10/01/2025

Đừng mang tín ngưỡng thờ Mẫu ra vỉa hè

Một video trên mạng cho thấy thanh đồng đang múa trên nền nhạc chầu văn ngay trên vỉa hè. Người xem thậm chí còn nhét tiền vào ngực đồng để thưởng.

 

Đừng mang tín ngưỡng thờ Mẫu ra vỉa hè

Một video trên mạng cho thấy thanh đồng đang múa trên nền nhạc chầu văn ngay trên vỉa hè. Người xem thậm chí còn nhét tiền vào ngực đồng để thưởng.



Dúi tiền vào ngực áo cô đồngẢNH: CHỤP TỪ CLIP

Rất đông người đứng xem hai người nam giả gái mặc quần áo xanh, đen sặc sỡ có thêu hoa, múa trên nền nhạc chầu văn trong một video có độ dài gần 5 phút. Nhiều người xem đã thưởng tiền cho họ. Tuy nhiên, nếu như những người phụ nữ chỉ đưa tiền tận tay thì nhiều người đàn ông lại lấy tiền dúi thẳng vào ngực áo hai người này. Việc dúi tiền vào ngực không chỉ diễn ra một lần mà còn nhiều lần. Bản thân hai người này cũng không hề phản đối. Nhiều người đàn ông đi ngang qua cũng dừng lại, đu vai bá cổ “cô đồng” để chụp ảnh. Cùng lúc, nhiều người đứng xem rút điện thoại ra ghi hình lại. Video cũng ghi nhận có một đoàn lân đang múa đi tới, trong khi tiếng nhạc hát văn vẫn vang lên. “Bài này là bé Thiện Nhân hát tại Giọng hát Việt nhí mà ghép vào à”, một người xem clip nhận xét về phần âm nhạc được bật lên để các “cô đồng” kia múa.
Hiện chưa rõ người đưa video này lên mạng là ai. Tuy nhiên, ngay khi đưa lên, video đã được đặt kèm nhận xét: “Trong khi hai thanh niên giả gái hầu đồng và nhảy tưng bừng thì nhiều người lao đến nhét tiền vào ngực “cô đồng” tạo ra hình ảnh phản cảm trong lễ hội”.
“Việc này diễn ra tại lễ hội rước đầu pháo đầu năm 2017 ở Lạng Sơn. Đây là một lễ hội truyền thống ở địa phương nên không cần xin cấp phép của Bộ VH-TT-DL”, bà Trịnh Thị Thuỷ, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở, Bộ VH-TT-DL, cho biết khi chúng tôi hỏi về clip này.
 
 
Đừng mang tín ngưỡng thờ Mẫu ra vỉa hè - ảnh 1

Không nên sân khấu hoá thực hành tín ngưỡng. Nghĩa là không được biến các thanh đồng thành diễn viên đi diễn các nơi. Không nên tách việc thực hành tín ngưỡng ra khỏi không gian tâm linh. Nếu cứ thế này thì giá trị văn hoá và giá trị tâm linh sẽ biến tướng và mất

Đừng mang tín ngưỡng thờ Mẫu ra vỉa hè - ảnh 2
 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình

 

Theo thông tin từ trang thông tin của tỉnh Lạng Sơn, lễ hội rước đầu pháo được tổ chức từ 22 – 27 tháng giêng tại đền Tả Phủ, chợ Kỳ Lừa, xã Hoàng Văn Thụ, TP.Lạng Sơn. Trước đây, trong lễ hội, người dân cướp vòng đồng ở một dây quả pháo dài. Ai cướp được vòng đồng sẽ được thưởng một con gà, một cân xôi, một cân rượu và quan trọng hơn cả là năm ấy, họ sẽ tin mình được mạnh khỏe, phát tài. Sau khi khai mạc lễ hội, một đoàn kiệu rước trang hoàng lộng lẫy, có thanh niên trai tráng, trang phục chỉnh tề gọi là “đồng nam” khiêng kiệu. Trên quãng đường đoàn kiệu rước qua, các gia đình bày biện mâm lễ, cúng xôi, gà, hoa quả để cầu may, cầu tài lộc và đốt pháo chào mừng. Từ khi Chính phủ cấm đốt pháo, lễ hội không có việc đốt pháo nữa.

Theo thông tin trong cuốn Đạo Mẫu ở Việt Nam (GS Ngô Đức Thịnh chủ biên), đền Tả Phủ không trong danh sách các đền thờ Mẫu. Như vậy, theo truyền thống không hề có thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.
“Làm biến tướng tín ngưỡng thờ mẫu”
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia) sau khi xem video trên cho biết: “Như thế là làm loạn tín ngưỡng thờ Mẫu”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, sáng lập viên nhóm Đình làng Việt, cho rằng: “Không nên sân khấu hoá thực hành tín ngưỡng. Nghĩa là không được biến các thanh đồng thành diễn viên đi diễn các nơi. Không nên tách việc thực hành tín ngưỡng ra khỏi không gian tâm linh. Nếu cứ thế này thì giá trị văn hóa và giá trị tâm linh sẽ biến tướng và mất. Tôi coi điều này như báng bổ và coi thường giá trị tâm linh”.
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc quốc gia, cũng phản đối. Theo ông, nhóm hát múa này đã sai từ quần áo sai đi. “Ngày xưa các cụ có thế đâu. Không có chuyện quần áo loè loẹt như thế. Ngày xưa chỉ có một cái áo đỏ và một cái khăn đỏ trùm lên đầu thôi. Không biết sao giờ lại thế, thêu lung tung”, ông nói. “Không nên làm nó (thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu – NV) ở vỉa hè. Càng không nên quảng cáo nó ở đường phố vì nó là nghệ thuật của tín ngưỡng. Tín ngưỡng mà tín ngưỡng thờ Mẫu thì có đền phủ hẳn hoi. Cho nên hãy cho nó vào đền phủ, đừng phô nó ra ngoài đường. Và không bao giờ nên để cái tín ngưỡng ấy, vốn hát ở trước cửa phủ, lại bị đem ra vỉa hè”, ông Loan nói thêm.
Cũng theo ông Loan: “Trong trường hợp vì quá yêu mến mà muốn hát ở ngoài đường thì cũng chỉ là cung văn hát từng bài lẻ thôi. Khi đó nó chỉ là biểu diễn bài hát, nghệ thuật đàn hát, chứ không thể có con đồng ở đó để mà nhí nhố. Nói chung là không ai tán thành vụ này”.
Về điều này, bà Thuỷ cho biết hiện Bộ VH-TT-DL cũng đang soạn thảo văn bản để nhắc nhở các địa phương về quản lý việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ tại các di tích. Những vi phạm cụ thể sẽ bị nêu tên. Trong đó, chắc chắn có việc hiểu sai lệch, làm méo mó giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu – di sản đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa đại diện của nhân loại vào tháng 12.2016, và những hình ảnh phản cảm như việc du khách nhét tiền vào ngực cô đồng tại lễ hội rước đầu pháo tại TP.Lạng Sơn này.

 

Trinh Nguyễn