10/01/2025

Teo tóp nhà cổ Đồng Nai

Nhà cổ Trần Ngọc Du (P.Tân Vạn, TP.Biên Hoà, Đồng Nai), ngôi nhà duy nhất được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh, hiện đang trong tình trạng hoang phế.

 

Teo tóp nhà cổ Đồng Nai

Nhà cổ Trần Ngọc Du (P.Tân Vạn, TP.Biên Hoà, Đồng Nai), ngôi nhà duy nhất được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh, hiện đang trong tình trạng hoang phế.



Nhà cổ Trần Ngọc Du lúc nào cửa cũng đóng kín và nhếch nhác rác thải  /// Ảnh: Tiểu Thiên

Nhà cổ Trần Ngọc Du lúc nào cửa cũng đóng kín và nhếch nhác rác thảiẢNH: TIỂU THIÊN

Nhà cổ Trần Ngọc Du được xây dựng năm 1900. Nhà có 3 gian, 2 chái, mái lợp ngói âm dương, nền lót gạch tàu. Ngôi nhà có 36 cột gỗ căm xe đen bóng chia làm 6 hàng. Toàn bộ cột, kèo, xuyên, đòn tay, rui… được liên kết với nhau tạo nên bộ khung bằng hệ thống mộng chốt liên hoàn. Sau khi bị xuống cấp và sập một phần, năm 2001 nhà cổ Trần Ngọc Du được Tổ chức JICA và Trường ĐH Kiến trúc nữ Chiêu Hoà (Nhật Bản) tài trợ trùng tu; được UNESCO trao “Giải thưởng công trạng kiến trúc nhà Việt cổ” vào năm 2004 và UBND tỉnh Đồng Nai xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2005.
Hoang phế do mâu thuẫn gia đình
Có mặt tại nhà cổ Trần Ngọc Du vào những ngày đầu tháng 3.2017, chúng tôi không khỏi xót xa bởi sự hoang phế của căn nhà. Quanh nhà rác rưởi, vỏ nhựa, bình hoa, mảnh sứ và ghế gỗ hư hỏng vứt chỏng chơ, nhếch nhác. Bên trong, bụi bám một lớp khắp nền gạch và mặt bàn. Ngoài bộ bàn thờ thì căn nhà hầu như không còn đồ đạc gì đáng giá. Chị Trần Ngọc Thu Nghĩa (33 tuổi, người gọi cụ Trần Ngọc Du bằng cụ cố) cho hay sau khi được trùng tu và công nhận di tích thì ba chị em gái vẫn sống trong khuôn viên nhà cổ (rộng 2.700 m2). Mấy năm gần đây, các thành viên trong gia đình xảy ra mâu thuẫn nên việc chăm sóc ngôi nhà không được quan tâm dẫn đến xuống cấp và hư hỏng. Chị Nghĩa cùng 3 người cháu phải sống chen chúc trong căn phòng nhỏ xíu bên góc nhà cổ, mỗi lần mưa đều bị dột ướt.
“Trước đây, cửa nhà mở suốt ngày nhưng giờ thì không có ai trông coi, tôi sợ người nghiện đến chích ma túy, rồi chó mèo vào trong nhà nên phải đóng cửa luôn. Bên trong chỉ còn cái khung nhà, không có đồ đạc gì để xem. Nhà cửa không có ai quét dọn nên bụi bẩn, rác rưởi đủ thứ, du khách cũng không đến tham quan. Tôi rất muốn sớm bàn giao cho nhà nước để họ quản lý, tránh hư hỏng nhưng các thành viên trong gia đình chưa thống nhất được phương án hỗ trợ nên tình trạng này cứ kéo dài”, chị Nghĩa phân trần.
Ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Đồng Nai, cho hay: “Do gia đình có chuyện lộn xộn chưa giải quyết được nên việc quản lý ngôi nhà chưa được tốt dẫn đến tình trạng xuống cấp như hiện nay”.
Teo tóp nhà cổ Đồng Nai1

Nhiều nhà cổ ở làng cổ Phú Hội (H.Nhơn Trạch) bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng

 
 
Gần 20 năm mất hơn 300 nhà cổ truyền thống
Năm 1998, Bảo tàng Đồng Nai đã phối hợp với Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM cùng chuyên gia Trường ĐH nữ Chiêu Hoà tiến hành điều tra, khảo sát nhà ở cổ truyền thống trên toàn tỉnh. Kết quả có 401 ngôi nhà được điều tra khảo sát, trong đó 76 ngôi nhà có niên đại xây dựng trước năm 1900 (tập trung chủ yếu ở TP.Biên Hoà, H.Long Thành, H.Nhơn Trạch và H.Vĩnh Cửu). Tuy nhiên, theo Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Đồng Nai, đến nay số nhà cổ chỉ còn khoảng 100 căn.

 

Nhà cổ xuống cấp, tháo gỗ đem bán

Nhà cổ thầy giáo Nguyễn Văn Hảo (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) được xây dựng năm 1915, là một trong 5 ngôi nhà cổ tiêu biểu, đặc sắc của tỉnh Đồng Nai, được Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM phối hợp Bảo tàng Đồng Nai cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia Trường ĐH nữ Chiêu Hoà tiến hành khảo sát, kiểm kê, đo vẽ kiến trúc để xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích. Bà Nguyễn Thị Diệp (62 tuổi, chủ nhà) cho hay: “Gia đình có nhận được đề nghị làm đơn xếp hạng di tích cho nhà cổ nhưng nghĩ phải làm đơn, thuê người làm bản vẽ, khi hư hỏng muốn sửa chữa phải xin phép này nọ… nên tôi không mặn mà cho lắm. Hiện nay, căn nhà đang xuống cấp trầm trọng, mối mọt nhiều, chỉ còn khoảng 60%. Đồ nội thất trang trí trong nhà cũng không có gì nhiều nữa”. Theo bà Diệp, bảo quản nhà gỗ rất khó và tốn tiền, trong khi đó gia đình chẳng có kinh phí để trùng tu. “Khu vực quanh nhà tôi, các nhà cổ xuống cấp đều được đem bán gỗ hết. Giai đoạn này có rất nhiều người tìm hỏi tôi, mua bộ khung nhà về dựng làm quán cà phê. Có khi họ trả được giá thì gia đình cũng bán, vì không có điều kiện sửa”, bà Diệp tâm sự.
Tại xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch), ông Lê Duy Quang (cán bộ tôn giáo xã) cho hay trước đây trong làng có 23 ngôi nhà trên dưới 100 năm tuổi được JICA khảo sát để trùng tu thành làng cổ nhưng đến nay chỉ còn khoảng 13 căn (chủ yếu tập trung ở ấp Phú Mỹ 2, xã Phú Hội) cũng đang bị xuống cấp rất nhanh. Ông Quang nói: “Hồi đó, họ (Tổ chức JICA – NV) tính đầu tư, bảo tồn làng cổ cho địa phương. Tuy nhiên, tỉnh có dự án mở rộng và nắn lại đường ĐT 769 cho thẳng. Phía JICA yêu cầu để nguyên trạng con đường với kiểu dáng uốn lượn quanh co trong làng, chỉ nâng cấp nền và trồng hoa vỉa hè. Sau nhiều cuộc họp, phía JICA thấy làm đường như thế là phá vỡ không gian, gây chia cắt làng cổ nên không trùng tu nữa”. Cũng theo ông Quang, sau khi kế hoạch bị phá sản, hầu hết nhà cổ tại ấp Phú Mỹ 2 xuống cấp, hư hỏng khá nhiều. Nhiều người cho phá bỏ, bán gỗ để xây mới. Ông Lê Trí Dũng chia sẻ thêm: “Sau khi phía JICA không thực hiện nữa, Ban Quản lý di tích và danh thắng làm hồ sơ để xếp hạng cho làng cổ rồi cũng đành xếp lại đó”.
Ông Lê Trí Dũng cho biết tiềm năng nhà cổ Đồng Nai lớn nhưng chưa thực sự được khuyến khích và đầu tư. Hiện toàn tỉnh mới chỉ công nhận và xếp hạng di tích nhà cổ Trần Ngọc Du. Những nhà cổ còn lại chưa xếp hạng được, nhà của người dân, họ muốn mua bán thì bán, một số thì xuống cấp hư hỏng. “Nước mình không phát triển được như các làng nhà cổ Nhật Bản bởi các yếu tố như cơ chế chính sách của nhà nước đối với nhà cổ không có. Khi công nhận là di tích rồi thì vướng một số vấn đề về công tác quản lý, ví dụ nhà có sửa thì phải xin nhiều cấp: sở, tỉnh, bộ… Khi lập dự án tuân thủ luật Xây dựng, tốn tiền tư vấn, thiết kế xây dựng, đủ thứ thủ tục phải đi xin. Nên khi chúng tôi đi vận động một số nhà cổ để xếp hạng vào di tích, lịch sử văn hoá thì họ cũng không chấp nhận”, ông Dũng nói.

 

Tiểu Thiên