29/11/2024

Hà Nội dẹp vỉa hè nhưng vẫn dành cho kinh doanh

Phần lớn người dân, các hộ kinh doanh tại Hà Nội cho biết họ ủng hộ việc lập lại trật tự giúp cho vỉa hè thông thoáng, đô thị trật tự văn minh.

 

Hà Nội dẹp vỉa hè nhưng vẫn dành cho kinh doanh

Phần lớn người dân, các hộ kinh doanh tại Hà Nội cho biết họ ủng hộ việc lập lại trật tự giúp cho vỉa hè thông thoáng, đô thị trật tự văn minh.

 

 

Hà Nội dẹp vỉa hè nhưng vẫn dành cho kinh doanh  
Vỉa hè nhiều tuyến phố tại Hà Nội bị lấn chiếm bán hàng và để xe máy – Ảnh: V.DŨNG

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ trong ngày 5-3 tại một số tuyến phố trong khu vực phố cổ (Hàng Tre, Hàng Vôi, Hàng Bông…), đường Láng, Tây Sơn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học…, vỉa hè dành cho người đi bộ cơ bản đã được trả lại thông thoáng.

Ngoài những tuyến phố đã được ra quân tuyên truyền, xử lý, vẫn còn rất nhiều tuyến phố đang bị lấn chiếm vỉa hè nghiêm trọng.

Tại nhiều nơi, các cửa hàng kinh doanh, buôn bán vẫn ngang nhiên bày bán, để xe máy kín cả vỉa hè, cả dọc tuyến đường gần như người đi bộ phải đi dưới 
lòng đường.

Xử lý triệt để

Trước thông tin trong thời gian tới Hà Nội sẽ xử lý quyết liệt việc vi phạm lấn chiếm vỉa hè, phần lớn người dân, các hộ kinh doanh cho biết họ đều ủng hộ việc làm này giúp cho vỉa hè thông thoáng, đô thị trật tự văn minh.

Mặc dù ít nhiều bị ảnh hưởng tới việc kinh doanh nhưng bà Nguyễn Thị Kim Dung, chủ cửa hàng kinh doanh chè ở 95 Hàng Bạc, thừa nhận chủ trương xử lý vi phạm vỉa hè là rất đúng đắn.

“Chúng tôi đồng tình ủng hộ, việc kinh doanh của chúng tôi chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, tuy nhiên nếu xử lý dứt điểm và nghiêm túc thì dần dần tất cả mọi người cũng sẽ quen” – bà Dung nói.

Đại tá Nguyễn Hồng Thái – trưởng Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội – cho biết bắt đầu từ ngày 7-3, lực lượng cảnh sát trật tự phối hợp với công an các phường, các ban ngành liên quan thực hiện ra quân quyết liệt xử lý tình trạng vi phạm lấn chiếm vỉa hè tại thủ đô.

“Thời gian vừa rồi quận đã vận động người dân, đã nhắc nhở những hộ vi phạm nhiều lần. Cũng có một số nơi làm tốt, người dân ý thức tốt nên tình trạng vi phạm giảm bớt nhưng vẫn có một số nơi tình trạng lấn chiếm vỉa hè diễn ra phổ biến.

Ngay trong đợt ra quân lần này, cùng với việc tuyên truyền nhắc nhở, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra và xử lý vi phạm luôn” – ông Thái nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Công an quận Đống Đa cho biết trong ba tháng gần đây nhất, Công an quận Đống Đa đã xử lý hơn 2.000 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt khoảng 2,3 tỉ đồng.

“Về cơ bản trật tự vỉa hè trên địa bàn quận đã được lập lại, tuy nhiên vẫn có một số nơi xảy ra tình trạng tái chiếm. Quận đã thành lập 7 tổ, liên kết 3 phường thành 1 tổ để tập trung xử lý hành vi lấn chiếm vỉa hè.

Tình trạng tái chiếm vẫn xảy ra nhưng chúng tôi xác định phải làm từ từ, làm thường xuyên chứ không phải chỉ ra quân hình thức nên sau các đợt cao điểm thì sẽ không lơi lỏng, phải kiểm tra 
thường xuyên” – vị này nói.

Cũng theo vị lãnh đạo này, ngoài xử lý vi phạm thì còn thường xuyên nhắc nhở người dân không lấn chiếm vỉa hè.

“Quan trọng nhất vẫn là công tác dân vận để các hộ kinh doanh hiểu và có ý thức hơn trong việc không lấn chiếm vỉa hè” – lãnh đạo Công an quận Đống Đa nói.

Vẫn dành vỉa hè cho kinh doanh

Về nhu cầu để xe của người dân, theo ông Nguyễn Hồng Thái, trên địa bàn quận Hoàng Mai chủ yếu là các vỉa hè rộng trên 2,5m nên lực lượng chức năng đều kẻ vạch sơn xác định khu vực được phép để xe, phần vỉa hè còn lại thì phải dành cho người đi bộ.

Tuy nhiên, nhiều nơi các hộ kinh doanh vẫn xếp xe máy thành hàng 2, hàng 3 tràn ra ngoài vạch sơn, lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ.

“Quan trọng là các hộ kinh doanh có chấp hành nghiêm và để xe theo vạch sơn đã kẻ không, nếu để xe đúng nơi quy định thì nhu cầu để xe vẫn được đáp ứng mà người dân vẫn đi bộ được trên vỉa hè.

Thực trạng này muốn giải quyết thì cũng cần thời gian vừa xử lý vi phạm quyết liệt đồng thời nhắc nhở, tuyên truyền để người dân nắm được các quy định và không vi phạm” – ông Thái nói.

Ông Vũ Đại Phong, chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, cho biết lâu nay các tuyến phố trên địa bàn quận đều đã có quy định khu vực được phép để xe máy trên vỉa hè.

Những tuyến phố đủ điều kiện về diện tích, chiều rộng trên 2,5m đều có kẻ vạch sơn cho phép khu vực được để xe máy.

Theo ông Phong, quan điểm của quận không phải cấm tất cả việc để xe máy trên vỉa hè, đặc biệt là trong điều kiện hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.

“Với những tuyến phố có chiều rộng vỉa hè từ 2,5m trở lên đều được quận bố trí khu vực để xe máy. Để xe máy một hàng sẽ chiếm mất khoảng 1,2m, còn lại là diện tích dành cho đi bộ” – ông Phong cho hay.

Ông Phạm Tuấn Long, phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết quận cũng đã có những nghiên cứu rất cụ thể về điều kiện để xe máy, địa điểm để xe máy của các hộ dân, hộ kinh doanh trên các tuyến phố, đặc biệt là khu vực phố cổ.

Theo ông Long, nếu từng đơn vị, từng hộ kinh doanh chấp hành nghiêm trong giới hạn vạch kẻ cho phép thì vỉa hè vẫn còn diện tích cho người đi bộ.

“Tại các điểm di tích, tại các tuyến phố có các bệnh viện, quận đều đã bám sát các chỉ đạo của thành phố để làm việc với Phòng cảnh sát giao thông, trật tự và Sở Giao thông vận tải về việc sắp xếp các điểm trông giữ phương tiện.

Như vậy, về việc tạo điều kiện về chỗ gửi xe, nơi gửi xe là vẫn có. Ngay trên các tuyến phố cũng cho phép để xe trên vỉa hè trong giới hạn đã kẻ vạch sơn” – ông Long nói.

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Trước lo lắng nếu chỉ xử lý trong một thời gian ngắn, vỉa hè sẽ bị tái lấn chiếm, ông Thái cho biết quận Hoàng Mai sẽ làm theo hình thức “cuốn chiếu”, xử lý vi phạm triệt để trên từng tuyến phố rồi bàn giao cho phường quản lý.

“Chúng tôi sẽ có những biện pháp tăng cường, duy trì công tác hậu kiểm. Sau khi đã có vỉa hè “sạch” và bàn giao, chúng tôi sẽ yêu cầu các phường phải cam kết không để lấn chiếm.

Nếu như phường nào quản lý không tốt, để xảy ra tình trạng tái chiếm vỉa hè thì sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu, xử lý theo đúng quy chế, quy định” – ông Thái nhấn mạnh.

 

XUÂN LONG – THÂN HOÀNG – CHÍ TUỆ