấp bênh lắm. Không thể nói những người từng tu nghiệp ở nước ngoài không biết đúng sai trong ứng xử, nhưng trong số họ rất nhiều người vẫn tiện tay vất rác ra vỉa hè, sang đường tuỳ tiện, leo xe lên lề, không thể nói một lãnh đạo cấp sở không biết giá trị của cây xanh nhưng vẫn bẻ hoa thưởng lãm… Nhìn rộng ra xã hội những chuyện như thế còn nhiều lắm, rất phổ biến nữa là khác.

Nhận thức và lòng tự trọng

Ở Việt Nam, so với những năm trước đây, mức phạt có cao hơn rất nhiều lần, chẳng hạn phạt 1 triệu đồng về hành vi vứt đầu mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định, 3 triệu đồng cho hành vi tiểu bậy, đồng thời dư luận xã hội tỏ ra lên án mạnh mẽ hơn.

Nhưng điều đó không lấy gì đảm bảo tình hình sẽ tốt hơn lên và duy trì thành quả được lâu dài, nếu ý thức đó không xuất phát từ chính nội tâm của mỗi cá nhân.

Việc hình thành nên lối sống, nếp sống văn minh còn có một cách khác nữa là sự tự ý thức của cá nhân thấy cần và nên làm như thế. Điều đó xuất phát từ nhận thức và lòng tự trọng, đôi khi cả tự hào và tình cảm của người công dân cần phải sống tử tế với một thành phố nơi mình sinh ra và chịu ơn mưu sinh nữa.

Có một thực tế là thành phố thì mênh mông, bá tánh thì vô vàn, chả cơ quan công quyền nào đủ người rải đi khắp chốn để theo dõi, xử phạt.

Thậm chí thành phố có gắn hàng triệu triệu camera theo dõi thì nếu ai đó cố tình quăng một vỏ chai nước xuống lòng đường, khạc nhổ vào tường cũng có thể chả sao cả.

Hình ảnh thành phố của chúng ta không đẹp chính từ hàng triệu hành vi cá nhân được cho là chỉ “một tí chút có sao đâu”.

Ồ, chỉ là một đầu mẩu thuốc lá bé tẹo thôi mà, chỉ bấm một vài tiếng còi có chết ai đâu, nhưng cộng hưởng tất cả lại tạo ra một bức tranh đô thị thật xấu và hết sức phản cảm.

Điều đáng buồn là không ai trong chúng ta (chắc chắn như thế) đồng tình với những hành vi thiếu văn minh đang diễn ra tại thành phố này và ở những người khác, nhưng trong thực tế thì chính chúng ta đôi khi vẫn “vô tư” vi phạm để rồi tự biện minh với hàng trăm cái “bởi vì” nghe ra hợp lý.

Một khi có lòng tự trọng thì tự nhiên chúng ta sẽ làm những hành vi này không phải là cho ai, không phải vì ai một cách to tát, không phải sợ bị phạt, không phải vì thấy cảnh sát giao thông mà cái chính là làm cho mình thấy vui, không thấy xấu hổ.

Và cứ như thế lâu dần thành tâm thức thường trực trong mỗi con người, trở thành một hành vi thông thường, không cần cố gắng, lên gân và chúng ta cũng chả cần phong trào hay diễn đàn.

Nếp sống, lối sống văn minh muốn bền vững và ngấm vào trong “ADN” văn hóa, trở thành gia sản của cả một dân tộc thì phải được bắt đầu từ giáo dục.

Xử phạt, bêu riếu, lao động công ích… chỉ là giải quyết cái ngọn, cái gốc là giáo dục nhân bản cho con người ngay từ thời thơ ấu.

Nếu chúng ta không nỗ lực

Tôi đã dẫn ra hàng trăm lần câu nói của ông Lý Quang Diệu, vị lãnh tụ mà tôi tôn trọng nhất châu Á, và tôi vẫn muốn dẫn ra thêm một lần nữa:

“Nếu chúng tôi không nỗ lực thuyết phục dân chúng thay đổi cách sống thì hẳn là chúng tôi có một xã hội thô lỗ hơn, khiếm nhã hơn, tục tĩu hơn. Chúng tôi không được coi là xã hội có học thức, có văn hoá nếu chúng tôi không xấu hổ để bắt đầu cố gắng trở thành một xã hội có học thức, có văn hoá trong thời gian ngắn nhất có thể.

Đầu tiên, chúng tôi giáo dục và hô hào dân chúng. Sau đó chúng tôi thuyết phục và lôi kéo số đông, chúng tôi lập pháp để trừng phạt những thiểu số ngoan cố. Điều này khiến cho Singapore trở thành một xã hội sống thú vị hơn”.

TS NGUYỄN MINH HOÀ (GIÁM ĐỐC “DIỄN ĐÀN QUỐC TẾ 
PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG CHÂU Á” 
TẠI VIỆT NAM)