Phòng bệnh ho gà cho trẻ mới sinh
Số mắc ho gà ghi nhận ở các trẻ nhỏ sau sinh có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Đây là bệnh gây biến chứng nguy hiểm, đe dọa tử vong cao với các trẻ dưới 3 tháng tuổi.
Phòng bệnh ho gà cho trẻ mới sinh
Số mắc ho gà ghi nhận ở các trẻ nhỏ sau sinh có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Đây là bệnh gây biến chứng nguy hiểm, đe dọa tử vong cao với các trẻ dưới 3 tháng tuổi.
TS-BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội), cho biết khoa này đang điều trị cho các trẻ bị biến chứng nặng do ho gà. Các trẻ mắc đều chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều, nhiều trẻ mắc ho gà dưới 2 tháng tuổi, trước tuổi có chỉ định tiêm chủng (theo lịch tiêm chủng, trẻ tiêm vắc xin ho gà mũi 1 lúc đủ 2 tháng tuổi).
Một bệnh nhi mới hơn 1 tháng tuổi mắc ho gà, vừa vào Bệnh viện Nhi T.Ư trong tình trạng suy hô hấp, nguy cơ tử vong rất cao. Dù đã qua 10 ngày bé vẫn phải lọc máu và sử dụng máy trao đổi ô xy qua màng ngoài cơ thể. Theo lời người nhà, trước khi nhập viện cháu chỉ bị ho nhẹ nhưng vài ngày sau xuất hiện những cơn ho kéo dài, kèm theo tím tái cơ thể.
Theo Bộ Y tế, số mắc ho gà là trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi có xu hướng tăng trong các năm gần đây. Trong năm 2015, lứa tuổi này chiếm đến 56,5% số mắc ho gà nhập viện. Đây là nhóm trẻ có biến chứng nặng, nguy cơ tử vong rất cao. Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 50 ca mắc ho gà vào điều trị (cùng kỳ 2015 chỉ có 10 trẻ), hầu hết là các trẻ 2 – 3 tháng tuổi, trong đó 4 ca tử vong.
TIN LIÊN QUAN
Chiều 6.3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ký công văn khẩn yêu cầu các sở y tế tăng cường phòng, chống bệnh ho gà.
Theo PGS-BS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, biểu hiện và triệu chứng ban đầu của ho gà thường giống với viêm phế quản thông thường khiến gia đình không biết, chỉ đưa con vào bệnh viện khi bệnh đã diễn biến nặng, đe dọa tử vong. Hiện tại ho gà đang có xu hướng tăng, do đó các bậc cha mẹ cần lưu ý đến sức khoẻ của bé. Nên đưa bé đi khám khi thấy bé bị ho để được chẩn đoán đúng, sớm. “Đặc biệt lưu ý với trẻ nhỏ 1 – 2 tháng tuổi vì ho gà ở các bé mới sinh không dễ phát hiện. Không quá lo lắng nhưng cũng không nên chủ quan vì ngay cả khi bé chỉ được chăm sóc tại nhà cũng vẫn có thể lây vi khuẩn ho gà từ thành viên trong gia đình bởi người lớn có thể mang vi khuẩn nhưng không có biểu hiện bệnh”, BS Điển lưu ý.
Theo PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, ho gà hiện vẫn là một vấn đề cần quan tâm của y tế công cộng, ngay cả ở những nước phát triển với tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 6 tháng tuổi là 0,2%. Vì vậy, từ năm 2011 Uỷ ban Tư vấn về thực hành tiêm chủng Mỹ đã khuyến cáo tất cả phụ nữ có thai nên tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván và nên tiêm ở giai đoạn sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Việc này giúp truyền kháng thể từ mẹ đến thai nhi/trẻ sơ sinh, nhờ đó tăng cường khả năng phòng bệnh cho trẻ, đặc biệt trong 3 tháng đầu đời.
Tại VN, từ tháng 12.2012 – 3.2014, nghiên cứu đánh giá tính sinh miễn dịch của vắc xin phối hợp bạch hầu – ho gà – uốn ván ở phụ nữ mang thai được thực hiện tại 3 xã của H.Lý Nhân (tỉnh Hà Nam). 50 phụ nữ từ 18 – 35 tuổi, mang thai trong khoảng 20 – 32 tuần đã được tiêm vắc xin này. Kết quả cho thấy không chỉ phòng bệnh uốn ván cho mẹ và cho trẻ sơ sinh, vắc xin phối hợp có tác dụng phòng bệnh ho gà rõ rệt. Cụ thể: nồng độ kháng thể bảo vệ mẹ và trẻ sơ sinh phòng bệnh ho gà ở nhóm các mẹ được tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván tăng gấp 6,36 lần so với các mẹ khi mang thai không tiêm vắc xin phòng ho gà.
Theo TS Nguyễn Văn Lâm, đặc điểm của ho gà là kháng thể từ mẹ truyền cho con yếu hơn so với kháng thể các bệnh khác (như bệnh sởi). Tuy nhiên, nếu mẹ tiêm vắc xin ho gà có thể có kháng thể truyền cho con, giúp bé chống lại ho gà, ít nhất là bé sẽ được bảo vệ trong tháng đầu sau sinh.
Điển hình của ho gà là ho rũ rượi, sau đó tím tái, có ngưng thở trong cơn ho. Sau cơn ho, trẻ thường có nôn đờm trắng dính, có thể lẫn các thức ăn khiến cho trẻ dễ hít phải chất nôn, gây viêm phổi nặng do sặc chất nôn. Để phòng bệnh ho gà, gia đình cần cho trẻ tiêm đầy đủ:
Mũi thứ 1: tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi.
Mũi thứ 2: sau mũi thứ nhất 1 tháng.
Mũi thứ 3: sau mũi thứ hai 1 tháng.
Mũi thứ 4: khi trẻ 18 tháng tuổi.
(Nguồn: Bộ Y tế)
|
Liên Châu