29/11/2024

Không để thủ tục hành chính thành nỗi ám ảnh của dân

“Phải quyết liệt thực hiện, không thể để đô thị đặc biệt như TP.HCM mà thủ tục hành chính có thể trở thành nỗi ám ảnh lớn của doanh nghiệp, người dân…”.

 

Không để thủ tục hành chính thành nỗi ám ảnh của dân

 “Phải quyết liệt thực hiện, không thể để đô thị đặc biệt như TP.HCM mà thủ tục hành chính có thể trở thành nỗi ám ảnh lớn của doanh nghiệp, người dân…”.

 

 

 

Không để thủ tục hành chính thành nỗi ám ảnh của dân
Sau thời gian nộp hồ sơ trực tuyến, người dân đến nhận kết quả tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Công thương TP.HCM (ảnh chụp chiều 15-3) – Ảnh: DUYÊN PHAN

Ông Trần Vĩnh Tuyến, phó chủ tịch UBND TP.HCM, đã chỉ đạo như vậy tại hội nghị triển khai và đánh giá dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 của TP chiều 15-3.

Theo báo cáo của Sở Thông tin và truyền thông TP, hiện có 300 thủ tục DVCTT mức độ 3 triển khai cho 24 quận, huyện. Trong đó tập trung các nhóm thủ tục trong lĩnh vực lao động, kinh tế, đất đai, xây dựng và hộ tịch.

Qua thống kê, tỉ lệ nộp hồ sơ xử lý thông qua DVCTT so với tổng số hồ sơ của một số thủ tục hành chính thuộc các nhóm còn rất thấp. Cụ thể, nhóm lao động có tỉ lệ 1% (188 hồ sơ trực tuyến/21.031 tổng số hồ sơ); nhóm kinh tế 2%; nhóm đất đai, xây dựng 1%; nhóm hộ tịch 2%, nhóm vệ sinh an toàn thực phẩm 1%.

Còn tại các sở, tỉ lệ nộp hồ sơ xử lý thông qua DVCTT so với tổng số hồ sơ tại nhóm các sở đã sử dụng DVCTT (10 sở) không đều nhau. Cụ thể, tỉ lệ cao gồm các sở: Giáo dục – đào tạo (73%), Công thương (68%), Giao thông vận tải (59%)…

Trong khi đó có hai sở tỉ lệ chỉ 1% (Sở Văn hóa và thể thao, Sở Y tế) và hai sở tỉ lệ 0% (Sở Lao động – thương binh và xã hội, Sở Quy hoạch – kiến trúc).

Ông Trần Vĩnh Tuyến nhận định việc triển khai DVCTT còn nhiều yếu kém, chưa đồng bộ tại các sở và quận, huyện. Hiện nay bốn sở: Khoa học và công nghệ, Xây dựng, Du lịch, Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang triển khai DVCTT. Còn ba sở: Nội vụ, Tài chính, Tài nguyên – môi trường chưa triển khai dịch vụ này.

Để nâng tỉ lệ người dân sử dụng DVCTT, ông Tuyến cũng yêu cầu đến cuối năm nay phải lập 322 điểm tư vấn tình nguyện tại 322 xã, phường nhằm hỗ trợ người dân thực hiện DVCTT. Đồng thời ông Tuyến cũng yêu cầu các quận, huyện và các sở đẩy nhanh tiến độ liên thông điện tử trong triển khai DVCTT để giải quyết theo chiều sâu các loại thủ tục mà người dân, doanh nghiệp sử dụng nhiều.

Ông Tuyến khẳng định TP đã sẵn sàng cơ chế, kinh phí để đảm bảo hai yếu tố về thủ tục, công cụ trong việc triển khai DVCTT. Tuy nhiên, con người thực hiện vẫn là quan trọng nhất. Thời gian tới, TP sẽ triển khai các đoàn kiểm tra công vụ tập trung vào thủ tục hành chính tại các sở, quận, huyện và xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, yếu kém. Tiêu chí triển khai DVCTT cũng đã được TP đưa vào chỉ tiêu đánh giá, khen thưởng các đơn vị.

4 mức độ phát triển của các dịch vụ 
hành chính công trực tuyến

Mức độ 1: Cổng thông tin điện tử có đầy đủ thông tin về quy trình thủ tục thực hiện dịch vụ, các giấy tờ cần thiết, các bước tiến hành, thời gian thực hiện, chi phí thực hiện dịch vụ.

Mức độ 2: Cổng thông tin điện tử cho phép người sử dụng tải về các mẫu đơn, hồ sơ để người sử dụng có thể in ra giấy hoặc điền vào các mẫu đơn.

Mức độ 3: Cổng thông tin điện tử cho phép người sử dụng điền trực tuyến vào các mẫu đơn, hồ sơ và gửi lại trực tuyến các mẫu đơn, hồ sơ sau khi điền xong tới cơ quan và người thụ lý hồ sơ.

Mức độ 4: Cho phép người dân gửi trực tuyến hồ sơ và thực hiện các giao dịch qua mạng như ở mức độ 3, việc thanh toán chi phí sẽ được thực hiện trực tuyến, việc trả kết quả có thể thực hiện trực tuyến hoặc gửi qua đường bưu điện.

ÁI NHÂN