Kẹt cứng ở miền Tây, 170km đi mất 6 tiếng
Từ chiều thứ sáu đến tối chủ nhật hằng tuần, quốc lộ 1 qua huyện Cái Bè, Tiền Giang gần như không thể nhúc nhích. Quãng đường từ TP.HCM đi Cần Thơ chưa tới 200km nhưng đi ôtô phải mất 5-6 giờ.
Kẹt cứng ở miền Tây, 170km đi mất 6 tiếng
Từ chiều thứ sáu đến tối chủ nhật hằng tuần, quốc lộ 1 qua huyện Cái Bè, Tiền Giang gần như không thể nhúc nhích. Quãng đường từ TP.HCM đi Cần Thơ chưa tới 200km nhưng đi ôtô phải mất 5-6 giờ.
Chiều và tối 12-3, cầu Thông Lưu trên quốc lộ 1 qua huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang bị ùn tắc nghiêm trọng. Từ 15h, hướng từ miền Tây về TP.HCM, ôtô phải “nằm” và “bò” từng mét,có đoạn kéo dài nhiều cây số – Ảnh: Vân Trường |
Trong khi dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đang “trùm mền”; kế hoạch nâng cấp, mở rộng các cầu trên QL1 qua Tiền Giang còn dở dang, Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cho rằng người dân sẽ còn phải chịu cảnh vật vã ít nhất hơn hai năm nữa khi đi miền Tây và ngược về TP.HCM.
Ô tô nhích từng mét một
Cuối tuần qua, chúng tôi đã cảm nhận được cảnh chen nhau như hành xác khi đi ôtô về miền Tây. Từ TP.HCM đi Cần Thơ và các tỉnh miền Tây hiện có hai tuyến đường bộ là cao tốc TP.HCM – Trung Lương và QL1. Hầu hết ôtô đều chọn đường cao tốc để rút ngắn thời gian.
Tuy nhiên đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương chỉ dài 40km, bắt đầu từ Bình Chánh (TP.HCM) và kết thúc tại địa bàn huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang).
Hết đường cao tốc, dù muốn hay không thì tất cả phương tiện đều phải nhập vào QL1 để tiếp tục đi về miền Tây. Riêng phương tiện đi Bến Tre và Trà Vinh sẽ vào nội ô TP Mỹ Tho để ra QL60.
QL1 qua Tiền Giang đoạn từ cuối đường cao tốc đến cầu Mỹ Thuận dài hơn 50km khá hẹp, chỉ có hai làn ôtô/chiều. Xe máy phải chạy chung làn đường với ôtô nên nguy cơ xảy ra va quẹt và tai nạn giao thông rất lớn.
Tất cả xe qua các cầu Nhị Mỹ, Cai Lậy, Phú Nhuận đều phải xếp hàng “bò” do các cầu này đang trong quá trình thi công sửa chữa.
Và khi gần đến cầu Thông Lưu tại km2009 thuộc huyện Cái Bè, gần như tất cả xe phải “nằm” chờ rất lâu rồi nhích từng mét một.
Hành khách nháo nhào, tỏ ra bực bội, có người nhoài người ra cửa sổ cố tìm hiểu lý do xe không chạy được. Tài xế Vũ Minh Tâm (xe khách 51B-007…) cố giải thích:
“Quý khách thông cảm vì cầu Thông Lưu đang sửa chữa. Xe nào cũng bị kẹt hết chứ không phải chỉ xe mình. Hai ngày cuối tuần xe nào cũng bị kẹt hơn một tiếng mới qua được. Chuyến về cũng y như vậy”.
Anh Tâm cho biết bình thường xe của anh đi từ bến xe Miền Tây về Cần Thơ chỉ mất 3 tiếng rưỡi, nhưng thời gian gần đây phải đi 6 tiếng mới tới. Chuyến ngược lại cũng như vậy.
Chiều chủ nhật cách đây hơn hai tuần có vụ va quẹt ngay dốc cầu Thông Lưu, CSGT tới chậm nên hàng trăm xe “nằm” kéo dài mấy cây số suốt hơn một giờ. Hành khách than phiền dữ lắm.
Còn tài xế Trần Văn Cam (xe khách 51B-159… chạy tuyến TP.HCM – Châu Đốc) kể: “Ngày thường còn đỡ, chứ mấy ngày cuối tuần chạy đuối lắm.
Qua mấy cây cầu hẹp và cầu Thông Lưu đang sửa mất hơn một giờ, rồi còn phải xếp hàng qua phà Vàm Cống cả buổi nữa. Hồi trước đi sáu tiếng, còn bây giờ phải mười tiếng mới tới.
Ngày nào tui cũng bị khách chửi vì họ bị trễ chuyến bay hay công việc. Nhiều người còn điện về tổng đài mắng như tát nước. Phải ráng năn nỉ chứ biết làm sao. Đâu còn đường nào khác để đi!”.
Quốc lộ 1 sẽ kẹt đến… giữa năm 2019
Trước tình trạng ùn tắc, kẹt xe liên miên, Sở GTVT và Ban an toàn giao thông tỉnh Tiền Giang liên tục đi kiểm tra, chỉ đạo điều tiết giao thông.
Theo ông Trần Văn Bon – giám đốc Sở GTVT, trên tuyến này hiện có 9 cầu hẹp, chỉ có 1 làn xe/chiều, không đồng bộ với mặt đường nên gần như ngày nào cũng bị ùn tắc.
Còn sở dĩ có tình trạng kẹt xe nghiêm trọng trong hai ngày cuối tuần là do ảnh hưởng của 4 cây cầu đang sửa chữa. Trong đó “thủ phạm” chính làm QL1 tê liệt là cầu Thông Lưu tại km2009.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đơn vị thi công đã cắt 1/3 mặt cầu để thi công. Mặt cầu còn lại chỉ vừa đủ cho hai làn xe đi ngược chiều.
Để tránh va chạm với rừng xe máy chen chúc bên cạnh, tài xế ôtô buộc phải giảm tốc độ tối đa để “bò” từng mét qua cầu.
Có nhiều cầu hẹp gây ùn tắc, nhưng hiện nay cầu Thông Lưu tại km2009 QL1 qua huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang là nguyên nhân chính gây nên tình trạng kẹt xe nghiêm trọng trong hai ngày cuối tuần. Trong ảnh: ông Trần Văn Bon, giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, kiểm tra, đôn đốc việc sửa chữa cầu Thông Lưu – Ảnh: VÂN TRƯỜNG |
Làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH BOT QL1 Tiền Giang, ông Bon bức xúc: “Tôi sốt ruột khi thấy xe kẹt cứng mà tại các cầu đang sửa chữa lèo tèo 2-3 công nhân thì biết chừng nào làm xong?”.
Ông Nguyễn Phú Hiệp, giám đốc công ty, giải thích do mới đổ bêtông khe co giãn nên phải chờ 5 ngày cho đủ độ cứng mới tiếp tục thảm nhựa mặt đường được.
Ông Bon nói tiếp: “Ngày nào cũng bị ùn tắc khiến người dân rất mệt mỏi. Trong khi chờ thì các anh bố trí công nhân tập trung làm phần lan can cầu đi. Rút ngắn thời gian được ngày nào dân mừng ngày đó”. Ông Hiệp cam kết: “Chúng tôi cố gắng cuối tháng 3-2017 sẽ hoàn thành bốn cầu này”.
Tuy nhiên theo ông Bon, ngay cả khi cầu Thông Lưu sửa xong, cho xe chạy bình thường thì QL1 cũng không thể hết ùn tắc. Lý do là đoạn qua địa bàn Tiền Giang dài 73km hiện có 9 cầu hẹp và xuống cấp nặng.
Trong đó có 5 cầu trong danh sách “đen” có nguy cơ cao về tai nạn giao thông của Bộ GTVT là: cầu Rượu, cầu Sao, cầu Mỹ Quý, cầu Rạch Miễu và cầu Mỹ Đức Tây.
Ngoài ra, bốn cầu khác gồm cầu Bà Đắc, cầu An Cư, cầu Thông Lưu và cầu Bà Lâm cũng rất hẹp.
Do mặt cầu chỉ bằng nửa mặt đường nên đã tạo ra những “nút cổ chai”, vì vậy nếu xảy ra va quẹt hay tai nạn giao thông gần cầu thì xe không còn đường nào để đi.
Nhưng điều đáng lo ngại nằm ở chỗ tới đây Công ty TNHH BOT QL1 Tiền Giang sẽ tiếp tục triển khai thi công nâng cấp mặt đường giai đoạn 2 đoạn từ ngã ba Trung Lương đến Cai Lậy và từ Cái Bè đến cầu Mỹ Thuận với tổng chiều dài 34km.
Khi triển khai thi công sẽ phải cắt nửa mặt đường. Toàn bộ xe từ TP.HCM đi miền Tây và ngược lại phải dừng, luân phiên nhau lưu thông một chiều qua các đoạn thi công.
Tình trạng ùn tắc, kẹt xe kéo dài nhiều cây số mỗi ngày giống như hồi năm 2015-2016 chắc chắn tái diễn.
Ông Nguyễn Phú Hiệp cho biết hiện đơn vị này đang khảo sát lập dự án đề nghị Bộ GTVT cho làm thêm bốn cây cầu song song với cầu Rượu, cầu Sao, cầu Mỹ Quý và cầu Thông Lưu để đồng bộ với mặt đường sau nâng cấp.
Vốn đầu tư làm đường và cầu khoảng 500 tỉ đồng. “Dự kiến đến cuối năm 2017 các thủ tục phê duyệt dự án mới hoàn thành. Nếu có mặt bằng thì đến hết năm 2018 chúng tôi sẽ làm xong cả đường và cầu” – ông Hiệp nói.
Còn theo giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang Trần Văn Bon, công tác giải phóng mặt bằng cho bốn cầu này mất khoảng sáu tháng.
Thời gian thi công nâng cấp mặt đường và làm cầu 12 tháng nữa thì về mặt lý thuyết, phải đến giữa năm 2019 tuyến QL1 mới thông. Nhưng thời gian duyệt dự án, thi công thực tế bao lâu thì không ai dám khẳng định.
Tăng cường điều tiết giao thông Trả lời về việc tổ chức phân luồng giao thông, hạn chế tình trạng kẹt xe tại những điểm thi công nói trên trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Bảy – phó chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh Tiền Giang – cho biết: “Qua những đợt ùn ứ vừa rồi, thanh tra giao thông sẽ nhắc nhở đơn vị thi công thực hiện nghiêm việc tổ chức người túc trực phân luồng, điều tiết giao thông trong quá trình sửa chữa cầu”. 150.000 lượt xe/ngày đêm Theo ông Nguyễn Văn Nên – chánh văn phòng Ban an toàn giao thông tỉnh Tiền Giang, năm 2016 trên tuyến QL1 qua tỉnh này trung bình có tới 129.000 lượt xe lưu thông, trong đó có tới hơn 51.000 ôtô các loại. Với mật độ phương tiện tăng trung bình 20%/năm thì hiện nay, mỗi ngày đêm QL1 phải gồng mình gánh khoảng 150.000 lượt xe các loại. Đáng lo nhất là số lượng ôtô loại lớn như xe khách, xe tải và xe container gia tăng rất nhanh, nên hầu như lúc nào mặt đường cũng ken cứng. |