Sinh viên đạp xe xuyên Việt để “Xin lỗi Việt Nam”
Tae Geon Han (26 tuổi) và Gangan Lee (25 tuổi) là hai sinh viên Trường ĐH Incheon (Hàn Quốc) thực hiện hành trình bằng xe đạp từ Hà Nội vào Sài Gòn để “Xin lỗi Việt Nam”.
Sinh viên đạp xe xuyên Việt để “Xin lỗi Việt Nam”
Tae Geon Han (26 tuổi) và Gangan Lee (25 tuổi) là hai sinh viên Trường ĐH Incheon (Hàn Quốc) thực hiện hành trình bằng xe đạp từ Hà Nội vào Sài Gòn để “Xin lỗi Việt Nam”.
Gangan Lee (trước) và Tae Geon Han trong hành trình “Xin lỗi Việt Nam” – Ảnh: NGỌC HIỂN |
Khi đến các tỉnh miền Trung, nơi từng xảy ra những vụ thảm sát dân thường do lính Hàn Quốc gây ra trong chiến tranh Việt Nam, cả hai đã mang lá cờ có dòng chữ “Xin lỗi Việt Nam” và cúi đầu trước lịch sử.
Trước khi trở về Hàn Quốc sau chuyến đi dài hơn 1.700km (từ đầu tháng 2 đến đầu tháng 3 năm nay), cả hai đã cùng chia sẻ với Tuổi Trẻ về những trải nghiệm của bản thân trên hành trình dọc đường thiên lý Bắc – Nam.
Đạp xe cho sự thật lịch sử
* Điều gì đã thôi thúc hai bạn tìm đến Việt Nam, thực hiện hành trình “Xin lỗi Việt Nam” khi cả hai đều trẻ và những cuộc thảm sát đó diễn ra khi các bạn chưa ra đời?
– Chúng tôi được biết trong quá khứ, những người lính Hàn Quốc đã có những việc làm sai đối với Việt Nam, giết hại những con người vô tội và cũng chưa nói tiếng xin lỗi chính thức. Điều này khiến chúng tôi cảm thấy rất buồn và lấy đó làm động lực để thực hiện hành trình đạp xe này.
Tôi mong được gửi lời xin lỗi đến người dân Việt Nam, muốn tìm hiểu về lịch sử và cũng mong người Hàn Quốc sẽ hiểu rõ hơn về những gì đã xảy ra trong chiến tranh Việt Nam.
Chúng tôi đã đến thăm rất nhiều bảo tàng chiến tranh và lịch sử tại Việt Nam để tìm hiểu các thông tin.
* Các bạn chọn phương tiện di chuyển là xe đạp và in thêm lá cờ màu xanh dương, với dòng chữ “Đạp xe cho sự thật lịch sử” để mang theo suốt hành trình, ý nghĩa của việc này là gì?
– Chúng tôi học thể thao, trước đó cũng từng đạp xe hơn 4.000km trên đất Mỹ. Vì vậy, chúng tôi đã lựa chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển trong hành trình tại Việt Nam như một cách để thử thách bản thân, đồng thời mang theo lá cờ để nói cho mọi người biết về chuyến đi.
Nếu thực hiện hành trình đi xin lỗi bằng xe máy thì khá dễ dàng, nhưng tôi không muốn thế. Chúng tôi đã thiết kế lá cờ, lấy màu xanh dương làm chủ đạo bởi đây là biểu tượng cho hoà bình và dòng chữ “Đạp xe cho sự thật lịch sử” để nói về ý nghĩa chuyến đi của chúng tôi.
* Tại miền Trung Việt Nam, các bạn đã đến những địa điểm nào và cảm nhận điều gì khi đến đó?
– Chúng tôi đã đến Hà My, Phong Nhất – Phong Nhị (Quảng Nam), Bình Hòa (Quảng Ngãi), những nơi đã xảy ra thảm sát dân thường. Khi đứng trước bia tưởng niệm nạn nhân ở Phong Nhất – Phong Nhị, thật khó diễn tả bằng lời.
Cái cảm giác đó rất tệ vì tôi hiểu rằng người Hàn Quốc đã gây nên lỗi lầm rất lớn trong quá khứ, và giờ đây tất cả những gì chúng tôi có thể làm là cúi đầu xin lỗi. Chúng tôi không thể làm được gì hơn ngoài lời xin lỗi vì mọi chuyện đã diễn ra rồi, chỉ mong sẽ không bao giờ thấy cảnh này lần thứ hai.
* Hai bạn có gặp được ai là nhân chứng của thảm sát?
– Tại Hà My, chúng tôi gặp một thanh niên tên Lộc. Mẹ anh là nạn nhân, nghe anh kể về những vết thương và nỗi đau mà mẹ mình đã gánh chịu, chúng tôi rất đau lòng. Chúng tôi nghĩ người Hàn Quốc nhất định phải biết về những gì đã xảy ra.
Đã có 4 tờ báo Hàn Quốc hẹn phỏng vấn khi tôi trở về nước. Hi vọng thông qua báo chí, chúng tôi có thể giúp lan truyền những câu chuyện về chiến tranh Việt Nam cho người dân biết.
Gangan Lee (trước) và Tae Geon Han trong hành trình “Xin lỗi Việt Nam” – Ảnh: NGỌC HIỂN |
Sẽ trở lại Việt Nam
* Trước khi đến Quảng Nam, Quảng Ngãi hai bạn có lo sợ điều gì không?
– Quay lại những nơi đau thương ấy, chúng tôi sợ rằng khi trông thấy người Hàn Quốc, người Việt Nam sẽ rất căm ghét và đuổi cả hai ra khỏi làng. Nhưng không, mọi thứ diễn ra đều trái với những gì chúng tôi lo sợ.
Những người bản địa rất dễ thương và đối xử tốt với cả hai. Lúc còn ở Quảng Ngãi, chúng tôi còn được người dân mời cà phê của một quán nước dọc đường.
* Hai bạn muốn gửi thông điệp gì với người Hàn Quốc sau hành trình này?
– Nhiều người Hàn Quốc không biết quân đội đã làm gì ở Việt Nam, thậm chí còn nghĩ tôi bị điên khi muốn đạp xe chỉ để xin lỗi. Tôi kiên nhẫn nói với họ về lịch sử và giờ có nhiều người đã hiểu ra mọi chuyện.
Ngày nay, người Hàn Quốc sang Việt Nam chủ yếu để du lịch, nhưng tôi hi vọng họ còn đến đây để tìm hiểu thêm về lịch sử, biết những gì quân đội nước mình đã làm và cảm thấy có lỗi về điều đó, chứ không chỉ là thăm thú và tận hưởng.
Bạn có thể vui chơi, nhưng hãy biết về chiến tranh và lịch sử mà quân nhân nước mình đã gây ra ở Việt Nam. Đó là thông điệp tôi muốn gửi đến người dân Hàn Quốc.
* Lần đầu tiên tới Việt Nam, lại đi xuyên Việt bằng xe đạp, chắc hẳn bạn đã gặp không ít khó khăn?
– Có nhiều khó khăn, đầu tiên là thức ăn. Lần đầu tiên ăn phở ngay tại Việt Nam, chúng tôi thấy không quen nhưng phải ăn để đi, cứ ngày ba bữa như thế nên giờ cả hai đã yêu món ăn Việt Nam rồi. Không chỉ phở, chúng tôi còn biết bánh mì, bún bò, mì Quảng, bánh xèo… Giao thông ở Việt Nam rất đông, có nhiều tiếng còi inh ỏi.
Ngoài ra, một số vùng tại Việt Nam có nhiều đèo, dốc khiến chúng tôi cứ phải đạp lên rồi xuống liên tục nên rất mệt. Vấn đề cuối cùng là thời tiết. Nắng gắt đến mức chúng tôi từng bị phỏng da, cuối cùng quyết định dậy sớm từ 5h sáng để đạp, khi mặt trời chưa lên.
Mỗi ngày, chúng tôi đạp được khoảng 90 – 100km, và cứ mỗi tiếng lại nghỉ một lần.
* Bạn có dự định sẽ trở lại Việt Nam?
– Chúng tôi sẽ quay lại Việt Nam vì cảm thấy rất yêu đất nước này. Trong hành trình, cả hai thấy Hội An quá đẹp và yên bình, nếu có bạn gái thì nhất định chúng tôi sẽ dẫn cô ấy đến đây chơi (cười).
“Con người Việt Nam quá đáng yêu” * Bạn sẽ nói gì với người Hàn Quốc về đất nước Việt Nam? – Có rất nhiều điều để nói, con người Việt Nam quá đáng yêu, món ăn ngon, cảnh quan thiên nhiên ấn tượng, những bãi biển thơ mộng… Người Hàn Quốc thật ra cũng luôn biết Việt Nam là đất nước yên bình và tươi đẹp. * Điều gì khiến các bạn nhớ nhất về chuyến đi vừa rồi? – Trên đường đạp xe, chúng tôi gặp nhiều trẻ em. Cả hai đã dạy cho các em chơi một số môn thể thao, rồi tặng bóng bay cho chúng. Chúng tôi cũng từng ghé thăm một trại trẻ mồ côi ở Hà Nội. Mỗi lần ngồi nghỉ, bọn trẻ lại ùa vào chơi, vẻ mặt rất hạnh phúc, điều đó khiến chúng tôi cũng hạnh phúc theo. |