10/01/2025

Tìm tiêu chí hạnh phúc cho người Việt

“Vì sao mấy chục năm về trước chúng ta đói kém, khó khăn hơn bây giờ nhưng rõ ràng chúng ta lại cảm nhận được rằng khi đó chúng ta hạnh phúc hơn bây giờ?”.

 

Tìm tiêu chí hạnh phúc cho người Việt

“Vì sao mấy chục năm về trước chúng ta đói kém, khó khăn hơn bây giờ nhưng rõ ràng chúng ta lại cảm nhận được rằng khi đó chúng ta hạnh phúc hơn bây giờ?”.

 

 

 

Tìm tiêu chí hạnh phúc cho người Việt
Người dân đón năm mới 2017 trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM – Ảnh: DUYÊN PHAN

Đó là trăn trở của nhà văn Nguyễn Quang Thiều tại buổi toạ đàm khoa học Quan niệm về hạnh phúc của người VN, do Bộ VH-TT&DL tổ chức chiều 17-3 ở Hà Nội.

Tại tọa đàm này, các học giả, nhà nghiên cứu bày tỏ nhiều góc độ quan niệm về hạnh phúc. Đây sẽ là những gợi mở ban đầu để đặt ra tiêu chí về hạnh phúc của người VN.

Sống tốt hơn nhưng vẫn không hạnh phúc

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng nghiên cứu về hạnh phúc cần theo hai con đường là sự chính xác của các nghiên cứu khoa học và sự cảm nhận bằng văn hóa của mỗi người.

Nêu ra câu hỏi trên, nhà văn Nguyễn Quang Thiều tự trả lời: bây giờ chúng ta đánh mất nhiều điều hạnh phúc bởi sự lo âu, bất trắc, lo ngại, hoảng sợ, hoang mang, ngờ vực tăng lên rất nhiều trong đời sống thường ngày. “Chưa kể mức độ phạm tội ở các loại lứa tuổi lên đến đỉnh điểm” – ông nhận định.

Ông cũng kể rằng có những người ông được biết dù có nhiều tiền, nhưng hạnh phúc thường không đến với họ. Thời hiện đại làm cho hạnh phúc của mỗi cá nhân hay gia đình cũng trở nên chập chờn hơn.

Nhiều nguyên nhân được nhà văn đưa ra để cắt nghĩa những băn khoăn trên.

Ông phân tích: “Chúng ta đang đánh mất đi một vài điều quý giá. Chúng ta mất đi kết nối với thiên nhiên.

Ngày nay chúng ta vẫn sống trong bầu trời, mặt đất, dòng sông, mây trôi đấy, nhưng chúng ta không còn giao cảm với thiên nhiên như những năm tháng trước kia nữa.

Từ đó, mỗi người lại đánh mất dần mối giao cảm với con người. Điều này gây nên sự cô độc và bất hạnh dù được sống trong vật chất đủ đầy”.

Vẫn theo ông, chưa bao giờ các giao kết nối kết giữa các thành viên trong gia đình bị phá vỡ như bây giờ.

“Một điều nữa là chúng ta không còn cảm giác trước vẻ đẹp nữa. Mỗi người bắt đầu mải miết từ sáng sớm tới lúc tối về nhà. Các bạn thử nhớ lại xem một ngày của mình có lúc nào dừng lại một khoảnh khắc cho sự mơ mộng hay lãng mạn không?”.

Ông cho rằng: hiện nay không ít người VN vẫn sống hằng ngày nhưng lại không tìm thấy mục đích sống của mình, mà chỉ là “sống thì cứ sống thôi”.

Vì vậy theo ông, văn học sẽ có tác dụng cân bằng lại những mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, giữa người với người, giữa vật chất và thế giới nội tâm, giữa sự bận rộn và rung cảm trước cái đẹp.

Chỉ số hạnh phúc người VN ở mức trung bình?

Từ góc độ nghiên cứu khoa học, PGS.TS Lê Ngọc Văn (Viện Nghiên cứu gia đình và giới) cho biết chỉ số đo lường hạnh phúc của người VN đang là một thách thức lớn.

Từ ngàn xưa mỗi người đã có nhiều cách cảm nhận về hạnh phúc, nhưng đến nay chưa có nghiên cứu khoa học nào về vấn đề này.

Dù trên thế giới có nhiều quan niệm khác nhau về hạnh phúc, nhưng ông cho rằng hạnh phúc là sự hài lòng với cuộc sống.

“Hạnh phúc không phải chỉ là những gì vui sướng, hân hoan, phấn khởi, mà hạnh phúc gồm cả nỗi buồn, sự lo lắng và cả những mất mát, đau khổ.

Nhưng cộng trừ sự vui sướng với đau khổ mà sự vui sướng nhiều hơn thì đó là hạnh phúc. Kinh nghiệm thế giới cho thấy ở các nước nghèo, khi điều kiện vật chất tăng lên thì hạnh phúc tăng lên rất nhanh.

Nhưng ở các nước phát triển thì hạnh phúc phụ thuộc vào sự thỏa mãn cá nhân, sự cống hiến cho xã hội” – GS Văn phát biểu.

Theo những nghiên cứu của ông thì chỉ số hạnh phúc của người VN hiện nay đạt khoảng 6,8/10.

Ông nói rằng không nên tin vào các tổ chức cho rằng chỉ số hạnh phúc của người VN đứng tốp đầu thế giới và khu vực.

Thậm chí theo nghiên cứu của các tổ chức châu Âu, nếu lấy chất lượng cuộc sống để đo chỉ số hạnh phúc thì người VN xếp gần cuối bảng.

Tiêu chí hạnh phúc cũng có sự khác biệt giữa các nền văn hóa. Nếu Mỹ và phương Tây thường lấy sự hoàn thiện bản thân, sự cống hiến cá nhân làm tiêu chí của hạnh phúc thì người châu Á, trong đó có VN, lại mang quan điểm nếu vợ không hài lòng thì chồng không hạnh phúc; nếu bố mẹ không hài lòng thì con cái không hạnh phúc…

TS Hồ Bất Khuất (tạp chí Gia Đình Và Trẻ Em) nói rằng ông thích quan niệm về hạnh phúc của người Hà Lan nhất vì đó là đất nước không còn nhà tù, không còn tù nhân và thậm chí họ còn đặt ra vấn đề có cần duy trì lực lượng cảnh sát nữa hay không.

Ông Hồ Bất Khuất nói ông thích hai quan niệm về hạnh phúc là “không ai có quyền được hưởng hạnh phúc nếu không tự mình tạo ra nó” và “làm điều bạn thích là tự do và thích điều bạn làm là hạnh phúc”.

PGS.TS Trần Đức Ngôn (ĐH Văn hoá) cho rằng tiêu chí hạnh phúc của mỗi thời kỳ một khác nhau.

“Đi tìm hạnh phúc sẽ làm cho con người phát triển. Một cộng đồng mà không duy trì hạnh phúc quá lâu dài thì đó là cộng đồng phát triển. Còn cộng đồng bằng lòng với hạnh phúc trong hàng nghìn năm thì đó là cộng đồng không phát triển”.

Nhà nghiên cứu Ngô Quang Hưng đặt vấn đề ở khía cạnh khác khi nói rằng tình yêu là nền tảng hạnh phúc của gia đình, nhưng hiện nay lại có tình trạng “yêu lâu, cưới chậm, bỏ nhau nhanh hoặc yêu nhiều, chọn vội, ly thân dễ.

“Thật khó lý giải khi mà nước ta tỉ lệ nạo phá thai ở lứa tuổi đang yêu đứng vào tốp đầu thế giới” – ông Hưng băn khoăn.

Vì vậy, ông đề xuất cần có nhiều công trình nghiên cứu khoa học về tình yêu, hôn nhân nhiều hơn nữa để tạo ra những chương trình tư vấn bổ ích cho các bạn trẻ như Cửa sổ tình yêu để khơi gợi tình cảm cao đẹp…

Hướng tới xây dựng tiêu chí hạnh phúc của người Việt Nam

Tổng kết hội thảo, GS.TS Nguyễn Hữu Minh (Viện Nghiên cứu gia đình và giới) khẳng định đây chỉ là những bước đi ban đầu để xây dựng các tiêu chí về hạnh phúc của người VN và tiến tới có những giải pháp khả thi nâng cao chỉ số hạnh phúc của người VN.

VŨ VIẾT TUÂN