29/11/2024

Chạy đua vào… lòng đất Sài Gòn

Nhiều chủ đầu tư của các cao ốc, trung tâm thương mại, chung cư… vừa gửi đề xuất lên Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM xin được kết nối với các nhà ga của tuyến đường sắt đô thị.

 

Chạy đua vào… lòng đất Sài Gòn

Nhiều chủ đầu tư của các cao ốc, trung tâm thương mại, chung cư… vừa gửi đề xuất lên Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM xin được kết nối với các nhà ga của tuyến đường sắt đô thị.

 

 

 

Chạy đua vào... lòng đất Sài Gòn
Nhà ga trung tâm Bến Thành (Q.1, TP.HCM) trong lòng đất phía trước chợ Bến Thành và công viên 23-9 được thiết kế đường ngầm để đi lên vỉa hè khu vực xung quanh – Ảnh: HỮU KHOA 

Ban quản lý đường sắt đô thị vừa trình UBND TP xem xét chấp thuận chủ trương cho kết nối các công trình trên.

Ban quản lý đánh giá việc kết nối sẽ mang đến nhiều lợi ích cho TP và cho các chủ đầu tư của các công trình và kiến nghị TP chấp thuận chủ trương kết nối nói trên.

Gắn trung tâm 
thương mại với metro

Ban quản lý cũng kiến nghị nếu được chấp thuận kết nối các đơn vị cần đề xuất rõ ràng, cụ thể phần đóng góp cho xã hội và cho TP nhằm đảm bảo đúng tinh thần hợp tác công tư công bằng, hiệu quả, các bên cùng có lợi, như đóng góp một khoản tài chính cho ngân sách TP, đầu tư xây dựng các công trình công cộng…

Theo Sở Quy hoạch – kiến trúc TP, hiện TP rất ủng hộ các dự án tại khu tứ giác Bến Thành, thương xá Tax, dự án ngầm tại công viên 23-9, dự án ngầm tại đường Lê Lợi… có lối đi lại, kết nối với các nhà ga metro trong khu vực.

Hiện đã có một dự án có 6 tầng ngầm trên đường Nguyễn Huệ xây dựng sẵn đường kết nối với không gian ngầm của nhà ga Nhà hát TP. Chỉ chờ nhà ga hoàn thành là chủ đầu tư khơi thông lối đi.

Chạy đua vào... lòng đất Sài Gòn
Robot khoan ngầm TBM phục vụ thi công tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) – Ảnh: HỮU KHOA

Dự án tuyến metro số 1 Bến Thành (Q.1) – Suối Tiên (Q.9) là dự án metro đầu tiên nằm trong quy hoạch “không gian ngầm” đang được xúc tiến xây dựng đầu tiên ở TP.HCM và cả nước.

UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương sử dụng nguồn vốn ODA để thực hiện cấu phần xây dựng phần lối đi, quảng trường và các công trình phụ trợ ngầm công cộng dưới lòng đường Lê Lợi – khu vực trung tâm thương mại ngầm Bến Thành theo hướng bổ sung khối lượng và chi phí vào dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1.

Đồng thời, UBND TP cũng kiến nghị Thủ tướng cho TP được chỉ định liên danh gồm: Công ty cổ phần Toshin Development, JOIN, Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd và Osaka Chikagai Co., Ltd, do Công ty Toshin (Nhật Bản) làm đại diện là nhà đầu tư thực hiện dự án đối với cấu phần cửa hàng hoặc thương mại thuộc khu trung tâm thương mại ngầm Bến Thành.

Theo đó, trung tâm thương mại ngầm từ vị trí quảng trường Quách Thị Trang (phía trước chợ Bến Thành) đi dọc đường Lê Lợi đến ga Nhà hát TP dài khoảng 515m và khu thương mại này có tổng diện tích khoảng 45.000m2, tổng vốn đầu tư khoảng 6.865 tỉ đồng.

Một cán bộ Ban quản lý đường sắt đô thị TP cho biết lúc đầu dự án được thiết kế xây dựng metro ngầm đi từ chợ Bến Thành đến Nhà hát TP mà không tính đến xây dựng khu thương mại ngầm.

Tuy nhiên, Công ty cổ phần Toshin đã đề xuất UBND TP khi xây dựng metro bên dưới sẽ kết hợp xây dựng trung tâm thương mại ngầm phía bên trên nhằm tận dụng không gian ngầm trong lòng đất trên đường Lê Lợi.

Với vị trí thuận lợi trên trục đường chính ở trung tâm TP với nhiều tòa nhà cao ốc, các trung tâm thương mại, khách sạn… ở hai bên đường Lê Lợi nên việc kết nối giữa trung tâm thương mại ngầm càng làm tăng hiệu quả liên thông việc đi metro với mua sắm hàng hóa hoặc đến khu vui chơi giải trí.

Nhiều đường đi ngầm dưới lòng đất

Công trình xây dựng nhà ga trung tâm Bến Thành (Q.1) trong lòng đất phía trước chợ Bến Thành và công viên 23-9 cũng đã thiết kế những đường đi ngầm từ nhà ga đến các vỉa hè xung quanh.

Ban quản lý đường sắt đô thị TP cho biết đã thiết kế mở 6 lối tiếp cận vào nhà ga như vỉa hè phía đường Hàm Nghi – Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, công viên 23-9, vỉa hè đường Phan Chu Trinh (giáp chợ Bến Thành), vỉa hè đường Phạm Ngũ Lão…

Theo đó, người dân và du khách từ chợ Bến Thành, từ tòa nhà The One, từ công viên 23-9… chỉ cần bước xuống lòng đất vào nhà ga đi metro đến trung tâm mua sắm, phố đi bộ ngầm dưới lòng đường Lê Lợi hoặc đến Nhà hát TP.

Ban quản lý đường sắt đô thị TP cho rằng cần đưa các dự án metro (8 dự án metro) có xây dựng nhà ga ngầm kết hợp xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ để tăng hiệu quả đầu tư các dự án.

Chẳng hạn, ở dự án tuyến metro số 4b1 xây dựng tuyến metro đến sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó xây nhà ga công viên Hoàng Văn Thụ và nhà ga metro ở sân bay Tân Sơn Nhất nên kết hợp xây dựng các trung tâm thương mại ngầm ở bên dưới hoặc bên trên các nhà ga này.

Tương tự, ở dự án tuyến metro số 2 đi trên các trục đường chính của TP như đường Cách Mạng Tháng 8, Trường Chinh… có mật độ dân cư cao và có nhiều chợ, khách sạn…

“Nếu đầu tư kết hợp xây dựng nhà ga metro với trung tâm thương mại ngầm sẽ làm tăng hiệu quả về mặt kinh tế.

Theo đó, Nhà nước nên công bố các vị trí nhà ga metro ngầm cho phép xây dựng trung tâm thương mại ngầm để các doanh nghiệp, nhà đầu tư thấy hiệu quả thì chắc chắn họ sẽ bỏ vốn đầu tư”, một cán bộ Ban quản lý đường sắt đô thị TP nhìn nhận.

Nhu cầu kết nối không gian ngầm rất lớn

Theo ông Nguyễn Đình Hưng – phó giám đốc Sở Quy hoạch – kiến trúc: “Việc kết nối các không gian ngầm với nhau là nhu cầu rất lớn khi TP đã có hệ thống không gian ngầm công cộng là nhà ga Bến Thành và các tuyến metro.

Việc quy hoạch trước mắt là quy hoạch những không gian ngầm công cộng. Còn không gian ngầm của những công trình riêng lẻ thì Nhà nước chỉ khuyến khích chủ đầu tư kết nối.

Thực tế, việc kết nối các tầng ngầm của các dự án tư nhân vào không gian ngầm công cộng sẽ có lợi cho nhà đầu tư lẫn Nhà nước.

Hiện nhiều nhà đầu tư cũng rất quan tâm và hưởng ứng. Do chưa có quy hoạch không gian ngầm nên các cơ quan chức năng chỉ cung cấp thông tin cho các chủ đầu tư để họ có những thiết kế kết nối nếu có nhu cầu”.

D.N.HÀ

NGỌC ẨN – D.N.HÀ – M.HOA