29/11/2024

Sai sót trong sách về 30 năm đổi mới, phát triển của Hà Nội

Cuốn sách Hà Nội 30 năm đổi mới, phát triển (1986 – 2016) do NXB Hà Nội ấn hành vừa ra mắt năm 2017 là một công trình nghiên cứu gần 700 trang, cung cấp thông tin về các thành tựu của thủ đô trong suốt 30 năm qua.

 

Sai sót trong sách về 30 năm đổi mới, phát triển của Hà Nội

Cuốn sách Hà Nội 30 năm đổi mới, phát triển (1986 – 2016) do NXB Hà Nội ấn hành vừa ra mắt năm 2017 là một công trình nghiên cứu gần 700 trang, cung cấp thông tin về các thành tựu của thủ đô trong suốt 30 năm qua. Bên cạnh những thông tin được Thành uỷ Hà Nội đánh giá là “có tính khoa học và thực tiễn cao”, nhiều thông tin liên quan đến tư liệu lịch sử lại mắc những sai sót đáng tiếc.


 

 

Một số đoạn sai sót 
trong sách

Một số đoạn sai sót trong sách

Chuyển giao “16 chữ vàng” của Nguyễn Khắc Niêm cho Lê Quý Đôn
 
 
PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, cho rằng: “Một cuốn sách tuyên truyền rộng rãi về Hà Nội của Thành ủy Hà Nội thì phải thận trọng với những chi tiết lịch sử. Để xảy ra các lỗi sai sẽ là nguy cơ trong tương lai khi người đọc sẽ tưởng lầm đó là kiến thức cho thế hệ mới”.
 

Trang 31 sách này viết: “Ngay từ những ngày đầu đất nước mới độc lập, Bác Hồ đã cảm hóa và quy tụ được nhiều nhân tài, ở trong nước có Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn…, ở ngoài nước có Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Phan Anh… – những trí thức Việt kiều nổi tiếng ở Pháp theo Bác về giúp dân giúp nước”. Các nhà trí thức Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước thì đúng là Việt kiều theo Bác Hồ về nước năm 1946. Còn Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Phan Anh không phải Việt kiều, mà họ làm việc ở trong nước trước khi nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập (2.9.1945).

Vẫn trang 31 nhắc đến truyền thống trọng dụng nhân tài như Quang Trung 5 lần tự mình đến mời La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp ra giúp nước: “Nối tiếp truyền thống đó, mảnh đất Thăng Long xưa, Hà Nội nay luôn đánh giá rất cao vai trò của nhân tài. Và như nhà bác học Lê Quý Đôn đã nói: “Tôn tài thì đại thịnh, tôn nịnh thì đại nguy, tôn lộc thì đại suy”, nên Thăng Long – Hà Nội vừa là nơi “đất lành chim đậu” quy tụ hào kiệt bốn phương, vừa sinh ra nhiều anh tài kiệt xuất…”. Tuy nhiên, theo Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên, những câu này là ở trong Tứ tôn châm của Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm. Đỗ Hoàng giáp năm 1907 khi 19 tuổi, vào triều kiến vua Thành Thái, Nguyễn Khắc Niêm đã đọc 4 câu góp kế sách với “16 chữ vàng” để phục hưng quốc gia. Đó là: “Tôn tộc đại quy/Tôn lộc đại nguy/Tôn tài đại thịnh/Tôn nịnh đại suy”. Nhà nghiên cứu văn hoá Trần Đại Vinh ở Huế dịch như sau: “Tôn trọng nòi giống ắt đại hòa hợp/Tôn trọng bổng lộc, ắt đại nguy nan/Tôn trọng tài năng ắt đại phồn thịnh/Tôn trọng siểm nịnh ắt đại suy vong”. Như vậy, tác giả Hà Nội 30 năm đổi mới, phát triển (1986 – 2016) không chỉ dẫn sai tên mà còn sai thứ tự nội dung của Tứ tôn châm.
GS Nguyễn Khắc Phi (nguyên Tổng biên tập NXB Giáo dục VN), con trai Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm cho biết: “Bài Tứ tôn châm của cha tôi đã có khoảng 20 tờ báo viết. Riêng năm 2016 thì “được mùa” vì có tới 4 tờ báo lớn nhắc đến. Hoàn cảnh ra đời Tứ tôn châm đã được ghi chép lại trong Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên, bộ chính sử của triều Nguyễn viết về hai vua Thành Thái, Duy Tân, do Cao Tự Thanh và cộng sự dịch, xuất bản năm 2011, tái bản năm 2012. Có nhiều nguồn để người biên soạn có thể tham khảo kia mà!”.
Sai sót trong sách về 30 năm đổi mới, phát triển của Hà Nội - ảnh 1

“Rồng cuộn, hổ ngồi” trong binh pháp nào ?
Đặc biệt, bài viết Hà Nội mở rộng – không gian và tiềm lực (trang 304 – 334) có những lỗi sai về sử liệu và có phần suy diễn.
Trang 321 có đoạn: “… làng Canh Diễn quê hương của nhà thơ Xuân Thủy, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường, làng Lai Xá, quê tổ nghề chụp ảnh, quê cụ Hưng Ký là người giúp việc Nguyễn Ái Quốc ở Paris học nghề rửa – sửa ảnh, cũng là quê tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ giáo dục đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà”…
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường không phải quê làng Canh Diễn, mà là Cổ Nhuế. Còn tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên không phải Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, mà ông chỉ là bộ trưởng lâu nhất với 30 năm đứng đầu ngành giáo dục (1946 – 1975). Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên là cụ Vũ Đình Hoè. Thứ ba, không có cụ Hưng Ký nào gắn với Nguyễn Ái Quốc và nghề chụp ảnh, sửa ảnh ở Paris (Pháp).
Trả lời Thanh Niên, ông Lê Tiến Dũng, Tổng giám đốc NXB Hà Nội, đồng thời là tác giả bài viết này, giải thích rằng ông sử dụng tư liệu của cố GS Trần Quốc Vượng trong sách Đất thiêng ngàn năm văn vật (NXB Hà Nội, 2010). Để chứng minh, ông Dũng đã lật giở trang 523 cuốn sách này. Tuy nhiên, trong sách chỉ viết: “tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ giáo dục thời đại Hồ Chí Minh”. Chi tiết Nguyễn Ái Quốc với nghề sửa ảnh thì ông Lê Tiến Dũng tự viết thêm chữ “việc” vào thành: giúp việc. Cuốn sách này được xuất bản năm 2010 sau khi GS Trần Quốc Vượng qua đời 5 năm. Qua các tư liệu lịch sử cho thấy, không có cụ Hưng Ký nào giúp Nguyễn Ái Quốc nghề sửa ảnh ở Paris, mà đó là cụ Nguyễn Đình Khánh – tức Khánh Ký, người thầy dạy nghề của Nguyễn Ái Quốc. Năm 1946, khi đã trở thành người đứng đầu nhà nước, sang thăm hữu nghị nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc – lúc này là Chủ tịch Hồ Chí Minh biết tin cụ Khánh Ký mới qua đời, Người đã đến viếng mộ cụ.
Trang 323 viết: “Lật giở từng trang sử vàng truyền thống, chúng ta thấy khắc ghi tên tuổi của những kẻ sĩ Bắc Hà như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Hồ Đắc Di, Tạ Quang Bửu, Hoàng Xuân Hãn, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Huyên, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Văn Giàu, Nguyễn Khắc Viện… Tinh thần và khí phách kẻ sĩ Bắc Hà đã thấm sâu, hun đúc và trở thành một tố chất trong phẩm chất của trí thức và của người dân Thăng Long – Hà Nội xưa cũng như nay”. Kẻ sĩ Bắc Hà làm sao lại có cả cụ Huỳnh Thúc Kháng (người nam Trung bộ), GS Trần Đại Nghĩa và GS Trần Văn Giàu (người Nam bộ)? Ông Lê Tiến Dũng giải thích: Theo tiêu chí đặt ra, những người lập nghiệp trên đất Hà Nội nổi tiếng có nhiều đóng góp cho đất nước, cho Hà Nội cũng đáng để tôn vinh. Khi chúng tôi hỏi đó là tiêu chí nào, ở đâu, thì ông nói: “Ý của tôi là như thế”.
Trang 327 tác giả dẫn một chi tiết trong Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ nhận xét về thành Đại La – thế rồng cuộn hổ ngồi – rồi có đoạn giải thích: “Theo binh pháp xưa “thế rồng cuộn, hổ ngồi” thể hiện sức mạnh và quyền uy của bậc vua chúa, thậm chí quân giặc chỉ cần nhìn thấy vị vua hoặc vị tướng từ cách đi đứng, ăn nói có hình dung diện mạo, uy vũ ngất trời, nhìn thấy đối phương có quân mạnh, tướng hùng, lại bố trí thế trận được ví von như “rồng cuộn, hổ ngồi” là tự khắc tan, tự bại mà không cần đánh”. Chúng tôi nêu câu hỏi binh pháp nào viết như trên, ông Lê Tiến Dũng lý giải “đây là tính văn học thôi, có gì đâu. Theo tôi hiểu đó có thể là binh pháp Tôn Tử. Rõ ràng là tính văn học thôi, tuỳ cảm nhận của mỗi người”.
Theo ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, cuốn sách này được in 4.500 bản, không bán mà phát hành đến thư viện các quận, huyện, sở ban ngành, các trường đại học, cao đẳng, ban tuyên giáo, thư viện các tỉnh thành phố để tuyên truyền.

Kiều Mai Sơn