11/01/2025

Hải trình tháng 3: Đào tạo những mầm non trên đảo Hòn Chuối

Lớp học của bộ đội biên phòng trên đảo Thanh niên – đảo Hòn Chuối đã góp phần cho những mầm non ngày càng trưởng thành và vươn xa…

 

Hải trình tháng 3: Đào tạo những mầm non trên đảo Hòn Chuối

 

Lớp học của bộ đội biên phòng trên đảo Thanh niên – đảo Hòn Chuối đã góp phần cho những mầm non ngày càng trưởng thành và vươn xa…



Những bè cá bớp lồng của bà con Hòn Chuối

Những bè cá bớp lồng của bà con Hòn Chuối

Giúp các em khám phá những điều mới lạ
Những đứa trẻ ở Hòn Chuối (TT.Trần Văn Thời, H.Trần Văn Thời) lớn lên trong khó khăn, nên việc học chẳng có cha mẹ nào quan tâm. Chứng kiến những đứa trẻ trên đảo thất học, lãnh đạo Đồn biên phòng Hòn Chuối quyết định mở lớp học tình thương, thượng uý Trần Bình Phục được giao phụ trách lớp.
Phòng học là căn nhà nhỏ, bàn học, ghế ngồi là những loại nhựa cũ. Có phòng học, có thầy giáo nhưng để vận động phụ huynh cho con em mình đi học cũng là việc vô vàn khó khăn. Bởi quan niệm của họ là đi làm thuê, đi biển hay ở nhà trông em… giúp gia đình là đủ, chuyện học hành là thứ xa xỉ.
Khi các chiến sĩ đến từng nhà động viên, giải thích, dần dần cha mẹ các em cũng đồng ý khi hiểu chỉ có học mới giúp thay đổi tương lai mình.
Thượng úy Trần Bình Phục nhớ lại: “Ban đầu chỉ có 5 em chịu đến lớp. Trên lớp, không chỉ dạy chữ, chúng tôi còn xen vào đó là kể những mẩu chuyện hay giải thích chiếc ô tô, chiếc máy bay như thế nào hay kể câu chuyện về những nhân vật lịch sử, đối với các em là một thế giới hoàn toàn mới lạ. Nó mở ra những ước mơ khám phá, kích thích tính ham học hỏi và cầu tiến của các em như một cách “lôi kéo” trẻ con trên đảo đến lớp”.
Để có tập, viết và tài liệu dạy học, các chiến sĩ Đồn biên phòng Hòn Chuối đã vận động nhiều nơi. Năm 2014, lớp học này được công nhận là một điểm của Trường tiểu học 4 ở TT.Sông Đốc, đồng nghĩa với việc các em học ở lớp này có học bạ. Và đã có những học sinh ở đảo vào đất liền học lên cấp cao hơn.
Để duy trì lớp học, Đồn biên phòng Hòn Chuối phân công 3 chiến sĩ phụ trách. Khi có học sinh nào bỏ học giữa chừng, vì phải phụ giúp gia đình giữ em, đi làm thuê hay bị bệnh, thì người phụ trách lớp học mang sách vở đến từng nhà dạy cho các em.
Những vất vả của người lính biên phòng được đáp trả tương xứng là các em biết đọc, biết viết, biết nung nấu những ước mơ và đặc biệt là lễ phép, biết chào, biết thưa khi gặp người lớn. Và đều đặn hằng ngày mỗi khi tan học, những thầy giáo mang quân hàm xanh tại đảo Hòn Chuối vẫn cẩn trọng đưa các em leo xuống từng bậc đá về nhà dưới gành, xong quay về đồn và tiếp tục làm nhiệm vụ chuyên môn được phân công.
“Tháng 9.2016, T.Ư Hội LHTN VN khánh thành chương trình Trường đẹp cho em ở đảo Thanh niên – đảo Hòn Chuối. Ước mơ về một ngôi trường khang trang, có đầy đủ trang thiết bị cần thiết phục vụ việc học của các em cuối cùng cũng đã thành hiện thực”, thượng úy Phục chia sẻ.
Hải trình tháng 3: Đào tạo những mầm non trên đảo Hòn Chuối - ảnh 2

 Lớp học trên đảoẢNH: G.B

Đến chăm lo cuộc sống người dân

Có thể nói hiện cuộc sống của bà con trên đảo Hòn Chuối ổn định, giàu có là nhờ vào nghề nuôi cá bớp lồng. Ông Lê Văn Phương cho biết: “Nghề nuôi cá bớp mang lại cho người dân nơi đây một cuộc sống sung túc, từng hộ gia đình tiện nghi hơn, có điều kiện cho con cái vào đất liền học. Vụ này tôi nuôi 4.000 con đang chuẩn bị thu hoạch, nhưng tiếc là thời điểm này giá bị rớt”.
Ông Trần Văn Giàu sống trên đảo cũng đã 23 năm, thời gian đầu ra đảo, cả nhà ông lên núi trồng cây ăn trái. Trồng đủ các loại cây như mít, xoài, nhưng hiệu quả kinh tế không cao vì không tiêu thụ được. Thấy bộ đội biên phòng động viên hướng dẫn nuôi cá bớp, ông đánh liều nuôi khi có người nuôi cá bớp thành công. “Vụ nuôi đầu, thu hoạch trừ vốn cũng lời được 70 – 80 triệu đồng. Số tiền mà gia đình tôi chưa bao giờ dám mơ ước. Vợ chồng tôi lại đầu tư nuôi tiếp, kết quả có năm lời hơn 200 triệu đồng”, ông Giàu nói.
Thượng úy Trần Bình Phục kể: “Thấy vùng biển Kiên Giang người dân nuôi thành công nên đồn cử người đi khảo sát, học hỏi kinh nghiệm lấy mô hình đó đem về đảo hướng dẫn bà con nuôi. Ban đầu chỉ 1, 2 hộ nuôi thí điểm, thấy thành công nên nhân rộng ra, đến nay đã có 48 hộ nuôi với 183 lồng”.
Nuôi cá bớp lồng giúp hộ dân ở Hòn Chuối cải thiện cuộc sống mà còn góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế nghề nuôi trồng tại vùng biển nước của tỉnh Cà Mau.
Hải trình tháng 3: Đào tạo những mầm non trên đảo Hòn Chuối - ảnh 3

TIN LIÊN QUAN

Hải trình tháng 3: Sức sống Cồn Cỏ

Đảo Cồn Cỏ – đảo Thanh niên (thuộc địa phận tỉnh Quảng Trị) được ví là ‘Đất Việt giữa trùng khơi’ có một sức sống rất mãnh liệt. Sức sống đó phần nhiều nhờ dấu ấn của những người trẻ…
“Để giúp người dân ở đảo Hòn Chuối ổn định với nghề nuôi cá bớp lồng, chúng tôi phối hợp cùng các ngành chức năng giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để đầu tư mở rộng mô hình. Và tìm thị trường đầu ra ổn định, tránh việc thương lái ép giá và hỗ trợ kỹ thuật nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Trong định hướng phát triển vùng biển và ven biển, tỉnh Cà Mau xác định phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ cơ bản, từng bước xây dựng vùng ven biển và vùng biển trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh”, ông Nguyễn Minh Cảnh, Chủ tịch TT.Sông Đốc nói.
Quyết định quy hoạch phát triển đảo Hòn Chuối của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhằm nâng giá trị sản xuất và tỷ trọng đóng góp của đảo Hòn Chuối vào phát triển kinh tế của H.Trần Văn Thời và của tỉnh Cà Mau. Việc quy hoạch sẽ hình thành cụm dân cư mới, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống và bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp, bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn, chắn gió bão, xử lý chất thải, phòng chống các hoạt động đánh bắt trái phép…
Định hướng quy hoạch đảo Hòn Chuối phát triển toàn diện thủy sản – lâm nghiệp – nông nghiệp, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, thương mại – du lịch và các lĩnh vực xã hội. Xây dựng đảo Hòn Chuối đảm bảo quốc phòng – an ninh.


Gia Bách