26/01/2025

Ai đứng sau vụ đe doạ lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh

Đã có ít nhất 10 cán bộ, chuyên viên các sở ngành, thậm chí cả lãnh đạo cao nhất của UBND tỉnh Bắc Ninh bị những kẻ lạ mặt nhắn tin đe doạ, khiến UBND tỉnh phải có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc.

 

Ai đứng sau vụ đe doạ lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh

Đã có ít nhất 10 cán bộ, chuyên viên các sở ngành, thậm chí cả lãnh đạo cao nhất của UBND tỉnh Bắc Ninh bị những kẻ lạ mặt nhắn tin đe doạ, khiến UBND tỉnh phải có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc.


 

UBND tỉnh Bắc Ninh cung cấp nhiều hình ảnh cho thấy ngày 3.3 có nhiều tàu hút cát trên sông Cầu

UBND tỉnh Bắc Ninh cung cấp nhiều hình ảnh cho thấy ngày 3.3 có nhiều tàu hút cát trên sông Cầu

UBND tỉnh Bắc Ninh nghi ngờ tình trạng này xuất phát từ việc không ủng hộ dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thuỷ nội địa (ĐTNĐ) kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu do Cục ĐTNĐ thuộc Bộ GTVT phê duyệt.
Lãnh đạo bị đe doạ
Ngày 9.3, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thành ký thay Chủ tịch UBND Văn bản số 55/UBND-NN.TN gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT về việc đề nghị tiếp tục tạm dừng triển khai thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng ĐTNĐ, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu. Trong văn bản này, UBND tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng GTVT sơ kết đánh giá lại việc thực hiện dự án nêu trên; dừng không tiếp tục dự án trên đoạn sông từ Km 1 đến Km 30 trên sông Cầu.
Đáng chú ý, UBND tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: “Chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra nguyên nhân sự việc, điều tra các cá nhân từ T.Ư đến địa phương đứng sau bảo kê, đe doạ cán bộ chuyên môn, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, làm sự việc ngày càng trở nên nghiêm trọng”.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Thành xác nhận đã gửi văn bản tới Thủ tướng và đang chờ ý kiến chỉ đạo. Trong khi đó, tiếp xúc với Thanh Niên, nhiều cá nhân có trách nhiệm tại các sở, ngành tỉnh Bắc Ninh khẳng định đã bị một số người lạ đe doạ, quấy rối vì cản trở dự án nạo vét, khơi thông luồng ĐTNĐ, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu. Trong số này có chuyên viên và lãnh đạo thuộc các sở GTVT, sở TN-MT, thậm chí ông Nguyễn Hữu Thành và ông Nguyễn Tử Quỳnh (Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh)… cũng bị nhắn tin đe doạ.
Ông Hoàng Minh Xuyên, Chủ tịch UBND H.Quế Võ, nơi có địa bàn liên quan dự án nạo vét nêu trên cho biết: “Trong quá trình chúng tôi thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn, đã có nhiều người bắn tin xa xôi bóng gió, có một số tin nhắn đến số máy của tôi yêu cầu không được làm mạnh tay, tóm lại có ý đe doạ. Tôi đã phản ánh tới UBND tỉnh”.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, đến thời điểm này, đã có khoảng 10 cán bộ đang làm các công việc có liên quan đến dự án nêu trên bị đe dọa. UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đề nghị điều tra, cũng như có phương án bảo vệ cán bộ.
Trả lời câu hỏi Thanh Niên, tại sao Công an tỉnh Bắc Ninh đang điều tra theo thẩm quyền, UBND tỉnh Bắc Ninh lại muốn thêm Bộ Công an vào cuộc, một lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết vụ việc có nhiều dấu hiệu phức tạp, những đối tượng đe doạ ”bảo kê” không chỉ ở trong tỉnh Bắc Ninh mà còn có thể ở các địa phương khác. Văn bản số 55 của UBND tỉnh Bắc Ninh cũng cho rằng có những cá nhân ở T.Ư “bảo kê”. Tuy nhiên một số lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh nói lý do tế nhị, cơ quan công an đang điều tra nên không thể tiết lộ tên những cá nhân này.
Do đề nghị dừng dự án ?
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, dự án nạo vét duy tu luồng ĐTNĐ kết hợp với tận thu sản phẩm trên sông Cầu do Công ty cổ phần trục vớt luồng Hạ Lưu thực hiện, được Cục ĐTNĐ VN thuộc Bộ GTVT phê duyệt từ năm 2014. Dự án triển khai từ các năm 2015, 2016, trên cơ sở cấp phép của Cục ĐTNĐ và chấp thuận của UBND tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, UBND tỉnh Bắc Ninh có Văn bản số 374 gửi Bộ GTVT, Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT đề nghị dừng ngay việc thực hiện dự án. Lý do: quá trình triển khai đã có biểu hiện lợi dụng việc thực hiện nạo vét để khai thác cát, gây bức xúc cho người dân, cử tri phản ánh tại nhiều cuộc họp HĐND tỉnh Bắc Ninh và HĐND H.Quế Võ.
Đáng chú ý, từ tháng 3.2016, phần đê hữu sông Cầu thuộc địa bàn H.Quế Võ xuất hiện nhiều điểm sạt lở chiều dài 50 m, ăn sâu vào các bãi sông. “Một trong những nguyên nhân dẫn đến sạt lở là do Công ty cổ phần trục vớt luồng Hạ Lưu triển khai thi công dự án nạo vét, duy tu luồng lạch kết hợp tận thu sản phẩm”, báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh nêu rõ.
Cũng theo UBND tỉnh Bắc Ninh, trong năm 2016, tỉnh này đã phải chi ngân sách 30 tỉ đồng để làm kè gia cố 3 điểm bị sạt lở thuộc địa bàn H.Quế Võ. Theo ông Hoàng Minh Xuyên, dòng chảy của sông Cầu đi sát vào đê ở Bắc Ninh nên ngoài các điểm bị sạt lở đã gia cố, nhiều điểm khác tại các xã Quế Tân, Việt Thống, Bằng An… cũng đang có nguy cơ bị sạt lở.
Từ cuối năm 2016 đến nay, mặc dù UBND tỉnh Bắc Ninh không đồng ý nhưng UBND tỉnh Bắc Giang lại có chủ trương ngược lại nên dự án vẫn được triển khai. Trong văn bản gửi Thủ tướng, UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết từ tháng 11.2016 đến nay, trên địa bàn sông Cầu thuộc tỉnh Bắc Giang thường xuyên có khoảng 40 tàu hút cát vận hành cả ngày lẫn đêm. Cũng từ thời điểm đó đến nay, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều văn bản gửi các cơ quan chức năng đề nghị tạm dừng dự án nhưng không được chấp thuận. Đây cũng là giai đoạn mà các cán bộ, lãnh đạo các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh liên tục nhận được tin nhắn đe doạ.
Do Lợi ích nhóm ?
Trao đổi với Thanh Niên vào hôm qua, ông Nguyễn Huy Tân, chuyên viên nông nghiệp – tài nguyên môi trường thuộc UBND tỉnh Bắc Ninh, cho rằng việc Cục ĐTNĐ cấp phép cho dự án nạo vét luồng lạch có nhiều điểm bất bình thường, bởi sông Cầu có chiều dài 83 km, trong đó có 30 km thuộc 7 xã của H.Quế Võ nằm trong dự án là những điểm có nhiều cát vàng bên dưới. “Sông Cầu là tuyến sông cấp 3, phương tiện thuỷ nội địa có trọng tải đến 300 tấn được di chuyển vào, để đảm bảo thì sông phải có chiều sâu 2,8 m, không đủ chiều sâu này thì mới thực hiện việc nạo vét. Trong khi đó, khảo sát của các ban ngành tỉnh Bắc Ninh cho thấy lòng sông có chiều rộng từ 150 – 220 m và chiều sâu từ 15 – 25 m nhưng Cục ĐTNĐ vẫn cố tình chấp thuận dự án để nạo vét là rất vô lý”, ông Tân phân tích.
UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng đã liên tiếp kiến nghị tạm dừng triển khai thực hiện dự án, nhưng mới đây Bộ GTVT có Văn bản số 1689/BGTVT-KCHT ngày 22.2.2017 do Thứ trưởng Nguyễn Nhật ký và Cục ĐTNĐ VN có Công văn số 266/CĐTNĐ-KHĐT ngày 1.3.2017 về việc tiếp tục thực hiện dự án trên. Các video do UBND tỉnh Bắc Ninh cung cấp thể hiện ngày 3.3 có tới hơn 30 tàu đang thực hiện việc hút cát tại nhiều điểm trên tuyến sông Cầu.
Lãnh đạo Cục ĐTNĐ nói gì ?
Liên quan đến văn bản kêu cứu của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh về dự án nạo vét, khơi thông luồng thuỷ nội địa kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu, ông Trần Văn Thọ, Cục phó Cục ĐTNĐ, nói từ năm 2015 đến nay dự án không được khai thác tại địa phận Bắc Ninh do tỉnh không đồng ý. “Dự án chưa được tỉnh Bắc Ninh chấp thuận nên công ty chưa triển khai tại địa phận Bắc Ninh, chỉ triển khai tại địa phận Bắc Giang do tỉnh này đồng ý dự án nạo vét và cho đăng ký sản phẩm tận thu”, ông Thọ nói và cho biết dự án đã được Bộ TN-MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Về việc tỉnh Bắc Ninh cho rằng đoạn sông Cầu thuộc dự án có độ sâu đảm bảo, không cần thực hiện nạo vét, ông Thọ nói toàn bộ bình đồ 30 km thuộc dự án theo hồ sơ khảo sát thiết kế của chủ đầu tư có 11 điểm cạn (trên chiều dài 5 km) không đảm bảo chuẩn tắc thiết kế (theo quy định với luồng sông cấp 3 thì luồng chạy tàu độ rộng 4 m trở lên, chiều sâu tàu 2,8 – 3,2 m); sông Cầu có một số điểm bị cua cong, nguy hiểm cho các phương tiện tàu thuyền, vì vậy cần phải nạo vét.
Việc tỉnh Bắc Ninh cho hay nhiều lần kiến nghị dừng dự án nhưng Cục và Bộ GTVT không phản hồi, tỉnh phải chi 30 tỉ đồng khắc phục sạt lở do dự án gây ra, ông Thọ cho rằng thực tế dự án không triển khai phía Bắc Ninh mà chỉ thực hiện phía Bắc Giang nên không dừng dự án. Về việc tại sao trên một khúc sông giáp ranh giữa 2 tỉnh lại chỉ làm phía Bắc Giang mà không ảnh hưởng đến Bắc Ninh, đại diện Cục ĐTNĐ nói: “Luồng tàu không nhất thiết phải ở giữa sông, doanh nghiệp chỉ nạo vét luồng phía bên Bắc Giang”. Cũng theo ông Thọ, cục này đã đề nghị Bắc Ninh cung cấp các văn bản liên quan chứng minh vi phạm của doanh nghiệp gây sạt lở nhưng tỉnh chưa cung cấp.
Ngày 8.3, nhà đầu tư là Công ty CP trục vớt luồng hạ lưu có văn bản tạm dừng thi công, lý do “trên tuyến sông Cầu từ trước đến nay nạn cát tặc hút trộm vẫn diễn ra thường xuyên, diễn biến phức tạp, có rất nhiều phương tiện lợi dụng dự án hút cát cả ban ngày và ban đêm không đúng vị trí tuyến luồng của dự án, gây sạt lở bờ bãi”. Ngày 9.3, Cục ĐTNĐ có văn bản đồng ý tạm dừng thi công với doanh nghiệp.
Mai Hà

Thái Sơn