Từ bỏ quán ăn chiếm vỉa hè
Tình trạng hàng quán lấn chiếm lòng lề đường còn bắt nguồn từ thói quen “tiện đâu mua (ăn) đó” của không ít người, nên nếu mọi người cùng “nói không” với quán lấn chiếm vỉa hè thì sẽ góp phần sớm trả lại lề đường cho người đi bộ.
Từ bỏ quán ăn chiếm vỉa hè
Tình trạng hàng quán lấn chiếm lòng lề đường còn bắt nguồn từ thói quen “tiện đâu mua (ăn) đó” của không ít người, nên nếu mọi người cùng “nói không” với quán lấn chiếm vỉa hè thì sẽ góp phần sớm trả lại lề đường cho người đi bộ.
Nhân viên quán ăn trên đường Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM bê bàn ăn vào khi thấy bóng dáng lực lượng trật tự đô thị của phường – Ảnh: Hữu Thuận |
Tôi cùng nhóm bạn thân luôn là “khách hàng thân thiết” của các địa chỉ bán món ăn ngon và đều có chung một tôn chỉ: không ngồi ăn uống trên vỉa hè.
Cái tôn chỉ này đến với nhóm tôi cách đây hơn chục năm, từ một sự kiện bất ngờ xảy ra vào cuối năm học lớp 12 khiến chúng tôi ân hận và thay đổi thói quen chỉ chăm chăm chọn quán “ngon, bổ, rẻ” trước đó.
Hôm ấy, chúng tôi đến quán chè bắp trên đường Dân Chủ (phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM). Đây là một trong những thương hiệu ẩm thực được tuổi teen chúng tôi ưa thích thời đó.
Cũng vì đông khách, mặt bằng thuê phía trong không đủ chỗ ngồi nên quán bày bàn ghế lấn ra hết vỉa hè. Đang lúc vừa ăn chè vừa “tám” chuyện, bất ngờ tôi nghe có tiếng động mạnh và mấy chiếc xe đạp của chúng tôi đổ rạp.
Nằm trên đống xe ấy là một phụ nữ cùng bé gái khoảng 6 tuổi mặc đồng phục học sinh. Người mẹ may mắn chỉ trầy xước nhẹ còn cháu bé bị gãy tay phải.
Nguyên nhân dẫn đến tai nạn một phần do chúng tôi để xe đạp dưới lòng đường, khiến chị dẫn con đi bộ về nhà sau buổi học thêm phải lấn ra gần giữa đường và bị chiếc xe máy lưu thông cùng chiều quẹt phải. Người điều khiển xe đã bỏ chạy luôn.
Dù người mẹ ấy bao dung không làm khó chủ quán và khách nhưng nỗi day dứt khiến chúng tôi không thể tha thứ cho mình.
Đành rằng trước hết do quán chiếm dụng vỉa hè để buôn bán, song chính chúng tôi cũng đã ngầm thỏa hiệp khi chấp nhận ngồi ăn uống ngay trên phần không gian dành cho người đi bộ.
Hối lỗi không bằng việc biết sửa sai. Cho tới bây giờ, chúng tôi vẫn duy trì “lịch” đi ăn uống cùng nhau, song ngoài tiêu chí “ngon, bổ, rẻ”, chúng tôi còn bổ sung thêm điều kiện chọn những quán có ý thức tuân thủ pháp luật, đảm bảo chỗ dựng xe cho khách và tuyệt đối không lấn chiếm lòng lề đường.
Chủ nhật vừa rồi, một thành viên trong nhóm khoe mới phát hiện quán mì Quảng trên đường Lê Văn Việt (quận 9) hội đủ bốn điều kiện của nhóm và mời tất cả đến ăn sáng.
Chỉ sau một lần thưởng thức, chúng tôi đã bị chinh phục bởi chất lượng món ăn, giá cả và nhất là chủ quán dành hẳn 15m2 mặt bằng làm chỗ cho khách dựng xe, mặc dù con đường này có giá thuê mặt bằng thuộc loại cao nhất quận 9.
Nhìn lượng người ra vào không ngớt, tôi hiểu thực khách không chỉ thích món ngon mà còn cảm thấy yên tâm khi ngồi ăn không phải lo mất xe hoặc để xe chiếm lề đường bị lập biên bản.
Tôi được các nhân viên ở đây cho biết quán có nhiều chi nhánh và ở địa điểm nào cũng dành vị trí đậu xe đúng quy định, tính ra vẫn có lợi hơn so với cho khách để xe chiếm lề đường song hằng tháng phải tốn “phí vỉa hè”.
Hoá ra tinh thần thượng tôn pháp luật còn giúp người ta lợi cả đôi đường.
Tôi nghĩ rằng chuyện “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” không chỉ là việc của chính quyền, mỗi chúng ta vẫn có thể góp một phần công sức khi cương quyết “nói không” với các quán ăn lấn chiếm lòng lề đường, bên cạnh đó là ủng hộ những người kinh doanh đúng pháp luật bằng cách sử dụng dịch vụ của họ.
* Bà Nguyễn Thị Kim Nga (chủ quán cà phê, thức ăn trên đường Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM): Đã thuê điểm giữ xe cho khách Tôi thuê mặt bằng mở quán ở đây nhiều năm nay, diện tích không lớn lắm, nếu cải tạo xây dựng tầng hầm để xe thì quá tốn kém nên vẫn tận dụng một phần vỉa hè để dựng xe máy cho khách. Những ngày qua, thấy khắp nơi ra quân lập lại trật tự lòng lề đường, tôi phải thuê một điểm giữ xe cho khách với giá tới 20 triệu đồng/tháng. Chủ trương trả lại vỉa hè cho người đi bộ là chủ trương đúng, tôi hoàn toàn đồng tình và đã hưởng ứng bằng cách thuê bãi giữ xe. Tuy nhiên, tôi cho rằng đối với những nơi có vỉa hè rộng như chỗ tôi thì nên kẻ vạch sơn cho người dân sử dụng để một hàng xe máy, vừa có chỗ cho người đi bộ nhưng cũng tạo điều kiện mua bán cho người dân. Tôi cam kết chỉ sử dụng phần vỉa hè trong vạch sơn và hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu để xe tràn ra vạch sơn. * Ông Dương Hữu Phúc (chủ quán phở Quyền, phường 15, quận Phú Nhuận, TP.HCM): Có chỗ để xe đàng hoàng, khách yên tâm hơn Tiệm phở của gia đình tôi mở bán từ sáng đến trưa và từ chiều đến tối hằng ngày. Do đã buôn bán hàng chục năm nên lượng khách rất đông, có hôm xe máy của khách đậu hàng chục chiếc cùng lúc. Hiểu tâm lý của khách là nếu có chỗ để xe đàng hoàng khách sẽ yên tâm và ăn uống cũng ngon hơn nên tiệm bố trí bàn ăn lùi vào, chừa chỗ đậu một hàng xe của khách ở trong nhà và một hàng xe ngoài vỉa hè, không lấn ra khu vực dành cho người đi bộ. Hôm nào khách đến cùng lúc quá đông thì chúng tôi mượn chỗ ở nhà bên cạnh để giữ xe cho khách. Gần đây UBND phường cũng thông báo yêu cầu các hộ kinh doanh không lấn chiếm lòng lề đường, chúng tôi rất ủng hộ và cam kết sẽ không vi phạm. |