10/01/2025

Cần sửa luật để đảm bảo an toàn thực phẩm

Ngày 6.3, tại TP.HCM diễn ra hội thảo đánh giá thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016 ở các tỉnh phía nam do Quốc hội tổ chức.

 

Cần sửa luật để đảm bảo an toàn thực phẩm

Ngày 6.3, tại TP.HCM diễn ra hội thảo đánh giá thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016 ở các tỉnh phía nam do Quốc hội tổ chức.



Phụ phẩm heo thối bị bắt giữ ở TP.HCM	 /// Ảnh: Công Nguyên

Phụ phẩm heo thối bị bắt giữ ở TP.HCMẢNH: CÔNG NGUYÊN

Hội nghị có sự tham dự của Uỷ viên Bộ Chính trị – Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng; Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và nhiều lãnh đạo bộ ngành, tỉnh thành phía nam.
Mức phạt chưa đủ răn đe
Thay mặt đoàn giám sát Quốc hội, TS Phùng Đức Tiến, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, cho hay đến nay đoàn đã giám sát tình hình an toàn thực phẩm (ATTP) tại 19/21 tỉnh được chọn giám sát; nghiên cứu báo cáo của UBND 63 tỉnh, thành về công tác ATTP giai đoạn 2011 – 2016, báo cáo của Chính phủ và của các bộ ngành.
Qua giám sát, theo TS Tiến, ngoài một số mặt làm được, việc bảo đảm ATTP còn những tồn tại như: Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu hướng dẫn cụ thể; nguồn kinh phí cho công tác ATTP còn ít. Ngoài ra, nguyên liệu đầu vào cho chế biến thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ; việc giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo ATTP phổ biến ở nhiều địa phương; công nghệ chế biến lạc hậu; số lượng vụ ngộ độc thực phẩm ở các tỉnh còn lớn; mức xử phạt chưa đủ răn đe…
Tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần giải pháp và dịch vụ truy xuất nguồn gốc, bức xúc chất lượng thực phẩm của VN đang ở tình trạng báo động, kể cả hàng xuất khẩu. Bà dẫn chứng vừa rồi hạt tiêu được giá nhưng tiêu VN không bán được vì chất lượng có vấn đề; gạo thì bị Mỹ trả 40.000 tấn vì nhiễm thuốc trừ sâu; cá tôm xuất khẩu thì bị tẩy chay, rớt giá vì bơm nước và tạp chất. Cá tra một thời là thế mạnh của xuất khẩu thủy sản VN nhưng do các công ty cạnh tranh về giá và hạ thấp chất lượng đến nay giá rớt thê thảm.
“Thực phẩm trong nước cũng không đảm bảo chất lượng. Tôi kiến nghị thành lập cơ quan quản lý thực phẩm quy mô quốc gia để quản lý thực phẩm. Việc này không thể chậm trễ, nhiều tổ chức nước ngoài hoạt động ở VN cũng kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa làm được”, bà Minh cho hay.
Trong khi đó, TS Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng VN, cho hay không cần thiết phải thành lập cơ quan kiểm soát ATTP vì sẽ tốn thêm kinh phí nhân sự, thay vào đó nên tổ chức cho phù hợp cơ quan quản lý thực phẩm hiện có. Tuy nhiên, tân Trưởng ban ATTP TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan cho hay sự ra đời của cơ quan ATTP TP.HCM không phát sinh thêm nhân sự mà chỉ tổ chức lại lực lượng hiện có, thậm chí sẽ giảm nhân sự nếu có người không phù hợp xin nghỉ.
Kiểm soát chặt các chợ đầu mối
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh cho biết thêm, để bảo đảm chất lượng thực phẩm, trong trồng trọt bắt buộc phải áp dụng quy trình GAP (thực hành nông nghiệp tốt), còn trong chế biến phải áp dụng HACCP (hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn). Nhà nước nên có sự hỗ trợ và lộ trình để doanh nghiệp áp dụng quy trình này. Bà Minh còn kiến nghị cần kiểm soát chặt chợ bán buôn đầu mối bởi đây là đầu vào của các nguồn thực phẩm sau đó mới đi về các chợ bán lẻ. Liên quan đến việc kiểm tra chất lượng, bà Minh cho hay hiện có nhiều phòng thí nghiệm được lập ra nhưng một số phòng lại không hoạt động mà chỉ bán giấy kiểm tra để lấy tiền.
Cần sửa luật để đảm bảo an toàn thực phẩm - ảnh 1

Một vụ bắt giữ vú heo thối hồi cuối năm 2016 tại TP.HCMẢNH: CÔNG NGUYÊN

Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho hay việc kiểm soát ATTP ở VN chỉ thực hiện tốt ở các thương hiệu lớn còn ở các công ty, cơ sở nhỏ lẻ vẫn chưa tốt. Chưa truy xuất được nguồn gốc thực phẩm nên nguy cơ mất ATTP ở VN vẫn còn cao. “Điều đáng nói là vi phạm về ATTP rất phổ biến. Trong 3 triệu cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng suốt thời gian qua, có 600.000 cuộc vi phạm nhưng chỉ xử lý vi phạm 120.000 vụ. Số tiền thu được từ vi phạm là 133 tỉ đồng, tính bình quân chỉ xử lý 200.000 đồng/vụ, không đáng bao nhiêu. Có những địa phương vấn đề ATTP ở mức báo động, thậm chí mức báo động đỏ, từ đó ảnh hưởng đến cuộc sống người dân”, ông Hiển nói.

Theo ông Hiển, để xảy ra tình trạng kém ATTP do cơ chế pháp luật chưa phù hợp, cần phải sửa đổi từ luật ATTP đến luật Hình sự; nâng cao trách nhiệm của người xử lý; ý thức, trách nhiệm của người tiêu dùng.
Bổ nhiệm Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM
Ngày 6.3, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã trao quyết định bổ nhiệm PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP, giữ chức vụ Trưởng ban Quản lý ATTP TP, đây là đơn vị quản lý ATTP thí điểm đầu tiên của cả nước theo quyết định của Chính phủ.
Trả lời Thanh Niên sau khi nhận nhiệm vụ mới, bà Lan cho biết trước mắt, Ban ATTP phải củng cố tổ chức, rà soát quy trình, xây dựng cơ chế đột phá, tiếp tục các công việc đang dở dang mà 3 sở (Y tế, Công thương và NN-PTNT) đã tiến hành trong công tác quản lý ATTP. Đây là mô hình mới nên sẽ phải vừa quyết liệt, vừa thận trọng và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực.
Duy Tính

 

Trung Hiếu