11/01/2025

Chúng tôi có ý kiến: Sắp xếp lại và thu phí vỉa hè

Bên cạnh việc chính quyền đang lập lại trật tự vỉa hè, đã có ý kiến đề xuất tổ chức lại cách sử dụng một phần vỉa hè cho kinh doanh và tiến đến việc thu phí sử dụng phần vỉa hè này.

 

Chúng tôi có ý kiến: Sắp xếp lại và thu phí vỉa hè

Bên cạnh việc chính quyền đang lập lại trật tự vỉa hè, đã có ý kiến đề xuất tổ chức lại cách sử dụng một phần vỉa hè cho kinh doanh và tiến đến việc thu phí sử dụng phần vỉa hè này.

 

 

 

Chúng tôi có ý kiến: Sắp xếp lại và thu phí vỉa hè
Kẻ vạch quy định xe máy để phía trong vỉa hè có thể làm khó cho người đi bộ vì vướng cột điện và cây xanh phía bên ngoài – Ảnh: HỮU THUẬN

Nhiều quận ở TP.HCM đã vẽ vạch phân ranh phần vỉa hè dành cho người đi bộ. Các cửa hàng mặt tiền được yêu cầu không được để xe máy ra khỏi phần vạch này.

Điều này phản ánh thực tế xe máy vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu của người dân, và do vậy đậu tạm xe máy trên vỉa hè trong kinh doanh buôn bán là một nhu cầu phải được xem xét một cách hài hoà chứ không thể cấm đoán hay buông lỏng hoàn toàn.

Đậu xe ở phần vỉa hè bên ngoài

Tuy nhiên, việc phân ranh và yêu cầu xe máy phải để sát mặt tiền, tôi thấy có bất hợp lý vì phần vỉa hè bên ngoài thường vướng cột điện, cây xanh nên khó có thể tạo sự thông thoáng cho người đi bộ.

Còn phần vỉa hè bên trong, nếu để xe sát mặt tiền cũng làm cho khách hàng, thậm chí nhân viên của các cửa hàng khó ra vào.

Theo tìm hiểu, hiện không có quy định nào yêu cầu để xe máy trên phần vỉa hè trong hay ngoài, chính quyền địa phương tổ chức vạch sơn theo thông lệ mang cảm tính từ xưa đến giờ.

Do vậy, tôi đề nghị chính quyền TP.HCM ban hành quy định rõ về việc phân ranh, trong đó quy định phần để xe máy tại những vỉa hè đủ rộng nằm sát lòng đường và đậu xe quay đầu vào trong.

Việc tổ chức này có nhiều ưu điểm. Người đi bộ đi lại dễ dàng, không vướng cột điện và cây xanh, đặc biệt khi trời mưa sẽ được hàng hiên che bớt mưa tạt.

Các cửa hàng kinh doanh tại mặt tiền đường sẽ rất ủng hộ do việc ra vào cửa hàng của mình thuận lợi, trang trí dễ dàng.

Xe máy để sát lề đường sẽ làm tăng an toàn cho người đi bộ, cùng cây xanh và cột điện làm thành hàng rào ngăn nguy cơ ôtô mất lái đâm lên lề.

Nó cũng giảm tình trạng xe máy chạy trên vỉa hè rất phổ biến hiện nay, đồng thời buộc người đi bộ phải đi sang đường tại những hành lang cho phép.

Tiến dần thu phí sử dụng vỉa hè

Việc phân ranh kể trên, cùng với sự tuyên truyền qua các phương tiện đại chúng, còn tạo xác lập rõ ràng vỉa hè là của toàn xã hội, phần vỉa hè dành để tạm xe máy là do Nhà nước tạo điều kiện cho các cửa hàng kinh doanh tạm sử dụng, trước mắt không thu phí.

Hiện Luật phí và lệ phí (có hiệu lực từ 1-1-2017) đã cho phép HĐND địa phương được ban hành các mức phí sử dụng tạm thời lòng đường hè phố.

Tương lai, những khu vực phân ranh và chủ các cửa hàng muốn sử dụng để tạm xe máy cần được thu phí một cách rõ ràng minh bạch.

Diện tích, khu vực, người thuê sử dụng tạm sẽ được đưa lên bản đồ số trên Internet để người dân cùng giám sát, kiểm tra.

Đây sẽ là một nguồn thu quan trọng dành cho chính quyền phường, xã để chỉnh trang đô thị, chăm sóc cây xanh vườn hoa trong khu vực của mình.

Mức phí này cần tăng dần theo thời gian, đặc biệt tại các tuyến đường hay khu vực trung tâm ưu tiên sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Điều này sẽ góp phần thúc đẩy người dân giảm dần việc sử dụng xe cá nhân một cách hợp lý, khuyến khích việc đi bộ.

Nguồn thu từ vỉa hè mặt tiền đường lớn có thể được dùng để hỗ trợ các hộ nghèo buôn bán tại các khu vực tập trung, vừa đảm bảo mỹ quan đô thị, vừa là công cụ để đảm bảo công bằng xã hội mà Nhà nước không phải tốn ngân sách.

Không thu phí sử dụng một phần vỉa hè

Theo ông Nguyễn Thành Phương – phó chủ tịch UBND quận Phú Nhuận, cùng với việc tổ chức lập lại trật tự lòng lề đường, xử lý các trường hợp lấn chiếm, các phường trên địa bàn quận cũng đã kẻ vạch sơn trên những lề đường rộng hơn 3m.

Vạch sơn này có chiều rộng khoảng 1,5m tính từ mép nhà ra đến vạch sơn, phần diện tích này chỉ được dùng đậu xe máy theo đúng tinh thần quyết định 74 của UBND TP quy định về quản lý và sử 
dụng lòng lề đường, vỉa hè.

Trong khi đó, bà Hứa Thị Hồng Đang – chủ tịch UBND quận Tân Phú – cho biết hiện quận cũng đã kẻ vạch sơn trên một số tuyến đường cho người dân được sử dụng một phần lề đường để giữ xe hoặc buôn bán, đặc biệt là những người mua bán hàng rong.

Lãnh đạo hai địa phương trên cho biết dù được sử dụng một phần lề đường nhưng người dân phải đảm bảo lối đi cho người đi bộ, không được xây các vật dụng, công trình cố định trên phần lề đường này. Việc sử dụng một phần lề đường này không phải mất phí, thuế gì cả.

Q.KHẢI

Ông Cao Thanh Bình (phó Ban kinh tế ngân sách HĐND TP.HCM):

Đề xuất hay nhưng cần thực hiện có lộ trình

Đề xuất kẻ vạch cho người đi bộ ở nửa trong, giữ xe ở nửa ngoài vỉa hè tôi cho là rất hay, vừa đảm bảo an toàn cho người đi bộ, vừa tạo mỹ quan đường phố. Tuy nhiên không phải vỉa hè nào cũng làm được mà chỉ có thể áp dụng với những vỉa hè rộng, đạt chuẩn.

Tôi cho rằng việc tổ chức thu phí một phần vỉa hè ở một số tuyến đường để phục vụ nhu cầu trông giữ xe là cần thiết.

Tuy nhiên, việc này cần thực hiện trên tinh thần làm sao hài hoà giữa phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn giao thông và trật tự mỹ quan đô thị. Đầu tiên phải trả lại vỉa hè thông thoáng. Bước thứ hai mới là quy hoạch các khu bán hàng rong.

Từng địa phương cần có những cụm quy hoạch để làm sao đừng có bất cứ hộ dân nào do không có nơi buôn bán mà gặp khó khăn trong cuộc sống.

Khi làm các bước trên ổn rồi thì mới rà soát lại các quán ăn, cửa hàng, dịch vụ ở mặt tiền các con đường, nếu thật sự có nhu cầu về nơi đậu xe cho khách thì chính quyền địa phương mới lên kế hoạch.

Theo Luật phí và lệ phí, khi chính quyền địa phương rà soát thẩm định kỹ thì có đề án cụ thể trình ra HĐND cùng cấp quyết định mức giá. Thủ tục cũng cần đảm bảo theo ngành dọc là phải xin ý kiến của cấp trên.

Chẳng hạn như khi UBND TP đồng ý thì UBND quận huyện mới lập đề án rồi trình ra HĐND cấp quận, huyện quyết định trên tinh thần phải phù hợp quy hoạch và đảm bảo mỹ quan đô thị.

Nếu quyết định thu phí thì tiền thu được cũng phải có đề án nêu cụ thể cách thức sử dụng như thế nào.

MAI HƯƠNG ghi

LÂM THIẾU QUÂN (chuyên gia giao thông)