11/01/2025

Giữ nếp văn hoá vỉa hè bền vững

Thực tế tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, người dân gần như không đi bộ được trên vỉa hè, vai trò buôn bán kinh doanh vỉa hè lấn át lưu thông.

 

Giữ nếp văn hoá vỉa hè bền vững

Thực tế tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, người dân gần như không đi bộ được trên vỉa hè, vai trò buôn bán kinh doanh vỉa hè lấn át lưu thông.



Vỉa hè trước cơ quan đại diện của Bộ Công thương tại TP.HCM (trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1) đã thông thoáng
 /// Ảnh: Đức Tiến

Vỉa hè trước cơ quan đại diện của Bộ Công thương tại TP.HCM (trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1) đã thông thoángẢNH: ĐỨC TIẾN

TS Đinh Thị Thanh Bình, Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý GTVT – Trường đại học GTVT Hà Nội, cho rằng việc ra quân lấy lại vỉa hè là hoàn toàn đúng đắn, nhưng quan trọng hơn là làm thế nào để người dân tâm phục và việc “giành” lại vỉa hè bền vững, không “bắt cóc bỏ đĩa”.
Giữ nếp văn hóa vỉa hè bền vững - ảnh 1

Nhiều người buôn bán hàng rong mong muốn có chỗ bán ổn địnhẢNH: ĐỨC TIẾN

Theo TS Bình, chức năng quan trọng nhất của vỉa hè là không gian thiết yếu cho người đi bộ, tiếp đó là nơi để bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật đường phố, cây xanh trang trí, là nơi phân tách giữa lòng đường giao thông và nhà mặt phố. Tiếp đó nữa là không gian kinh tế xã hội, nơi diễn ra các hoạt động kinh doanh ở mức độ nhất định, phản ánh đời sống đô thị, là bộ mặt của từng địa phương và mang nét đặc trưng từng khu vực. Hiểu được vỉa hè, những người sống nhờ vỉa hè và cả những lợi ích nhóm được hình thành từ vỉa hè, thì mới “giành” lại được vỉa hè và quản lý vỉa hè bền vững.
Giữ nếp văn hóa vỉa hè bền vững - ảnh 2

TS Đinh Thị Thanh Bình

Xét về chức năng của vỉa hè, không gian đi bộ là quan trọng nhất, vỉa hè phải đảm bảo 20 – 40% lưu lượng chuyến đi của người dân, nhưng thực tế tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, người dân gần như không đi bộ được trên vỉa hè, vai trò buôn bán kinh doanh vỉa hè lấn át lưu thông. Tình trạng này tồn tại trong một thời gian rất dài, do buông lỏng trong quản lý vỉa hè, xử phạt vi phạm trước đây, khi nhiều cuộc ra quân duy trì trật tự chỉ mang tính chất phong trào, rồi đâu lại vào đấy.

* Bà đánh giá thế nào về chiến dịch “giành” lại vỉa hè mà TP.HCM và Hà Nội cùng nhiều địa phương đang thực hiện?
– Chiến dịch “giành” lại vỉa hè của các TP lớn đang thực hiện đều rất quyết liệt, nhưng mỗi nơi thực hiện theo phong cách riêng. Ở TP.HCM, lực lượng chức năng đập bỏ, di dời những chỗ lấn chiếm, điều này là đúng vì không chỉ người dân mà cơ quan, trụ sở nhà nước nếu lấn chiếm vỉa hè sai quy định phải đập bỏ.
Hà Nội thì chính quyền tuyên bố không làm theo chiến dịch mà thực hiện thường xuyên, trước hết là tuyên truyền cho người dân “ngấm”, để dân tự giác dẹp bỏ vi phạm, nếu không thực hiện thì chính quyền mới xử lý, ra quân mạnh tay, đó cũng là một cách làm.
Nét văn hoá hấp dẫn
* Vỉa hè gắn với kế sinh nhai, thậm chí là đặc trưng văn hoá như phố Tây Bùi Viện (TP.HCM), Tạ Hiện (Hà Nội)… Theo bà, các TP cần giải quyết như thế nào để hài hoà giữa việc giành lại vỉa hè và sinh kế của người dân, cũng như giữ lại những đặc trưng văn hoá riêng để thu hút du khách?
– Vỉa hè là quỹ đất vàng, liên quan đến lợi ích rất lớn, ví dụ mỗi mét vuông đất để giữ xe cho thu lợi rất nhiều, chưa kể một sạp hàng buôn bán ở một khu phố lớn có thể nuôi sống cả gia đình. Ở đây cần phải rạch ròi các đối tượng khi “giành” lại vỉa hè: Với đối tượng có cửa hàng buôn bán trong nhà, lấn vỉa hè để bày bán ra hoặc để xe… thì chiến dịch “lấy” lại vỉa hè sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến lợi ích. Họ chỉ cần thực hiện đúng quy định là bày bán trong phần diện tích nhà, tính đến gửi xe cho khách đúng phần TP cho phép; hoặc nếu không được thì lùi diện tích bán hàng để lại một phần trông xe cho khách.
Giữ nếp văn hóa vỉa hè bền vững - ảnh 3

TIN LIÊN QUAN

Quyết liệt nhưng phải cho người dân mưu sinh

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng cho rằng phải siết chặt kỷ cương nhưng cũng phải tạo công ăn việc làm, bố trí một số vỉa hè trên các tuyến đường phù hợp cho người dân kinh doanh  
 
 
Giữ nếp văn hóa vỉa hè bền vững - ảnh 4
Văn hoá vỉa hè cũng là một nét hấp dẫn của Hà Nội, TP.HCM trong mắt du khách, vấn đề là quy hoạch vỉa hè để không ảnh hưởng đến trật tự giao thông. Không thể cấm toàn bộ, nơi nào bố trí được địa điểm thì cho phép đưa một số hoạt động kinh doanh văn hoá như: quầy sạp báo, hàng ăn uống… vào riêng một số khu vực nhất định
Giữ nếp văn hóa vỉa hè bền vững - ảnh 5
TS Đinh Thị Thanh Bình
 
 

Với nhóm thứ hai là bán hàng rong tạm bợ trên vỉa hè, để bền vững được phải tính đến chuyển đổi sinh kế, hoặc quy hoạch lại một khu vực riêng cho phép buôn bán thay thế. Nếu không, khi vắng lực lượng chức năng, họ lại ra buôn bán. Tâm lý đối phó của người dân rất lớn, vừa hôm nọ tôi ăn một quán bún, đến giờ trưa chủ quán nhắc vợ treo biển hiệu ra vì “giờ này trưa thanh tra đi ăn hết rồi”.

Văn hoá vỉa hè cũng là một nét hấp dẫn của Hà Nội, TP.HCM trong mắt du khách, vấn đề là quy hoạch vỉa hè để không ảnh hưởng đến trật tự giao thông. Không thể cấm toàn bộ, nơi nào bố trí được địa điểm thì cho phép đưa một số hoạt động kinh doanh văn hoá như: quầy sạp báo, hàng ăn uống… vào riêng một số khu vực nhất định. Cần rà soát tổng thể, quy hoạch những khu vực được phép buôn bán ở vỉa hè, chỗ nào không được phép, bố trí sắp xếp và đưa vào trật tự vừa đảm bảo mỹ quan đô thị. TP phải quản lý những khu vực này, chứ không phải cấp phép cho một nhóm thành lợi ích riêng đi thầu qua thầu lại. Ví dụ, phố Tạ Hiện (Hà Nội) là phố ăn uống đêm, thu hút khách du lịch nước ngoài rất nhiều, không ảnh hưởng đến giao thông thì vẫn duy trì cho phép thực hiện, quy hoạch lại đâu là dòng giao thông, đâu là vỉa hè cho đi bộ.
Cán bộ sạch thì vỉa hè mới sạch
* Một thực tế khiến vỉa hè khó quản chính là lợi ích nhóm, bảo kê như Chủ tịch UBND TP.Hà Nội mới đây đã chỉ ra. Bà có tin tưởng Hà Nội, TP.HCM sẽ dẹp được nạn bảo kê vỉa hè, khi điều này sẽ va chạm với lợi ích của một bộ phận cán bộ?
– Để được lấn ra vỉa hè hoặc bán hàng trên vỉa hè đều phải tốn “chi phí ngầm” – nộp một khoản tiền cho ông trật tự, ông công an phường, quận nào đó, điều mà ai cũng phải làm nhưng rất khó chứng minh vì không ai dám nói ra, vì nói ra lại mất chỗ buôn bán!
Cán bộ “sạch” thì vỉa hè mới sạch, sạch từ trên xuống dưới mới bền vững được. Để lấy lại vỉa hè, chính quyền vẫn là nòng cốt, phải minh bạch từ chính các cán bộ thực thi, quản lý trực tiếp vỉa hè. Theo tôi, quan trọng nhất chính là tinh thần quyết liệt từ cấp cao nhất của TP sẽ lan truyền đến các cấp bên dưới, tác động cả đối tượng thực thi công vụ và người dân. Tương tự câu chuyện mũ bảo hiểm trước đây, tuyên truyền nhiều lần, sau đó xử phạt quyết liệt người dân phải chấp hành. Việc “giành” lại vỉa hè tất nhiên phức tạp hơn nhiều lần vì liên quan lợi ích chằng chéo cả người dân và một phần lực lượng chức năng, nhưng nếu làm quyết liệt, xử phạt nghiêm sẽ thay đổi được ý thức người dân. Mấu chốt là TP đưa ra quy định, thực hiện kiên quyết nghiêm túc để duy trì quy định, vì chỉ cần nhãng ra, dễ dãi với nhau một chút sẽ nhờn ngay. Quyết liệt làm trong một giai đoạn dài sẽ tạo thành nếp cho người dân, tạo kỷ cương cho cán bộ.
* Từ thực tiễn quản lý vỉa hè các nước, theo bà, Hà Nội, TP.HCM có thể học hỏi những điều gì để quản lý vỉa hè bền vững?
– Nhiều nơi hiện đại hơn VN nhưng vẫn duy trì một phần văn hóa vỉa hè như: Hồng Kông, Thái Lan, Singapore… Các nơi này đều quy hoạch chợ cùng khu vực bán hàng rong riêng biệt, người bán hàng rong cũng phải đăng ký với chính quyền, được cấp phép và đảm bảo an toàn thực phẩm, phải đóng phí để hoạt động.
Hà Nội, TP.HCM không thể dọn sạch vỉa hè như các nước phương Tây được, vì văn hoá vỉa hè là một nét đặc trưng. Vì vậy, cũng nên tính việc quy hoạch lại thành các khu kinh doanh riêng, rà soát lại chức năng khai thác vỉa hè, những đoạn nào, vị trí nào có thể khai thác, chỗ nào không. Ngoài ra, có thể tính tới việc kẻ riêng một màu sơn để phân định phần dành riêng vỉa hè cho người đi bộ.
Mong bao lâu nay…
Theo bà S. (52 tuổi, quê Bình Định), một người bán hàng rong ở khu vực nhà thờ Đức Bà (TP.HCM), bà làm nghề này đã hơn 20 năm. Gánh hàng rong nuôi 3 người con tốt nghiệp đại học, giờ còn người con út vẫn đang học nên bà tiếp tục rong ruổi khắp nơi để buôn bán, dù không biết bao lần bị lực lượng chức năng xử phạt, bị tịch thu đồ đạc.“Mỗi ngày bán lời được 200.000 – 300.000 đồng, tằn tiện lắm mới có dư để nuôi con ăn học. Nhưng mấy ngày nay phải chạy liên tục vì sợ bị “hốt”.
Chúng tôi hỏi: “Nếu UBND Q.1 lập “phố hàng rong” và thu phí thì bà có tham gia không?”. Bà S. nói ngay: “Chúng tôi mong bao lâu nay mà có được đâu. Có chỗ buôn bán ổn định, chi phí rẻ thì mắc gì không đóng phí để buôn bán đường đường chính chính, không phải chạy tới lui nữa”.
Bà B. (60 tuổi, quê Quảng Ngãi), cũng bán hàng rong ở khu vực trung tâm TP gần 20 năm qua, phấn khởi: “Nhiều người nói việc UBND Q.1 làm chỗ bán riêng cho người hàng rong nên tôi rất phấn khởi. Nhưng tôi cũng nghe người ta nói, họ chỉ cho những người ở TP bán, còn người dân tỉnh thì không, nên tôi đang rất lo”.
Đức Tiến

 

Mai Hà 
(thực hiện)