11/01/2025

29 năm còn nhớ như in

Đài tưởng niệm các liệt sĩ thuộc Lữ đoàn 125 (Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân) nằm cạnh cầu cảng quân sự Cát Lái (Q.2, TP.HCM), đến ngày 14.3 là đông nghẹt cán bộ chiến sĩ đơn vị, cùng các cựu chiến binh Trường Sa ở khắp mọi miền Tổ quốc tìm về thắp hương cho người hy sinh.

 

29 năm còn nhớ như in

Đài tưởng niệm các liệt sĩ thuộc Lữ đoàn 125 (Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân) nằm cạnh cầu cảng quân sự Cát Lái (Q.2, TP.HCM), đến ngày 14.3 là đông nghẹt cán bộ chiến sĩ đơn vị, cùng các cựu chiến binh Trường Sa ở khắp mọi miền Tổ quốc tìm về thắp hương cho người hy sinh.




Đại tá Nguyễn Văn Dân kể chuyện giữ Trường Sa
 /// Ảnh: Độc Lập

Đại tá Nguyễn Văn Dân kể chuyện giữ Trường SaẢNH: ĐỘC LẬP

29 năm kể từ ngày xảy ra sự kiện 14.3.1988, câu chuyện của họ không chỉ là ký ức bi tráng oanh liệt, mà còn là giúp nhau trong cuộc sống, giữa vất vả đời thường…
Máu thắm Gạc Ma
Sáng 13.3.2017, cả xã Tân Lập (H.Đồng Phú, Bình Phước) náo nhiệt hẳn vì đoàn bộ đội từ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, huyện cùng chính quyền xã tập trung ở nhà ông Đoàn Hữu Thấn làm lễ khánh thành ngôi nhà mới. Ông Thấn (52 tuổi, quê Thái Thuỵ, Thái Bình) nguyên là thủy thủ trên tàu HQ-604 (Lữ đoàn 125 Hải quân), trực tiếp tham gia trận đánh bảo vệ Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao ngày 14.3.1988.
Ông Thấn nhớ như in, đầu tháng 3.1988, khi đang là thuỷ thủ tàu HQ-605, ông và 4 anh em khác được tăng cường sang tàu HQ-604 nhanh chóng ra Trường Sa làm nhiệm vụ chốt giữ bảo vệ chủ quyền. Sáng 13.3, tàu HQ-604, HQ-505 được lệnh rời đảo Đá Lớn tiến về Gạc Ma, Cô Lin và buổi chiều tàu 604 thả neo cạnh Gạc Ma, bất chấp sự đe doạ uy hiếp của các tàu chiến Trung Quốc (TQ). Sáng sớm 14.3.1988, lực lượng công binh rời tàu vào Gạc Ma để củng cố xây dựng đảo. Phát hiện hoạt động của ta, phía TQ triển khai đội hình chiến đấu: một số tàu xuồng bao vây tàu HQ-604, chia cắt tàu với lực lượng trên đảo, vừa chĩa súng pháo sang trấn áp, 3 trung đội lính chiến đấu TQ mang đầy vũ khí đi trên 3 xuồng cao tốc, đổ bộ lên và dàn đội hình tiến về những người lính công binh VN toàn tay không ở giữa đảo.
“Tôi nhìn rõ tốp lính TQ ôm 1 khối hình vuông giống mốc chủ quyền gắn lá cờ đỏ 6 sao và xung quanh là gần chục tên lăm lăm súng AK bảo vệ. Tôi báo ngay với thuyền phó Vũ Văn Thắng đang chỉ huy mặt boong: Chúng quyết chiếm đảo mình anh ơi…”, ông Thấn nhớ lại và rành rọt: “Lính TQ lao vào giật cờ VN cắm trên điểm san hô cao nhưng chiến sĩ ta giằng lại và xé rách hết cờ của TQ cũng định cắm xuống. Điên cuồng, lính TQ bắn thẳng vào thiếu uý Trần Văn Phương. Ở ngoài tàu HQ-604, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ hét lên ra lệnh: “Trừ lực lượng đi ca, tất cả anh em lên giữ đảo” và mọi người dù đang mặc đồ lót cũng nhảy xuống biển bơi lên đảo tiếp ứng. Sau vài giờ giằng co, lính TQ không cắm được cờ phải rút về tàu”.
Ông Đoàn Hữu Thấn kể tiếp: “Tự nhiên thấy tàu chiến TQ lùi ra xa HQ-604 và súng pháo quay loạn xạ. Khoảng 7 giờ 30, chúng đồng loạt xả đạn lên đảo – vào tàu từ súng 12,7 mm cho đến pháo lớn 105 mm. Sau đợt pháo kích, gần chục xuồng chở lính TQ lao vào định chiếm tàu nhưng bị chúng tôi đánh trả quyết liệt. Thuyền phó Vũ Văn Thắng sau khi dùng B41 bắn tàu địch không hiệu quả đã lệnh cho tổ boong tập trung tiêu diệt từng xuồng cao tốc và diệt gọn lính trên 1 xuồng khiến chúng phải nhảy xuống biển bơi về tàu. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ ra lệnh lao lên ủi bãi Gạc Ma nhưng máy tàu không nổ. Trong khi đang chờ nạp khí để khởi động lại thì đạn trúng ngay hầm máy khiến tàu bất động, thành mục tiêu cho địch bắn chìm, bộ đội hy sinh phần lớn”.
Khi tàu HQ-604 chìm xuống biển, ông Thấn bị sức ép đạn pháo hất tung ra khỏi boong, ngất lịm giữa các vật nổi và mãi buổi chiều 14.3 mới được tổ cảm tử của tàu HQ-505 (cũng bị bắn cháy nhưng lao lên ủi bãi cạn Cô Lin) dùng thuyền nhôm tìm kiếm, bắt gặp đưa về Cô Lin, sau đó chuyển về đảo Sinh Tồn và đưa về đất liền bằng tàu HQ-617.
Giữ vững Cô Lin – Len Đao
Đại tá Nguyễn Văn Dân năm nay 72 tuổi, nghỉ hưu tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa) có gần 20 năm (1975 – 1994) gắn bó với từng sự kiện, hòn đảo Trường Sa, kể: Năm 1983, sau khi hoàn thành khóa học tại Liên Xô (cũ) về lại Vùng 4 Hải quân, ông nhận nhiệm vụ Phó tham mưu trưởng vùng, chuyên trách các đảo Trường Sa. Từ giữa năm 1987, tình hình tại Trường Sa diễn biến phức tạp, Tư lệnh Hải quân ra lệnh cho quân chủng thực hiện chiến dịch CQ88 (Chủ quyền 88), chỉ đạo Vùng 4 làm sẵn các khung nhà cao chân, tổ chức biên chế lực lượng để mang ra ráp tại các đảo chìm, bãi đá ngầm. Đầu tháng 10.1987, ông được giao trực tiếp chỉ huy khu vực 2 của Trường Sa, lên tàu HQ-617 tăng cường cho Trường Sa. Tháng 2.1988, ông làm phó đoàn công tác, cùng bộ đội trên các tàu HQ-614, HQ-861 ra đóng giữ Đá Đông, Châu Viên, Đá Lát…
“Diễn biến ác liệt đầu tiên xảy ra ở bãi Châu Viên” – ông Dân nhớ lại: Khi bộ đội từ tàu HQ-614 định lên bãi. TQ đưa tàu khu trục, tàu pháo đến chặn. Sáng 18.2.1988, tốp 9 chiến sĩ lên Châu Viên để cắm cờ và thăm dò độ sâu, chuẩn bị làm nhà. Tối hôm ấy, nước triều ngập đến cổ nên phải đưa ra tàu. Sáng 19.2, khi ta định đưa bộ đội lên bãi đá thì 4 tàu chiến TQ dàn hàng ngang quay pháo đe dọa nổ súng. Mất Châu Viên, đoàn công tác của ông Dân cấp tốc về đóng giữ Đá Đông.
“Lúc đó mình cứ loanh quanh tìm cách chiếm lại Châu Viên thì chúng nó sẽ thừa cơ đóng giữ ngay Đá Đông và làm căn cứ khống chế cả khu vực vì đảo này quan trọng hơn Châu Viên nhiều, vừa dài rộng lại vừa có hồ sâu trong bãi, tàu bè vào đậu vô tư”, đại tá Nguyễn Văn Dân cho biết và trầm giọng khi nhắc lại sự kiện 14.3.1988: Đêm 13.3, từ Đá Đông, ông nhận lệnh lên tàu HQ-614, chỉ huy lực lượng hành quân đến khu vực Gạc Ma – Len Đao – Cô Lin và suốt hành trình bị 2 tàu TQ mang số hiệu 502, 503 chặn đầu – đâm va, phá sóng thông tin khiến không thể liên lạc với cấp trên. Mãi chiều 14.3, tàu HQ-614 mới đến đảo Sinh Tồn, khi đó cuộc chiến đấu đã tạm kết thúc.
Sáng 15.3.1988, ông Dân cùng bộ đội trên tàu HQ-614 áp sát Len Đao xác định vị trí tàu HQ-605 bị chìm và chi viện cho lực lượng cắm cờ lên đảo ngày hôm trước. Ban đầu, tàu HQ-614 neo gần tàu HQ-505 đang nằm trên bãi Cô Lin, lập sở chỉ huy cụm 2 (Sinh Tồn) nhưng chỉ vài ngày là chuyển sang sát mép xanh Len Đao. Sáng 22.4.1988, Quốc kỳ VN trên đảo Len Đao bị sóng đánh trôi, anh Dình (chính trị viên tàu HQ-614) và tổ công tác lên cắm cờ nhưng bị các tàu TQ ngăn chặn. Buổi chiều hôm đó, trực tiếp trung tá Dân dẫn tổ công tác mang cờ lên đảo, để lại lệnh chiến đấu cho chỉ huy tàu: “Nếu TQ tấn công, cho tàu HQ-614 lao lên ủi bãi, giữ Len Đao”.
Tháng 9.1988 tàu HQ-614 về đất liền, ông Dân được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba và Tư lệnh Hải quân lập tức hỏi ý kiến ông Dân về cách xây dựng đảo Len Đao. Từ sáng kiến kéo tàu há mồm nhỏ, trên có sẵn nhà cao chân và các phương tiện lắp ghép, buổi tối tập kết cạnh đảo đợi thủy triều lên cao nhất thì đổ bộ triển khai làm nhà luôn khiến tàu TQ ở ngay đó nhưng sẽ không kịp phản ứng, không có cớ để gây hấn… Tháng 11.1988, việc xây dựng đảo Len Đao được thực hiện thành công. Sáng kiến này cũng được áp dụng cho việc xây dựng trên đảo Cô Lin…
Tại Nha Trang, đại tá Nguyễn Văn Dân đưa chúng tôi xem những kỷ vật Gạc Ma cách đây 29 năm, là chiếc đồng hồ bàn gỡ ra từ tàu HQ-605, chiếc xô gò từ tấm tôn trên tàu HQ-505 và nghèn nghẹn: “Nếu hành trình chi viện của tàu HQ-641 không bị 2 tàu chiến TQ ngăn chặn, thì chúng tôi sẽ có mặt tại Gạc Ma buổi sáng 14.3.1988 và có thể tôi cũng trở thành thương binh, liệt sĩ như 64 anh em đã hy sinh. Thế nên, mỗi ngày được sống là phải nhớ ơn những người đã ngã xuống, dù 29 hay bao nhiêu năm…”.

 

Mai Thanh Hải