29/11/2024

Phượt xuyên Việt: Thử thách kiểu chết người

Nhiều ngày qua, cộng đồng mạng xôn xao câu chuyện thách đố nhau phượt xuyên Việt, hành trình từ TP.HCM đi Hà Nội (khoảng 1.730km) với thời gian càng ngắn càng tốt.

 

Phượt xuyên Việt: Thử thách kiểu chết người

Nhiều ngày qua, cộng đồng mạng xôn xao câu chuyện thách đố nhau phượt xuyên Việt, hành trình từ TP.HCM đi Hà Nội (khoảng 1.730km) với thời gian càng ngắn càng tốt.

 

 

 

Phượt xuyên Việt: Thử thách kiểu chết người
Một nhóm phượt có lộ trình, kế hoạch rõ ràng khi mang quà đến cho các học sinh tiểu học Hồng Ngài (xã Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai) – Ảnh: T.T.D.

Nhiều ý kiến cho rằng các bạn trẻ đang làm méo mó hình ảnh của cộng đồng phượt VN (“phượt” tạm hiểu là tự đi du lịch bụi bằng các phương tiện cá nhân), gây nguy hiểm cho chính mình và người khác.

Coi chừng đông máu, thuyên tắc động mạch chân

Chưa bàn đến tính chính xác của chuyện một bạn trẻ thông tin mình đi xe máy xuyên Việt chỉ mất khoảng 28 tiếng 30 phút (bạn này chạy xe chủ yếu) thì việc trong các diễn đàn, hội nhóm về phượt có không ít bạn trẻ đang thách đố nhau thực hiện lại lộ trình này với thời gian… ngắn hơn mới đáng sợ.

Theo ThS.BS Cao Xuân Minh (TP.HCM), cơ thể người bình thường có giờ làm việc, có giờ nghỉ ngơi. Khi người ta chạy xe liên tục nhiều giờ, quy luật này sẽ bị phá vỡ. Nếu tình trạng đó không kéo dài thì cơ thể vẫn chịu đựng được, nhưng sẽ ở trạng thái thiếu ngủ vì phải tập trung liên tục. Lúc này độ minh mẫn, thể trạng của cơ thể sẽ không đảm bảo, đặc biệt là việc điều khiển xe. Điều này gây nguy hiểm cho chính người cầm lái và cho người khác.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên cao cấp ĐH Y dược TP.HCM, cho biết việc di chuyển bằng xe máy liên tục trên một quãng đường với thời gian dài mấy chục giờ rất không tốt cho sức khoẻ, nhất là vấn đề tim mạch.

“Ngồi lâu ở một tư thế, không có vận động chân tay sẽ làm ứ trệ tuần hoàn, gây nặng thêm bệnh suy tĩnh mạch làm sưng phù chân.

Khi máu kém chuyển động sẽ gây nên tình trạng hình thành các cục máu đông, gây ra thuyên tắc động mạch chân, tay hay động mạch vành, gây nhồi máu cơ tim, thuyên tắc động mạch não gây đột quỵ” – BS Hoài Nam cảnh báo.

Ngoài ra, việc đi lại như vậy qua nhiều địa phương suốt chiều dài đất nước sẽ ảnh hưởng nhiều đến nhịp và đồng hồ sinh học của cơ thể, gây ra những rối loạn về nhịp sinh học, đảo lộn các chu trình chuyển hóa trong cơ thể, gây nên những mầm mống cho bệnh tật phát sinh về sau.

Phượt xuyên Việt: Thử thách kiểu chết người
Nhiều dân phượt muốn hành trình của họ dài ra để được đi đến nhiều nơi, được kết hợp làm những hoạt động từ thiện… – Ảnh: T.T.D.

Ảnh hưởng thần kinh

PGS.TS.BS Nguyễn Thi Hùng, phó chủ tịch Hội Thần kinh TP.HCM, cảnh báo việc lái xe đường trường trong thời gian dài có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, từ đó mất khả năng tập trung, dẫn đến nguy cơ gây tai nạn.

Bên cạnh đó, vì nhịp sinh học bị xáo trộn nên khi kết thúc hành trình trở về, những “phượt thủ” sẽ khó lấy lại sự cân bằng với nhịp sống bình thường ngay được.

Về mặt xương khớp, TS.BS Tăng Hà Nam Anh chia sẻ việc phải ngồi một tư thế cố định sẽ làm các khớp trong cơ thể không được vận động, mang đến nhiều mối nguy hại cho sức khoẻ mà người trẻ thường ỷ vào sức trẻ của mình, chủ quan cho qua.

Cụ thể, các khớp ở tư thế không được vận động sẽ dễ bị đau. Những bộ phận chính chịu tác động mạnh của việc ngồi lâu, di chuyển liên tục và có độ rung lắc khi lái xe là cổ, xương sống, cổ tay… Về lâu dài có thể gây đau lưng, đau cổ, hội chứng ống cổ tay, hư khớp…

BS Nam Anh cho biết ở một số nước quy định rõ chạy xe khoảng hai giờ là tài xế phải dừng nghỉ ngơi. Quy định này dựa theo các nghiên cứu về sức khỏe, sức chịu đựng và khả năng tập trung của con người khi lái xe đường trường.

Nguy hiểm cho người khác

Theo luật sư Lê Cao (Đà Nẵng): “Việc công khai chuyện chạy xe “bán sống bán chết” là không nên, có thể vi phạm Luật giao thông đường bộ. Cơ quan chức năng có thể làm rõ hoặc bằng các phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ để xác định có hành vi vi phạm hành chính hay không, nếu có thì hoàn toàn có thể xử phạt”.

Ông Cao cho rằng các bạn trẻ có thể có những trải nghiệm mạo hiểm của riêng mình như chạy xe máy xuyên Việt, “trèo đèo vượt núi”, nhưng cách thức thể hiện chạy xe với tốc độ khủng khiếp là điều không có gì đáng để tự hào. Chúng ta có thể mạo hiểm trong trải nghiệm, nhưng liều mạng thì không nên.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc một công ty du lịch, cho rằng các bạn trẻ không nên cổ súy hành vi này vì như vậy sẽ vô tình gây nên sự hiểu nhầm về phượt. Đặc biệt, khi mạng xã hội như một thế giới thu nhỏ thì việc tung hô hành động này tạo nên cái nhìn thiếu thiện cảm về bạn trẻ mê phượt VN trong mắt bạn bè quốc tế.

Đi phượt cẩn thận những nơi nhiệt độ lạnh

PGS.TS.BS Lê Tiến Dũng, trưởng khoa hô hấp Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, lưu ý mọi người nên chuẩn bị kỹ khi đi du lịch, đi phượt đến những vùng có nhiệt độ thấp, vùng đồi núi, nhất là vào thời điểm nửa đêm, khi nhiệt độ xuống thấp.

Lúc này, nếu không có những biện pháp bảo vệ cần thiết thì cơ thể sẽ không thích nghi được và đây sẽ là yếu tố gây bất lợi cho những người có các bệnh như cao huyết áp, thiếu máu cơ tim…

Vì thế trước khi đến một vùng đất nào đó có nền nhiệt độ thấp, người đi du lịch phượt nên xem kỹ các thông tin về thời tiết, nhiệt độ cao nhất – thấp nhất, nhiệt độ lúc nửa đêm. Từ đó sẽ có các bước chuẩn bị về trang phục, chỗ trú ẩn kín gió, đủ độ ấm để bảo đảm an toàn cho cơ thể.

MẠNH KHANG – TRÀ MY